Home Văn Học Tùy Bút Ngậm ngùi nhớ về ngày 30-4

Ngậm ngùi nhớ về ngày 30-4 PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Năm, 23 Tháng 4 Năm 2009 15:04

Năm Năm Cứ Đến Ngày Oan Trái

Hoàng Hải Thủy

Đã Tháng Tư rồi! Lại Tháng Tư!
Nói như là khóc, dễ chi cười?
Hăm lăm năm nhục thêm từng nấc,
thêm một ngày sao nhục chẳng vơi?

Mới biết thời gian là nhát búa,
bủa mòn còn thấy nhựa cây tuôn!
Nhân danh “chủ nghĩa” người đâm chém,
bầm nát nhân tình với Nước Non!
Đã Tháng Tư rồi! Ai đã yên,

về nơi ở mới tận trời Tiên?
Và ai đang vật cùng cơm áo,
ai nhắc quê nhà cứ bảo quên?
Mây trời Hà Nội giăng Thê Húc,

Hồ Kiếm rùa thiêng vẫn ngóc đầu!
Gươm báu Vua Lê vào lịch sử,
chẳng còn chi nữa tặng đời sau!
Chó lên bàn độc treo cờ đỏ,
người gục đầu đi, đời lạnh tanh!
Thế đó là xong thời Kháng Chiến?
Bây giờ là lúc để “nhân danh”?

Cha, ông, lưu lạc nhìn nhau, lạ,
thỉnh thoảng còn to tiếng chửi nhau!
Con, cháu, ngước lên rồi lẩn tránh,
tấm gương kim cổ chẳng ai lau!

Tháng Tư! Tôi đứng nhìn sông núi —
sông núi người dưng trắng khói sương..
Sông núi của mình chan mắt lệ!
Vẫn là sông núi, chẳng Quê Hương.

Tôi mà ếch nhái, lòng vui lắm,
đời có chỗ nằm — một góc ao,
tối tối gọi vang lời Cố Quận,
ngày ngày nhắm mắt tựa trăng sao.

Sáu mươi tuổi chẵn, đầu đang bạc.
Chắc trái tim bầm tím máu thôi!
Cải tạo, nắm tay thề “phải sống”,
sắn khoai buồn nhỉ đã nuôi người!

Bây giờ nhắc thưở cơm lưng chén,
bạn lấy nĩa chìa miếng thịt đưa!
Di chúc..Từ nay con cháu liệu..
Từ nay… Tôi rót máu vào thơ.

Tháng Tư! Tôi lậy Trời không sập
và Đất xin đừng động ngổn ngang.
Đã chết biết bao người vượt biển,
còn đây là tạm kiếp tha phương.

Hỡi ơi, tôi nói mà đau ngực,
tôi nói mà thương quá Việt Nam!
Bạn bật cười to, tung tóe rượu,
tôi ho sặc sụa rót bia tràn…

Chùa Miếu người xây ngày một kiểu,
cần chi Văn Miếu đá trơ gan,
nước hồ Hoàn Kiếm đang cau mặt,
chồn cáo vui mừng hết ở hang.

Ơi Tổ Quốc ơi thời mạt pháp,
Tháng Tư ngày chỉ tới Ba Mươi,
nếu mà có nhỉ Ngày Ba Mốt,
hy vọng nên chăng Cuộc Đổi Đời.

“Tháng Tư 2001”
Trương Nghĩa Kỳ

Đã ba mươi bốn Tháng Tư đến, Tháng Tư qua, kể từ Tháng Tư năm 1975. Hôm nay Ngày Thứ Hai, 20 Tháng Tư 2009 — hôm nay, giờ này 34 năm trước thành phố Sài Gòn đang sôi như chảo dầu sôi; giờ này, ngày này 34 năm trước Quân Đội Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa đang anh dũng đánh những trận cuối cùng ở Long Khánh, Xuân Lộc, trên cửa ngõ vào Sài Gòn. Những ngày như lá, tháng như mây, hôm nay ai quên, ai nhớ? Nhiều người quên nhưng vẫn còn nhiều người nhớ, như người tha hương làm thơ Trương Nghĩa Kỳ, như người quân nhân Hồ Đinh, nguyên sĩ quan Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 43, Sư Đoàn 18 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Bài viết của Hồ Đinh: “Mặt Trận Xuân Lộc Tháng 4 — 1975“. Tôi xin phép tác giả trích vài đoạn trong bài.

Trích: Văn Tiến Dũng, Đại Tướng Tổng Tư Lệnh Quân đội Bắc Việt, viết trong tác phẩm
“Đại Thắng Mùa Xuân“:

“Mặt trận Xuân Lộc đẫm máu ngay từ những ngày đầu tiên. Các sư đoàn 6, 7, 341 của ta đã
phải tấn công vào thành phố nhiều lần, nhưng gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của Trung
Đoàn 43 địch. Các đơn vị pháo của ta phải xử dụng nhiều hơn số đạn dự trù. Số lớn tăng 54 và xe bọc thép của ta bị hạ..”

Trích đoạn “Quân Lực VNCH rút khỏi Long Khánh”:

 …”Theo những kẻ thân cận làm việc trong Dinh Độc Lập thì Tổng Thống Thiệu khi được tin
Phan Rang thất thủ, một số quân nhân Quân Đoàn II uất ức vì cảnh gia đình ly tán, đất nước
lâm nguy nên dùng xe ủi đất và chiến xa M.113 san bằng mồ mả của dòng tộc Nguyễn văn Thiệu, Tổng Thống quá uất ức nên trước khi từ chức, sau khi chuyển được hết tài sản ra
ngoại quốc, đã ra lệnh bỏ Long Khánh, mở ngỏ để Cộïng Quân tiến mau vào Sàigòn…”

…” Sau 12 ngày ác chiến đẫm máu, Cộng Sản Bắc Việt thương vong hơn 10.000 người, 37 chiến xa bị tiêu hủy tại chỗ (theo tài liệu của Harry G. Summer trong quyển Historical Atlas of VN War). Ngoại trừ Trung Đoàn 52 BB bị tổn thất 60% quân số, QLVNCH tại đây bị thiệt hại khoảng 30%, nhưng Long Khánh vẫn đứng vững. Tin thắng trận bay về Sàigòn như những gáo nước lạnh tạt vào mặt bọn trí thức sôi thịt, bọn nhà văn, nhà báo, ký giả, chính trị gia ngoại quốc cũng như VN, khiến chúng không còn cách nào bóp méo và xuyên tạc sự thật, nên chúng cũng đành cúi đầu kính phục tinh thần bất khuất của người VN, bởi vì đây là chiến thắng vĩ đại cuối cùng của QLVNCH trước khi bị rã ngũ.

 …” 10 giờ sáng ngày 20-4-1975, lệnh rút khỏi Xuân Lộc được ban hành (…) Trong cuộc lui quân này Lữ Đoàn 1 Dù bị thiệt thòi và nguy hiểm nhất vì là đơn vị đoạn hậu, lại đang giao
 chiến với Cộng quân ở Bảo Định. Trong khi cuộc chiến đang ác liệt thì 7 giờ 30 đêm
 20-4-75 có lệnh rút quân giữa lúc các thương binh và tử thi chiến sĩ Dù chưa được di tản. Đây là lần thứ hai những chiến sĩ Dù phải cắn răng bỏ lại đồng đội như họ đã cắn răng
 bỏ lại năm 1972 tại Hạ Lào. Đối với người còn sống đoạn đường 40 cây số xác người
 trong những rừng cao su đen nghịt ra tới quốc lộ 1 là con đường địa ngục phải vượt qua.

 … 9 giờ tối các tiểu đoàn Dù mới tới quốc lộ 1 và ở đây một hoạt cảnh diễn ra. Đó là
 các con chiên người Việt, người Nùng, Thái, Mường ở những ấp Bảo Định, Bảo Toàn, Bảo
 Hòa tập trung đông đảo hai bên đường để theo chân lính di tản. Thì ra người lính VNCH và tình quân dân thắm thiết chỉ được đồng bào miền Nam nhớ tới khi bị VC dồn vào chân tường hay chém giết dã man như hồi Tết Mậu Thân 1968, mùa hè đỏ lửa 1972 và những ngày mất nước 1975…”

 Đây là đoạn người quân nhân Hồ Đinh kết thúc bài viết:

 … Tại Sài Gòn, hàng hàng lớp lớp quan quyền, lãnh đạo chính trị, bọn nhà giầu có thế
 lực… tiếp nối di tản. Trong lúc đó tại Long Khánh, dân và lính chịu chung số phận, lội trên
 máu thịt, tắm dưới bom đạn, dành giữ từng bức tường cháy, từng đống gạch vụn. Nhưng
 tội nghiệp và thê thảm nhất vẫn là dân chiến nạn miền Nam, chạy giặc từ những vùng bị
 giặc chiếm như Đàlạt, Gio Linh, Định Quán, Kiệm Tân, hoặc xa hơn là Phan Thiết, Lagi, Hàm Tân, Tánh Linh, Võ Đắc.. Những đồng bào này cùng dân và lính Long Khánh chịu chung số phận của những con cá nằm giữa thớt và dao, bởi bom đạn vô tình từ trên trời rớt xuống, khiến cho tử thi của mười mấy ngàn người dân, lính VNCH, kể cả bộ đội Bắc Việt, trở thành
 đống xương Vô Định đã cao bằng đầu.

 Bỗng dưng thấy u uất nghẹn ngào khi vô tình đọc bài cổ thi Lũng Tây Hành của Trần Đào
 đời Hậu Hán:

 Thệ tảo Hung Nô bất cố thân
 Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần
 Khả liên Vô Định hà biên cốt
 Do thị xuân khuê mộng lý nhân!

 Toàn bài nói lên sự quyết tâm của người chiến sĩ lúc ra đi, thề quét sạch quân thù, không hề tiếc đến thân mình; 5.000 chiến sĩ mặc chiến bào bằng da chim điêu đã vĩnh viễn chôn xác nơi đất Hồ. Thương thay nắêm xương tàn của người chết vì nước nằm cạnh con sông Vô Định theo thời gian đã rã mục lâu rồi, vậy mà họ vẫn là người trong mộng của các thiếu phụ chốn phòng khuê. Nhưng còn người lính miền Nam VN thì sao? Thê thảm và bi thiết lắm, bởi họ là kẻ bại trận, người sống thì vào tù, người tàn phế thì ôm hận với tháng ngày hẩm hiu, riêng kẻ chết vẫn bị dày mồ!

 Hơn một phần tư thế kỷ qua rồi, tóc xanh thành tóc bạc, bạn bè thân thương một còn,
 chín mất, lưu lạc khắp ngàn phương. Cái mộng mơ năm nào được

 Ngày mai rồi có ngày nào
 Cưỡi voi theo gót ai vào Thăng Long

 Thơ Vũ Tầm Hoan

 đã tan biến theo mây khói, nên giờ chỉ còn biết
 Nghiêng bầu mà hỏi
 Thiên hạ mang mang ai người tri kỷ
 Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
 Hồ trường..! Hồ trường
 Ta biết rót về đâu ?

 Thơ Nguyễn bá Trạc

 Hồ Đinh . Nguyên Tiểu Đoàn 1-Trung Đoàn 43, Sư
 Đoàn 18 Bộ Binh. KBC 4424.

 *****

 Năm năm cứ đến ngày oan trái..
 Ta thắp hương lòng để nhớ thương..
 Thôi thế Em về yên Xóm Cỏ..
 Cây đời đã cỗi gốc yêu đương..
 Nhớ nhau vẩy bút làm mưa gió..
 Cho đống xương tàn được nở hương..

 Ơi.. các bạn cùng một lứa bên trời lận đận.. Năm năm cứ đến Tháng Tư, chúng ta lại
 bùi ngùi tưởng nhớ Ngày Ba Mươi Tháng Tư Đau Thương năm xưa. Tháng Tư năm 1977 ở Seattle, Kỳ Hoa Đất Trích, Thanh Nam tâm sự: “Một năm người có mười hai tháng.. Ta suốt năm dài Một Tháng Tư..!” Nếu Thanh Nam còn sống hôm nay, tôi chắc thi sĩ sẽ thấy: “Ta suốt đời ta Một Tháng Tư..” Bạn ơi.. Có thương, có nhớ, có đau, có tủi, có tiếc, có ân hận, có nhắc nhở cũng không còn được lâu nữa đâu, chúng ta một còn, chín mất, lưu lạc ngàn phương, có muốn gặïp nhau cạn một hồ trường cũng khó. Dù ta có cạn hồ trường, ta vẫn không sao khuây đau thương, nếu ta định tìm quên trong chất men cay đắng, ta càng uống càng thêm những đắng cay; hồ trường của ta đắng lắm: ta chỉ có thể nghiêng bầu mà khóc, ta không thể vỗ gươm mà hát, gươm ta đã gẫy, gươm ta ta đã nộp cho nó mất rồi..!

 Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc..
 Trăm năm thân thế bóng tà dương..
 Vèo trông lá rụng đầy đường.
 Kỳ Hoa đất trích đoạn trường thế thôi..!
 Thương ơi ta đã không còn trẻ,
 Từ thưở tan hàng ở cố hương..
 Tháng Tư..! Ta lặng nhìn sông núi..
 Sông núi người dưng trắng khói sương.
 Quê ta xa mãi bên kia biển..
 Chỉ thấy tơi bời mây trắng vương..
 Đất đá tim ta nhiều ngấn lệ..
 Em có bao giờ em khóc thương..?

 Hơn ba mươi Tháng Tư đã qua kể từ ngày ta mất nước, ta không thể sống như loài ếch nhái hài lòng nằm trong góc ao đêm mưa ì ộp gọi nhau, ta thương khóc dù ta biết ta có thương khóc bao nhiêu cũng chỉ là vô ích; nhưng sẽ chẳng còn lâu nữa đâu, những Tháng Tư sẽ đến với những người Việt không biết gì về Tháng Tư; ngày Quên sẽ tới khi trên cõi đời này không còn người Việt nào đau nhói trái tim khi Tháng Tư trở lại.

 Vì năm tháng sẽ qua, vì người sẽ quên, vì đời sẽ lãng, nên khi chúng ta còn sống, năm năm
 cứ đến Ngày Oan Trái, ta cứ thắp hương lòng để nhớ thương. Ai không nhớ mặc người ta,
 còn ta, ta cứ một mình rơi nước mắt vào những hồ trường tha hương, thất quốc..Bạn ơi..Giờ
 này, hôm nay 20 Tháng Tư, 1975…, quân ta đang chặn đánh quân Bắc Việt Cộng ở mặt trận Long Khánh, anh em ta, đồng bào ta đang chết để cho chúng ta sống…

 Ơi những vị bạn già của tôi ở chín phương
 trời, mười phương đất hải ngoại thương ca,
 tôi gửi những lời Thơ này đến các vị:

 HỒ TRƯỜNG 2009

 Năm năm cứ đến ngày oan trái
 Ta thắp hương lòng để nhớ thương.
 Thôi thế Em về yên Xóm Cỏ
 Cây đời đã cỗi gốc yêu đương
 Nhớ nhau vẩy bút làm mưa gió
 Cho đống xương tàn được nở hương…

 Một đời ba, bốn phen dâu bể
 Mười điều trông thấy chín đau thương
 Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
 Trăm năm thân thế bóng tà dương
 Nước mất, quân tan, tù chiến bại
 Sống nhờ y thực ở tha phương
 Vèo trông lá rụng đầy đường
 Kỳ Hoa Đất Trích đoạn trường thế thôi.
 Trăm hận, ngàn đau nào sánh được
 Tấm lòng lưu lạc nhớ quê hương
 Tháng Tư..! Ta lặng nhìn sông núi
 Sông núi người dưng trắng khói sương.
 Quê ta xa mãi bên kia biển
 Chỉ thấy tơi bời mây trắng vương.

 Ta đau người lính vừa thua trận
 Nát gió mưa nằm giữa sa trường
 Vẫn nghe từ đáy hồn thương tích
 Vẳng tiếng kèn truy điệu Thiên Đường.
 Đất đá tim ta nhiều ngấn lệ
 Em có bao giờ Em khóc thương?

 Hồ trường..
 Lò cừ nung nấu sự đời
 Bức tranh vân cẩu vẽ người tha hương
 Vỗ gươm mà khóc
 Nghiêng bầu mà gọi
 Kỳ Hoa mang mang… ơi người mất nước..
 Rừng Phong cùng ta cạn mấy hồ trường.
 Hồ trường.. Hồ trường..
 Ta biết rót về đâu?

 Đông phương ngàn dậm thẳm
 Mây nước một mầu sương
 Tây phương trời đẹp lắm
 Có người mất nước như điên, như cuồng…
 Hỡi ơi… bạn tác ngoài trôi dạt
 Chẳng đọc Thơ Ta cũng đoạn trường!