Home Văn Học Tùy Bút Nước Chảy Về Biển

Nước Chảy Về Biển PDF Print E-mail
Tác Giả: Tuệ Phúc   
Thứ Bảy, 21 Tháng 8 Năm 2010 10:09

Đời người như một giòng sông. Sau khi qua bao rừng rậm, làng mạc, đồng bằng, giòng sông sẽ trở về biển cả. Biển cả sẽ đón lấy giòng sông như mẹ hiền chờ các con về để ôm lấy đàn con.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni

Kính thưa má,

Con tên là Trần Thanh-Tịnh, pháp danh Tuệ Phúc. Má thường gọi con là “Thằng Chín”.

Kính thưa má,

 
 giòng sông sẽ trở về biển cả
Đời người như một giòng sông. Sau khi qua bao rừng rậm, làng mạc, đồng bằng, giòng sông sẽ trở về biển cả.

Suốt đời má là cả một sự hy sinh vĩ đại. Con chưa bao giờ thấy má có một giải trí nào, ngoài những buổi tối má nằm xem cải lương trên TV, nhưng chưa xem được bao nhiêu thì má đã lăn ra ngủ vì sự mệt mỏi suốt cả ngày. Con chưa bao giờ thấy má đi xem hát hay đi chơi. Quanh năm má làm việc từ năm giờ sáng tới sáu bảy giờ tối có khi mười hay mười một giờ đêm. Ngày nào cũng đi bán từ sáng sớm tới trưa. Sau đó thì làm tiếp ở nhà tới tối. Một năm má chỉ nghỉ được một hai ngày Tết. 

Con còn nhớ những lần má ốm mà má vẫn phải đi ra chợ bán. Con có hỏi má để các con đi thế cho má. Má nói nếu má không đi bán, người ta nghĩ má không còn bán nữa, họ sẽ đi chỗ khác mua thì các con chết đói. Con đi theo má ra chợ để giúp má. Thấy trời mưa gió lạnh, má bịnh má run mà con tủi lòng. Mỗi lần con đọc bốn câu thơ của Kiên Giang:

Nhớ ngày mẹ ốm nằm trong xó

Chiếu lạnh ủ không ấm vóc gầy

Đau đớn … không hề rên xiết khẽ

Sợ con nghe tiếng mà buồn lây

là con nhớ đến những giọt mưa rơi trên mái sạp và cơn gió thổi lúc con ngồi cạnh má ngoài chợ. Con nhớ những quả cân con dùng để cân mắm giúp má và cảnh má run rẩy.

Cái nghề của má rất là nặng nề và hôi hám. Những mùa dưa và mắm, các con phải ra giúp má nạo dưa và thính mắm. Nhờ đó mà các con hiểu được sự cực nhọc của má. Nạo dưa nửa ngày là đủ để nhựa dưa ăn vào móng tay đau rát lắm. Các con chỉ làm giúp má trong thời gian cao điểm của mùa, còn má thì làm việc suốt năm. Con còn nhớ xương cá sặc đâm vào da lúc trộn mắm. Đau vô cùng. Nhiều lúc con đi học, bạn bè nghe mùi mắm bay từ quần áo của con. Chúng nó bình luận không biết có mùi gì hôi quá. Nghe những lời bình luận đó, con vô cùng thương má. Bởi vì con không làm trực tiếp mỗi ngày như má, chỉ vì phơi quần áo mà có mùi. Còn má làm quanh năm làm bằng chính tay má thì người ta còn than má biết chừng nào?

Tuy má không được đến trường học, tuy má không biết đọc biết viết, nhưng má đã nuôi nấng và dạy dỗ một đàn con nên người, vài người có bằng đại học. Những bài học sống ở đời mà má đã dạy cho con còn cao quí hơn nhiều điều con nghe thấy và được chỉ bảo từ một số người có sức học cao hơn má. Những ngày con còn học trung học, con có thói quen dậy từ ba bốn giờ sáng để học bài. Khoảng năm giờ thì má dậy đi chợ bán. Thỉnh thoảng trong những lúc sáng sớm yên tĩnh như thế, má đã chỉ dạy con. Những kỷ niệm ấy nay đã hơn 40 năm, nhưng vẫn sống mãi trong óc con. Nhiều lúc con buồn là một số bài học quí giá mà má đã dạy trong những sáng sớm đó con vẫn chưa làm được.

Má không được đi học, nhưng má chưa bao giờ làm điều trái pháp luật, ngược luân lý. Chẳng những không làm, má cũng không bao giờ dạy con cái hay cho phép con cái làm điều sằng bậy, trái với luật pháp xã hội hay trái với đạo lý.

Đối với bà con thân quyến má dạy phải giữ tình thân. Đối với hàng xóm láng giềng má dạy giữ niềm hòa khí và thân thiện. Đối với người ăn kẻ ở má dạy sự kính mến. Má cho các con ăn món gì, má đều chia sẻ cho người làm ăn cùng. Khi ăn cơm má bảo các người giúp việc ăn cùng mâm. Má thường nói rằng người ta nghèo người ta mới làm giúp mình, chớ người ta may mắn có tiền của thì ai đi làm cho mình làm gì. Quả thực ngày nay con nên người là do công ơn má dạy dỗ.

Những năm gia đình nợ nần, có người đã làm khổ má. Lúc đó con mới 15-16 tuổi. Con thương má nhưng không làm gì được và con đã khổ đau. Nội kết đã tích trữ những năm con học trung học và theo đuổi con trong suốt những năm con rời quê hương đi du học. Con nguyện sẽ cố học cho nên người để người ta không coi thường má. Những năm trung học con thường thức dậy từ ba giờ sáng để ráng học. Nhiều đêm buồn ngủ quá, con nhổ hết sợi tóc này tới sợi tóc kia để cái đau đánh thức con dậy làm cho con tỉnh ngủ. Lúc nào con cũng nghĩ tới bài vở của con, nên bà con đôi khi tưởng con điên. Nhưng không phải con điên đâu má ơi. Chỉ vì con thương má, con không muốn hoang phí thì giờ, con chỉ nghĩ đến việc học cho nên người.

Lên đại học có những đêm con dậy từ 2-3 giờ sáng đạp xe đạp đi bỏ báo kiếm tiền, dù con biết má lúc nào cũng gởi tiền cho con. Trời thì lạnh cóng, đường tuyết trơn trợt, mà hai giỏ báo phía sau xe nặng vô cùng làm con té lên té xuống. Té xong con đứng dậy đạp tiếp. Lại té nữa, lại đứng dậy. Con cố gắng làm việc tới khoảng 6 giờ sáng thì về lại cư xá. Vài năm sau khi con rời quê hương thì con đóng sổ trương mục để má khỏi gửi tiền cho con nữa và để cho má đỡ cực. Con đã cố gắng được và con đã nên người là vì tình thương yêu của má. Con đã cố học vì những khổ đau từ năm lên 15-16 tuổi. Con cố gắng vì con không muốn ai coi thường má. Đúng như nhà thơ Kiên Giang viết:

Mẹ ơi! Con lớn giữa niềm ru.

Năm 1974 con trở về, nhìn cuộc đời vô thường con không còn khổ đau nữa về những gì người ta đã đối xử với má ngày con học trung học. Con chỉ tiếc phải chi ngày con còn nhỏ dại, con được gần các Thầy thường xuyên hơn, để các Thầy dạy cho con quán chiếu Bát Nhã thì con sẽ an lạc hơn nhiều. Quán rằng ngũ uẩn là không; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là không. Con tiếc là khi con học được chút ít điều đó thì tuổi con quá lớn, nội kết đã sâu.

Tuy má làm việc rất cực nhọc, lúc nào má cũng thương các con. Má không bao giờ để con đói, dù chỉ một ngày, hay ngay cả những năm gia đình mình nợ nần vô kể. Những ngày con còn bé con hay bị ốm, má nghe người ta nói ăn món gì sẽ hết bệnh má đều đi tìm cho con ăn. Má nướng không biết bao nhiêu cá, làm không biết bao nhiêu phổi cua cho con ăn, chỉ vì người ta nói ăn phổi cua thì con hết bịnh và má chỉ mong con hết bệnh. Tình thương của má quả thực là:

Ngày xửa ngày xưa thời trẻ dại

Con đau rên xiết mẹ rầu lo

Bán đôi bông cưới mua thang thuốc

Mua bánh tai heo, giấy học trò

Bánh tai heo là một loại bánh rẻ tiền, trẻ em bình dân thường ăn. Tuy nó rẻ tiền, đơn sơ, nhưng nó có thể mang cả một bầu trời thương yêu mà tiền muôn bạc biển không thể đem đến. Và giấy học trò tuy mộc mạc nhưng nó là phương tiện để làm con nên người.

Lúc con học trung học, má thấy trái cây nào ngon là má mua cho con ăn. Không bao giờ tiếc với con. Nào xoài, mãng cầu, chôm chôm, sầu riêng, và bao thứ khác. Những năm con ở Đức, lúc nào má cũng sợ con đói, nên thường gửi thực phẩm cho con. Nào mắm, nào cá chà bông do chính tay má làm, nào bánh phồng tôm. Lúc con về thăm gia đình năm 1974, con đi chơi với bạn bè, má dịu dàng nói với con rằng má nhớ ngày con còn nhỏ, con thích ăn bánh xèo do má làm. Con đi xa bao nhiêu năm, nay con về chẳng được bao lâu, má muốn được tự tay má làm cho con ăn. Má muốn con ráng ở nhà ăn với má. Lời má nói làm con vô cùng xúc động, bởi vì con thấy má đi bán suốt buổi sáng ngoài chợ, về nhà còn phải lo buổi chợ ngày hôm sau, con không muốn làm má cực hơn, nhất là lúc đó con đã hai mươi lăm tuổi rồi.

Đối với con lúc nào má cũng nói những lời ngọt ngào êm dịu, ngay cả khi má rầy con năm 1974. Má đối với con đúng với hai chữ “từ mẫu” hay là mẹ hiền.

Có lần ba đi xa, ở nhà con ốm. Má ôm con nhảy lên xe xích lô đi lên bác sĩ Dương ở đường Lê Quang Định. Con còn nhớ hơi ấm của má khi má ôm cứng con. Con còn nhớ lời nói ngọt ngào của má bữa hôm đó.

Con cũng còn nhớ má cho con cái plaque bằng vàng khi con đi Đức. Má dặn khi nào con đói quá thì bán mà mua đồ ăn. Con giữ cái plaque đó tới ngày anh em của con tới đảo ở Mã Lai thì con bán để lấy tiền lo cho các anh em. Năm 1994, chị Hai làm một cái plaque khác đưa cho con để thế cái plaque má cho. Nhưng má ơi, có cái gì thay thế được sự trìu mến, tình yêu thương và sự hy sinh của má? Có cái gì thay thế được sự hiền dịu, những lời nói nhẹ nhàng của một người mẹ?

Cuộc đời của má không có cái gì là cho má. Cái gì cũng là cho các con. Niềm vui của các con là niềm vui của má. Má chưa một lần kể công với con là má đã cực khổ như thế nào, dù là một câu, một câu duy nhất. Má chưa bao giờ bảo con cho má một xu nào, ngay cả những năm gia đình đói phải ăn bo bo, sau 1975. Năm 1974 con đi lên thăm dì Út ở Hốc Môn. Thấy trầu tươi ngon quá, con mua một ít đem về cho má. Chỉ một ít trầu mà nước mắt má chảy, làm sao con quên được? Quả thực là:

Mẹ lấy bụi đời làm phấn sáp

Má có công sinh con ra, nuôi dưỡng con và má cũng là người đã đem cái chết làm nên sống. Sau khi học xong tú tài, thấy cảnh nhà đông anh em mà tiền bạc cũng giới hạn, nhất là sau kinh nghiệm nợ nần lúc con 15-16 tuổi, con định xin đi lính cho má khỏi phải nuôi con nữa. Má nhất định muốn con đi Đức. Con nhất định không đi. Má khóc với thím Năm. Chính con thấy má khóc. Và con có nói chuyện với má. Má bảo con ráng học rồi con giúp má lo cho các em con chớ má đâu bảo con lấy tiền của má. Nếu má không thương con thì có lẽ một viên đạn đồng nào đó đã đưa con đi nằm yên dưới ba tấc đất từ hơn bốn mươi năm về trước.

Mẹ đem cái chết làm nên sống

Nước mắt một dòng… vẫn chảy xuôi

Má là người đã tạo cho con niềm tin ở chính con bởi vì chính má tin tưởng ở con. Má đã kể cho con nghe không biết bao trăm lần câu chuyện ngày con còn bé. Má nói lúc đó con hay ốm. Con khóc ngày này qua ngày kia, tuần qua tuần, tháng qua tháng. Vì bận việc, má phải bỏ con ngồi ở cửa nhà để con khóc. Má dặn con ngó lên trời nhìn xem có mưa không. Khi nào sắp mưa thì con phải kêu dì Năm đem quần áo vào. Má nói là con không bao giờ quên một lần. Hễ sắp mưa là con lập tức nín khóc và kêu dì, rồi con khóc tiếp. Má nói con là một người có trách nhiệm và má tin tưởng ở con. Niềm tin của má là mầm mống tạo cho con tin tưởng ở chính con. Con nhớ ơn má.

Sau khi con rời quê hương đi Đức có lần má gửi cho con một cuộn băng có lời má dặn. Má nói những điều con viết trong những thư gửi về cho má làm cho má hiểu rằng con là đứa con biết suy nghĩ và má tin tưởng ở con. Má thường nói rằng con là đứa con biết giữ gìn của cải để cho má khỏi hao tốn. Năm 2003 con gặp dì Út, dì bảo với con rằng “má mày nói với tao rằng quần áo mày mặc cả bao nhiêu năm vẫn không để dơ bẩn và mất mát”. Con bỗng nhớ đó quả đúng là lời má nói với con khi con về thăm má năm 1974. Lúc đó má thấy con vẫn mặc quần áo má mua cho con sáu năm về trước (1968). Và con vẫn giữ những quần áo đó sạch sẽ ngăn nắp.  Nghe dì nói con vô cùng xúc động nhưng con cố giữ nước mắt, bởi vì niềm tin của má đã tạo nên niềm tin ở chính con.

Má ơi, năm 1994 con về thăm má. Một ngày trước khi con lại ra đi, con có mời má lên ngồi ở cạnh bàn thờ Phật. Sau khi đảnh lễ đấng Cha Lành, con làm một điều và đã nói với má mấy câu.  Mấy câu đó con sẽ không bao giờ quên. Lúc đó má đã lẫn trí nhiều, nhưng con biết chắc chắn rằng má đã hiểu điều con nói, hiểu rất rõ, bởi vì chính tay má đã chụp nắm lấy tay con. Má ơi, trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam, có một vị mà người đời thường gọi là Hòa Thượng cua. Cua là con cua đó má. Pháp danh thực của ngài là Hòa Thượng Tông Diễn, hiệu Chân Dung. Đời Ngài là một gương sáng cho con suy gẫm.

Má ơi, con dặn má một điều, một điều duy nhất thôi. Điều này dù má đi đâu lúc nào má cũng ráng làm nha má. Điều con dặn má là:

Không làm các điều ác

Gắng làm các việc lành

Luôn tu tâm, tịnh ý:

Đó là lời Phật dạy

(Kinh Pháp Cú, câu 183)

Nếu má có quên, con cầu xin Tam Bảo và các bậc thiện hữu tri thức nhắc nhở má. Điều con nhắc nhở má cũng là điều con nhắc nhở con. Cầu xin Tam Bảo và thiện hữu tri thức hộ trì cho má và cho con.

Đời người như một giòng sông. Sau khi qua bao rừng rậm, làng mạc, đồng bằng, giòng sông sẽ trở về biển cả. Biển cả sẽ đón lấy giòng sông như mẹ hiền chờ các con về để ôm lấy đàn con. Nước biển bốc hơi thành mưa rào và một giòng sông khác lại bắt đầu. Giờ đây má đã trở về với biển cả. Đời má không bao giờ làm một điều gì sằng bậy.  Đời má là một sự hy sinh vĩ đại. Con tin rằng má sẽ trở về nơi an lành.  Con cầu ơn Tam Bảo hộ trì cho má.

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni