Năm Nay Đào Lại Nở, Không Thấy Ông Đồ Xưa |
Tác Giả: Mường Giang |
Thứ Năm, 07 Tháng 1 Năm 2010 15:55 |
Từ khi sống đời phiêu bạt, năm nào cũng vậy hễ gần tới những ngày cuối năm thì lòng ta lại bâng khuâng lo lắng nhưng không biết là mình đã lo lắng bâng khuâng điều gì, vì Tết Dương lịch nơi xứ người cũng đã qua trong lặng lẽ buồn rầu, còn xuân quê mình thì nghìn trùng xa cách. Vui buồn, mong đợi hay mơ ước, tất cả cũng chỉ còn là kỷ niệm của một thời xa xưa thân ái, với những cái tết thật êm đềm, dù đất nước lúc đó đang hồi lửa loạn. Nhưng mặc kệ, mọi người vẫn bận rộn lo sắm tết, khi mùa đông sắp tàn, nhường chỗ cho nàng xuân kiều diễm nõn nường, đang lồ lộ bước vào ngưỡng cửa đời. Ôi giấc mơ xưa chưa chi đã dẫn ta về thôn xóm cũ, những ngày xuân tết vẹn vầy, những niềm vui thơ dại, trên từng trang lưu bút của một thời tuổi trẻ đã phai tàn, nay không biết có ai còn nhớ hay không ? Bao chục năm qua rồi, những ngày sắp tết lại buồn, nhất là lúc đứng nhìn mưa phùn nhỏ những giọt trắng, trên từng cánh cúc vàng nơi thềm gió. Ở Phan Thiết quê tôi, năm nào gần tết thường không có mưa. Nhưng nếu trời trở chứng, trút nhẹ một vài cơn mưa rào, thì đã thấy xuân như đang bắt đầu chúm chím trên từng giậu hoa, ngọn cỏ. Đường phố bỗng dưng được nước mưa lau chùi sạch sẽ và hữu tình nhất vẫn là nụ cười của người Phan Thiết không còn thấy héo hắt, muộn phiền. Những hàng vông, gốc phượng, những chiếc lá me non cũng phe phẩy mừng rỡ. Tất cả như cùng xuân mở hội. Trong nhà rộn rịp, ngoài ngõ cũng lao xao, nhất là tại các lò bánh tráng ở Phú Hài, Xóm Lụa, Tân An, Duồng, Phan Rí Thành và ngay trong thị xã, hoạt động suốt ngày đêm, vẫn không đủ để cung ứng cho mọi người, vì nhà nào cũng đều cần để cúng và cuộn với măng kho thịt heo và bánh tét trong ba ngày xuân. Tết Phan Thiết vui từ những ngày cuối chạp, mà chủ đích là rủ nhau đi chợ để mua sắm và ngắm người. Bắt đầu từ ngày 25 tháng chạp, chợ trái cây và hoa đã được hình thành trên hai con đường Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt cạnh vườn hoa nhỏ, bên hữu ngạn Mường Giang. Giáp tết, hoa từ các nơi được đổ về thành phố vô số kể, làm như người Phan Thiết chỉ biết ăn tết bằng hoa, mặc sức mà lựa chọn. Thôi thì đủ thứ, từ các loại hoa bình dân như mồng gà, vạn thọ, trường sanh, cúc, thược dược.. cho tới các loài hoa vương giả nổi tiếng của Bình Thuận là hoa Mai với màu vàng phớt, có năm cánh mỏng mướt như lụa , lúc nào cũng nhè nhẹ muốn chực cười trước gió xuân. Đây là người bạn lâu đời của Phan Thiết, vì vậy mỗi độ xuân về, hầu như nhà nào cũng có một cành mai, dù mua ở chợ hay lặn lội tới rừng xa, núi cao, để chặt. Hoa bán thật nhiều, có năm thiếu người thưởng thức nên vào chiềuba mươi tết, nhiều loại hoa ế ẵm đã bị chủ vất bỏ, nằm phơi lạnh lùng bên vệ đường mặc cho hoa tàn cánh rũ. Thật thảm thay cho kiếp hoa tàn. Tại Hà Nội hằng năm sau ngày cúng đưa Táo quân về trời, bắt đầu từ sáng 24 kéo dài tới chiều ba mươi, suốt một tuần lễ có phiên chợ Hoa đặc biệt ở Phố Hàng Lược, chỉ bán các loại hoa, cây cảnh, đặc biệt là Hoa Đào và Quất rất được nhiều người ưa thích vì lâu tàn, có thể chơi suốt tháng giêng mới đem bỏ. Chợ Hoa ở Hàng Lược còn là trung tâm cung cấp hoa cho các chợ Đồng Xuân, Cửa Nam, Mơ, Hôm, Hàng Da và nhiều hè phố khắp Hà Nội. Đây là chốn ngàn năm văn vật của Đại Việt, nên từ xưa kinh thành Thăng Long đã là xứ ngàn hoa đua nở, từ Hồ Tây, Nghi Tầm, Võng Thị, Trích Sài.. kéo dài tới Làng Yên Hoa trên đê Yên Phụ, Quảng Bá, Ngọc Hà, Nhật Tân.. Tất cả làm cho Hà Nội thành xứ ngàn hoa, từng được thi nhân bao đời gọi là rừng mơ với nhiều loại hoa mai, hoa đào trân quý. Sài Gòn những ngày gần tết, đi đâu cũng thấy toàn là hoa, làm cho mùa xuân thêm muôn màu nghìn dáng, với đủ loài hoa từ Đà Lạt, Phương Lâm, Sa Đéc, Gò Vấp, Thủ Đức, Phú Thọ đưa vào. Những ngày này đi đâu cũng thấy Sài Thành thật là thơ mộng, qua hình ảnh của những chiếc thổ mộ lăn bánh cóc cách gõ nhịp khắp đường phố, xe nào cũng chất đầy hoa như đang chở cả mùa xuân từ muôn phương đem về dâng hiến làm vui cho Sài Gòn. Tóm lại, theo tập quán của tổ tiên truyền lại, thì vui xuân đón tết ngoài việc bầy cỗ bàn cúng kính tiền nhân. Ngoài ra hầu như nhà nào dù giàu hay nghèo, cũng không thể thiếu các món trà, rượu, pháo và nhất là các loại hoa đào (miền Bắc), mai (miền Trung và Nam), đồng thời còn thưởng thức thêm các loại hoa cúc, hồng, vạn thọ, trường sanh, mồng gà.. Riêng các cụ xưa có phần kiểu cách hơn, nên luôn trong nhà lúc nào cũng có sẵn một chậu Lan, Cúc hay Mai tứ thời. Nhưng dù các loài hoa có khoe trăm hương, ngàn sắc, thì những ngày Tết Nguyên Đán tại VN, đào và mai cũng vẫn là hai loài hoa trân quý, được mọi người ái mộ nhất. Thú chơi Đào ngày tết đã có từ lâu rồi. Tổ tiên ta thuở bình minh dựng nước trên đất Bắc, khi chọn hoa đào để làm thú tiêu khiển trong ba ngày tết, chắc hẳn đã nghĩ tới màu đỏ thắm rực rỡ của đào, giống như viễn ảnh của một năm mới sắp tới, cũng trong sáng đẹp đẽ như màu hoa. Hơn nữa theo quan niệm của Á Đông, màu đỏ luôn tượng trưng cho niềm hy vọng của con người. Theo truyền thuyết ngoài hương sắc nõn nường, hoa đào còn được coi như là vật trấn yêu, trừ ma quỹ. Điễn tích trên được rút từ truyện hai vị thần Uất Lũy và Trần Trà ở núi Độ Sơn, cai quản một đám âm binh, quỷ sứ. Để trị bọn chúng, hai thần đã dùng cành đào như một thứ vũ khí đặc biệt. Do trên, người VN nhất là ở miền Bắc, qua ảnh hưởng của Trung Hoa, đều tin rằng chơi hoa đào trong ba ngày tết, ma quỷ sẽ không dám vào nhà để lộng hành phá phách, làm hại mọi người. Tại Hà Nội, vào những ngày Tết có bán hai loại hoa đào, đó là Hồng đào và Bích đào. Đây là loại hoa kiểng có màu đỏ thắm rất đẹp không có quả. Thứ hoa này có thể sống được vài ngày. Xưa nay với những người Việt di cư từ miền Bắc vào Nam năm 1954, thì mỗi lần Tết đến có trăm nhớ nghìn thương, chứ đâu phải chỉ có hoa đào, cây nêu và câu đối đỏ, như một nhà thơ nào đó đã viết : Nói như người Hà Nội thì mùa xuân là mùa hoa, tựa như con người trên đường đi tìm hạnh phúc cho chính mình, biết gìn giữ hay thưởng thức, phải có người biết chơi hoa, yêu hoa, trân quý nâng niu thì hoa mới có ý nghĩa với đời. Bởi vậy đã có không biết bao văn nhân tài tử đất Bắc, hàng năm không thèm ghé vào chợ Hoa Tết Hàng Lược trước mắt, mà phải lặn lội trong mưa phùn gió bấc lạnh lẽo khổ sở, tìm tới các rừng Mơ ở tận Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, Từ Liêm.. với mục đích chỉ tìm cho bằng được một hồn hoa còn trinh bạch, đang thẹn thùng e lệ núp lén đâu đó trong cảnh mưa gió phủ phàng. Đâu đâu cũng ngổn ngang những nhánh Chi Mai, một góc Trà Thâm, nhiều giỏ Đại Đóa đang chen vai khoe sắc bên cạnh các chậu Mộc Lan.. tuy nhiên tất cả đều không phải là những thứ người nghệ sĩ đang tìm kiếm, mà là Hoa Đào. Đây chính là loài hoa được Thôi Hộ, Ôn Như Hầu, Nguyễn Du .. từng nhắc nhớ, loài hoa Hồ Ly Tinh trải qua bao thế kỷ, đã ru hồn các nghệ sĩ, khiến cho họ phải từng canh bâng khuâng xao xuyến, mộng mị trong mong chờ. Vì vậy dù Tết đã qua, hoa đã thành ‘ khứ niên ‘ nhưng linh hồn của nó vẫn như đọng lại nơi tâm khảm của khách yêu hoa, khác nào nổi ngất ngư của mối tình đầu mà ta đã trải qua trong đời với người yêu dấu ái. Bao đời Hà Nội ngày xuân tươi thấm qua màu đỏ chói của Bích Đào, Mộng Tự lẫn Đào Thăng Long. Ngoài ra còn loại Bạch Đào cực hiếm khó có được, nên trong phút giao thừa đêm cuối chạp, thường làm cho người yêu hoa phải ngẩn ngơ thao thức, đứng với hoa trong ánh bạch lạp chập chờn trên bàn thờ, mà tưởng như hồn đã hóa thành đá, giữa cõi mênh mang trống vọng biển đời, thực ảo, hơn thua, biết đâu mà mộng mị. Hỡi ơi mỗi năm mỗi tuổi như đuổi xuân đi, bạn bè người thân may mắn còn sống sót sau cuộc chiến nào Nhật Trường, Hồ Tài, Trần Tác, Phùng Thế Xương, Bùi Nhật Huy, Lưu Trọng Bút.. kể cả Võ Thị Thanh Tâm tuổi đời mộng mơ đang chớm, cũng đã trở thành người trăm năm cũ, dù Tết nào hoa Đào cũng vẫn nở, mà bóng người xưa đã khuất nẻo mây ngàn. Tóm lại, Hoa Đào ngoài công dụng làm vật trang trí cho người tiêu khiển, cũng đã đi vào kho tàng văn chương, tục ngữ của nhiều dân tộc. Trong ‘ Cung oán ngâm khúc ‘ , Ôn Như Hầu đã viết : Má đào cũng được dùng để chỉ người đẹp. Danh từ trên được rút từ điển tích Thôi Hộ đời nhà Đường nhân tiết Thanh Minh ngoạn cảnh, đi lạc vào một vườn hoa đào. Sau đó đã gặp và yêu một người con gái đep tên Đào Phụng Trinh. Cả hai đã gắn bó, thề hẹn và chàng hứa sẽ trở lại thăm nàng. Năm sau Thôi Hộ lại đến vườn đào nhân buổi đầu xuân, nên khắp nơi hoa đào rực rỡ khoe hương sắc đầy trời. Nhưng cảnh cũ còn đây hoa đào còn đó, mà bóng người xưa đã biền biệt phương trời. Não lòng Thôi Hộ đặt bút viết một bài thơ tứ tuyệt, dán nơi cửa vườn hoa năm ngoái mà hai người đã gặp gỡ : Năm sau nữa cũng độ xuân về lòng thương nhớ không nguôi, Thôi Hộ lại lần mò đến vườn xưa chợt nghe tiếng khóc than thảm thiết, hỏi ra mới biết đó là tiếng khóc của cha Đào Phụng Trinh. Nàng vì thất tình nên mang bệnh trầm kha trong cơn hấp hối, sau khi được đọc qua bài thơ tỏ tình của Thôi Hộ. Cảm xúc trước cảnh đau lòng, nên chàng mong được gặp Đào Phụng Trinh lần cuối. Nhờ vậy nàng đã sống lại khi nghe tiếng chàng gọi mình, thế là hai người đẹp duyên cầm sắc, giữa vườn đào đang nở rộ đón xuân sang. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du tiên sinh cũng đã viết : Trước tháng 5-1975 những ngày sắp tết, người lính già có dịp về phép thăm nhà, một mình thơ thẩn dạo chợ hoa quanh vườn hoa nhỏ. Bên kia sông những hàng vông cũng đã bắt đầu trụi lá, chỉ còn trơ lại những cành cây mốc thếch sần sùi như gục đầu buồn bã trước cuộc bể dâu. Trên đường tan học, những tà áo trắng từ hai trường Chính Tâm và Phan Bội Châu, từng nhóm ngang qua vườn hoa lớn.. đã vô tình dẵm lên lên xác hoa và lá vông nằm tơi tả đầy đường... giống như bầy chim sáo, cưởng .. cũng bỏ Vông mà đi khi các cành cây trụi lá. Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di Đầu năm 2010 |