Xem phim PDF Print E-mail
Tác Giả: Tưởng Năng Tiến   
Thứ Tư, 02 Tháng 6 Năm 2010 10:57

Cả bản có 28 hộ với gần 180 nhân khẩu, đều là người dân tộc Thái. Ở đây điện chưa có, nước thiếu thường xuyên nên việc được xem phim với bà con dân bản cũng vui và háo hức như lúc được mùa.

Bác Hồ dưới trăng

Cái gì chớ sách báo thì không mấy khi tui rớ tới. Cuối thế kỷ trước, có người gửi cho cuốn Tuyển Tập Hà Sĩ Phu (do Phong Trào Nhân Quyền Cho Việt Nam & Tạp Chí Thế Kỷ 21 thực hiện năm 1996, tại California) mà tới năm rồi, tui mới lật ra coi thử. Ráng hết sức cũng chỉ tới trang 118 là bị dội:

“Chủ nghĩa Mác – Lê suy tàn, chạy về cố thủ ở những vùng còn ít ánh sáng dân chủ, nơi mà tư tưởng phong kiến vẫn cứ sống lai rai trong núi rừng châu Á hết đời nọ sang đời kia.”

Đọc mà ớn chè đậu! Vừa chậm hiểu, vừa lười suy nghĩ, cái đầu (bò) của tôi không thể dung nạp được những khái niệm trừu tượng mà ông Hà Sĩ Phu cô đọng trong một câu ngắn ngủi – chỉ đúng 41chữ – như vừa dẫn.

Nghe tới “chủ nghĩa Mác – Lê” đã thấy bần thần  rồi. Mà lại là thứ “Mác – Lê suy tàn” nữa thì lộn xộn hết biết luôn; đã vậy, nó còn “chạy về cố thủ ở những vùng ít ánh sáng trong núi rừng châu Á” (nữa) mới lôi thôi dữ! Tính với chai rượu (còn sót chút đỉnh) tu hết rồi đi ngủ thì chợt thấy có một bài báo ngắn – tựa là “Phim Bác Hồ Dưới Trăng” –  nên ngồi đọc thử vài dòng.

Thiệt là một sự tình cờ may mắn. Đọc xong, tôi “ngộ” ra ngay tại sao chủ nghĩa Mác – Lê suy tàn (lại) chạy về cố thủ ở những vùng còn ít ánh sáng dân chủ, trong núi rừng châu Á:

 
          Chòi ở miền núi. Nguồn: báo Nông Nghiệp.
“Chiều về trên xứ núi thật nhanh, bầu trời loang lổ đủ sắc màu. Xa xa đã thấy lấp ló vài ba ngôi sao. Ánh trăng như thiếu nữ Thái, cứ e ấp, nấp mình sau dãy núi bạt ngàn cỏ cây. Bản Bạ Hạ là bản cuối cùng của xã Thạch Ngàn. Nằm sâu trong thung lũng, cách trung tâm xã gần 20 cây số đường rừng nên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Cả bản có 28 hộ với gần 180 nhân khẩu, đều là người dân tộc Thái. Ở đây điện chưa có, nước thiếu thường xuyên nên việc được xem phim với bà con dân bản cũng vui và háo hức như lúc được mùa.

Vì thế buổi chiếu phim được chia thành hai phần. Phần một chiếu về Bác với tập phim mang tên Chân dung một con người. Cả cuốn phim là những tư liệu về tuổi thơ và cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Hình ảnh Bác cho cá ăn, vui chơi cùng các cháu thiếu nhi hay cùng các chú bộ đội tập võ… hiện ra thật gần gũi, thân thương. Đan xen là những khúc dân ca sâu lắng, mượt mà, là những lời bình ngọt ngào, sâu sắc của cô chú phát thanh viên: “Hồ Chí Minh – con người của sự thanh liêm, của sự giản dị, cả cuộc đời đã hi sinh vì nước vì dân…”

Mọi người đang xôn xao bỗng dưng im lặng, cả núi rừng như đang dõi theo từng bước chân của Người. Bộ phim kết thúc cũng là lúc ánh trăng đã chếch trên đỉnh núi, tiếng chị tuyên truyền viên lại vang lên lanh lảnh giữa núi rừng. Tiếng cười xen lẫn bước chân đi nghe rộn ràng như vừa xong ngày hội. Ai cũng xuýt xoa tiếc vì phim hết. Ông Vi Văn Hoa, trưởng bản, phấn khởi nói: Chúng tôi vui lắm. Mong bản sớm có điện để được xem Bác Hồ thường xuyên.”

Coi: thiên hạ vất sách Mác vô thùng rác, kéo đổ tượng Lê Nin ở khắp mọi nơi …nhưng ở xã Thạch Ngàn – một góc rừng châu Á – “mọi người đang xôn xao bỗng dưng im lặng, cả núi rừng như đang dõi theo từng bước chân của Người.”

Thiệt là quá đã!

Qúi vị lãnh tụ chủ nghĩa Mác – Lê suy tàn, nơi những góc rừng châu Á khác (Miên,Lào … gì đó) hẳn đều phải sinh lòng … ganh tỵ! Tìm đâu ra một dân tộc dễ chịu và dễ dậy đến thế, hả Giời? Họ sống không điện, không nước mà vẫn “phấn khởi,” vẫn cười nói “rộn ràng,” vẫn “háo hức,” và vẫn “vui” như “ngày hội” chỉ vì được xem phim về … cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch – dưới trăng! Ngay cả đến chủ tịch Kim Chính Nhật, người cầm lá vĩ đại của nhân dân Bắc Hàn, nếu được chứng kiến cảnh tượng trên (chắc) cũng phải nhẩy nhổm lên và suýt xoa tán thưởng.

Tuy nhiên, nếu chỉ vì vậy mà tin rằng “chủ nghĩa Mác – Lê suy tàn” vẫn có thể cứ “sống lai rai trong núi rừng châu Á hết đời nọ sang đời kia” thì tôi sợ rằng ông Hà Sĩ Phu lạc quan (hơi) quá đáng. Đời đâu có dễ sống vậy, cha nội!

Bỉ nhất thời dã.
Thử nhất thời dã.

 

                  Nhà ở miền xuôi. Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Dân số thời đó không đông. Đám vua quan phong kiến cũng không đổ đốn đến độ cho thuê rừng, khai thác mỏ, và tàn phá môi sinh (không thương tiếc) như quí vị quan viên cách mạng – ở ta – bây giờ. Hiện trạng (e) không được ổn thoả như ông Nguyễn Ngọc –  tác giả bài báo thượng dẫn – trình bầy đâu: “Ở đây điện chưa có, nước thiếu thường xuyên nên việc được xem phim với bà con dân bản cũng vui và háo hức như lúc được mùa.”

Theo tường trình cập nhật hơn, và cũng có phần khả tín hơn, của ông Dương Đình Tường – đọc được ở báo Nông Nghiệp, số ra ngày 15 tháng 3 năm 2010 – đời sống người dân ở miền Thượng Du (xem ra) không vui vẻ và háo hức gì cho lắm:

“Dính năm nay mới 25 tuổi, đã có 2 con. Sáng Dính đi lấy nước, vợ đi lấy tấm bờ-lô về làm nhà cho con lợn nên hai đứa con bị nhốt ở nhà. Cửa mở toang, con chị độ 5 – 6 tuổi, trần truồng, thân đầy tro bụi, bẩn thỉu như người nguyên thủy ào ra bỗng thấy người lạ khóc òa lên, trốn cả vào trong góc nhà. Gia đình Dính có 3 – 4 tháng thiếu ăn, phải đi đập đá, xát đá thuê cho đám mở đường, mỗi ngày được 50.000 đồng, nhưng cũng thiếu việc suốt. Nhà lại sắp hết mèn mén để mà ăn. Dính cũng có cái xe máy Tàu nát bét nhưng không phải do dành dụm có tiền mua mà bởi đổi một con bò cho nhà anh trai lúc làm ma đứa con. Đứa bé bị đau bụng đi ngoài, cúng giàng (cúng trời) mãi chẳng khỏi đến khi đưa đi bệnh viện, dọc đường cứ lả đi, rồi chết.”

Không những thiếu điện, thiếu nước mà còn đói ăn và thiếu mặc nữa. Giáo dục và y tế là những dịch vụ hoàn toàn xa lạ, và (kể như) xa xỉ. Đây cũng không phải chỉ là chuyện của những sắc dân miền núi. Cảnh sống ở miền xuôi, kể cả đồng bằng Nam Bộ – nơi vẫn được mô tả là “trên cơm dưới cá” –  cũng thê thảm không kém:

“Khắp những xóm làng chúng tôi đi qua, người ta nói toàn về chuyện đói. Đói tới độ đứa con gái 4 tuổi của chị Lê Thị Hồng Riêng toát mồ hôi, xỉu. May vừa lúc có bà ngoại ghé thăm, thấy vậy chạy mua gói mì, ‘nấu cho ăn xong là nó tỉnh.’ Nhà chị còn được vài lon gạo vì “vừa rồi bán được con chó 200.000 đồng” (Đặng Phương – Trần Vũ, “Đói quay quắt giữa miền U Minh Hạ”).

Tình trạng, rõ ràng, không khá.  Bởi vậy, qúi vị lãnh đạo chủ nghĩa Mác – Lê suy tàn (ở Việt Nam) đã rời căn cứ cố thủ để tìm đến những nơi an bình, phú túc và có ánh sáng văn minh. So với đám tướng lãnh già nua của “chủ nghĩa quân phiệt suy tàn” (bên rừng già Miến Điện) thì đây là một bước “đột phá” ngoạn mục, cần phải được “biểu dương.” Sau chuyến đi tiên phong của ông thủ tướng Phạm Văn Khải, nhiều quan chức cao cấp khác cũng đều đã lần lượt lên đường.

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn!

Điều đáng tiếc là dường như qúi vị lãnh đạo (“chủ nghĩa Mác – Lê suy tàn”) của Việt Nam chỉ đi thôi chứ nhất định không chịu học hỏi gì hết trơn, hết trọi. Những phát hiện gần đây của Google và McAfree về hoạt động tin tặc của nhà nước VN –  cũng như cách hành xử bạo ngược của Hà Nội đối với những nhà báo tự do như Lê Trần Luật, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần …. – đã minh chứng điều này. Họ vẫn nhất định dùng tay che mặt trời, cương quyết không để cho ánh sáng lọt đến núi rừng châu Á.

Thiệt là ngây thơ và lầm lẫn khi tưởng rằng qúi vị lãnh đạo (“chủ nghĩa Mác – Lê suy tàn”) ở Việt Nam tìm đến những nơi có ánh sáng văn minh, để học hỏi điều hay lẽ phải. Tưởng như vậy là tưởng … năng thối! Họ chỉ đi quanh một vòng cho nó đỡ cuồng cẳng, rồi lại chui tuột vào hang ngay tức khắc – cho nó an toàn. Tác giả Nguyễn Hân, bỉnh bút của DCV.NET, đã bầy tỏ sự thất vọng như sau:

“Ông Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thì trước sau gì cũng quyết tâm lôi tuồn tuột cả nước lên Chủ nghĩa Xã hội, trong lúc chính ông và cái đảng của ông không định nghĩa được cho người dân biết cái ‘xã nghĩa’ này là cái chi chi?

“Ông Tổng bí thư Đảng Nông Đức Mạnh mới đây còn hô hào ‘luôn luôn kiên định mục tiêu lý tưởng cao cả của Đảng ta, nhân dân ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…’ và luôn tiện ông Mạnh không quên nhét lời vào mồm nhân dân ‘xây dựng thành công xã hội Xã hội Chủ nghĩa là ước vọng của toàn dân’.

Cùng thời điểm này, bên Đàn Chim Việt, ông Bùi Tín cũng than phiền là chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã “thách thức trí khôn dân tộc” (trong chuyến công du Ấn độ) khi tuyên bố rằng: ”không phải nhiều đảng thì nhiều dân chủ, tôi chưa thấy sự cần thiết khách quan của chế độ đa đảng.”

Ba cái ông (thổ tả) vừa kể chả là cái đinh gì so với ông Tô Huy Rứa – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Trong buổi hội thảo để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, vào hôm 16 tháng 4 năm 2010, đồng chí này  đã “khẳng định” rằng :“Di sản của Lenin đã và sẽ là một trong những nền tảng chính trị, tư tưởng và phương pháp luận trong mọi hành động của Đảng, nhà nước và nhân dân ta.”

Thiệt là hết ý!

Di sản lớn nhất mà Lenin để lại là chủ trương “chuyên chính vô sản” và “điện khí hoá nông thôn.” Đây cũng là con đường mà Bác kính yêu (“và nhân dân ta”) đã chọn. Ta đã dành gần hết thế kỷ XX để đi xong nửa đoạn đường rồi. Thêm một thế kỷ nữa, để đi nốt phần còn lại (cho xong cái vụ điện khí hoá nông thôn) là chuyện … cũng tốt thôi. Việc gì mà (phải) nóng vội, đúng không nào?

Bao giờ mà nông thôn Việt Nam vẫn chưa có được điện, nhân dân vẫn cứ “xem phim bác Hồ dưới trăng” thì vẫn còn có cảnh “mọi người đang xôn xao bỗng dưng im lặng, cả núi rừng như đang dõi theo từng bước chân của Người.” Như thế chả an toàn và sung sướng hay sao? Đèn đóm, ánh sáng văn minh chỉ đưa “chủ nghĩa Mác – Lê suy tàn” đến chỗ hủy diệt thôi, chớ có lợi ích (mẹ) gì đâu?