Có thật không, một Hà thành trai thanh gái lịch, cốt cách tao nhã? |
Tác Giả: Nguyên Hân | ||||||||||||||
Thứ Tư, 23 Tháng 6 Năm 2010 10:12 | ||||||||||||||
Vì cả nghĩa đen lẫn bóng, cái hồn, cái chất Hà Nội kia hôm nay không có ở Hà Nội, và của ngày đó thì giờ không còn hiện hữu. Nó đã đến và đi như bóng quái chiều hôm. Có còn chăng là một sự hoài niệm pha lẫn chút nuối tiếc còn vướng mắc đâu đó trong tâm tưởng của chúng ta? Lời phi lộ: Nhân đọc loạt bài “Hà Nội trong ký ức” của tác gỉa Nguyễn Mạnh Quốc, cũng như vô số ý kiến phản hồi “hay lạ lùng” của các bạn đọc khác theo loạt bài này, người viết bỗng có hứng khởi để viết bài này, và với một vài thắc mắc. Bài này không là bài nghiên cứu, chỉ đưa ra một vài dữ kiện để nêu lên câu hỏi cho bạn đọc trong ngày cuối tuần, bởi vậy mới nằm trong tiểu mục "Chuyện cuối tuần". Ở đây, người viết muốn đặt lại vấn đề: “Có thật, đã có một thời Hà Nội trai thanh gái lịch, cốt cách tao nhã, “sang ơi là sang, Tây ơi là Tây”, một sự quyện lẫn giữa trí thức và lãng mạn, giữa văn minh Âu và văn hóa Việt? Hay đó chỉ là sản phẩm "có ít xít nhiều" được thổi phồng thành huyền thoại qua những tác phẩm của văn, thi và nhạc sĩ thời đó? (2) Và nếu có, thì từ đâu đến? Cái gọi là hồn, là chất, là cái cốt cách Hà Nội đó bi chừ ở mô?” Xin được tóm tắt vài điều trước khi đi thẳng vào chuyện. Hà Nội thời gian ngắn trước khi bị thực dân Pháp đô hộ: Năm 1873, đạo quân Pháp dưới sự chỉ huy của Francis Garnier đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất, tướng giữ thành Nguyễn Tri Phương không giữ nổi thành, bị bắt sống và được Pháp đưa ra tàu cứu chữa. Ông quyết không cho người Pháp băng bó vết thương, nhịn ăn mà chết và để lại đời câu nói bất hủ: “Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng.” (1)
Hà Nội thời Pháp đô hộ và bắt đầu quy hoạch, xây dựng: Năm 1888, tổng thống Pháp Sadi Carnot ký sắc lệnh thành lập một Hà Nội mới. Khoảng 14 năm sau đó, Hà Nội thành hình, có được bộ mặt mới và trở thành thủ đô của toàn liên bang Đông Dương. Năm 1902, các công trình phủ Thống sứ, nhà bưu điện, kho bạc, nhà đốc lý... được xây dựng. Hà Nội cũng có thêm trường đua ngựa, các nhà thờ cùng những nhà máy sản xuất bia, diêm, hàng dệt... Khi những nhà tư bản người Pháp tới Hà Nội ngày một nhiều hơn, các rạp chiếu phim, nhà hát, khách sạn... dần xuất hiện, những con phố cũng thay đổi để phù hợp với tầng lớp dân cư mới. (1) Cho đến khoảng 1920, có thể nói một Hà Nội do Pháp quy hoạch và xây dựng đã tương đối hoàn chỉnh. Bên cạnh khu thành cổ, tức hoàng thành Thăng Long, nằm ở khoảng giữa hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm, xuất hiện cùng với kinh đô Thăng Long - là khu phố Pháp.
• Khu nhượng địa mang hình chữ nhật, được giới hạn bởi các con phố Bạch Đằng, Tràng Tiền, Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Nguyễn Huy Tự hiện nay. • Khu thành cũ gồm các phố Phan Đình Phùng, Hùng Vương, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Chu Văn An, Trần Phú. Những con đường ở đây rộng, dài và được trồng nhiều cây xanh. Các biệt thự mang kiến trúc miền Bắc nước Pháp với trang trí cầu kỳ, tỉ mỉ. Một công trình kiến trúc tiêu biểu và quan trọng của khu thành cũ là Phủ Toàn quyền (sau này là Phủ Chủ tịch), được xây dựng trong khoảng 1900 đến 1902. • Khu nam hồ Hoàn Kiếm cũng là một hình chữ nhật với hai cạnh dài là phố Tràng Thi – Tràng Tiền và phố Trần Hưng Đạo, hai cạnh ngang là phố Phan Bội Châu và phố Phan Chu Trinh. Khu vực này được xây dựng đồng thời với khu thành cũ song quy trình quy hoạch có chậm hơn do phải giải tỏa nhiều làng xóm. Một công trình quan trọng của thành phố là Nhà hát Lớn nằm ở đầu phố Tràng Tiền, được xây từ 1902 tới 1911, theo mẫu hý viện Opéra của Paris (Opéra National de Paris).
Về phương diện nhân số, vào năm 1921, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 4.000 dân châu Âu và 100.000 dân bản địa. (1) Xin bạn đọc nhớ cho hai chi tiết địa lý và nhân số này, vì câu hỏi sẽ một phần dựa vào hai dữ kiện này.
Trong thời gian từ năm 1930 cho đến 1945, có thể nói đây là thời gian huy hoàng nhất của Hà Nội, theo tác gỉa Phạm Vĩnh Cư trong bài “Văn chương và Hội họa Việt Nam”, ông nhận xét: “Trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam, giai đoạn 1930 - 1945 là buổi đơm hoa kết trái đầu tiên trong tiến trình văn hóa Việt Nam hội nhập văn hóa thế giới.” Về âm nhạc, giai đoạn từ 1935 tới 1938, theo nhạc sĩ Phạm Duy, được gọi là "thời kỳ chuẩn bị của Tân nhạc Việt Nam". Từ đầu 1939, các bản nhạc sáng tác của nhạc sĩ được in và bán tại các hiệu sách. Tân nhạc Việt Nam chính thức hình thành. Và sau đó nở rộ. Về văn chương, thơ phú, Tự lực Văn đoàn ra đời và hoạt động năng nổ trong thời kỳ này. Góp một phần lớn lao và thổi một luồng sinh khí vào nền văn học nước nhà. Cùng lúc trong thời gian này, là sự xuất hiện của tầng lớp tư sản Việt Nam khiến văn hóa Hà Nội cũng thay đổi. “Nền văn hóa phương Tây theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam kéo theo những xáo trộn trong xã hội. Không còn là một kinh thành thời phong kiến, Hà Nội ít nhiều mang dáng dấp của một đô thị châu Âu. Thành phố vẫn tiếp tục giữ vai trò trung tâm tri thức, nghệ thuật của cả quốc gia, nơi tập trung các nhà thơ mới, những nhạc sĩ tân nhạc cùng những trí thức, học giả nổi tiếng.” (1)
Dân số Hà Nội vào năm 1921, theo tài liệu đã dẫn, chỉ có 100,000 dân bản địa, thì cho đến năm 1945, trước khi cuộc kháng chiến chín năm đánh Pháp giành độc lập là bao nhiêu? Cứ cho là gấp hai đi, thì có phải là 200,000? Và bao nhiêu trong số này là tây học, là thành phần trí thức, tiểu tư sản thành phố để có thể tạo nên một “cái cốt cách Hà Thành”? 10 phần trăm, tương đương với 20,000 người chăng? Xin bạn đọc nhớ cho con số 20,000 người được gỉa định ở đây, vì câu hỏi cũng sẽ một phần dựa vào dữ kiện vừa nói trên. Hà Nội thời 9 năm kháng Pháp từ 1946 đến 1954: Xin được vắn tắt: cuối năm 1945, Pháp trở lại Đông Dương. Sau những thương lượng không thành, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ vào tháng 12 năm 1946 và Hà Nội nằm trong vùng kiểm soát của người Pháp. Việt Minh phát động phong trào tiêu thổ kháng chiến, ruộng hoang nhà trống, dân Hà Nội sơ tán ra khỏi thành phố. Trong giai đoạn này, Hà Nội ngừng phát triển vì chiến tranh. Về phương diện điạ lý, Hà Nội tuồng như dậm chân tại chỗ, không thay đổi gì nhiều, vẫn hạn chế ở 152 cây số vuông với khu thành cũ, khu nhượng địa và khu nam hồ Hoàn Kiếm. Như một nhà văn đã từng viết, sau khi tản cư ra khỏi Hà Nội, ban đêm nếu có dịp mon men về đứng phía bên kia cầu Long Biên đâu đó ở Gia Lâm, Trung Hà, Yên Tân… nhìn về phía Hà Nội thấy đèn sáng cả một góc trời là lòng sướng mê tơi, thỏa lòng mong nhớ Hà Nội chút chút. “Hà Nội của lòng ta ơi” là thế đó, là ba khu vực vây quanh hồ Hoàn Kiếm, chứ xa hơn chút như Ngọc Hà, Giảng Võ, Hào Nam, Kim Liên, Khương Thượng, Bạch Mai, Thôn Đoài… vây quanh cái “lõm” Hà Nội đó thì làm gì có đèn điện? Đừng nói bên kia bờ sông Hồng, nhà thơ Quang Dũng -- một cựu học sinh trường Thăng Long, Hà Nội, lên đường đi kháng chiến đâu đó xa lắc xa lơ -- cũng “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.” Đoán chắc, “cái kiều thơm” kia cũng loanh quanh đâu đó trong vòng bảy cây số nếu lấy quán kem Bờ Hồ làm tâm điểm!
Vào thời điểm được tiếp quản, thành phố gồm 4 quận nội thành với 34 khu phố, 37.000 dân và 4 quận ngoại thành với 45 xã, 16.000 dân, tổng cộng 53,000 dân (1). (Ở đây chỉ đề cập đến giai đoạn này, không nói đến một Hà Nội được mở rộng sau này bắt đầu từ những năm cuối của thập niên 50 và về sau này nữa.) Giả như tài liệu này chính xác, thì xin nhắc lại: vào năm 1921, Hà Nội có 100,000 dân bản địa. Và lúc Việt Minh vào tiếp thu Hà Nội, nhân số của cả nội và ngoại thành là 63,000 ngàn dân. Thấp hơn nhân số người viết gỉa định (200,000) ở trên. Không biết con số người gọi là tinh hoa của Hà Nội hồi hương sau 1954 là bao nhiêu? Bao nhiêu đã thiệt mạng vì cuộc chiến 9 năm đó? Bao nhiêu quyết định không trở về lại Hà Nội? Và cũng không rõ trong gần một triệu người di cư vào Nam năm 1954, có bao nhiêu người trong đó là dân Hà Nội chính gốc. Tuy nhiên, dựa vào con số trên mà nói, thì dân Hà Nội chính gốc còn bám trụ Hà Nội và hồi hương sau ngày Việt Minh tiếp quản Hà Nội tuồng như không lấy làm lớn lắm, và bị hòa tan như bọt biển khi làn sóng người từ các tỉnh đổ về Hà Nội. Đến nỗi, đã có người nói chỉ vài năm sau 1954, giọng Hà Nội đã không còn, và thay vào đó là giọng Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… lên ngôi. Thực tế, cái chất hay cái “tinh hoa, hay cái hồn” Hà Nội đó đã chết ngắt ở Hà Nội từ ngày đảng Cộng sản lên nắm quyền và thiết lập nền chuyên chính vô sản ở miền Bắc kể từ năm 1954. Chết vì chế độ kiểm soát con người qua hộ khẩu, công an khu vực, đấu tố, rình rập, tố cáo, chính sách trí-phú-địa-hào đào tận gốc trốc tận rễ... Hãy nghe tác giả Phạm Huấn - một người Hà Nội đã di cư vào Nam năm 1954 - diễn tả trong hồi ký “Một ngày ở Hà Nội” xuất bản năm 1973 khi ông có dịp ra lại Hà Nội làm việc với Ủy ban Liên hiệp 4 bên để chứng kiến cuộc trả tù binh đợt thứ hai ở Gia Lâm, theo hiệp định Ba-Lê cùng năm 1973:
… Hà Nội nghèo, nhưng người ta không thể tưởng tượng Hà Nội có thể nghèo đến thế! Hà Nội già, nhưng người ta không thể tưởng tượng Hà Nội có thể già đến thế! Người ta đã làm gì Hà Nội sau gần hai mươi năm đóng kín cửa Hà Nội, để khi chúng ta đẩy được cái cánh cửa quá khứ ra, Hà Nội chỉ còn như một cái xác không hồn như thế?”
“Trên đường phố, những gương mặt ấy không thể nào hòa trộn được với những khuôn mặt khác, những gương mặt của một nhân loại an hưởng, hòa bình, hạnh phúc và tự do. Vầng trán hai mươi hằn lên những nếp nhăn, mái tóc đen đổ xuống quầng mắt xanh tím. Cái nhìn đăm đăm sâu thẳm. Vẻ quyết liệt thô bạo, man dại khi tranh giành trước các quầy hàng... Cuộc vò xé tâm can không lúc nào ngơi...” (2) “Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà, Như thế, cái hồn cái chất Hà Nội có còn chăng là trong đám người di cư vào Nam trong loạt tàu há mồm năm 1954, có phải thế không?
Chất Hà Nội bám theo ai vào Nam theo những con tàu há mồm? Có bao nhiêu người Hà Nội đại diện cho “nhóm tinh hoa Hà Nội” vào được Sài Gòn? Cứ cho là 50 phần trăm trong số 20.000 người -- như người viết gỉa định trước đây -- mang cốt cách Hà Nội vào cuối năm 1954 đi, thì con số này chỉ vỏn vẹn là 10.000 người!
Một lần nữa, như đã được đề cập trước đây, không thể phủ nhận vai trò đóng góp của trí thức Hà Nội, hay trí thức được đào tạo ở Hà Nội trong giai đoạn này, từ 1930 đến 1945. Nhưng, bài này chỉ xoáy quanh cái gọi “Hà Nội trai thanh gái lịch, cốt cách tao nhã, “sang ơi là sang, Tây ơi là Tây” mà thôi. Thế thì, cái chất Hà Nội còn rơi rớt kia theo đám người Hà Nội tinh hoa, chính gốc di cư vào Nam, rồi cũng theo thời gian mà cũng nhạt nhòa trong nữa thế kỷ qua. Và giờ đây nhìn lại, là cả một trời mây trắng bay. Cái thắc mắc mà người viết muốn trình bày, là có phải chăng: 1. Cái chất, cái hồn, cái tri thức, cái cốt cách tao nhã Hà Nội đó chỉ xuất hiện ở Hà Nội – dù thích hay không thích – chính là trong thời Pháp thuộc từ 1930-1945? 2. “Cái chất Hà Nội đó” đã chết ngắt ngay chính ở Hà Nội, từ ngày bộ đội cụ Hồ tiếp thu Hà Nội, khi chế độ chuyên chính vô sản chính thức lên ngôi ở miền Bắc? 3. Cụm từ “Hà Thành trai thanh gái lịch, cốt cách tao nhã Hà Nội”… hiện nay người ta thỉnh thoảng vẫn dùng là sai, nếu không đi kèm với cụm tu từ “ngày đó”? Vì cả nghĩa đen lẫn bóng, cái hồn, cái chất Hà Nội kia hôm nay không có ở Hà Nội, và của ngày đó thì giờ không còn hiện hữu. Nó đã đến và đi như bóng quái chiều hôm. Có còn chăng là một sự hoài niệm pha lẫn chút nuối tiếc còn vướng mắc đâu đó trong tâm tưởng của chúng ta?
|