Home Văn Học Tùy Bút San Jose: Tân Hôn, Tân Niên Và Giao Duyên

San Jose: Tân Hôn, Tân Niên Và Giao Duyên PDF Print E-mail
Tác Giả: Bùi Văn Phú   
Thứ Ba, 23 Tháng 3 Năm 2010 19:53

Mới đầu năm tôi đã đi dự một đám cưới. Như thế là hơi sớm phải không bạn?

Ở đây, người Việt cũng như người Mỹ không mấy ai lên xe hoa khi vừa bước vào năm mới. Đầu năm là tiệc tân niên chứ chuyện cưới xin ở Mỹ thường được tổ chức trong những cuối tuần từ cuối tháng 5 qua đến hết hè, ngay đầu năm ít khi có.

Hôm mồng 7 Tết, tức 20 tháng Hai dương lịch, vợ chồng tôi dự đám cưới con của một gia đình cùng quê, định cư tại Mỹ được hơn mười năm. Cô dâu đạo Phật, chú rể đạo Chúa và hai người lấy nhau đạo ai nấy giữ. Chúng tôi thân bên gia đình cô dâu đã lâu và được biết cha mẹ cô rất tin vào phong tục tập quán Việt. Hè năm ngoái trong một dịp liên hoan gia đình, anh chị đã thông báo cho mọi người biết sang năm tổ chức đám cưới và đôi bạn sẽ không làm đám hỏi. Một số người quen biết tỏ vẻ ngạc nhiên khi không thấy đủ các lễ cưới hỏi như nhiều người Việt còn giữ truyền thống, dù sống xa quê hương.
Hai tháng trước nhận được thiệp cưới, gia đình cô dâu còn mời chúng tôi đi họ. Các nghi lễ sẽ không diễn ra tại tư gia mà trong căn nhà cổ trong khu bảo tồn lịch sử của thành phố.

Đến ngày, chúng tôi đi dự. Nhà tôi mặc chiếc áo dài thổ cầm may ở Việt Nam. Mẹ vợ cũng áo dài. Cả hai họ với chừng hơn 30 người hiện diện. Nghi thức kết hôn diễn ra đơn giản theo phong cách Mỹ. Bố cầm tay đưa con gái lên, trao cho người chồng tương lai trong tiếng đàn hạc (harp) du dương, lãng mạn. Một quan chức hành chánh làm nghi thức hôn phối theo luật bằng Anh ngữ, trước sự chứng kiến của anh em, bạn bè đôi bên. Vị chủ lễ và cả cô dâu, chú rể có lúc bông đùa làm mọi người cười vui. Chừng 20 phút là xong. Chẳng cúng bái, lên đèn hay mời trà, mời rượu song thân phụ mẫu. Sau đó chụp hình, dùng tiệc trà trong khung cảnh cổ kính, xinh tươi của khu phố cổ.
Nhà tôi có nhận xét là chưa bao giờ dự lễ cưới người Việt đơn sơ, đẹp như hôm nay. Tôi đồng ý.

Nghi thức kết hôn của đôi bạn vào buổi trưa tuy đơn sơ, nhưng tối đến vẫn có tiệc cưới với gần 200 khách tổ chức trong một nhà hàng Tầu quen thuộc với chục món. Vào phòng tiệc cũng thấy khác. Thường trên sân khấu có chữ “Song Hỉ” và đôi rồng quấn quanh trên một nền đỏ. Hôm nay những hình tượng đó được che lấp đi bằng một lớp vải trắng ngà và một giàn đèn điện thả rũ, nhấp nhánh như đèn Giáng Sinh, không còn vẻ Á đông như những đám cưới khác thường tổ chức ở đây.
MC hôm đó là Ngọc Hiếu của đài AM 1120, một giọng nói quen thuộc ở vùng San Jose. Ngoài việc giới thiệu, anh kiêm luôn chuyên viên âm thanh, ánh sáng và phối hợp chương trình văn nghệ. Thỉnh thoảng đi San Jose chơi tôi có nghe giọng Ngọc Hiếu qua sóng phát thanh, hôm nay thấy anh, trông còn trẻ, vui tươi và pha hài cũng rất có duyên cho sinh hoạt của một đám cưới.

Giao duyên đàn nguyệt và đàn t’rưng qua bản dân ca Nhật “Sakura, Sakura.” (ảnh Bùi Văn Phú)

 Một điều lạ nữa. Chương trình văn nghệ trong tiệc cưới ngoài vài bài hát Việt quen thuộc về ngày tân hôn, khách còn được thưởng thức những vũ điệu qua tiếng trống hải đảo Hawaii và miền Nam Thái Bình Dương như Samoa, Tonga, Fiji. Trống gõ rền vang, dồn dập vui nhộn. Mấy cô vũ công mặc váy, hở lưng mời đám trẻ thích vui ra nhảy múa, lắc mông rộn ràng. Một đám cưới với những giao duyên văn hóa đẹp.

Trong phần cảm tạ, cô dâu ngỏ lời cám ơn cha mẹ đã cho phép cô và người chồng tương lai quyết định việc tổ chức đám cưới theo ý của đôi uyên ương. Tôi đã nhiều lần nghe nói chuyện cưới hỏi bên Mỹ này thì “con đặt đâu, cha mẹ ngồi đó”. Hôm nay điều này thực sự phản ánh qua cách đôi tân hôn tổ chức sinh hoạt cho ngày vui nhất đời của họ.
Tiệc cưới khai mạc đúng giờ nên sau phần cắt bánh và xong dạ vũ cũng chỉ mới 10 giờ tối. Thật là một đám cưới tiến bộ về nhiều mặt. Nhà tôi và tôi cùng đồng ý là chưa bao giờ được dự một đám cưới Việt đơn giản, nhưng vui và nhiều nét giải trí như hôm nay.
*
Đầu năm con cọp San Jose nhộn nhịp tiệc tân tiên trong mấy cuối tuần qua, dù kinh tế chưa lên và mức thất nghiệp trong vùng vẫn cao ở mức 12.4%. Các hội đoàn thân hữu thi nhau tổ chức họp mặt: từ Hội Kiên Giang, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Quảng Trị cho đến Hội Y Sĩ Bắc California, Hội Luật Gia bang California, Hội Cựu Nữ Sinh Lê Văn Duyệt, đến tiệc mừng Hội Tết Fairgrounds thành công.

  Geisha biểu diễn. (ảnh Bùi Văn Phú)

Sinh hoạt có tính giao duyên văn hóa nhất là buổi họp mặt cùng anh Đỗ Thông Minh, từ Nhật qua, do nhóm cựu sinh viên du học Nhật nay sống ở San Jose tổ chức vào trưa Chủ Nhật 07.03 với một chương trình văn nghệ Việt-Nhật.

Hơn trăm khách đã đến ăn trưa và nghe anh Đỗ Thông Minh nói chuyện. Chương trình bắt đầu đúng giờ như chủ trương của diễn giả. Anh nói về ngôn ngữ Việt, về cách dùng từ vựng đúng sai. Nhiều cụm từ tôi đã biết nay nghe anh giải thích theo lí lẽ, cấu trúc ngôn ngữ nên cũng học hỏi được nhiều điều hay. Chẳng hạn như cụm từ “Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ” thường dùng, nhưng đúng ra phải là “Hợp Chúng Quốc”. Hay những khác biệt giữa “li thân”, “li dị” và “li hôn”. Nhiều dẫn chứng về cách sử dụng và nguồn gốc nhiều từ vựng phổ thông trong tiếng Việt đã được anh ghi lại trong quyển sách “Vui học Việt-Hán-Nôm”. Đây là một tài liệu cần có cho những ai quan tâm, muốn làm đẹp và gìn giữ tiếng nước nhà. Tập sách cũng là một tài liệu hữu dụng cho các thầy cô đang giảng dạy Việt ngữ. Đọc sách này cho tôi hiểu biết thêm về sự phong phú của tiếng Việt, cùng e ngại cho sự mai một của một số từ vựng, thí dụ như “bảo trọng” nếu trở nên thông dụng thì “giữ gìn sức khoẻ” chẳng bao lâu sẽ không còn nữa. Hay nhiều cụm từ phổ thông thời Việt Nam Cộng Hòa nay cũng đang mất dần vì hoàn cảnh chính trị.

Tuần này đọc tờ VTimes ở San Jose, phát hành hôm 05.03, có bài của Nguyễn Thị Hàm Anh, một cộng tác viên từ Sài Gòn viết về những tua du lịch bình dân sau Tết với hàng chữ: “Giáng Giêng là tháng ăn chơi” mà tôi không biết đây là lỗi đánh máy hay ngôn ngữ trong nước giờ đã thay đổi đến thế. Cũng mới đây trên mạng tienve.org, nhà thơ Đỗ Trung Quân và nhà văn Vương Văn Quang có chụp hay sưu tầm được một số ảnh bảng quảng cáo trước cửa hàng hay các khẩu hiệu dựng trên đường phố, đọc mà không khỏi buồn cho tiếng Việt trong nước ngày nay:
- chào lưu Việt
- tắm hương hoa thảo dược chống não hóa
- karaoke, vi tính, âm thanh tuyệt vọng
- ai ơi nhớ lấy câu này / sông sâu chớ nội đò đầy chớ qua

Đề nghị Bộ Giáo Dục và Đào Tạo phát động ngay chiến dịch “Học lại tiếng Việt cho đúng”. Nhiều chuyện khó khăn khác Việt Nam đã vượt qua, không nhẽ chuyện ngôn ngữ lại cứ tiếp tục bế tắc từ mấy chục năm qua.

Văn nghệ Việt-Nhật hôm đó có đội trống taiko, có đàn t’rưng, đàn nguyệt. Hình như cây đàn t’rưng bằng tre bây giờ đã trở thành biểu tượng cho nhạc cụ Việt, dù đó là đàn của dân tộc ít người. Trong một liên hoan đón Tết ở Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam có chị Vân Ánh chơi đàn này rất hay. Tại triển lãm văn hóa nhân dịp hội nghị “Meet Vietnam” ở San Francisco vào tháng 11 năm ngoái cũng có đàn này. Du khách đến Việt Nam thấy đàn t’rưng nhỏ, bỏ gọn trong hộp là món quà thường được bày trong các cửa hàng bán đồ kỉ niệm. Tôi đoán những nhạc cụ khác của Việt Nam thì lai hoặc cũng giống những nước khác, như đàn tranh giống đàn koto của Nhật; đàn nguyệt, tì bà, đàn nhị giống nhiều nhạc cụ Trung Hoa. Chỉ có đàn t’rưng là cá biệt.

Trong sinh hoạt với anh Đỗ Thông Minh, nữ nhạc sĩ Kumiko Oguri đã biểu diễn đàn t’rưng qua hai bản “Suối đàn t’rưng” và “Tiếng trống Tây nguyên”. Theo nhận xét riêng thì chưa bằng chị Vân Ánh mà tôi đã có nhiều dịp nghe và xem chị biểu diễn quanh vùng Vịnh San Francisco. Hôm nay cũng có nam nhạc sĩ Wada Shogo chơi đàn nguyệt bản “Lòng mẹ” làm thổn thức khách dự. Quý thay là sự đam mê văn hóa Việt của những nghệ sĩ Nhật.

Nga Mi và Trần Lãng Minh. (ảnh Bùi Văn Phú) 

Chương trình còn có Trần Lãng Minh & Nga Mi hát quan họ Bắc Ninh, hát “Đôi mắt người Sơn Tây” của Phạm Đình Chương giao duyên cùng thơ “Đôi bờ” của Quang Dũng. Anh chị cũng đã hát “Tình ca”, “Tình hoài hương” của Phạm Duy:
Tiếng nước tôi
bốn ngàn năm
ròng rã buồn vui
khóc cười theo
mệnh nước nổi trôi…

Đồng Thảo, hiền thê của Luật Sư Nguyễn Ngọc Bích, đến và hát “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn qua hai lời Nhật-Việt, “Đêm nhớ về Sài Gòn” của Trầm Tử Thiêng, và cùng Duy Tuấn ca vang “Lời gọi chân mây” của Lê Uyên Phương. Chị Phương Tú hát tiếng Nhật cùng anh Bá Hỷ đệm ghi-ta và màn biểu diễn của geisha là những nét lạ.
Chương trình kết thúc bằng một dân ca rất phổ thông của người Nhật, bài “Sakura, Sakura” giao duyên giữa đàn nguyệt và đàn t’rưng. Tiếng nhạc gợi nhớ cho tôi điệu buồn của nhạc khúc qua tiếng đàn koto khi vào thăm nghĩa trang samurai ở Tokyo cách đây hơn phần tư thế kỉ. Dịp đó cho tôi cơ hội được nghe tiếng đàn truyền thống ngay trên đất Phù Tang và sau được thưởng thức tiếng koto hòa tấu cùng giàn nhạc giao hưởng. Tuyệt vời với “Sakura, Sakura”.

Lần trước gặp anh Đỗ Thông Minh vào đầu thập niên 1980, khi tôi còn là sinh viên Đại Học Berkeley và cùng cộng đồng xuống đường biểu tình ở San Francisco kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam. Lúc đó anh là người của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam của Tướng Hoàng Cơ Minh và phụ trách tờ báo Kháng Chiến, sau khi tổ chức Người Việt Tự Do ở Nhật giải thể để gia nhập Mặt Trận. Chỉ vài năm tham gia rồi anh rút lui, cùng lúc Mặt Trận bể ra, từ đó anh nghiêng về sinh hoạt văn hóa, giáo dục.

Ba mươi năm sau. Gặp lại anh không còn nghe chuyện kháng chiến mà là chuyện văn hóa, ngôn ngữ để làm đẹp và hi vọng chuyển hóa người Việt, đất Việt. Anh đem theo một số sách để bán, từ sách về ngôn ngữ như quyển “Vui học Việt-Hán-Nôm” đến chính trị là quyển “Con đường dân chủ”. Riêng tôi vẫn chờ đợi được đọc những hư thực anh biết về phong trào kháng chiến thời đầu thập niên 1980 mà sau đó đã làm nhiều người mất mạng ở Đông Dương, trong đó có anh Ngô Chí Dũng cũng là sinh viên du học Nhật.