“Sài gòn ngày ấy…” |
Tác Giả: Võ Phá |
Chúa Nhật, 19 Tháng 4 Năm 2009 22:08 |
Các bạn thân mến, Sáng nay, mở computer tôi nhận được email của bạn NQĐ gởi hồi ký của Hoàng Lan Chi tựa đề “Sài gòn ngày ấy…” đăng trên Diễn đàn thơ văn. Hồi ký khá dài nhưng tôi đọc một mạch cho đến hết. Đọc xong thấy lòng bồi hồi xúc động vì những hình ảnh xa xưa của Sài gòn yêu quý của chúng ta. Sài gòn của Hoàng Lan Chi không xưa cũ và không đậm đà bằng Sài gòn của chúng ta. Sài gòn của cô ấy chỉ bắt đầu từ năm 1954, lúc gia đình cô ấy di cư vào Nam, còn Sài gòn của chúng ta xưa hơn nhiều. Cô ấy cũng nhỏ tuổi hơn chúng ta nên lòng hoài cổ có lẽ cũng không sâu đậm bằng của chúng ta. Vì ý nghĩ đó cho nên khi đọc xong hồi ký của Hoàng Lan Chi, bỗng dưng tôi thèm nhắc lại thời thơ ấu của anh em mình trước năm 1954, cái thời đã trở thành hoa gấm trong ký ức của chúng ta. Tôi cũng xin đề nghị mỗi anh em mình hãy nhớ lại thời hoa gấm đó và chịu khó ngồi gõ computer để kể cho nhau nghe. Đó cũng là một cách khá hay để tiêu thụ thời gian của cái tuổi già của chúng ta. Vì là người đề xướng cho nên tôi xin mạn phép bắt đầu trước tiên. Dạo đó Sài gòn chỉ có 4 trường trung học: Petrus-Ký và Gia Long cho con trai con gái dân thuộc địa, Chasseloup Laubat cho các anh Tây mũi lõ mũi tẹt, Marie Curie cho các chị đầm da trắng da vàng. Lúc mới vào trường, tôi đã nghe các anh secondaire (học các lớp đệ nhị cấp) nói rằng Gia long là của Petrus Ký, Marie Curie là của Chasseloup; đi tìm người yên lộn tuyến là vỡ mặt ngay. Mãi sau năm 1954 mới thêm 2 trường trung học lớn là Chu văn An và Trưng Vương, lập thêm một lĩnh vực sở hữu tình yêu riêng biệt. Nhưng thôi, ba cái chuyện yêu đương lăng nhăng đó là của các anh lớn tuổi còn bọn nhóc chúng ta thuở đó chỉ lo chuyện chơi thôi. Chuyện chơi lý thú nhất là đá banh. Trước trường, bên kia đường có một bãi đất khá rộng, anh em mình dùng làm sân banh. Những năm mới vào trường, học buổi chiều, 1 giờ trưa vào lớp thì 12 giờ trưa đã có mặt để đá một trận dưới trời nắng đổ lửa. Đến giờ vào học, ngồi trong lớp, lửa trong người cứ cháy phừng phừng. Nếu lúc đó được cởi trần truồng ra mà quạt phành phạch thì trong trần gian không có gì hạnh phúc cho bằng. Bên vệ đường sát sân banh, bao giờ cũng có một ông già đẩy xe cà rem đến bán, 1 cắc 1 cây. Có khi đưa 1 cắc nhưng chưa lấy cà rem mà đổ xí ngầu cùng ông già. Nếu mình thắng thì thành 2 cây, thắng nữa thì thành 4 rồi 8 cây, vân vân. Nếu thua thì mất hết. Có lần tôi được đến 16 cây. Ông già xé một mảnh giấy nhỏ bẳng nửa bàn tay, dùng bút chì viết số 16 vào đó. Mỗi ngày, tôi ăn một cây thì ông già dùng bút chì gạch một vạch. Đến khi đếm đủ 16 vạch thì vứt mảnh giấy đi. Cũng như tôi, vài người cũng trúng như thế nhưng không bao giờ có chuyện rắc rối xảy ra. Một miếng giấy tầm thường và con số cùng những vạch bút chì, ôi chao, quá đơn sơ để giả mạo nhưng chưa bao giờ có chuyện gian dối xảy ra. Chúng mình đã không làm chuyện gian dối chỉ chỉ vì chúng mình chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó và cũng không quen thấy chuyện xấu xa xảy ra quanh mình. Tuổi trẻ của anh em mình sao mà đẹp đến thế! Tôi cũng nhớ, nhiều lần chúng mình dừng xe đạp bên vệ đường, dở nón chào xe tang đi qua. Lúc đó mình làm điều đó không phải để phô trương một cử chỉ đẹp cho người ta dòm mà mình làm một cách thản nhiên vì bài morale đã bảo mình phải làm như thế thì cứ như thế mà làm. Bây giờ, nhớ lại mới thấy hành động đó có ý nghĩa đạo đức biết bao. Người chết nằm trong hòm thì chẳng biết gì nhưng những thân nhân đi theo xe tang, thấy một đứa bé xa lạ đứng bên vệ đường, dở nón, kính cẩn nghiêng mình thì cái cử chỉ đó của đứa bé có tác động an ủi vô cùng to lớn và có giá trị gấp biết bao lần những vòng hoa phúng điếu với những câu sáo ngữ: thành kính phân ưu hay vô cùng thương tiếc. Tuổi trẻ của anh em mình đẹp biết bao! Thỉnh thoảng tôi nhắc lại chuyện xa xưa với con cháu tôi, bao giờ cũng với niềm hãnh diện rằng chúng mình xưa kia đã được các thầy cô giáo dục đúng mức. Tuy nhiên tuổi trẻ nào mà không nghịch ngợm một cách đáng yêu. Các bạn chắc hẳn còn nhớ 4 cái hành lang dài trước 4 dãy lớp của 2 dãy lầu nhìn xuống sân cỏ có tượng ông Petrus-Ký. Sau một cơn mưa to thì 4 cái hành lang ấy ướt sũng và trơn trợt. Dạo đó, tôi không có dép nên mang guốc gỗ đi học. Tôi rủ 2 bạn đến đầu hành lang. Tôi ngồi xổm trên đôi guốc, đưa 2 tay cho hai bạn nắm kéo và chạy theo kiểu “chó kéo xe trượt tuyết”. Vừa chạy, chúng tôi vừa la cho các bạn khác tránh ra. Một hôm, xe trượt tuyết đang chạy băng băng đến đầu cầu thang thì thầy giám thị vừa bước lên. Hai bạn làm chó kéo xe vội buông tay tôi ra lũi mất.Tội nghiệp, chiếc xe không có thắng nên tông thẳng vào thầy giám thị. Nhờ cái tông đó, tôi dừng lại được, vội vàng bỏ chạy vào lớp. May quá, thầy giám thị không đuổi theo. Một lần khác, chúng tôi đi đón đức Quốc trưởng từ Pháp về. Sau khi thoái vị, vua Bảo Đại trở thành cố vấn tối cao của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không bao lâu ông bỏ chức vụ đó, về thành làm quốc trưởng. Mỗi lần đức quốc trưởng ở ngoại quốc về thì học sinh các lớp première année Petrus-Ký được xe chở đến đứng 2 bên đường Mac Mahon để vẫy cờ đón tiếp. Dạo đó các rạp cinéma đang chiếu phim “Les trois mousquetaires” nên con nít rất thích đánh kiếm. Sẵn được phát lá cờ “vàng đỏ vàng” dán vào một que tre nên tôi và một bạn cùng lớp cuộn lá cờ lại làm kiếm đánh nhau, trong lúc chờ đợi đoàn xe chở đức Quốc trưởng từ Tân sơn nhất về dinh Thủ hiến. Tôi làm D’Artagnan, đang say sưa đấu kiếm với tên kẻ địch thì thầy giám thị, từ phía sau tôi, đi đến. Thằng kẻ địch thấy thầy giám thị trước nên cầm kiếm chạy vào đám đông. D’Artagnan bị thầy tóm cổ. Thầy quát: - Tên gì? Tôi không trả lời câu hỏi mà xuống giọng, lí nhí năn nỉ: - Thưa thầy con chơi. Có tiếng còi mô tô dẫn đường hụ xa xa. Thầy vội vàng hỏi tôi: - Tên Chơi hả? Họ gì? - Dạ họ Võ. - Võ văn Chơi phải không? Thầy lật sổ ra ghi một cách vội vã rồi xua tôi vào hàng lúc đoàn mô tô vừa trờ tới. Sau đó về trường, chẳng ai bị phạt consigne, vì trong 9 lớp première année từ A đến I không có trò nào tên Võ văn Chơi cả. Dạo đó, con người rất lương thiện. Chiếc xe đạp tôi dùng đi học không bao giờ có khóa xe. Có một lần, tôi đi chợ Bến Thành, dựng xe dưới chân cột điện, vào chợ mua hàng xong, quên xe, đi bộ về vì nhà tôi ở 4B Galliéni rất gần chợ. Sáng ra, đi học, sực nhớ bỏ quên xe đạp ngoài cột điện nên vội vã chạy ra lấy về, đạp đến trường cho kịp giờ học. Thành phố đã thế, nhà quê còn lương thiện hơn. Ban đêm, không có nhà nào đóng cửa ngoài những tháng có gió bấc, đóng cửa cho đỡ lạnh. Xã hội Việt Nam thời đó tốt hơn xã hội ngày nay vì con người thực sự có đạo đức hơn ngày nay. Năm 1945, khi cách mạng Mùa thu thành công, tôi được sinh hoạt trong đội Thiếu nhi và hằng đêm được nghe các anh thanh niên kết án thực dân Pháp như một bọn quỷ sứ. Theo lời dạy của các anh, tôi đã nhiều lần hét to: “Đả đảo thực dân Pháp”. Khi đã lớn khôn, nhiều lúc tôi cảm thấy thực dân Pháp không đến đổi quá xấu xa như tôi đã được tuyên truyền. Sự xâm chiếm thuộc địa thì đáng bị nguyền rủa nhưng những gì mà người Pháp làm tại đất nước nầy thì đâu phải toàn chuyện xấu xa. Nếu họ làm toàn chuyện xấu xa thì chắc chắn không có được một khung cảnh xã hội lương thiện; anh em mình nhận trực tiếp nền văn hóa mà họ đem qua chắc chắn phải trở thành những người xấu xa chứ. Trái lại, người Pháp đã đem đến cho chúng những thầy cô, những giáo sư, Pháp có Việt có, mà chúng ta đã hết lòng kính mến và suốt đời nhớ ơn họ đã dạy dỗ chúng ta nên người Bây giờ, lớn tuổi rồi, tôi muốn mình trở lại tâm tình trẻ thơ như Lão tử đã hơn một lần khuyên bảo trong bộ Đạo Đức Kinh. Trở lại tâm tình trẻ thơ nghĩa là thấy sao nói vậy, nghĩ sao viết vậy, lời nói và cây viết của mình không bị bẻ cong bởi thành kiến, bởi sợ hãi, bởi mưu cầu cá nhân. Vì vậy, tôi viết những kỷ niệm ấu thơ nầy một cách thản nhiên để các bạn xem cho vui chứ chẳng có hậu ý gì. Các bạn thân mến, Tôi đã làm xong chuyện khởi đầu theo lời đề nghị trên đây của chính tôi rồi đó. Bây giờ đến phiên các bạn nhé. |