Home Văn Học Tùy Bút Vài mẩu chuyện trong tù

Vài mẩu chuyện trong tù PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Bá Hoa   
Thứ Bảy, 02 Tháng 1 Năm 2010 08:09

 Sự kiện kể lại trong bài này lúc tôi bị giam tại Trại Nam Hà A.

Ngày 30 Tháng Tư, 1975, cộng sản Việt Nam (CSVN) đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa, tôi cùng các bạn cấp đại tá bị đưa đến trại tập trung Long Giao, tỉnh Long Khánh, do Ðoàn 263 giam giữ. Ngày 23 tháng Mười, 1975, CSVN chuyển chúng tôi đến trại tập trung Tam Hiệp, tỉnh Biên Hòa, do Ðoàn 775 giam giữ. Ngày 16 Tháng Sáu, 1976, hầu hết chúng tôi bị chuyển ra Yên Bái do Ðoàn 776 giam giữ. Cả ba đoàn này thuộc Bộ Quốc Phòng Cộng Sản Việt Nam (CSVN). Tháng Tư, 1978, chúng tôi bị chuyển xuống trại Nam Hà A, tỉnh Hà Nam Ninh, do Công An CSVN giam giữ.

Sự kiện kể lại trong bài này lúc tôi bị giam tại Trại Nam Hà A.

1. Cộng sản nuôi tù.

Bo bo

Trại tập trung này thường xuyên ăn độn, nhưng độn theo lương thực thì từng đợt vài ba tuần hay vài ba tháng. Chẳng hạn như bo-bo thì thời gian dài hơn, khoai mì xắc từng cọng phơi khô thì vài tuần, khoai tây tươi nguyên củ thì theo mùa, bột mì luộc thì tùy theo viện trợ từ ngoại quốc. Nói là độn nhưng thật sự ăn 100% chớ không phải một phần gạo một phần độn đâu. Bo-bo là thức ăn dành cho ngựa ngoại quốc, cọng khoai mì phơi khô là thức ăn dành cho heo trong nước, cả hai loại thực phẩm này nếu văn chương một chút gọi là “thức ăn dành cho gia súc.”

Vì là thức ăn dành cho những động vật không phải con người, nên người ta không cần giữ vệ sinh từ lúc sản xuất, đóng gói, tồn trữ, chuyển vận, đến cung cấp cho bếp trại tập trung, tức là trong tình trạng không sạch sẽ chút nào, vì khi đổ ra sân người ta dùng bàn cào hay chổi để trải ra phơi hoặc gom lại cho vào bao. Hãy hình dung bữa ăn với cọng khoai mì khô đã nấu chín. Mỗi khẩu phần từ 10 đến 12 cọng, nhỏ thì bằng ngón tay út còn lớn thì bằng ngón tay cái, và dài nhất cũng khoảng 12 phân tây (0.12 thước). Bên cạnh những cọng khoai mì nhơn nhớt, là muỗng nước muối với khoảng mười cọng rau mùa Hè (rau muống) hay lát rau mùa Ðông (bắp cải, su hào). Ðấy là một phần ăn.

Trong số những thứ lương thực thay gạo đó, bo-bo là tai hại nhất, vì cái vỏ lụa của nó không tiêu được, nên nó phải “cào” những gì vướng mắc trên đường đi từ cái bao tử ra đến cái thùng gỗ đựng nó, chờ khiêng xuống khu vực trồng rau để “chăm bón.” Cuối cùng, nó quay vòng trở lại để vào bao tử chúng tôi dưới dạng rau. Có bạn dùng cây tăm xỉa răng, ghim từng hột bo bo cho vào miệng. Cách ăn này vừa nhai thật kỹ, vừa đánh lừa cái bao tử làm cho “nó” tưởng là được ăn nhiều!

Năm 1978-1979, tôi với anh Nguyễn Tài Lâm (đại tá Truyền Tin) ăn chung. Tuy bo-bo “nó hung hăng” như vậy, nhưng hai chúng tôi cứ trông đến ngày thứ bảy nhờ anh Sét (trung tá Cảnh Sát) ở buồng giam khác, mua giùm một phần bo-bo với giá một đồng. Hai đứa chia nhau mỗi người một nửa, giúp cái bao tử đỡ phần lỏng lẻo! Theo lời anh Sét thì người bạn của anh muốn có một phần bo-bo bán cho chúng tôi, mỗi chiều anh ấy để lại một muỗng. Ngày thứ hai để lại hai muỗng từ phần bo-bo mới lãnh và gộp muỗng bo-bo của ngày thứ nhất vào phần ăn lúc ấy. Ngày thứ ba để lại ba muỗng và gộp hai muỗng của ngày thứ hai vào phần ăn lúc ấy. Và cứ như thế cho đến ngày thứ bảy là đủ một phần, anh ấy bán cho chúng tôi lấy tiền lén gởi mua thuốc lào hút.

Bây giờ quí vị quí bạn hãy hình dung thời gian tại trại tập trung Nam Hà A vào chiều Ba Mươi Tết Nguyên Ðán đầu năm 1979. Nhà bếp phát cho mỗi người tù chúng tôi một cái bánh chưng, mỗi cạnh 15 phân tây kể cả lớp lá dong thật dầy bên ngoài. Tôi với anh Lâm phác thảo “kế hoạch” ăn hai cái bánh chưng đó. Chiều Ba Mươi ăn cái bánh của tôi, và sáng Mồng Một ăn cái bánh chưng của anh Lâm. Chúng tôi nhẹ nhàng cắt dây, rồi từ từ gỡ từng miếng lá nhỏ cứ như sợ nó văng mất từng hột nếp hay miếng thịt nhỏ xíu bên trong ấy. Trời đất ơi, một nửa cái bánh còn nguyên hột nếp!

Nếu có bạn nào trông thấy hai cái mặt của chúng tôi lúc ấy, cũng không thể nào tưởng tượng cái bao tử của chúng tôi nó thất vọng đến như vậy! Và trong cái hoàn cảnh cần có thức ăn gì đó giúp cái bao tử bớt kêu ca, sau một lúc hai đứa nghiêng qua nghiêng lại ngắm nghía cái bánh chưng, chúng tôi quyết định “sống chín như nhau.” Thế là nhẹ tay cắt làm hai chớ không dám mạnh tay sợ văng hột nếp sống, mỗi đứa có một nửa sống với một nửa chín.

Theo “kế hoạch” thì sáng Mồng Một mới ăn cái bánh chưn của anh Lâm, nhưng chúng tôi không thể chờ đợi được vì thức đêm chờ Giờ Giao Thừa mà bụng thì đói! Thôi thì mang cái bánh ra, lại từ từ cắt làm hai vẫn là nửa chín nửa sống, nhưng cứ xem như cái bánh có đủ phẩm chất của nó thì y như rằng nó vẫn cứ ngon miệng lúc đêm khuya!

Sáng Mồng Một có gì ăn đâu. Bữa ăn trưa, tù chính trị được ăn cơm bằng gạo hẳn hòi, nhưng đây là bữa ăn duy nhất của 365 ngày để rồi sau đó vẫn là bo-bo. Chiều Mồng Một Tết, một bạn trẻ ngay trong buồng giam chúng tôi, mang cái bánh duy nhất của anh ta bán cho chúng tôi giá 1 đồng rưỡi. Tôi với anh Lâm, mỗi đứa có thêm nửa cái bánh chưng, trong khi anh bạn trẻ có thêm thuốc lào hút. Không biết có nên nói là “hai bên cùng có lợi” hay không, vì xem ra sự thể chẳng hay ho gì!

Thật lòng mà thưa với quí vị quí bạn rằng, cái bánh chưng thứ 3 này cho tôi cảm nhận chút hạnh phúc! Nếu quí vị hỏi tôi: “Tại sao là một chút hạnh phúc?” Tôi xin trả lời:
“Thứ nhất, vì chiều hôm qua và hôm nay, chúng tôi mới được ăn cơm thật sự cộng với cái bánh chưng cho dẫu là cái bánh chưng vừa sống lại vừa chín. Ðó là hạnh phúc của người tù chính trị, vì đã lâu lắm rồi anh em chúng tôi mới trông thấy những hột gạo hột nếp như vậy từ cái bếp của trại tù này. Thứ hai, chỉ một chút thôi, vì từ ngày mai -Mồng Hai Tết - cái hạnh phúc đó sẽ tan biến theo chén bo bo lưng lửng mỗi lúc chia khẩu phần! Cái hạnh phúc của chúng tôi nó mong manh như vậy đó quí vị à!

Muối hột

Trong trại tập trung Nam Hà A này, muối hột thuộc loại thực phẩm quí! Bởi vì chúng nó chỉ chúng tôi ăn toàn nước muối, rất ư là khó nuốt. Trong đội nhà bếp mà tù chính trị chúng tôi đã thay thế tù hình sự, có anh Mẫn. Trong năm 1962-1963, anh Mẫn cùng làm trong văn phòng Tham Mưu Trưởng Liên Quân với tôi. Sáng Mồng Một Tết năm 1979, anh Mẫn đến buồng giam số 1 gặp tôi, anh kề tai nói nhỏ:

Tôi nghĩ chắc anh ấy có tin tức gì liên quan đến tù chính trị nên thận trọng như vậy. Tôi theo sau anh vào hành lang nhỏ hẹp của buồng giam 15 và 16. Ðến giữa hành lang anh dừng lại, cho tay vào túi áo bên trong moi ra một gói bằng nắm tay con nít nhét vội vào tay tôi:
“Anh xuống đây với em một chút. Anh cất gói muối này để dành ăn. Muối hột đó. Em đi nghe.”
“Cám ơn nhiều nghe Mẫn.”

Tặng xong là anh nhanh chân về nhà bếp vì sợ có người trông thấy, vì khoảng thời gian ấy nếu bị “cai tù” bắt là họ phạt, hay ít ra cũng bị chúng nó chửi cho một trận.

Âm thanh ba tiếng “muối hột đó” đủ nói lên “giá trị” của hột muối đối với chúng tôi như thế nào rồi. Bởi, ngoài cái chất mặn của nó ra, tôi nghĩ là quí vị quí bạn không cảm nhận điều gì khác, nhưng với chúng tôi thì âm thanh đó gợi lên sự thèm khát cái chất ngọt lạ kỳ của hột muối. Và tôi không thể tưởng tượng được khi cho một hột muối vào miệng - ngậm chớ chưa dám nhai - tôi cảm nhận chất ngọt kỳ diệu trong chất mặn của muối! Ðang mơ màng thưởng thức “chất ngọt của hột muối,” có tiếng anh Lâm:
“Này, anh làm gì mà vui thế?”

Tôi giật mình. Hơi ngượng, vì “bị bắt gặp” thái độ sung sướng một cách kỳ lạ, nhưng tỉnh lại ngay:
“Anh có tin là tôi đang sung sướng vì được ngậm một hột muối không?”
“Tôi cũng tù như anh mà.”

Câu trả lời mang theo âm hưởng một lời than ngắn ngủi của anh Lâm. Vậy là quí vị cảm nhận được mức độ thèm khát “muối hột” của chúng tôi như thế nào rồi chớ!

Ở “những xóm nhà lá” trong xã hội lớn của đất nước, người ta thường bày tỏ tình tương thân tương trợ lẫn nhau khi trái gió trở trời qua câu nói “hột muối cắn làm hai,” được hiểu theo nghĩa bóng hơn là nghĩa đen. Nhưng trong xã hội nhỏ của nhà tù, hột muối không chỉ cắn làm hai mà là làm ba làm bốn hoàn toàn theo nghĩa đen của nó. Sự chia sẻ nhỏ nhoi mà anh Mẫn dành cho tôi là một trong những cách biểu hiện rõ nét về ý nghĩa “hột muối cắn làm hai,” hiểu được cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!

Bo-bo mà chan nước muối vào thật vô duyên, nhưng ăn với muối hột thì dễ ăn hơn. Tôi nói “dễ ăn” là so sánh khi ăn nó với nước muối, chớ tôi không nói nó dễ ăn so với các món ăn khác, với lại nó cũng không hề thân thiện chút nào với cái bao tử khi nó vào đó.

“Cao lương mỹ vị”

Sau đợt ăn những cọng khoai mì phơi khô là khoai tây tươi. Cũng là ăn 100% chớ không phải độn với gạo. Từng xe vận tải Molotova chở khoai tây vào trại, thứ khoai tây hạng bét vì củ nào lớn nhất cũng chỉ bằng cườm tay con nít vài tuổi là cùng. Mỗi khẩu phần diễn biến từ 12 đến 16 củ còn nguyên vỏ. Anh nào có bơ thực vật hoặc đường hay sữa do gia đình gởi qua đường bưu điện 3 tháng 1 gói 5 kí lô, sau khi lột vỏ một cách cẩn thận để tránh chất bột bị mất tí ti vì dính theo vỏ, rồi cho chút bơ hay sữa hoặc đường vào củ khoai, vừa ăn vừa cảm nhận niềm thương nỗi nhớ mà người Vợ từ ngàn dặm xa xôi đã âm thầm “gói ghém tâm hồn của nàng vào trong những gói đường, hộp bơ, hộp sữa...” gởi đến người Chồng trong trại tập trung, để mà nhớ mà thương...!

Vì thiếu ăn, một số bạn trong số chúng tôi những khi cuốc đất hay làm gì dưới cánh đồng, bất cứ con gì nhúc nhích cũng ăn được cả. Từ con cua, con cá bằng ngón tay hay bằng đầu đũa, con nhái, con lươn, cào cào, châu chấu,v.v... cứ bắt bỏ vào bếp lửa, một lúc khều ra phủi tro phủi bụi là cho vào miệng.

Thậm chí, ngay cả con trùn cũng ăn nữa! “Con trùn hổ” lớn bằng ngón tay út, dưới nắng trưa làm ánh lên những màu sắc trên lớp da nhơn nhớt của nó, rạch một đường theo chiều dài con trùn, cạo bỏ tất cả bên trong chỉ còn lại lớp da bầy nhầy đem rửa sạch phơi khô, cho vào bếp nướng. Các bạn ấy gọi là “long đất nướng” và xem chừng ăn ngon lắm! Trong “bản ghi nhớ” của tôi có ghi tên của hai bạn ấy, nhưng tôi nghĩ không nên ghi vào đây!

Theo qui định mà tên công an “quản giáo” đội nhà bếp cho biết, “tiêu chuẩn mỗi người tù là 15 kí lô gạo một tháng,” nhưng khi họ cho tù ăn những thứ không phải gạo thì họ vẫn tính theo trọng lượng của gạo mà thật ra cũng chính họ cho biết, cứ 2.5 kí lô khoai mì hay khoai tây mới bằng 1 kí lô gạo. Chúng tôi đâu có kêu với ai được, bởi vì họ chia chác với nhau và cùng che chắn cho nhau mà!

Họ cấm nấu nướng, nếu bị bắt, có thể bị họ đưa vào khu biệt giam trong trại Nam Hà B mà chung quanh toàn núi rừng bao bọc. Nếu bị biệt giam thì khẩu phần hằng ngày giảm xuống còn một nửa, khi hết hạn biệt giam sẽ bị cấm thăm nuôi và có thể họ cấm luôn nhận quà thông thường là từ 3 đến 6 tháng. Cứ mỗi 3 tháng vợ tôi gởi cho 1 gói quà mà những món chánh là bơ thực vật, đường cát, sữa bột, và lạp xưởng.

Tôi kể quí vị quí bạn nghe về cách tôi nướng lạp xưởng và sử dụng lon sữa bột. Mỗi lần nướng một cái lạp xưởng, tôi dùng chiếc đũa lùa vào trong để dễ cầm và dùng 3 tờ giấy báo kích thước của tạp chí, cuộn lại theo chiều dài, mượn cái quẹt máy (bật lửa) cho vào túi.

Ra cửa buồng giam, nhìn qua nhìn lại không thấy tên công an nào là tôi ba chân bốn cẳng chạy ra đằng sau buồng giam và chui vào cầu tiêu. Nói cái cầu tiêu mà không mô tả nó là sự thiếu sót. Từ mặt đất xây lên khoảng 3 tấc làm chỗ ngồi, tấm vách hai bên và phía sau cao đến vai, phải cúi đầu “chào cái cầu tiêu” mới vào được. Phía trước trống trơn, gió nóng mùa Hè hay gió lạnh mùa Ðông “tự do thổi vào” lạnh hay nóng tùy theo mùa quí vị à!

Ngồi quay lưng ra để chắn gió, bấm quẹt máy, châm lửa vào giấy. Tay cầm tờ giấy đang cháy để phía dưới chiếc đũa lạp xưởng. “Năng lượng” của 3 tờ giấy đủ chín cái lạp xưởng, thế là tôi có bữa ăn ngon miệng và cơ thế tiếp nhận được một lượng ca-lô-ri nhỏ nhoi mà người tù rất cần.

Có lần vợ tôi gởi cho một xâu lạp xưởng 12 cặp, phải cho vào hai cái lon guigoze để dành ăn, nhưng nó dài quá phải cắt một đoạn mới đậy nắp được. Tôi mời anh Cao Văn Phước (đại tá Quân Vận, nằm sát cạnh tôi) ăn chung nhưng không biết nó chín hay sống, vì thư của vợ tôi còn bị công an trực trại giữ để kiểm soát. Lúc ấy chúng tôi bị nhốt vào buồng giam rồi đâu làm sao nướng được. Hai đứa tôi cứ ngắm nghía suy già đoán non, lúc thì đã hấp rồi lúc thì chưa.

Cuối cùng chúng tôi xem như nó đã chín rồi và cứ thế mà ăn hết 24 đoạn cắt ngắn đó. Ngày hôm sau nhóm trực trại trả thư. Xem thư mới biết là lạp xưởng sống, thế nhưng cái bụng tôi rất hiền lành nên không gây khó khăn hay hoạnh hẹ gì tôi, mặc dù nó “bị bắt buộc” phải tiếp nhận và thanh toán hơn mười khúc lạp xưởng sống nhăn! Kể cũng lạ.

Ðến hộp sữa bột. Ðó là sữa bột sản xuất từ nước Nga cộng sản lúc ấy có tên là Liên Xô, chung quanh bằng giấy cứng, màu vàng, cái nắp của nó là miếng kim khí mỏng cũng màu vàng, chỉ bằng một phần ba đường kính cái hộp, vì mặt trên có miếng kim khí mỏng khác phủ kín hai phần ba miệng hộp. Tôi nhìn cái hộp và nghĩ rằng có thể sử dụng được nó dù chưa biết sử dụng vào việc gì.

Thế là tôi “nghiên cứu” cái hộp mà “cái lợi” trên miệng sẽ che kín cái gì đó có thể giấu bên trong. Mãi một lúc là tôi biết cách sử dụng nó. Ðó là viết thư, quấn một vòng tròn cho nhỏ lại rồi lùa vào trong hộp, ém dần cho những trang thư sát vào vách hộp. Nghĩ được là thực hiện được. Sau khi nhận thấy những trang thư nằm “kín đáo” bên trong, tôi cho sữa bột vào hộp, đậy nắp cẩn thận, trông không khác những cái hộp sữa mang từ nhà thăm nuôi vào trại.

Tôi phải trả 2 đồng Việt Nam cộng sản cho chú tù hình sự phụ trách dọn dẹp nhà thăm nuôi, đem ra gởi cho mấy chị bạn của vợ tôi đến thăm chồng nhờ mang về Sài Gòn trao lại vợ tôi. Có khi gởi cho anh bạn ra nhà thăm nuôi gặp vợ và gởi chị ấy mang về giùm. Có lần bị hạch hỏi trước khi họ hướng dẫn ra nhà thăm nuôi, anh bạn trả lời là đem sữa ra đó uống. Thế là thoát.

Ðến cái cảnh đổi áo quần lấy thức ăn mà tôi là trường hợp điển hình. Công an “cai tù” thừa biết tù chính trị chúng tôi có nhiều áo quần dân sự bằng hàng vải ngoại quốc rất tốt, trong khi chúng tôi rất cần chất bột, chất béo, chất ngọt. Thế là đám “cai tù tóc ngắn lẫn cai tù tóc dài” đầu cho vào trại (bất hợp pháp) các món hàng sữa đặc có đường, sữa bột, đường cát, để gạ chúng tôi đổi lấy áo quần, rồi mang ra trại (cũng bất hợp pháp) đem lên Hà Nội bán.

Cái nghề “khốn nạn” này đã giúp họ phát lên khá nhanh, bởi vì như cái quần tây của tôi bằng vài nhập cảng từ Australia chỉ đổi được có 1 hộp sữa đặc và 1 kí lô sữa bột. Lần khác một cái quần tây chỉ đổi được 1 hộp sữa đặc và thêm 1 đồng bạc. Chính cái tình trạng thiếu ăn này làm cho anh em chúng tôi đến mức không còn cái áo cái quần dân sự nào coi được cả!

Một hôm, khi đổi được hộp sữa đặc trong tay và khi âm thanh ống khóa cửa buồng giam crắc một tiếng, tôi khui hộp sữa, mời anh Bùi Quang Hiền (đại tá Bộ Binh) với anh Cao Văn Phước nằm cạnh tôi, cả 3 chúng tôi luân phiên “tu” một lúc là hết sạch. Thoạt nghe có vẻ ly kỳ rồi, nhưng chưa thấm thía gì so với anh bạn trẻ Nguyễn Kim Tiếng (thiếu úy Cảnh Sát, sau 1975 tham gia Nhóm Phục Quốc bị bắt).

Sau giờ lam lũ dưới cánh đồng ngập nước, về đến cổng chờ kiểm soát vào trại. Cả đội ngồi chồm hổm, đám công an trực trại lục soát từng người từ trước ra sau. Anh Tiếng có mua hộp sữa đặc đang giấu trong người, khi thấy khó thoát khỏi vì chúng nó xét kỹ quá, anh ta bèn moi cục đá ngay chỗ ngồi rồi ngoáy mãi cũng được hai lỗ trên miệng hộp, thế là anh “tu” hết sữa và liệng cái hộp vào sát vách trại, lúc ấy Thịnh khuỳnh trực trại (khi đi, hai cùi chỏ hắn khuỳnh ra), tên công an cai tù khét tiếng xét đến anh:
“Cái hộp này của ai?” Hắn quát với vẻ tức tối.

Ai dại gì mà lên tiếng. Hắn lại quát gay gắt hơn:
“Tôi hỏi cái hộp này của ai ném ra đây?”

Cả 3 đội “xếp hàng như bầy vịt” đều nhìn vào cổng trại, cứ như không nghe không thấy không biết việc gì kể cả lời quát của hắn. Hắn càu nhàu một lúc mới cho vào.

Những đội làm ruộng dưới đầm lầy mà họ gọi là “vụ chiêm,” thường có những toán trẻ con lẫn người lớn, lén lút giấu gói đường với vài hộp sữa trong người rồi giả dạng như đi bắt cá để đến gần chúng tôi bán vài món lặt vặt ấy. Do vậy mà anh Tiếng mới có hộp sữa trong người, và thật tài tình khi “tu” trọn hộp sữa trong nháy mắt.

2. Những màn kịch cỡm.

Ðầu năm 1985, hơn 100 anh được ra về. Trước ngày chánh thức có lệnh tha ra trại, nhiều tin đồn vào trại là người này có tên người kia có tên, bắt nguồn từ những công an “tóc dài” có liên lạc buôn bán chui hoặc thường nhờ vả thuốc men của tù chính trị. Anh Huỳnh Văn Châu (Không Quân) đang trong tổ thợ điện của trại, chạy tìm tôi đang chăm sóc luống rau “mini”:
“Anh ơi! Em có tên về rồi. Con “Hoa điện” vừa cho em hay và em đã hỏi lại thì đúng rồi.” “Hoa điện” là tổ trưởng điện, cán bộ quản giáo của anh Châu.
“Hay quá. Vậy thì anh có thì giờ thu xếp chuyện gia đình cho ổn, chớ tình trạng của anh còn kéo dài, tôi e gãy gánh thiệt đó Châu.”
“Em cũng lo lắm anh.”
“Hãy cố lên. Ðã có được thời gian, anh đừng để vấn đề vuột khỏi tầm tay nghe Châu.”

Anh Ngợi cũng tìm tôi: “Anh ơi! Em cũng có tên về rồi anh. Anh Châu có nói với anh chưa?”
“Có. Châu mới nói với tôi đây. Anh về là nhanh tay lẹ chân tổ chức đám cưới cô bạn gái chờ anh hơn chục năm rồi. Tình yêu như vậy tôi cho là đẹp lắm, vì thời gian thử thách quá dài với lại trong hoàn cảnh nghiệt ngã nữa.”
“Em sẽ cố gắng nhưng phải về mới biết rõ sự việc được anh.”

Phải nhận rằng, anh em tù chính trị chúng tôi xôn xao trong ý nghĩa tốt, có thể nói vui vẻ là khác. Sau khi cửa buồng giam đóng lại, anh Châu với tôi ngồi đối diện hai bên sàn gác. Châu nói:
“Anh ơi! Một trăm mấy anh em mà tụi nó chia làm hai chuyến đi, cách nhau vài ngày, và nghe đâu chuyến thứ nhì có quay phim nữa.”
“Liệu về kịp Tết hông Châu?”
“Con Hoa nó nói em về đến Sài Gòn trước giờ Giao Thừa. Thôi thì miễn về là được rồi anh, sớm muộn cũng không sao.”

Quả thật khi công an đọc danh sách thì những anh được đồn đoán đều đúng, và về Sài Gòn trong hai chuyến cũng đúng luôn. Ngay sau khi họ đọc danh sách ra trại, tổ văn hóa chúng tôi bận tíu tít, vì họ bảo viết đến mấy bản danh sách, cùng lúc gọi các anh đến hội trường làm thủ tục. Anh Khiêm trong tổ văn hóa được về trong đợt này.

Anh em có tên ra về cùng với khá đông anh em không có tên cũng có mặt trong khuôn viên buồng 10 (buồng này trống), về thì vui đã đành nhưng chưa về cũng vui, vì nhắn gởi về gia đình. Tụm năm tụm ba trò chuyện khá ồn ào, pha lẫn trong tiếng của đám công an gọi từng anh vào làm thủ tục. Chuyến thứ nhất lên xe trại ra Phủ Lý để lên Hà Nội, các bạn trong chuyến thứ nhì chuẩn bị cho đoàn quay phim dường như của Thụy Ðiển đang thu hình các đội trồng rau gánh rau về trại.

Cứ mỗi lần có phái đoàn đến thăm trại cho dù là cộng sản hay tư bản thân cộng, Bộ Công An từ Hà Nội cũng xuống hướng dẫn trại trưởng tổ chức những màn kịch để phô trương. Muốn phô trương phải che giấu cái tồi tệ của họ, mà chính vì che giấu lại làm cho màn kịch của họ trở nên tồi tệ hơn. Mời quí vị quí bạn theo dõi 3 màn kịch tồi tệ đó.

Màn kịch thứ nhất

Thật là vô duyên khi hai đội banh tạp nham bị bắt buộc vào sân đá với nhau để phái đoàn quay phim. Theo lời của đám trực trại thì Bộ Công An muốn đoàn quay phim ngoại quốc thấy cảnh sinh hoạt của tù chính trị, nhưng theo chúng tôi nhận xét thì nhóm quay phim chú trọng thu hình những lối ra vào khu vực các buồng giam, vì họ đặt hai máy thu hình ở hai đầu sân thu hình sự đi lại của anh em chúng tôi ra vào các hành lang đó. Không hiểu họ khai thác góc cạnh nào trong sự đi lại của anh em chúng tôi, nhưng rõ ràng là họ chú trọng những hình ảnh đó hơn là trận banh trên sân đá dăm (chớ hổng phải sân cỏ).

Ðến tổ dịch tài liệu do anh Lại Ðức Chuẩn (đại tá Bộ Tổng Tham Mưu) phụ trách, được chọn lọc hẳn hòi trong lớp học Lịch Sử chớ không phải toàn tổ đều tham dự trình diễn tại hội trường, trong khi tổ văn nghệ do anh Phạm Kim Qui (đại tá Cảnh Sát) phụ trách trình diễn “nhạc hòa tấu.” Trong màn này có lẽ họ muốn phô trương “sinh hoạt của tù chính trị trí thức” là như vậy đó.

Màn kịch thứ hai

Sau đoạn phim về trận banh tạp nham với hai tổ dịch thuật và văn nghệ, đến đoạn phim tù chính trị ăn cơm chiều với “thực đơn” đặc biệt. Ðám trực trại cho dọn cái gọi là nhà ăn của buồng giam số 1, để ở đó một cái bàn với sáu ghế ngồi.

Cả mấy trăm tù chính trị mà chỉ có một bàn ăn duy nhất, làm sao che giấu cái bản chất dối trá trước phái đoàn truyền thông quốc tế? Vậy mà họ vẫn cứ thực hiện. Sáu anh tù chính trị được chỉ định ngồi vào bàn ăn “kịch cỡm” này, họ bắt phải mặc áo quần mà họ nói là đẹp nhất. Tôi với cụ Hoàng Văn Úy (đảng Việt Quốc) đến từng anh thuyết phục nên mặc đồ thường thôi, vì hy vọng đoàn quay phim này sẽ có tác dụng thuận lợi cho mình khi họ phổ biến trên hệ thống truyền thông thế giới. Các bạn đồng ý, nhưng cũng cố gắng một chút tươm tất, nếu không sẽ không yên với đám an ninh của trại.

Tôi và anh Ðặng Hoàng Long đứng nhìn nhóm Thụy Ðiển thu hình. Anh chàng chuyên viên chỉ đưa ống kính quét một lượt phần trên bàn, rồi anh ta ngồi bệt trên sàn xi-măng, đưa ống kính vào các ống chân bàn chân của “thực khách” và thu thật chậm nên không sót bàn chân anh nào cả. Ðó là những bàn chân nứt nẻ bị bùn đen bám vào, cộng với nước phèn ngấm vào da, làm cho những bàn chân trở nên sàm sỡ, và người quay phim khai thác một cách rất nghệ thuật về những chứng tích không thể chối cãi trong trại tập trung của CSVN, trong khi chúng nó dàn dựng những màn kịch như là tù chính trị trong trại tập trung chỉ học về lịch sử, cùng với vui chơi giải trí văn nghệ.

Màn kịch thứ ba

Lúc ấy trời tối hẳn, vì mùa Ðông nên thì giờ ban ngày ngắn lại so với thì giờ ban đêm. Họ hoàn toàn thu hình mà không hỏi bất cứ ai về bất cứ điều gì. Nhóm quay phim Thụy Ðiển yêu cầu công an cho mở các phên cửa sổ để có chút ánh sáng thu hình vài sinh hoạt trong buồng giam số 1. Nghe thông dịch xong, tên công an từ Hà Nội xuống ra lệnh cho công an trại:
“Không được. Nói với chúng nó nếu mở tấm phên thì mấy anh này chịu lạnh không nổi.”

Thật ra không phải đám công an Hà Nội sợ tù chính trị chúng tôi lạnh đâu quí vị à, và đây là bằng chứng vẫn do tên công an Hà nội nói:
“Bọn này ghê lắm! Chúng nó quay toàn những cảnh không như bộ đã hướng dẫn chúng nó trước khi vào trại. Không cho chúng nó quay nữa.”

Không thấy tên công an thông dịch cái lệnh đó. Sau cái lệnh không cho mở tấm phên cửa sổ, anh chàng chuyên viên thu hình Thụy Ðiển cao lêu nghêu, lặng lẽ ra chỗ xe của anh ta ngoài sân đem vào cái ống trắng giống ống đèn néon nhưng lớn một chút, dài khoảng 6 hay 7 tấc gì đó. Hóa ra cái ống ấy là đèn điện tử, tỏa một vùng ánh sáng thật dịu nhưng thật mạnh trong khoảng chừng một thước vuông, đủ để họ lần lượt thu hình 3 quang cảnh.

Cảnh 1, anh Ðặng Hoàng Long (họa sĩ và trước đây là thông dịch viên) cùng với một bạn nữa (dường như là anh Bửu Uy) đang đánh cờ tướng.

Cảnh 2 là anh Nguyễn Hữu Vị (trung tá, Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo) có hàm râu dài trắng phếu, đang ngồi vá chiếc áo mùa Ðông, trông thật là buồn! (Vài tháng sau đó, con gái của anh Vị từ Paris gởi về anh Vị tấm ảnh “anh ngồi vá áo” do chụp lại từ trong tivi mà cuộn phim đó trình chiếu trên hệ thống tivi nước Pháp).

Và cảnh 3 là anh Phạm Văn Thuần (đại tá, Phủ Thủ Tướng) dưới ánh đèn leo lét đang cắm cúi viết “thư tình già” gởi về cho “má bầy trẻ.” Cái gọi là bàn viết của anh Thuần chỉ là cái mền chồng lên cái gối do mấy bộ quần áo tù cuộn lại.

Trưa hôm sau và trước khi rời trại, một anh chàng trong nhóm quay phim của Thụy Ðiển cầm cái micro dài, đứng giữa sân áng chừng 5 phút trong khi anh chàng quay phim thu hình anh ta. Tên Bùi Dênh - trại trưởng - nói với đám công an trực trại đang đứng nhìn:
“Cứ để nó thu, cho nó thấy sự yên tĩnh trong trại. Ðiều đó tốt thôi.”

Hôm sau, các đội xuất trại xong, tên Niệm - phụ trách giáo dục của toàn trại - vào tổ văn hóa:
“Anh Hoa. Anh Vũ Tiến Phúc có đi lao động không?”
“Tôi không biết cán bộ.”

Hắn quay sang tên Lực trực trại: “Ðồng chí Lực, cho người xuống đồng tìm anh Phúc ngay.”

Nửa giờ sau, hắn nói với anh Phúc đang đứng trước mặt:
“Anh đã có tiến bộ về tư tưởng thông qua phóng sự do đài truyền hình Cần Thơ thực hiện hai tháng trước. Ông bộ trưởng (Công An) xem xong đoạn phim đó ra lệnh thả anh về. Anh tiến hành thủ tục ra trại ngay hôm nay để cùng về với toán kia.”

Về đoạn phim mà tên Niệm gọi là “phóng sự,” thật ra anh em tù chính trị chúng tôi không ai biết về cuộc phỏng vấn của đài truyền hình Cần Thơ tại trại Nam Hà A này cả. Chỉ biết là họ có thu hình anh Vũ Tiến Phúc và anh Lâm Chánh Ngôn (đại tá, Sư Ðoàn 21 Bộ Binh). Hôm đó là buổi chiều, họ thu hình hai anh đứng cuốc đất trên khoảng đất nhỏ xíu ngay góc cái giếng lớn cạnh cổng chánh của trại.

Khoảng đất “đầu thừa đuôi thẹo” chút xíu xìu xiu này chưa bao giờ trồng trọt gì cả. Còn phỏng vấn lúc nào và ở đâu, chúng tôi hoàn toàn không biết. Nếu cho rằng đài truyền hình Cần Thơ muốn phỏng vấn những cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa từng phục vụ vùng đồng bằng Cửu Long mà đài truyền hình này xem là địa phương, thì đâu phải chỉ có anh Phúc với anh Ngôn, mà có các anh Nguyễn Văn Của (đại tá Thiết Giáp), Nguyễn Văn May (đại tá Hải Quân), Huỳnh Thanh Sơn (đại tá Bộ Binh), và nhiều nữa.

Phải chăng đó chỉ là cách nói của trại như là lý do ra về của anh Phúc do ông bộ trưởng Bộ Công An “tử tế và rộng lượng quá,” chỉ cần lúc nhàn hạ ngồi xem một đoạn phim là đủ yếu tố để quyết định thả tù, loại tù mà Thủ Tướng CSVN Phạm Văn Ðồng đã tuyên bố là tội ác tày trời không thể tha thứ.

Buổi trưa, tất cả các anh rời trại chuyến thứ hai, cộng thêm anh Vũ Tiến Phúc, tập trung ở khuôn viên buồng 10 chờ lên xe ra Phủ Lý. Ðám trực trại không cho tiếp xúc với anh em còn ở lại. Lệnh là như vậy, nhưng giờ trưa chẳng có tên nào vào trại, thế là anh em chúng tôi tha hồ nhắn gởi về nhà.

Khi tập trung để đám trực trại điểm số, cũng là lúc nhóm quay phim Thụy Ðiển làm công việc thu hình. Nhóm này thu hình khi anh em ra cổng trại đi bộ lên chỗ xe buýt đậu trước nhà tên Lưu Văn Hán, trại trưởng toàn trại Nam Hà. Nghe đám trực trại nói chuyện, mới biết là nhóm quay phim Thụy Ðiển thu hình tại nhà ga Hà Nội, sau đó lên phi cơ vào Sài Gòn để thu hình các anh tại nhà ga Hòa Hưng.

Khoảng hai tháng sau đó, tên Lực trực trại, vào buồng giam số 1 chúng tôi nói chuyện linh tinh. Sau khi uống tách cà phê, hắn nói:
“Mấy thằng Thụy Ðiển đểu lắm. Nó quay phim các anh ở đây nó không hỏi ai điều gì, nhưng khi về bên đó nó thuyết minh ngược lại làm cho Bộ Công An bị phê bình dữ dội.”
“Họ thuyết minh thế nào vậy cán bộ?”
“Khi thu hình đội trồng rau trên đường về trại, ban giám thị bảo bó cuốc xẻng lại và vác về cho nó thấy là cẩn thận, nhưng lời thuyết minh trong phim cho rằng trại bắt các anh vác củi về sau giờ lao động. Nó nói như vậy là vì nó chỉ thu hình từ phía trước, mà phía trước chỉ là những cán cuốc cán xẻng chớ đâu thấy lưỡi cuốc lưỡi xẻng. Còn lúc nó đứng thu âm thanh ở giữa sân, nó thuyết minh là sự khắc nghiệt đến mức mà hằng ngàn tù nhân cũng không dám phát ra một âm thanh nào cả, nghĩa là một không khí im lặng đến nghẹt thở! Ðểu đến thế!”
“Ðúng là chúng nó đểu quá.”

Ðó là lời của cụ Hoàng Văn Úy (đảng Việt Quốc) nói theo kiểu vuốt đuôi tên Lực, nhưng trong lòng anh em chúng tôi thầm cười “cái đểu rất nghệ thuật của đoàn quay phim với bọn cộng sản quá đểu.” Thế là những màn kịch tồi đã bị nhóm thu hình Thụy Ðiển vạch trần một cách nghệ thuật. Xin cám ơn các bạn Thụy Ðiển trong nhóm quay phim ấy.
 
(Trích trong quyển “Ký Sự Trong Tù”)