Ngày tháng Tri Tôn |
Tác Giả: Từ Khanh | |
Thứ Bảy, 10 Tháng 7 Năm 2010 08:34 | |
Nơi đây là vùng Thất Sơn huyền bí. Những câu chuyện ly kỳ, núi Cấm, núi Tô, núi Dài, rừng tràm Trà Sư. Những địa danh hiền hòa và ác liệt, quyện vào nhau như những giọt mưa ngắn dài lủi thủi trên ruộng nương.
một lần lóe lên thắp đời em sáng lung linh (Từ Công Phụng) Bây giờ mới vào mùa mưa. Có một đêm, mưa rào rạt. Mấy con dế chui qua khe cửa, lóp ngóp nhảy trong phòng. Khuya hôm trước, mưa nghe rõ từng giọt trên lá xoài trước cửa. Nơi đây là vùng Thất Sơn huyền bí. Những câu chuyện ly kỳ, núi Cấm, núi Tô, núi Dài, rừng tràm Trà Sư. Những địa danh hiền hòa và ác liệt, quyện vào nhau như những giọt mưa ngắn dài lủi thủi trên ruộng nương. Chiều qua, mưa cả chiều. Con đường chạy qua đồi, nối từ trung tâm huyện Tri Tôn qua xã An Tức về tới xã Ô Lâm, vắng vẻ. Tôi chạy liều một lúc vì làm biếng lấy áo mưa dưới nệm xe, nhưng rồi cũng đâm xe vào ngôi chùa Khmer bên đường. Các chùa Khmer ở đây có nhiều tháp trong sân. Khi người thân mất, những gia đình khá giả xây một cái tháp, đưa quan tài vào tầng dưới cùng của tháp, bít xi măng lại. Chừng ba năm sau, họ lấy quan tài đem đi thiêu, đưa tro cốt cho lên tầng giữa, còn tầng cao nhất thờ Phật. Tầng dưới lại trống (chờ người chết kế tiếp). Có lẽ do cửa tháp ở tầng dưới không kín, những chiều mưa như thế này, buổi tối hay sáng sớm, mùi hôi phảng phất trong không khí đi ngang những ngôi chùa nhiều tháp. Đứng trong sân chùa nhìn những hộc tháp dưới cùng trống trải hoặc được bít kín (do còn quan tài bên trong), bỗng thấy rờn rợn như hồn ma luẩn quẩn đâu đây. Tôi phóng nhanh ra cổng chùa. Một bên là đồng ruộng, bên trái là dãy núi Cô Tô có cái tên sang cả: Phụng Hoàng Sơn. Tức Dụp chỉ là ngọn đồi nhỏ phía tây của Phụng Hoàng. Mà Phụng Hoàng cái gì, một mảng núi đang bị băm ra làm đá xây dựng, ở chỗ này, chỉ có gà trống gà mẹ gà con lẩn thẩn đi hoang qua đường. Những mái nhà lá xộc xệch, lác đác các căn nhà ven đường bày một cái rổ trên chiếc ghế nhỏ, đó là những chiếc bánh bò nấu với đường thốt nốt được phủ một tấm ni lông chung với ruồi. Hình như người ta sợ bụi chứ không sợ ruồi. Ruồi nhiều vô kể. Buổi trưa đến ủy ban xã An Tức, nơi các sinh viên đang thực tập được xã cho tá túc, ruồi đậu như đậu đen trên những cái ly nhựa, bu trên hai cái nồi nhôm đen đúa méo mó. Ruồi đậu gần kín cả khoảng thềm trước cửa chính, khi chân người đi qua, chúng bay tránh lên rồi lại đậu xuống, hệt như mình cầm một cái đũa thần, vẹt ruồi mà đi, đũa đi qua thì ruồi khép lại. Một ly nước lọc uống dở đặt xuống, chút sau nhìn vô thấy mấy con ruồi chết trôi lềnh bềnh. Tôi đem theo hộp nhang xông muỗi nhưng sinh viên than không có muỗi chỉ có ruồi. Trưa ngủ không được vì chúng bay đụng vào mặt, vào tay. Trong mầm gây bệnh la liệt ấy, không có một biện pháp nào phòng chống. Những chàng trai mạnh mẽ, các thiếu nữ nét hồn nhiên còn đọng đậm trên gương mặt xinh đẹp, đứng ngồi với ánh mắt ưu tư nhìn chong ra núi rừng đồng ruộng mưa phùn. Họ ăn và ngủ chung với ruồi, vừa ăn vừa đuổi vừa chửi ruồi. Thì chỉ biết chửi ruồi! Mà chửi ruồi thì chửi làm sao. Không lẽ ‘đồ chó má’. Chó má đâu có nhiều và lì lợm như ruồi. Thôi thì đành một nụ cười đau khổ. Nhóm sinh viên được chia làm hai. Một nửa ở ủy ban xã An Tức, nửa kia qua trụ sở ủy ban xã Ô Lâm. Nam nữ nằm lăn trên sàn nhà lót chiếu cói. Mỗi chỗ chỉ có một cái cầu tiêu kinh khủng, áo quần trai gái phơi lòng thòng xung quanh. Một cái giếng ở mé sân trước, dân ở loanh quanh sáng chiều ghé lại tắm rửa, múc nước gánh về. Đồ ăn hàng ngày đều trông chờ vào một người đàn bà Khmer đạp xe tới, chở hàng trên cái thúng. Bà bán gì thì mua nấy. Ngày hai bữa đơn giản một món canh một món kho mặn, và nước mắm dầm ớt cay. Món canh thường là bắp sú gì đó, cắt vụn ra, đổ nước và tép vào nấu. Món mặn, bữa đầu tôi ăn, là thịt heo xắt nhỏ, kho hơi mặn một chút cho lợi cơm. Chúng tôi ngồi bệt dưới đất ăn trưa. Mười mấy mạng mượn được hai cái nồi nhôm móp méo. Không hiểu tại sao đít nồi đen đã đành mà cả lòng nồi cũng đen. Thoáng chốc là vét sạch. Lòng nồi móp méo không bằng phẳng nên còn một chút nước canh đọng lại ở chỗ trũng giữa nồi, trông như nước mưa đọng trên cái ổ gà nhỏ ngoài đường. Trút cả vào chén. Ăn xong, thấy thiếu thiếu cái gì. Tôi chạy xe qua xã Ô Lâm thăm nửa kia, cách nửa này bốn cây số đường nhựa ngang qua đồi Tức Dụp. Tình cảnh Ô Lâm không hơn gì, chỉ có ruồi ít đi chút xíu. Cả hai xã cách trung tâm Tri Tôn trên và dưới 10 cây số, cách thành phố Long Xuyên sầm uất trên và dưới 60 cây số, nhưng là một đời sống cách biệt hoàn toàn. Cách biệt và xa cách đến khó tin. Cách biệt đến mức tôi có cảm tưởng mình vừa bước qua hay đang sống chính cõi vô thường. Không điều gì có thật. Tưởng như mọi thứ nơi này và nơi kia đều là hy vọng và tuyệt vọng. Mưa ở Long Xuyên xối xả trên những con đường lán nhựa dài rộng phăng phăng. Mưa ở An Tức – Ô Lâm lủi thủi trên con đường nhỏ dợn sống trâu, chìm trên mái nhà lá vàng cũ ở những phum sóc xiêu vẹo. Mưa ở Long Xuyên tung bong bóng trắng trên mặt đường. Giọt mưa ở An Tức từ những đám mây u buồn trên núi Cấm chìm vào đất nâu, những bàn tay thầy trò nắm chặt dắt nhau lên xuống núi trên những dấu đá rong rêu thưa vắng. Mưa ở Long Xuyên in trên những bức tường phố đủ màu. Người không nhìn ra người giữa chỗ đông người. Mưa nơi đây rơi trên đường vắng, người nhận ra nhau (rất lâu) cho dù một tình cờ gặp lại nhau sẽ mong manh như màng mưa nghiêng trên ruộng lúa và núi sẫm. Những đàn ruồi tránh mưa, từ ruộng và sân trước, từ nương và ngọn đồi sau bay vào nhà núp trên nền sũng nước. Đến Ô Lâm, càng xa hơn ánh đèn thành thị, mù mịt thông tin. World Cup 2010 ai thắng ai, đội nào vào tứ kết Không một quán bán báo lẻ hay tiệm Internet. Thói quen buổi sáng cầm tờ nhật báo uống cà phê trở thành một ước mơ xa. Khi buồn người ta nhậu. Khi vui cũng nhậu. Khi không vui không buồn? Càng nhậu dữ. Khi bận, người ta ‘bận nhậu’. Khi không làm gì, không nhậu thì biết làm gì. Nhậu phải có bạn. Vài ông trong xã ở đây gặp đám sinh viên kéo về như gặp bạn nhậu. Có ông, buổi tối, nằng nặc phải có vài nữ sinh viên đi nhậu chung, nếu không sẽ không ký giấy chứng nhận thực tập. Tất nhiên chỉ dọa chơi, nhưng mình là thân phận sinh viên tỉnh lẻ. Ông giảng viên trẻ mới ra trường, được bố trí ở chung với sinh viên để hướng dẫn thực tập. Ông bảo ít dám ra đường, sợ mấy ‘anh quen’ kéo đi nhậu. Nhưng trốn triệt trong nhà cũng không thoát, mấy ‘anh quen’ vào tận nơi, hì hì hà hà. Lại phải nhậu. Một nữ sinh viên bị kiết lỵ. Một đứa tự nhiên sốt, không hiểu vì sao. Trong điều kiện ăn ở như vậy, kiết lỵ không lạ. Lên trạm y tế xã khám, được cho một mớ thuốc miễn phí, nhưng không dặn dò ăn uống gì cả. Hai cậu sinh viên đạp xe dẫn tôi đi thăm một làng nghề đan chiếu của người Khmer. Ở Ô Lâm, 97 phần trăm dân số là người Khmer, ở từng cụm gọi là phum hay sóc. Hai cậu là người Khmer, vừa đạp xe vừa hỏi đường bằng tiếng Khmer để tới một ngôi nhà lá đang còn giữ nghề đan chiếu. Cả làng nghề, bây giờ, chỉ còn dăm ba ngôi nhà, chắc không biết làm gì cho ra tiền, nên vẫn giữ nghề. Chúng tôi vào căn nhà có một bà cụ Khmer. Cụ Neang Xich, 85 tuổi, cũng như rất nhiều người trong phum, không nói được tiếng Việt. Cụ mặc quần đen, áo tay cánh màu vàng xỉn, tay chân và da mặt nứt nẻ như đất ruộng mùa hạn. Cụ ngồi bệt trên đất, cười móm mém, hai tay thoăn thoắt đan chiếu. Qua thông dịch của cậu sinh viên chọn đề tài làng nghề truyền thống, cụ bảo đan một chiếc chiếu mất khoảng mươi ngày, bán được ba chục ngàn đồng, giá ngoài chợ là năm chục ngàn. Một chập sau có đứa chắt gái mười hai tuổi của cụ, ngồi xuống bên cụ. Hai bà cháu cách nhau bốn đời im lặng ngồi đan chiếu dưới ánh nắng chiều ngoài cửa hắt vào. Vậy cuối đời cụ thích gì? Có lẽ đây là câu hỏi khó dịch nên hai cậu bàn tán một hồi. Cụ nói, mắt vẫn nhìn xuống đôi tay, chỉ thích đi chùa, không muốn gì. Lúc chúng tôi tặng cụ món quà nhỏ, cụ chắp hai bàn tay nhăn nhúm lên vầng trán nứt khô, đọc lầm rầm một hồi kinh rất lâu. Đằng sau cụ là cái bàn thờ nhỏ chưng ảnh một người đàn ông và một cô gái ngay chính giữa. Người đàn ông nhíu lông mày suy tư, còn cô gái tròn xoe mắt như một thoáng hoảng hốt. Ngoài cửa, đứa cháu gái khác của cụ vừa về tới trên một chiếc xe đạp chở bó rau muống. Trong căn nhà bốn thế hệ này, người chết như còn đó nỗi lo, người già như mảnh ruộng khô cằn, trên đó, hai cháu gái đẹp như hai viên ngọc óng ánh bơ vơ. Trong tiếng cầu kinh lầm rầm của bà cụ, buổi chiều dường cũng chạnh lòng. Chúng tôi đạp xe qua một phum khác chuyên làm đường thốt nốt. Chỉ cách đường chính của xã không hơn một trăm thước nhưng như bước vào một thế giới lạ. Các nhà lá nền đất nằm lệch lạc chỗ này chỗ kia, bò, heo và gà đi đứng lổm ngổm chung với người. Trước cửa chính một căn nhà lá có một con nghé cuộn mình, chỗ nằm thường thấy của một con chó nằm giữ nhà trước cửa. Mùa mưa đã tới nên không ai đi lấy nước bông thốt nốt về làm đường vì chua. Các lò đất nấu đường đã mục bể, những ống tre đựng nước thốt nốt xếp dựng trong góc đã ẩm rêu xanh. Buồn bã. Tôi có cảm tưởng đang ở một ngôi làng nhỏ ở cố đô Bagan của Miến Điện. Nơi đó, gia súc chung đụng cùng người. Một thế giới nguyên sơ bất chấp những đổi thay ngoài đó. Bò lười biếng bên liếp cửa, người uể oải trên chõng tre. Những hàng cây thốt nốt rũ tàn vươn sau mái nhà tranh. Mưa hiu hắt. Tôi cùng một cậu sinh viên phóng xe máy ra chợ Tri Tôn mua một mớ gạo tiếp tế cho nhóm này. Nhóm kia hết gạo nhưng không đến nỗi nhờ vào chùa ‘khất thực’, được các ông sư nghèo cho bao gạo đủ cầm cự đến ngày về. Cái nghèo và nỗi buồn không thể cứu chữa bằng hàng cứu trợ. Phải một sự vận động nào đấy có hệ thống. Nhưng biết làm sao, được chừng nào hay chừng nấy, thà ‘như chiếc que diêm’ còn hơn không thắp sáng gì cả. Tôi chạy non mười cây số thì đến trung tâm thị trấn Tri Tôn. Trăng đã mờ dần, chân trời rờn rợn sáng. Chạy thêm chừng năm cây nữa thì càng lúc càng bị trùm vào màn sương trắng dầy đặc. Sương che kín cả con sông song song với con đường. Sương giăng dài ba mươi cây số đường dợn sóng trâu. Sương ướt đẫm cả áo. Rồi chỉ còn thấy loáng thoáng trước mặt dăm bóng người đi lại. Họ như ảo ảnh, những cây cao bên đường cũng hóa thân thành những khối đen mờ ảo ảnh. Qua hết mười mấy cây cầu nhỏ. Bên dưới, dòng sông mất dạng trong sương trắng. Có lẽ bóng tôi trong mắt người ngồi trước cửa cũng là ảo ảnh vù qua.
|