Home Văn Học Tùy Bút Biển xanh nhuốm máu đỏ vẫn đẹp hơn máu 'Xã Hội Chủ Nghĩa'

Biển xanh nhuốm máu đỏ vẫn đẹp hơn máu 'Xã Hội Chủ Nghĩa' PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Nguyên   
Thứ Năm, 29 Tháng 4 Năm 2010 15:10

Đúng 100 ngày mẹ tôi mất, gia đình chúng tôi 11 người gồm hai vợ chồng tôi và cháu bé,

 hai cặp vợ chồng hai người em trai tôi, hai cháu trai con ông anh cả, ông anh vợ và cô em vợ, lênh đênh trên vịnh Thái Lan, trên chiếc xà lan với hơn 100 người trong chuyến vượt biên tìm tự do vào tháng 10 năm 1977.

Biển yên, gió lặng, ban đêm biển và trời đen như mực, ban ngày biển xanh biếc, ở trên vịnh Thái Lan chúng tôi đã nhìn nhau hỏi: Chúng ta sẽ đi về đâu? Khi cái chết đến gần kề, có người đã tự trách: Tại sao chúng ta đã bỏ nhà ra đi? Những lựa chọn can đảm và gan liều đã bị sự tuyệt vọng lấn át.

Chuyến vượt biên được sửa soạn trên bốn tháng nay nằm trong bàn tay quyết định của Trời. Trên chiếc xà lan bồng bềnh ở vịnh Thái Lan tôi đã có dịp nhìn lại sự lựa chọn của chính mình sau hơn hai năm sống dưới chế độ Cộng Sản. Tôi, ngày hôm ấy, đã tham dự với hơn triệu thuyền nhân khác, chọn lá phiếu bằng thuyền giống như những lá phiếu bằng chân vào những ngày trước tháng 4 năm 1975 của những người tị nạn chạy từ miền Trung vào Nam theo quốc lộ số một.

Tháng Tư đen

30 tháng 4 năm 1975 – Ngày Saigon mất vào tay Cộng Sản, gần trưa nghe tin xe tăng Cộng Sản đang tiến về Saigon, trên xa lộ Biên Hòa, tôi chở anh Hải ông anh vợ tương lai đi một vòng ra Saigon, sau khi nghe Huỳnh Tấn Mẫm sinh viên Y khoa Saigon tranh đấu vào thập niên 1960-70 phát biểu và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên đài phát thanh Saigon hát bài “Vòng tay lớn”. Đến góc Công Lý và Đại lộ Thống Nhất, tôi được chứng kiến cảnh lịch sử, nhìn đoàn xe tăng Cộng Sản tiến vào dinh Độc Lập. Trong đám người không đông lắm lúc ban đầu, chỉ có một ký giả Nhật đứng quay phim, tôi nhìn những bộ mặt ngây ngô của bộ đội ngồi trên xe tăng hỏi đường trong khi dinh Độc Lập ở trước mặt và đã có cảm giác như một người bị lừa.

Đoàn quân “Giải phóng” trên đại lộ Thống Nhất được đón chào trong sự im lặng cho đến khi có người đặt câu hỏi ngớ ngẩn: “Bộ đội có súng ngồi trên xe tăng chĩa xuống mặt mình, nếu không hoan hô lỡ họ bắn chúng mình chăng? ”. Thế là những tiếng hô lớn:”hoan hô cách mạng! được cất lên.”

Khi chiếc xe tăng đầu tiên húc xập cổng dinh Độc Lập, tôi rời đám đông, chạy xe Honda về phía bệnh viện Nguyễn Văn Học, trên đường nghe tin Tổng Thống Dương Văn Minh đọc bản tuyên bố đầu hàng. Tôi đã mất cơ hội nhảy lên một chiếc tàu đậu ở bến Bạch Đằng để đi tị nạn bằng đường biển ngày 30/4/75 chỉ vì thích làm chứng nhân lịch sử.

Mồng 1 tháng 5 năm 1975, ngày quốc tế lao động, buổi trưa chúng tôi được lệnh về trường Y khoa, họp ở Đại giảng đường để chứng kiến cảnh tiếp thu trường. Lần đầu tiên tôi được nghe giảng lý thuyết Mác Lê nin và tội ác Mỹ ngụy qua Bảy Thủ, bác sĩ quân quản tiếp thu trường.

 Trên bàn chủ tọa có sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm. Bảy Thủ một người hùng biện với khẩu súng lục bên hông phải đã cho thấy thế nào là tự do khi trả lời những câu hỏi đã được soạn sẵn. Sau buổi họp, gặp mặt một nhóm sinh viên y khoa; Bảy Thủ đã tự hào kể chuyện thu nhận đám sinh viên tranh đấu Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy, Nguyễn Thanh Công, Bùi Quốc Châu v.v…vào Đảng trong mật khu năm 1968.

 Các sinh viên tranh đấu, tự nhận yêu nước chống Mỹ được trao trả ở Tây Ninh qua cuộc trao đổi tù binh với Mỹ chỉ là những đảng viên cộng sản khác với lời những lời tuyên truyền của chính quyền cộng sản Bắc Việt trong mấy năm qua đổ tội cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đàn áp bắt bớ các sinh viên yêu nước không cộng sản.

 Vài tuần sau tôi tình cờ gặp Dương Văn Đầy tại quận nhất, chủ tịch ủy ban nhân dân và Huỳnh Tấn Mẫm ở sân hội Hồng Thập Tự. Mẫm đã phải đến gần mới nhận ra tôi vì “mắt đã hỏng không nhìn được xa vì bị chiếu đèn khi bị nhốt ở khám Chí Hòa”. Mẫm và Công sau đó về lại trường Y khoa học lại năm thứ 4 không đi theo con đường của Dương Văn Đầy vào những ngày đầu tiên.

Trở về bệnh viện Bình Dân, cùng với Tuấn (đã mất vài năm trước bên Anh) bạn học cùng lớp, cùng nội trú bệnh viện Bình Dân, đi qua Minh Mạng, Ngã Sáu đến đường Phan Thanh Giản, ngồi phía sau Honda của tôi nhìn cảnh Saigon thay đổi với không khí “Cách mạng”, một cách mạng bạo lực đồng nghĩa với phá bỏ, đập đổ, hỗn loạn, cướp bóc, hoang mang với những đoàn xe phóng thanh trên đường phố hát những bài hát cộng sản yêu bác Hồ, những bài hát đầy máu, đầy xương, nhìn những nhà cách mạng 30 tháng Tư “trở mặt trở cờ”, hai bên đường trước mặt nhà các lá cờ đỏ sao vàng và cờ mặt trận giải phóng miền Nam thay cho những lá cờ vàng ba sọc đỏ.

Tuấn nói, “cờ của kẻ chiến thắng bao giờ cũng rực rỡ”, nhưng tôi chỉ nhớ đến hai câu thơ của Trần Dần trong cuốn tuyển tập Trăm Hoa Đua Nở: “Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ ”.

Mấy tháng sau, “mưa sa, lệ nhỏ ” trên khắp miền Nam. Sĩ quan, công chức cao cấp chế độ cũ bị lừa vào các trại học tập. Chiến dịch đánh phá tư sản mại bản, đổi tiến, đẩy dân đi kinh tế mới nhằm cướp tài sản, làm giàu cho cán bộ và đảng viên cộng sản.

 Dân miền Nam trong cảnh gia đình ly tán, bắt đầu đứng sắp hàng mua thực phẩm như dân miền Bắc trong hơn 20 năm qua. Hộ khẩu, phiếu thực phẩm được áp dụng. Dân Saigon sống trong vựa lúa miền Nam bắt đầu biết thế nào là đói kém, là thiếu tự do. Ba tháng sau ngày 30/4, cha tôi mất sau khi nhìn cảnh đời thay đổi khác hẳn với sự tưởng tượng của ông về lý tưởng cộng sản.

Cảnh nhà đơn chiếc sau khi ông anh thứ hai của tôi đã đi qua Mỹ trước ngày 30 tháng 4, hai ông anh lớn của tôi đi học tập. Mẹ tôi bị khủng hoảng thần kinh sau ngày đi mít tinh ở vườn Tao Đàn chứng kiến Phạm Hùng ôm hôn các đồng chí miền Bắc, nhất quyết đưa miền Nam vào con đường Xã hội Chủ nghĩa. Những người bà con từ Thanh Nghệ Tĩnh vào đều hỏi tôi đúng một câu: “Tại sao chúng mày có ăn học tại sao còn ở lại không đi Mỹ”.

 Những người giữ chức vụ lớn trong chính quyền, dạy chủ nghĩa cộng sản trước đám đông, nói khác làm khác khi ngồi trong gia đình nói về một miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa điêu tàn. Họ cảnh cáo tôi về những chuyến đấu tố sắp xảy ra, tổ dân phố đã tổ chức những cuộc tố như “gia đình có người đi Mỹ, nhà đã cho Mỹ mướn, con bà có liên hệ đến “Nguyễn Văn Thiệu” đã làm cho Mẹ tôi trở bệnh.

Những người cộng sản nói khác, làm khác, nghĩ khác, tràn ngập Saigon ngay cả đến những người đảng viên trẻ như ông bạn mới, Võ Hồng Phúc, vào Saigon ngày đầu tiên nhận công tác từ Hà Tĩnh cũng không khác gì đảng viên già. Mấy tháng sau khi mỗi đêm nằm nghe nhạc vàng, nói thơ Đường, buổi sáng đạp xe đạp ra trung tâm thành phố uống ly cà phê, ngắm cảnh hoa lệ còn sót lại của một Saigon “phồn vinh giả tạo” Võ Hồng Phúc mới có can đảm thú nhận với tôi: “dân miền Nam dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu có tự do! ”

Chính trị chen vào mọi mặt, ngay cả trong Y khoa, đưa đến một nền Y học suy đồi thiếu thuốc men và phương tiện. Các cuộc mổ xẻ thiếu thuốc mê và thiếu dụng cụ ở bệnh viện Bình Dân, một bệnh viện nổi tiếng về giải phẫu được Giáo sư Tôn Thất Tùng cũng như phái đoàn Y khoa Hoa Kỳ AMA công nhận. Bác sĩ phải có óc sáng tạo với y đức mới, khung cảnh mới: “Không có tấm lòng nhân đạo chung chung, không có lòng nhân đạo đối với kẻ thù!”

Hơn hai năm sống dưới chế độ cộng sản, chúng tôi những y sĩ trẻ trong bệnh viện Bình Dân như Tuấn, như Nguyễn Tấn Lộc thấm thía cái cảnh vô sản, con người bị tước bỏ từ vật chất đến tinh thần, đóng cửa truyền tay nhau đọc “Tầng đầu địa ngục” của Solzhenitsyn, thuộc lòng câu nói của tù nhân kỹ sư Bobynin, vạch áo cởi trần nói với cai ngục: “ông đã tước đoạt tự do của tôi từ lâu rồi và ông cũng không còn khả năng trả tự do cho tôi vì chính ông, ông cũng không có tự do…. Ông chỉ mạnh khi nào các ông không tước đoạt của người khác hết mọi thứ. Bởi vì khi một người đã bị các ông lấy mất hết tất cả, người đó sẽ không còn ngán sợ các ông nữa. Người đó lại được tự do, ông không làm gì được tôi hết vì tôi chẳng còn gì, ông hiểu không? Ông không thể làm hại được vợ con tôi vì một trái bom đã làm vợ con tôi tiêu tán từ lâu rồi...”.

Tôi thích thú với Sozhenitsyn, tôi cập nhật hóa tin thời sự, những chuyến vượt biên qua đài BBC qua giọng Đỗ Văn, mỗi ngày ở sân trường Y khoa, tôi tóm đuợc tình hình Việt Nam, tình hình thế giới. Bạn bè cùng lớp gọi tôi là “phát ngôn viên đài BBC”. Những buổi học tập chính trị, những buổi họp tổ là những dịp để tôi phân tích chính trị và phát biểu tư tưởng phản động.

Các bác sĩ trẻ đoàn viên tiên tiến, thiếu tư cách và tay nghề đang cố tranh đấu vào đảng tránh xa tôi mỗi khi họ bước vào giảng đường. Trình độ Y khoa của các bác sĩ sau 1975 càng ngày càng kém với những bộ mặt “hồng thắm hơn chuyên”. Trong những buổi sáng giao ban ở bệnh viện Bình Dân, tôi đã phải ngồi chịu trận nghe các đồng chí Y sĩ từ rừng ra như Năm Lực, Mười Nhâm dạy các thầy tôi, các đại giáo sư Phạm Biểu Tâm, Trần Ngọc Ninh cách mổ cắt ruột dư!

Tôi nổi tiếng phản động, cãi tay đôi với tổ trưởng Nguyễn Thanh Công trong sân trường Y khoa, có lúc “Công râu” đỏ mặt hăm bắt tôi đi học tập cải tạo! Cách mạng với dân làm chủ, đảng lãnh tạo, chính quyền quản lý đã dạy tôi nhiều bài học về tự do dân chủ! Tôi học được cách phát biểu “nước đôi” double speak như các nhân vật trong truyện 1984 của George Orwell tác giả “Trại súc vật”.

 Có một lần sau ca mổ khẩn cấp nửa đêm, được một đàn em ngưỡng mộ hỏi tên, đã phải ồ lên “Ô! anh là người nổi tiếng phản động nhất của trường Y khoa Saigon”. Con người tôi phản động như vậy mà sau lần đọc diễn văn thay cho Dược sĩ La Thành Trung - hội trưởng hội Hồng Thập Tự Việt Nam, bàn giao hội cho tân hội trưởng Dược sĩ Nam lại được khen là thành phần tiên tiến!

Tôi tự biết con người tôi như vậy đã biến đổi, không thể ở lại được với chế độ mới.

Khẩu hiệu “Yêu nước phải yêu xã hội chủ nghĩa” được tôi đổi lại thành “Yêu nước phải yêu biển ”.

Biển Đông đã chôn vùi nhiều người sau 30/4/1975 nhưng biển nhuộm màu máu đỏ vẫn xanh, vẫn đẹp hơn màu đỏ của Cộng Sản đang tô vẽ trên xã hội miền Nam.

Chuẩn bị vượt biên

Chuyến vượt biên được chuẩn bị hơn bốn tháng, lúc đầu chúng tôi do dự vì chưa có chuyến vượt biên nào bằng xà lan thay vì thuyền đánh cá. Người tổ chức chuyến đi là Thuận. Thuận bảo đảm đi xà lan an toàn, với máy xà lan đi đến Thái Lan an toàn hơn là thuyền đánh cá. Tôi hỏi Thuận, khi gặp biển động, xà lan như tấm ván, không có hàng rào bên trên, sóng đánh xà lan lật không có gì để bám víu ?

 Thuận bảo đảm là xà lan có hầm bên dưới có thể núp được sóng gió. Lúc ấy tôi có nhận được lệnh đi về Vũng Tàu dạy trường cán sự y tế, bệnh viện ung bướu cần tôi một bác sĩ giải phẫu nhưng Bác sĩ Lương Tấn Trường không thể can thiệp nên bộ y tế cho tôi đi theo vợ về Vũng Tàu. Cho nên với tất cả bất mãn, ngu dốt và ngây thơ, tôi đóng trước số vàng đang có để góp phần trong chuyến đi.

 Vợ chồng chúng tôi còn đi xem bói với chị Mai một người trong ban tổ chức. Bà thầy bói bảo đảm chúng tôi sẽ đi đến nơi nhưng vất vả phải qua hai, ba chặng đường gian khổ mới đến đích! Đóng tiền xong, chờ vài tuần vẫn chưa thấy ngày khởi hành.

Tôi hỏi Thuận mãi mới biết anh đang đợi công lệnh để xà lan quốc doanh đi Vũng Tàu, từ Vũng Tàu nhân đó sẽ đi về hướng Thái Lan. Lại chờ thêm một tuần, chưa thấy lệnh khởi hành, tôi hỏi anh Thuận, anh cho biết đã có công lệnh chuyển hàng đi Vũng Tàu nhưng chưa đủ số dầu để xà lan đi đến Thái Lan. Tôi gợi ý cho anh Thuận làm công lệnh giả để lấy 15 thùng dầu ở Nhà Bè Tân Thuận.

 Công lệnh giả làm xong lại có một trở ngại là có một bộ đội đi theo xà lan. Ban tổ chức lại bàn và cuối cùng quyết định sẽ bắt trói bộ đội đi theo nếu cần và ngày 19 tháng 10 được định là ngày khởi hành. Trước ngày đi mấy ngày, tôi về nhà thương Bình Dân, từ giã bạn bè để đi vượt biên từ ông Giám đốc mới, Mười Nhâm, Năm Lực cho đến Bác sĩ Văn Tần, Võ Thành Phụng và các nhân viên phòng mổ. Mọi người cười, không ai nghĩ tôi sẽ vượt biên thật. Bác sĩ Phan Thanh Hải, bạn tôi, đã phải bỏ đi ra ngoài phòng mổ sau khi nói: “Mày đừng đùa như vậy, công an sẽ bắt cả bọn!”

Sáng 18 tháng 10 năm 1977, tôi đi lên xe vận tải do anh Thuận lái, tôi ngồi đằng trước cạnh tài xế, Thành và Hiến em tôi ngồi sau, chúng tôi đến kho xăng nhà bè lấy 15 thùng dầu. Đến cửa kiểm soát, Thuận đưa công lệnh cho bộ đội an ninh. Anh bộ đội trẻ, nhìn công lệnh thốt lên: “Sao lấy nhiều dầu thế, để phải xem lại có phải công lệnh thật không?” Tôi nhìn quanh từ anh Thuận, đến Thành và Hiến, ba người đều run lên và xanh mặt.

Tôi nghĩ, thế này chắc phải đi tù rồi. Tôi bước xuống, mở cửa xe, đi vòng trước mũi xe đến trạm gác, dằng tờ công lệnh từ anh bộ đội “anh cứ việc gọi về cơ quan để hỏi lại, nhưng nếu công lệnh thật anh sẽ bị khiển trách vì tội không tuân lệnh và anh sẽ bị mất việc”. Ván bài xì phé này có hiệu quả, anh bộ đội đọc lại công lệnh một lần nữa và cho chúng tôi vào kho xăng lấy 15 thùng dầu.

Tôi đứng chỉ huy ba người khiêng 15 thùng dầu lên xe vận tải. Từ nhà Bè, chúng tôi lại thẳng đến chỗ xà lan đậu trên bến sông Saigon, cạnh tượng Đức Mẹ Fatima (10 năm sau gặp lại tôi ở Houston, Thành thú nhận với tôi rằng chiều hôm ấy anh chỉ chờ công an đến bắt và không hề nghĩ tôi là bác sĩ vì dáng đi, giọng nói và bộ đồ bộ đội tôi mặc trên người.


Thuyền nhân (Hình: theangle.org)

Khởi hành

Đêm 18 tháng 10, bốn người chúng tôi nằm ngủ trên xà lan, mùa hè trời nóng, làm quen nhau nói chuyện đời vu vơ bên cạnh sông. Tiếng dế, tiếng ve mùa hè gợi đến những mùa hè ngày đi học. Ngồi uống với nhau vài ly rượu trên xà lan, chúng tôi lòng thì lo nhưng vẫn cố nghĩ một cách tích cực đây là một mùa hè cuối trên quê hương.

Sáu giờ sáng mùa hè, trời sáng nhanh, chúng tôi mới có dịp nhìn lại bãi đáp cạnh ruộng mía. Đêm qua, trời tối chúng tôi không biết ruộng mía giờ chót đã bị đốn! Bãi bốc người trở nên trơ trọi nhưng không còn kịp thời gian để thay đổi kế hoạch.

 Sáu giờ sáng, 4 người chúng tôi đón đoàn người vượt biên đến nơi xà lan đậu, 100 người đến như đi cắm trại. Những gia đình khá giả như gia đình ông Lâm Văn Phúc và Francois đi vượt biên như đi dọn nhà mang hết va li của cải. Họ đi ngờ ngờ qua ruộng mía trơ trọi. Công an khu vực đến hỏi, bà Tướng Lâm Văn Phát có hai con, một trai một gái, đi trong nhóm vượt biên trả lời cho công an là đoàn người này đi Picnic.

Mọi người hồi hộp chờ công an đến bắt trong khi một số đang lần lượt chui xuống xà lan qua một lỗ thông có đường kính đủ để một người vừa tầm chui lọt. Tôi và mấy người lái xà lan ở trên Connex. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao chúng tôi có thể rời Bình Triệu mà không bị bắt. Đi đến cầu Bình Lợi, xà lan với Connex cao không chui lọt được qua cầu, chúng tôi phải đợi con nước xuống.

Đứng ở trên xà lan, tôi nhìn bộ đội canh gác trên cầu, họ đi qua đi lại nhìn xuống xà lan mà không hề nghĩ có hơn 100 người đang trốn dưới hầm. Buổi trưa dưới hầm, sức nóng lên, tối tăm với vài ngọn đèn điện treo lờ mờ như địa ngục. Trẻ em thi nhau khóc, con bé con tôi, 16 tháng bị chích thuốc ngủ Valium vẫn không chịu ngủ mà tiếp tục la khóc. Có người đòi nhét giẻ vào miệng cho nó im vì sợ bị bắt.

Mẹ và dì nó thì phải thay phiên nhau người quạt người lấy nước dưới hầm lau mình cho con bé. Không hiểu cái địa ngục vượt biên có đáng giá hơn cái thiên đường Cộng Sản Việt Nam sau 1975? Sau hai giờ chiều nước xuống xà lan mới qua được cầu Bình Lợi. Chiếc xà lan trôi trên sông Saigon có lúc được các thuyền đánh cá cập vào bị chúng tôi đuổi xa ra. Tôi thay nhau lái xà lan trên sông, dễ dàng như đi du thuyền. Ngoài thuyền đánh cá còn có những chiếc thuyền tuần bộ đội cặp theo xà lan, chúng tôi vừa lái xà lan vừa tán gẫu với thuyền bộ đội. Họ nghĩ chúng tôi chở hàng quốc doanh nhưng không ngờ là xà lan vượt biên.

Hai giờ sáng xà lan ra đến cửa Cần giờ. Đêm không trăng, biển đen lặng, ngọn đèn pha trên núi nhỏ Vũng Tàu là ánh sáng duy nhất dẫn đường ra biển.

 Thuận tắt máy xà lan, loay hoay thoát khỏi những tấm lưới đánh cá bám vào chong chóng của máy. Mất hơn một tiếng, xà lan mới mở máy chạy lại. Tôi nhìn lên Hải Đăng nhớ lại những lần cắm trại Hướng Đạo của Đoàn Chương Dương trên vùng lô cốt trên núi nhỏ và trên ngọn Hải Đăng ấy nhiều lần tôi đã ngồi trên núi, ngắm biển và những ngọn đá trên bãi biển dưới Tịnh xá Ngọc Bích, mơ về những chuyến hải hành nhưng không hề tưởng tượng được một ngày sẽ đi trốn ra khỏi đất nước thân yêu bằng chuyến vượt biên.

 Trong khi đó ở dưới hầm trái lại, mỗi lần có cơn sóng nhỏ xà lan bồng bềnh như tấm ván, sóng đánh vào lỗ thông đi xuống hầm, mọi người bị ướt, rét run vì lạnh. Một hai chiếc võng bị đứt, trong đó có vợ con tôi, khiến người nằm bị rơi xuống hầm xà lan đầy nước. Lạnh, tối và run, mọi người chỉ mong xà lan đi xa ra biển để được lên trên sàn xà lan. Ngày đầu tiên được lên sàn xà lan, thấy ánh mặt trời là ngày hạnh phúc với những tiếng reo vui. Mọi người quăng mũ lên trời hét lớn: “đả đảo Việt cộng!”.

Hải trình phần I

Ngày 24 tháng 10 năm 1977. Xà lan đi ra biển từ cửa Cần Giờ năm ngày thì bị hỏng máy.

 Sự thật là các ông Thuận, Hòa và các tài công phụ không ai rành về cơ khí và hàng hải. Trong đầu mọi người in rõ bản tin BBC, cứ đi ra được hải phận quốc tế là có tàu Mỹ cứu cho nên chỉ dự trù xà lan đi được ra biển, không nghĩ đến việc đi đến Thái Lan. Xà lan trôi đến đảo Côn Sơn, không có la bàn và bản đồ nhưng đảo Côn Sơn hình dáng quen thưộc với nhiều người.

 Một chiếc tàu tuần đi ngang qua, mọi người trốn xuống khoang xà lan, bộ đội cũng không buồn khám xét, trao đổi qua loa vài tiếng rồi bỏ đi. Ban tổ chức có sáng kiến, gom hết “pông-sô” làm buồm lái về phía Thái Lan. Xà lan lênh đênh trên vịnh Thái Lan, biển yên, gió mát. Mọi người lên xà lan, các nhóm vượt biên bắt đầu làm bạn với nhau. Ban ngày anh em trẻ nhảy xuống biển tắm, bám lấy xà lan xem như picnic thật.

Buổi tối, tiếng hát vọng cổ của Thành, tiếng hát với chương trình tân nhạc của các bạn trẻ Duy Anh, Phong, Vinh v.v... vang lên trong đêm với những ngọn lửa được đốt lên giữa xà lan, vui như đêm lửa trại ở giữa đại dương mịt mùng…

Hai ngày sau thực phẩm dự trữ mang theo bắt đầu cạn. Ban tổ chức được mở rộng với sư huynh Bá, tôi và ông Lâm Văn Phúc áp dụng chính sách công xã gom thực phẩm của tất cả các nhóm trên xà lan, tập trung và chia đều khẩu phần hàng ngày. Thùng nước trên xà lan được khử trùng bằng Chlorine, đun nấu ăn và nước uống. Mỗi gói cơm sấy được nấu thành cháo chia cho gia đình 10 người.

Giống như chuyện trong Thánh kinh, những ngày đầu chúng tôi bắt được rất nhiều cá. Cá nuôi mọi người, ngày ăn cá nướng hai, ba bữa nhưng sau phải phơi cá để dành cho những ngày sắp đến. Buổi tối, xà lan chia làm hai nhóm, một nhóm Công giáo do sư huynh Bá cầm đầu đọc kinh cầu nguyện, nhóm Phật giáo tự ngồi với nhau yên lặng cầu Phật Bà Quan Âm.

Qua đến ngày thứ 10, hy vọng thấy đất liền mong manh. Mọi hy vọng đặt vào tay ông thầy bói duy nhất trên xà lan là Duy Anh, những quẻ bài giúp mọi người nuôi hy vọng, mọi người hứa sẽ làm lành khi đến được bến bờ. Hy vọng nhóm lên trong mười ngày khi chúng tôi gặp hơn 4 chiếc thuyền buôn lớn đi qua xà lan.

Chúng tôi đốt lửa báo hiệu, chúng tôi vẫy tay, chúng tôi đánh cờ Semaphore bằng quần áo, nhưng hy vọng tắt dần khi những chiếc thuyền ấy đã bỏ đi mặc dù thấy nhóm người chúng tôi bơ vơ giữa biển trên chiếc xà lan nhỏ bé. Sự thật khác hẳn với những bản tin của đài BBC về những thuyền nhân được vớt trên biển bởi hạm đội thứ bảy. Những gói thuốc lá chương trình văn nghệ về đêm tắt dần. Sống tuyệt vọng và thiếu thốn, cái đói và chết đến dần trước mắt. Các tuyệt vọng tận cùng đã làm mọi người không còn tin vào Trời, vào Phật, vào Chúa.

Chiều ngày thứ 11 của chuyến hành trình. Biển êm sóng lặng, chúng tôi chợt thấy một chiếc thuyền đánh cá, neo lại giữa, từ phía xa chân trời. Hy vọng lại vươn lên trong buổi chiều trên biển. Từ xa, chúng tôi nhìn thấy rỏ những ngư phủ trên thuyền. Chúng tôi vẫy tay, chúng tôi la hét, chúng tôi phất quần áo làm cờ ra hiệu nhưng không thấy những người trên thuyền đáp ứng.

 Cuối cùng sau vài giờ, sự may mắn đã đến như một sự tình cờ hay như một phép lạ? Lưới đánh cá của thuyền trôi ngay gần chiếc xà lan! Hai người bạn trẻ tuổi, Đức và Thành can đảm nhảy xuống biển, bơi đến chiếc lưới, bám chặt lưới cho đến khi các ngư phủ Thái Lan kéo cả hai lên thuyền. Mọi người trên xà lan nhìn theo hồi hộp chờ đợi. Hơn nửa tiếng, sau khi Đức và Thành điều đình, chiếc canoe nhỏ của chiếc thuyền chài chở vài ngư phủ Thái với Đức và Thành chạy về xà lan. Những tiếng reo hò, những tiếng cười, những giọt nước mắt mừng rỡ, những tiếng reo vui chấm dứt cơn ác mộng đầu tiên của 11 ngày trên vịnh Thái Lan.

Chiếc xà lan của chúng tôi được những ngư dân Thái kéo vào thành phố Pattani ở bờ Đông Thái Lan vào ban đêm. Những ánh đèn thành phố nhìn từ ngoài biển là những ánh sáng hy vọng. Xà lan bị cô lập ở bến Pattani. Cảnh sát lên kiểm tra, chúng tôi không chánh thức được lên đất liền nhưng được phép tiếp xúc với dân địa phương, được mua hàng, được uống lại Coca Cola lần đầu tiên từ hơn hai năm sau ngày được “giải phóng”. Những chai Coca Cola quen thuộc giống như những chai Coca uống mỗi bữa trưa trong quán “Ma Soeur” ở trường Y khoa Saigon.

 Những chai Coca mà tôi nằm mơ trong hơn 10 ngày trên xà lan ngoài tiếng kêu của con gái tôi “bé muốn ăn cơm” khi trời về chiều trên biển. Ôi Coca và nước dừa từ những hàng dừa trên bờ biển Thái Lan! Anh em chúng tôi, Hồng, Loan, Hiến, anh Hải, Thắng, Đức, Thành được chở đi trên những chiếc thuyền tam bản nhỏ lên đảo cát trắng và những hàng dừa xanh. Tôi làm quen với những nguời lính Thái Lan, trả tiền nhờ họ đánh điện tín qua Pháp nhờ người quen ở đó loan tin về Việt Nam.

 Chúng tôi bàn với Đức, nhân dịp làm bạn được với dân địa phương hãy tìm cách trốn lên tỉnh, từ đó lấy xe lửa lên Bangkok vì Đức độc thân, có thân nhân có thể nhờ chính quyền Thái Lan can thiệp để nhận chúng tôi vào trại tạm cư.

Hai ngày ở lại trên bờ Pattani, chúng tôi mua thêm thực phẩm trước khi xà lan sửa chữa và bị tàu Thái hộ tống đưa ra biển hướng về phía Songkhla nơi có trại tị nạn cho người Việt vượt biên.

Hải trình phần II

Xà lan đi hai ngày, đến Songkhla, thấy bến nhưng bị tàu tuần Thái chĩa súng đuổi ra. Đi một quãng không xa, chúng tôi gặp một chiếc tàu tị nạn loại thuyền đánh cá lớn (cũng bị Thái từ chối không cho cặp bến Songkhla). Trên thuyền có Nha sĩ Phúc (sau định cư ở Oregon), trong gia đình Y khoa vì vậy chúng tôi đề nghị chiếc xà lan sẽ đi cùng chiếc thuyền đánh cá trong trường hợp cần tương trợ lẫn nhau. Chiếc thuyền đánh cá nhiều phương tiện ấy bỏ chúng tôi đi không trả lời.

Một ngày sau, xà lan lại chết máy. Bổn cũ soạn lại, “pông sô” áo mưa kết lại làm buồm, dăng buồm đưa xà lan đi theo hướng gió. Xà lan trôi nổi bẩy ngày, tháng 10 nhờ có luồng nước kéo xà lan vào bờ, tấp lại vào Songkhla. Nhờ đủ thực phẩm, nước sông chứa dưới hầm xà lan lúc ra đi cho đỡ nóng dù dơ bẩn có trộn lẫn nước tiểu của các em bé nhưng có Chlorine khử trùng, nên đoàn người dù tuyệt vọng nhưng đầy đủ hơn lần trôi nỗi 11 ngày trước.

Xà lan tấp bến. Chúng tôi bồng bế nhau, già trẻ lớn bé lội xuống biển, đến bờ dân Thái Lan tràn lên xà lan quăng hành lý xuống biển và cướp đi luôn, máy tàu bị họ phá và giật xuống biển. Cả đoàn phải ở ngoài bờ biển, màn trời chiếu đất, ban đêm chúng tôi đào những hố cát để làm giường tránh gió và canh chừng cho các bà các cô, sợ dân Thái Lan hãm hiếp. Ban ngày dân địa phương bu quanh nhìn chúng tôi bị rào bởi vòng rào dây thừng như đi xem sở thú.

Họ quăng đồ ăn, quăng trái cây vào như cho khỉ ăn, nhớ cảnh cũ nghĩ lại cười ra nước mắt. Mất của nhiều người buồn như ngày bị Việt Cộng đánh phá tư sản mại bản. Tự do chưa thấy chỉ thấy người bóc lột người.

Ba ngày sau, ông tỉnh trưởng Songkhla xuất hiện với lính cận vệ. Họ dẫn theo 67 thuyền nhân khác đi bằng thuyền từ Phú Quốc đến Songkhla, chính sách Thái lúc bấy giờ không nhận người tị nạn. Những người này bị đuổi ra bãi để nhập chung với nhóm chúng tôi. Tôi biết nói chút tiếng Mỹ đứng nói chuyện với tỉnh trưởng Songkhla xin ở lại. Tỉnh trưởng Songkhla giở thói bạo động, cầm gậy chỉ huy đánh vợ tôi đang bồng con trên tay miệng thì la: “Let’s go”, các con của chị Mai bị giằng ra khỏi tay mẹ, họ ném từng đứa bé lên xà lan, các bà mẹ nhìn con đau lòng xé ruột đành phải theo con.

 Lính Thái đánh anh Hải chảy máu mũi. Tôi đứng bên cạnh ông tỉnh trưởng, nổi nóng tiến gần ngay cạnh ông ta, cận vệ sợ tôi đánh ông tỉnh trưởng, một người vội vàng rút khẩu súng Colt lên đạn chĩa vào đầu tôi. Một trung sĩ cận vệ tử tế, nói nhỏ với tôi: “Bác sĩ nên đi lên thuyền đừng chống cự, họ sẽ bắn ông thật đấy”. Tôi chỉ còn biết nhìn ông tỉnh trưởng với cặp mắt căm thù. Ba người lính, hai nguời sốc nách, một người khiêng chân quăng tôi lên xà lan. Đoàn người tị nạn Phú Quốc và xà lan lục tục kéo nhau đi theo lên xà lan không dám chống cự trước các họng súng.

Chiếc xà lan không máy bị tàu tuần Thái kéo ra biển vào lúc rạng đông, dân Thái đứng trên bờ gọi cho bao gạo và xin đưa con nít cho họ nuôi. Chúng tôi có độ một tiếng múc nước biển đổ vào khoang xà lan để làm nước uống trong trường hợp nước trong thùng mang theo cạn.

Một cuộc trao đổi với tàu tuần Thái để họ kéo xà lan về biên giới Mã Lai, đổi lại là họ lấy hết các thùng dầu, vàng bạc, đồng hồ, giây chuyền của người trên xà lan nhưng lính tuần Thái đã lừa dân tị nạn kéo thẳng xà lan ra hải phận quốc tế, họ cắt dây, thả trôi rồi chĩa súng cười chọc ghẹo bỏ đi. Họ cố tình cho chúng tôi chết trên biển. Lần này chúng tôi trôi nổi ngoài khơi Thái Lan đúng vào dịp 100 ngày Mẹ tôi mất. Lênh đênh và lênh đênh, không tương lai không bờ bến. Chúng tôi ngồi trên xà lan, nhìn trời ban đêm và tự hỏi định mệnh có thể tàn nhẫn đến mức trùng hợp ngẫu nhiên với cái chết của Mẹ tôi?

Ngày thứ năm, một chiếc phi cơ bà già L19 bay qua ngang trên xà lan. Trong cơn tuyệt vọng chúng tôi nghĩ là tiếng cầu cứu của Đức (cháu bà Cao Văn Viên) đã đến tai chính quyền Bangkok, chiếc L19 là chiếc máy bay đi tìm chúng tôi. Cả đoàn người trên xà lan, ngây thơ gom góp gạo và thực phẩm nấu cơm làm tiệc ăn mừng hụt!

Hải trình phần III

Sau bẩy ngày đêm, “trôi nổi nhưng không chìm”, tiếng cầu trời được đáp ứng, mưa to gió lớn, một cơn bão dến trong vùng Vịnh đánh chiếc xà lan vào bờ thị trấn Narathiwat, cạnh biên giới Thái – Mã. Xà lan đáp vào bờ.

Chúng tôi nhảy xuống biển lội vào gặp những người Thái Lan hung dữ cầm dao phay, mã tấu đứng trên bờ chờ đợi xua đuổi chúng tôi. Trong cái cảnh khốn cùng, chúng tôi không còn cách nào khác hơn là van xin và hối lộ. Cuối cùng thì cũng có những người tốt trong làng, còn từ tâm, nhìn thấy chúng tôi không phải là những người có thể làm hại họ, nhất là nguời cầm đầu là bác sĩ.

 Phong tục tập quán người Thái cũng như người Việt, họ vẫn kính trọng giới Y. Nghĩ lại, những người Thái Lan dân làng Narathiwat đứng trước một đám đông hàng trăm người mặt mũi đen đúa, đầu tóc kinh dị, quần áo tơi tả chắc họ cũng sợ. Ở trên xà lan hơn mấy tuần, khói dầu diesel đóng lên mặt mũi, thân thể chúng tôi đen như mọi Phi Châu. Khi lên bờ, chúng tôi phải mất một hai ngày tắm rửa, cạo chùi hết dầu diesel ở da và tóc. Mọi người còn cảm thấy đầu tóc ngứa ngáy, chải đầu mới thấy chí rận rơi xuống. Nhiều trẻ em da bị lở loét vì nắng và dầu.

 Con bé Ngọc của chúng tôi, ngày xuống xà lan, ăn mặc tươm tất, quần áo đẹp đẽ tự tay bà ngoại may, khi bước ra khỏi khoang xà lan đã thành “cô bé lọ lem”, quần áo dính nước sét hầm xà lan đổi thành màu cháo lòng. Bà ngoại nếu có mặt lúc đó chắc cũng không nhận ra được cháu bé!

Lần này chúng tôi may mắn hơn vì có anh Quân của tàu Phú Quốc là con một bang trưởng người Hoa gặp người quen nên những người này đem quần áo, thực phẩm và lều đến dựng lên cho chúng tôi ăn ở tạm. Ông quận trưởng lần này lại là người có đạo đức, đối xử rất tử tế.

 Chúng tôi sống năm ngày trên bãi biển, chờ đợi quyết định của ông quận trưởng. Ngày thứ năm, quận trưởng Narathiwat kêu chúng tôi dọn dẹp lều chõng để đưa tới một nơi tốt hơn. Ông cho một chiếc xe buýt chở ngay ra bờ biển, một chiếc tàu tị nạn Việt Nam bỏ lại đã đậu sẵn nơi đó.

 Hôm ấy trời rất tối, hơn 10 giờ đêm, tôi cảm thấy không được an toàn nên xin ông quận trưởng đổi ý kiến đợi sáng hãy bắt chúng tôi ra đi. Chúng tôi chấp nhận đi đến Mã Lai nhưng chờ trời sáng mới rõ đường đi. Ông quận trưởng cho chúng tôi ngủ lại ban đêm ở trường học quận. Ông quận trưởng là người tốt phải thi hành chỉ thị cấp trên.

 Buổi sáng sớm 5 giờ, chính ông đến chia tay với tôi và ngậm ngùi đưa tiễn đoàn người xuống ghe khác hẳn với thái độ của tỉnh trưởng Songkhla. Thế mới biết cùng một công việc con nguời có thể thực hành với hai phương cách khác nhau.

Chiếc thuyền đánh cá nhỏ chứa 168 người tị nạn không đi nổi vì quá nặng, lính Thái đưa tất cả đàn ông trai trẻ lên hết tàu tuần rồi kéo ra khơi. Hôm ấy thay vì ở trên tàu tuần với các ông, tôi qua thuyền đánh cá, chui xuống hầm thuyền theo lời yêu cầu của vợ.

Đi độ 500 mét thì thuyền đắm, sóng đổ xuống nóc hầm. Ở dưới hầm, ngộp với những con sóng, đổ xuống như thác đổ. Dưới hầm có chứa gạo và đồ tế nhuyễn của một số người giàu có trong đoàn người tị nạn mua sắm ở Narathiwat, họ sợ mất đồ vật quí giá nên đóng chặt nắp hầm tàu. Gần bị chết ngộp, tôi phải dùng hết sức tung nóc hầm nhảy lên cứu được vợ con và mấy đứa trẻ khác đi với mẹ nó ngồi chung dưới hầm thuyền. Tôi đứng trên chiếc thuyền bị sóng đánh chìm một nửa, cố bám vào thành ghe, tay ôm vợ con cho đến khi tàu Hải Quân đến vớt đưa vào bờ. Cả đoàn người tị nạn sống sót, không ai chết, được ở tạm trú trong chợ cá cạnh bến tàu.

Chúng tôi ở trong chợ cá một tuần lễ. Những người Thái trong quận biết vợ chồng tôi là bác sĩ đã đến mời chúng tôi đi thăm bệnh tại nhà cho họ, thuốc men không có chỉ chẩn bệnh, viết tên thuốc khuyên họ đến nhà thuốc tây mua thuốc.

Trong một tuần, có nhiều bệnh nhân đến mời xem bệnh với thù lao là những gói mì, những bữ cơm tươm tất cho các anh em tôi thay cho những bữa cơm trắng chan sữa đặc hay chan nước cà ri không thịt lúc ban đầu khi mới bước chân lên đất liền với hai bàn tay trắng. Trong đoàn người Hoa từ Phú Quốc, có anh em Quân và Tang đã tương trợ chúng tôi nhiều. Người Hoa đùm bọc nhau hơn người Việt, họ biết hai anh là con ông bang trưởng lập tức chở gạo, chở thực phẩm cưú trợ.

 Anh Tang (nay ở bên Úc) là ân nhân của gia đình tôi. Khi xà lan bị sóng đánh, chiếc bình chứa nước trên tay Hậu, cháu tôi, rơi xuống biển, Hậu bơi theo vớt chiếc bình nylon, sóng đánh Hậu trôi dạt xa xà lan. Tang đã buộc dây ngang bụng một đầu được anh em trên xà lan giữ để Tang nhảy xuống bơi cứu Hậu, cháu đích tôn của gia đình tôi, đem về xà lan. Nhờ nhóm người Phú Quốc, rồi đây vài ngày sau chúng tôi có những tài công giỏi để lái thuyền đi về phía Mã Lai.

Một tuần ở Narathiwat, vợ chồng tôi thân với vợ chồng một y tá trẻ, ngành quân y Thái. Hai vợ chồng không con, quyến luyến với chúng tôi trong tình y khoa. Họ nghĩ là chúng tôi sẽ phải ra đi sau khi ghe được sửa chữa, chúng tôi sẽ không được đưa về trại tị nạn ở Thái Lan như chúng tôi tưởng.

 Họ nói với tôi là họ không nghĩ chúng tôi sẽ có thể sống sót trong cuộc hành trình sắp đến và họ xin cho bé Ngọc ở lại làm con nuôi, nếu chúng tôi may mắn đến được đất liền, qua Mỹ lúc ấy chúng tôi có thể làm giấy tờ hội ngộ. Đề nghị tử tế và thành thật này làm chúng tôi bâng khuâng và suy nghĩ. Em tôi, Hồng và Hiến họp lại đêm hôm ấy nói rằng: “Sống chết có nhau, nay đã đi đến đây chỉ còn một quãng đường ngắn, anh em có xui xẻo thì xui xẻo cùng”. Vợ chồng tôi đã quyết định để bàn tay Trời định đoạt.

Ngày thứ bẩy, đang ngái ngủ thì bị đánh thức dậy đuổi đi xuống tàu. Đoàn người chúng tôi lại lên đúng chiếc tàu chìm tuần trước, chưa được sửa lại hoàn toàn. Rút kinh nghiệm, lính Thái chia chúng tôi làm hai đoàn.

Một nhóm ở trên tàu tuần, một nhóm chuyển xuống thuyền đánh cá, ra ngoài khơi lính Thái trên tàu tuần chuyển nhóm người còn lại xuống thuyền. Nhóm Phú Quốc lái thuyền chạy dọc bờ biển về phía Mã Lai. Thuyền đi được một đoạn ngắn thì bị lủng, nước tràn vào thuyền, chúng tôi ngồi chen chúc như cá mồi trong hộp. Thanh niên thay nhau chia phiên tát nước. Ba giờ sáng, thuyền đến bờ Trengganu, các anh em tài công Phú Quốc có kinh nghiệm không lái ghe thẳng vào bờ vì họ nghi bãi biển có đá ngầm nên neo lại ngoài khơi.

 Đến sáng, chúng tôi nhìn thấy bãi biển quả nhiên có đá ngầm các tài công Phú Quốc dùng dây kéo thuyền vào bờ. Thuyền mắc cạn, bị sóng đánh vỡ. Tôi lên bờ trước làm người lãnh đạo, nói tiếng Anh với cư dân Mã Lai tỉnh Trengganu, quay nhìn lại thấy đoàn người đổ bộ lên bờ từng nhóm, chú Hồng bồng cháu Ngọc đi cạnh vợ tôi và các anh em trong gia đình. Chúng tôi được ở lại trên bãi biển vẫn màn trời chiếu cát, vẫn cảnh người Mã Lai xúm lại xem nhưng dân Mã Lai hiền hơn dân Thái Lan và chúng tôi vững tin rằng lần này với chiếc thuyền đánh cá vỡ tan từng mảnh chúng tôi sẽ được đưa vào trại tị nạn Mã Lai.

Tính từ ngày rời Saigon ngày 19 tháng 10, 1977 đến ngày đến bãi Trengganu tổng cộng 42 ngày. Trong đoàn người có 60 phụ nữ và 60 trẻ em. Chúng tôi may mắn không bị nạn hải tặc, không có người bị bệnh nặng, không có người phải bỏ xác trên biển. Trong những ngày cùng khổ, bản chất xấu của con người lộ ra nhưng những người tốt vẫn sẵn lòng đùm bọc lẫn nhau. Chúng tôi đã sống tuyệt vọng, thấy cái chết gần kề như ông Lâm Văn Phúc đã tả lại cảnh vượt biên ngay khi đến trên Hồn Việt 20 năm trước, còn những giòng nhật ký tôi viết trong trại tị nạn Pulan Besar được Ngọc Phu và Mai Thảo xin đăng lên Hồn Việt đã đánh mất 31 năm trước.

Cuộc đời như nước chảy qua cầu... những người trong chuyến du hành kỳ diệu, có người thành công, có người thất bại ở Hoa Kỳ, ở Úc, ở Pháp... có người đã mất, nhìn lại như một giấc mơ.

Cuộc đời trôi nổi. Tôi rời Việt Nam 32 năm, đảng Cộng Sản biến đổi thành một đảng Mafia, đảng ấy làm một điều đúng trong thời thủ tướng Võ Văn Kiệt, “xóa tội” cho những thuyền nhân, “đi có tội, về có công”. Người tị nạn trở về thăm nhà. Những nhân vật... lịch sử bạn tôi cũng thay đổi theo thời gian, những người đã là những lý do gián tiếp đã khiến tôi bỏ nước ra đi cũng học được nhiều bài học đáng giá trong đời.

Con người khôn ngoan Dương Văn Đầy chết vì chấn động cơ tim một ngày trước khi bị điều tra về tội tham nhũng. Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm về làm y sĩ điều trị trung tâm AIDS hội Hồng Thập Tự, vợ anh bị án tham nhũng. Nguyễn Thanh Công (bộ râu quai nón đã cạo không còn là “Công Râu”) sau vụ Nguyễn Hộ, đổi qua ngành địa ốc, không dính líu đến chánh trị, bà vợ là bầy trưởng Hướng Đạo trong Đoàn của tôi tìm con đường lên thiên đàng không Cộng Sản. Ông bạn mới người Hà Tĩnh Võ Hồng Phúc thênh thang trên con đường hoạn lộ hiện giữ chức Bộ trưởng Kế Hoạch – Đầu Tư.

Ngày hôm nay, ngồi ghi lại chuyện đời trên hơn 30 năm, lòng tôi không hề hối tiếc về một chuyến đi và vẫn còn những xúc động của những tháng ngày lênh đênh...