"Chúng nó không quan tâm? Vậy thì mình thuê chúng nó quan tâm!" |
Tác Giả: Joyce Anne Nguyen | |
Thứ Bảy, 14 Tháng 8 Năm 2010 13:20 | |
Vì tôi thấy mọi người không còn quan tâm. Người người từ chối không quan tâm. Nhà nhà đóng cửa không muốn quan tâm. Không còn ai quan tâm.
“…Chúng ta luôn nói với nhau một cách tự hào về lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh bền bỉ bất khuất, nhưng cuối cùng những gì tôi thấy là những con người vô cảm không quan tâm và nói tôi không cần quan tâm vì VN chẳng cần những người như tôi…” “Chúng nó không quan tâm? Vậy thì mình thuê chúng nó quan tâm!”. Đây là một câu nói đùa của bác Vũ Thư Hiên vừa rồi tôi có dịp gặp tại Đức, khi cùng đến tham dự buổi lễ tưởng niệm 20 năm bức tường Berlin sụp đổ. Chỉ là đùa thôi, nhưng tôi thấy buồn thực sự. Vì tôi thấy mọi người không còn quan tâm. Người người từ chối không quan tâm. Nhà nhà đóng cửa không muốn quan tâm. Không còn ai quan tâm. Việc người dưng.
Quan tâm đến vấn đề lãnh thổ và an ninh đất nước, nước ta đang sống có thể tiếp tục tồn tại hay sẽ hoàn toàn biến mất trên bản đồ để trở thành một tỉnh của một nước lớn (đầy tham vọng bá quyền) chỉ vì sự ích kỷ của những kẻ bán nước và sự hèn hạ khiếp nhược đi đôi với chấp nhận không tranh đấu của những người xung quanh, những người không muốn quan tâm. Ta là ai? Ta ở đâu? Ta mang dòng máu gì? Ta đến từ đâu? Ta đang ở đâu? Ta tồn tại vì cái gì? Ta sống và chết cho điều gì? Ta tranh đấu cho điều gì? Ta muốn gì và mơ ước gì? Anh bảo đó không phải việc của anh và anh không muốn quan tâm, bảo tôi đừng gửi cái gì cho anh. Anh bảo anh có muốn cũng không làm được gì, nên anh không muốn biết. Anh nói anh không thích chính trị và anh muốn sống cuộc đời phi chính trị. Anh nói anh là người đơn giản, và không đòi hỏi nhiều và tranh chấp nhận cuộc sống này. Anh nói anh không cần biết điều gì đang diễn ra và là một công dân anh muốn tin tưởng tuyệt đối vào ban lãnh đạo trên đất nước anh, rằng họ đều là những người tốt muốn đất nước trở nên khá hơn. Anh nói anh là một người yêu nước, yêu tổ quốc quê hương và anh yêu cả Đảng và nhà nước. Anh nói có thể anh không biết gì hết nhưng anh không muốn biết và anh hơn tôi vì anh có lòng biết ơn, biết ơn Đảng đã nuôi dưỡng anh trở thành người như ngày hôm nay, anh không phải là kẻ phản phúc như tôi. Và anh không cần biết. không cần quan tâm. Đây là câu trả lời của tôi: Đảng, nhà nước và Tổ quốc, quê hương là hai khái niệm thường bị đánh đồng thành một ở những nước như VN. Trong thực tế đó là hai khái niệm riêng rẽ tách bạch. Yêu nước không có nghĩa phải yêu chế độ. Phản đối chế độ không có nghĩa là kẻ phản động vô ơn không yêu nước. Quê hương đất nước là cái trường tồn vĩnh viễn. Chế độ là cái ngắn hạn, dù có kéo dài vài chục năm cũng chỉ là một thời gian ngắn so với khái niệm đất nước quê hương. Chế độ này sụp thì chế độ khác thay, Tổ quốc thì mãi mãi ở đó. Một nhà nước được lập ra để đại diện cho nhân dân, không phải để ép buộc điều khiển nhân dân, coi nhân dân như con cái và sẵn sàng trừng trị «những đứa con hư không biết vâng lời». Nhà nước tồn tại nhờ thuế dân đóng, nhân dân có quyền đòi hỏi cho tự do và quyền lợi. Nhân dân không phải là những con bò để nhà nước chăn dắt. Tôi sinh ra và lớn lên trong xã hội VN không có nghĩa là tôi phải làm một con bò chỉ biết nhai lại và vâng lời làm việc không được phản kháng và đòi hỏi. Cái lý luận « Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc» tôi đã nghe qua hàng trăm hàng ngàn lần. Tôi có thể làm gì cho Tổ quốc khi tôi không có tự do phát biểu những góp ý của tôi? Tôi có thể làm gì cho Tổ quốc khi nhà nước hoàn toàn không đếm xỉa tới bản kiến nghị phản đối một dự án huỷ hoại toàn bộ đất nước như dự án bauxite và vẫn tiến hành? Tôi có thể làm gì cho Tổ quốc khi tôi học rồi đi làm, cày lưng đóng thuế nuôi ban lãnh đạo ngày càng giàu có ăn sung mặc sướng, còn những người nghèo khổ ngày càng đói rách vì giá cả liên tục tăng? Các vị bảo các vị không quan tâm, thế tôi hỏi các vị: Các vị là ai? Các vị đang sống ở đâu? Dòng máu gì đang chảy trong huyết quản các vị? Đất nước này là của ai? Đất nước này của riêng Đảng và 15 ông trong Bộ chính trị hay của tất cả chúng ta, tất cả những người mang dòng máu Việt sống trong chính VN và ở nhiều nơi khác trên thế giới? TQ đã lấy khu vực phía Bắc với thác Bản Giốc của ta. Ngoài biển kia, TQ thản nhiên bắt và cướp bóc ngư dân VN ta ngay trên chính biển ta và đăng trên đài TH chính thức của TQ một cách khiêu khích hình ảnh ngư dân ta chắp tay lại trước hải quân TQ. Và nhân dân TQ viết trên tờ báo chính thống rằng một nước nhỏ như VN chúng ta lại hung hăng ỷ vào sự nhường nhịn của TQ và muốn ức hiếp, cướp đất TQ hoặc không biết ơn sự giúp đỡ của đàn anh TQ bao lâu nay.
À vâng, nghe đến điều này có nhiều người sẽ không tin và đề nghị tôi đưa ra bằng chứng, cứ tìm trong những link tôi đã post bao lâu nay. Tôi chỉ hỏi, tại sao tôi đưa ra những thông tin này các bạn lại không tin và nghi ngờ đòi hỏi bằng chứng xác thực nhưng có thể tin tuyệt đối những gì đã được học trong trường lớp, trên báo chí và truyền hình chính thức của nhà nước không cần nghi vấn? Vì bạn cho rằng nhà nước không thể sai và những gì Đảng nói là chân lý? Chúng ta là con người. Con người có suy nghĩ có lương tri. Con người không chỉ ngoan ngoãn phục tùng. Con người không chỉ tin 100% không thắc mắc. Hãy đọc nhiều luồng thông tin khác nhau, nhiều cách nghĩ khác nhau. Hãy so sánh và nhìn vào thực tế. Hãy đặt câu hỏi và trả lời những câu hỏi người khác hoặc chính mình đặt ra. Và rút ra kết luận, với cách nhìn của riêng mình, bằng chính óc phán xét của mình. Ta tư duy, đấy là ta tồn tại. Nhiều người bảo không thích chính trị và không muốn quan tâm đến chính trị. Chính trị là gì đó xa vời họ không với đến và không muốn nghĩ đến. Nhưng chính trị là nguồn gốc của mọi thứ trong xã hội. Suy ra tận cùng cái gì cũng là chính trị. Điều kiện sống của bạn, nền giáo dục bạn đang học... rút cuộc cũng thuộc về chế độ, nằm trong chính sách đường lối của chế độ. Ấy là chính trị. Tôi sinh ra quá trễ để có thể hiểu về chiến tranh và lịch sử. 16 tuổi, tôi có quyền không nghĩ ngợi và cứ tận hưởng cuộc sống như những người 16 tuổi khác, đi học, về nhà làm bài, xem film, nghe nhạc, đọc sách, tán dóc những chuyện bình thường không thuộc chủ đề «nhạy cảm»... Nhưng tôi không thể không quan tâm vì những điều ấy đang xảy ra ngay trong chính đất nước tôi. Lãnh thổ nước tôi đang bị xâm phạm và nhân dân nước tôi đang bị đàn áp. Tôi không còn sống ở VN nhưng dù tôi có sống ở đâu, mang quốc tịch gì, tên họ gì, dòng máu Việt vẫn đang chảy trong huyết quản tôi và tôi không thể dứt bỏ. Tôi rời VN vì tôi không thể sống dưới sự cai trị của nhà nước VN, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi có thể nói tôi không còn liên hệ đến VN nữa. Vậy tại sao các bạn, những người VN đang sống ngay trong chính VN có thể vô tình nói các bạn không quan tâm đến an ninh, lãnh thổ đất nước, không quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội của đất nước bằng cách nguỵ biện các bạn còn trẻ hoặc bận rộn và đó là việc người lớn hoặc việc lớn lao to tát nhà nước lo không cần các bạn để ý đến? Vâng, các bạn bảo không quan tâm nhưng đến khi thấy tôi viết vài dòng trái ý, các bạn bắt đầu nhảy vào nói tôi thế này thế nọ và giảng giải tôi nghe giọng điệu trong sách giáo khoa Sử và Giáo Dục Công Dân. Mọi người đều không quan tâm. Không ai quan tâm. Tôi đang sống tại Na Uy. Tôi đã ghé qua Pháp, Đức, Tiệp Khắc và Ba Lan. Đã ghé qua cộng đồng người Việt, và nhận ra không hiểu vì lý do gì người Việt e sợ mọi thứ liên quan đến chính trị. Một bộ phận rất lớn sống co cụm trong cộng đồng, tự cung tự cấp, sống trên nước khác nhưng lại không muốn học tiếng nước ngưới, chỉ quanh quẩn trong cộng đồng Việt và nói với nhau bằng tiếng Việt, mua thức ăn Việt, hàng hoá Việt. Họ không quan tâm đến đất nước họ đang sống và điều duy nhất họ để ý đến là cơm áo gạo tiền, là mưu sinh để tiếp tục tồn tại. Họ tự xây cho mình bức tường và những gì diễn ra bên kia bức tường không phải việc của họ. Nhưng đồng thời họ cũng không quan tâm đến VN. Vì họ đã rời VN. Họ nghĩ họ xem VTV4 và Paris by Night, thế đã đủ! Ngay cả trong nước, những người đang sống giữa xã hội VN và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những mục ruỗng thối nát của VN và đứng trước nguy cơ bị đồng hoá (trong tình huống xấu nhất) còn không quan tâm. Đừng lạc quan chờ đợi sự can thiệp từ bất kỳ nước nào vì không quốc gia nào sẽ nhúng tay giúp đỡ một dân tộc mà bản thân họ còn không quan tâm đến số phận dân tộc họ. Đừng nguỵ biện rằng VN quá nhỏ nên phải nhún nhường cam chịu mất đất mất đảo trước một nước lớn như TQ mà hãy nhìn qua Singapore, Thái Lan, Đài Loan... Đừng bảo rằng đất nước đang ngày càng tiến bộ và phát triển vì một tờ báo chính thức của nhà nước từng viết, VN mất khoảng 175 năm để đuổi kịp Singapore với điều kiện Singapore đứng yên. Đừng bảo rằng các ông lãnh đạo đang muốn thay đổi và góp phần xây dựng xã hội khi các ông hoàn toàn lờ phắt bản kiến nghị phản đối dự án bauxite, vẫn chấp bút ký đồng ý tiến hành, và có thể sang Cuba để nói những lời sáo rỗng về việc thay nhau canh giữ hoà bình thế giới nhưng đình chỉ một tờ báo vì «tội» khẳng định chú quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cấm nhân dân biểu tình chống đối TQ, không cho nhân dân nhắc đến với lý do đó là vấn đề «nhạy cảm» và cấm cả việc nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa trên game online. Đừng tìm kiếm lý do biện minh để trả lời cho xong các câu hỏi của những người như tôi, thay vào đó hãy tìm kiếm giải pháp và đứng lên cho quyền sống, cho tự do và được tôn trọng. Đừng cam chịu, hãy đấu tranh. Đừng ngoan ngoãn vâng lời và tin tưởng tuyệt đối không thắc mắc, hãy đọc qua nhiều cách nghĩ khác nhau để so sánh đối chiếu với thực tế và rút ra kết luận của riêng mình. Hãy nghĩ đến việc có rất nhiều người đang đấu tranh dân chủ có nguồn gốc từ trong chính gia đình cộng sản. Hãy nghĩ vì sao họ thay đổi. Hãy nghĩ vì sao rất nhiều người đã rời khỏi nước, trong suốt 34 năm, bằng rất nhiều cách khác nhau... Hãy nghĩ vì sao một chế độ ưu việt và hoàn hảo lại sụp đổ ở hàng loạt các nước, chỉ còn tồn tại 5 nước TQ, VN, Lào, Cuba, Bắc Hàn. Hãy nghĩ xem chế độ này có đi theo đúng mô hình chủ nghĩa xã hội lý tưởng các bạn đã được học không hay chỉ là nền kinh tế tư bản công nghiệp hoá hiện đại hoá khuyến khích người ta làm giàu. Tại các nước Đông Âu, họ không thể chịu đựng sự kìm kẹp thiếu tự do, họ đã đứng dậy đấu tranh và quyết định số phận cho dân tộc họ. Nhìn cách họ tưởng niệm ngày bức tường Berlin sụp đổ một cách rất trân trọng và xúc động, tôi tự hỏi điều gì đã giết chết khao khát tự do và mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân VN? Hay cuối cùng một nỗi sợ vô hình khiến họ chỉ có thể làm được một điều là bỏ đi nước ngoài và không nghĩ đến nữa? Chúng ta luôn nói với nhau một cách tự hào về lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh bền bỉ bất khuất, nhưng cuối cùng những gì tôi thấy là những con người vô cảm không quan tâm và nói tôi không cần quan tâm vì VN chẳng cần những người như tôi. (Thế VN cần gì? Cần những con người sống vô tình và phi chính trị? Cần những người ưng rao giảng lý lẽ trong sách giáo khoa và tìm kiếm lý do nguỵ biện?) Ôi những con cừu non ngây thơ trong sáng. Ôi những con bò cam chịu tuân lời và nhai lại. Ôi những chiếc máy casette tua đi tua lại một cuộn băng. Ôi những con rối vô tri để người đời giật dây. Ôi những con vẹt đua nhau lặp lại những gì được dạy một cách sáo rỗng. À vâng, là đồng loại chúng ta đều là những con chó khốn nạn. Nhưng tôi là một con chó khốn nạn, thà chết chứ không muốn đeo rọ mõm. 1g31ph sáng ngày 18/11/2009 tại Warsaw, Ba Lan |