Home Văn Học Tùy Bút Hà Nội, Và Hoàng Anh Tuấn, Và…

Hà Nội, Và Hoàng Anh Tuấn, Và… PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Hoàng   
Thứ Tư, 13 Tháng 10 Năm 2010 11:20

Sáng nay San Jose mưa. Mưa nhỏ thôi. Những ngày đầu tháng Mười, mùa Thu miền Bắc Cali không lạnh.

Một người bạn quen từ Quận Cam vừa gửi tặng tôi một CD trong đó có ca khúc Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội. Đây là một bài hát khi mới ra đời, ban hợp ca Thăng Long đã mang đến cho người nghe nhiều ấn tượng. Bài hát đã lâu tôi không nghe. Nhưng lời của ca khúc tôi vẫn nhớ là do Hoàng Anh Tuấn viết cho nhạc của Phạm Đình Chương. Chúng tôi vẫn gọi anh là thi sĩ của Hà Nội.

Hà Nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc/ Mấy chục năm, xa đến mấy nghìn năm. Đó là hai câu thơ đã ở lại rất lâu trong tôi.

Tôi nhớ lần cuối gặp anh năm 2006 trong nhà dưỡng lão Mission De La Casa ở San Jose.

 Hôm đó, anh ngồi xe lăn, cười hỏi tôi. “Đi đâu?” “Thì đi thăm anh, chứ đi đâu!” “Này cậu, thế mà đã hai mươi năm rồi đấy!” Hoàng AnhTuấn không nhớ những lần gặp nhau gần đây, trước ngày anh vào Viện Dưỡng Lão, mà chỉ nhớ chuyện của 20 năm trước, những ngày Đà Lạt , Sài Gòn... Đúng, năm 1986 tôi gặp anh ở Virginia khi vừa đặt chân xuống vùng đất tự do. Hôm đó, uống chưa hết ly rượu, tôi đọc lại hai câu thơ trên và trêu anh:

“Trời ơi, tại sao yêu mà yêu muốn khóc là thế nào?” Hồi đó anh chỉ cười, không trả lời. Bây giờ chính anh nhắc lại, và nói, “Nghe đây, yêu mà không lấy được thì khóc chứ sao? Cậu vớ vẩn bỏ mẹ!” Và chúng tôi đã cười với nhau.

Tôi vớ vẩn thật, đi thăm một người nằm trong nhà dưỡng lão mà trêu chọc, y như ngày ngồi bên anh trong một quán ăn ở Virginia giữa những chai bia. Cái chất gì của Hà Nội khiến anh yêu mê thành phố ấy đến thế? Tôi không biết. Nhưng tôi biết một điều: nhắc đến Hoàng Anh Tuấn là nhắc đến Hà Nội và nhắc đến Hà Nội cũng là nhắc đến Hoàng Anh Tuấn.

Mặc dù, năm 1949, mới 17 tuổi, Hoàng Anh Tuấn đã rời Hà Nội đi Pháp du học. Paris, Sài Gòn, Dalat, rồi lại Paris, Virginia, San Jose … và bao thành phố khác. Chưa một lần trở lại Hà Nội, thế nhưng, Hà Nội lúc nào cũng nguyên vẹn trong anh. Hà Nội tràn ngập trong những trang chữ của anh. Như thể sau năm 1949, ngày anh bỏ Hà Nội ra đi cho đến năm mươi năm sau, Hà Nội vẫn còn đập nhịp trong trái tim anh.

Tôi kiếm hồn tôi xưa Hà Nội
Thuở còn trong vắt gió vào Thu
Thoảng nghe ngọt tiếng cô hàng cốm
Chênh vênh đâu cuối phố Sinh Từ

Xa Hà Nội, Hoàng Anh Tuấn mang theo Ga Hàng Cỏ những sáng sớm ngái ngủ, Hồ Tây những buổi chiều tà, mang theo Hàng Đường, Hàng Gai, mang theo năm cửa ô…

Anh không bứt được Hà Nội ra khỏi ký ức mình, không thể quên được những “hoa sấu lẳng lơ” (mà hoa sấu sao lại lẳng lơ nhỉ?) … Trong văn học Việt Nam, có lẽ không một thi sĩ nào dành cho thơ nhiều Hà Nội như Hoàng Anh Tuấn.

Khi Mai Thảo viết Đêm Giã Từ Hà Nội, anh đã chia tay Hà Nội thật sự. Rồi Tháng Giêng Cỏ Non, Để Tưởng Nhớ Mùi Hương, Mười Đêm Ngà Ngọc… và sau cùng với Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền, Hà Nội có vẻ như đã ra khỏi anh.

Khi Thanh Tâm Tuyền viết Bếp Lửa sau ngày vào Nam, rồi Tôi Không Còn Cô Độc, Một Chủ Nhật Khác, có lẽ Hà Nội vẫn còn trong Thanh Tâm Tuyền, nhưng những trang chữ của anh không còn tắm đẫm mùi hương Hà Nội nữa.

Còn ai Hà Nội hơn Nguyên Sa, vậy mà thơ anh tràn ngập Paris, tràn ngập chất sống phương Tây, tắm đẫm hơi thở thời hiện đại hơn là quá khứ. Chỉ có Hoàng Anh Tuấn vẫn chung thủy với thành phố của anh.

Em Hà Nội, Hàng Đường trong giọng nói
Để Hàng Bông êm ái lót cơn mơ
Thương những buổi chiều Bác Cổ ngày xưa
Anh nắn nót một trường thi lãng mạn
…..

Hàng Vôi đó nồng nàn trong ngây ngất
Ý Hàng Đào chín mộng trái môi chia
Xin Hàng Than rực cháy lửa đam mê
Khi quấn quít trong ái ân Hà Nội
(Bài thơ Hà Nội)

Hoặc

Hà Nội yêu xin cầm tay lần nữa
Một lần thôi cho vừa đủ hai lần
Thêm ngày xưa hạnh phúc rất thiên thần
Anh chết lặng trong tình yêu công chúa

Cho đến tận khi sắp xa lìa ‘cõi tạm’, Hà Nội vẫn là nỗi day dứt không nguôi trong anh. Xin được trích một đoản thi buồn của anh trong những ngày cuối đời:

Hà Nội anh giờ là giấc chiêm bao
Cùng thơ ấu đã già đi trăm tuổi
Buổi sáng nay tâm hồn nghe thơ dại
Một thoáng vui chợt tới chợt bay đi
Rồi nỗi buồn như lũ mọt ngu si
Gậm nhấm nốt nửa linh hồn rữa mục.

Bây giờ ngồi đây, trong căn phòng nhỏ của mình, giữa mùa thu San Jose, nghe lại Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội cũng chỉ là nghe lại một kỷ niệm:

Mưa hoàng hôn
Trên thành phố buồn gió heo may vào hồn
Thoảng hương tóc em ngày qua
Ôi người em Hồ Gươm về nương chiều tà…

Vũ Ngọc Phan, trong “Hồi Ký Những Năm Tháng Ấy” viết:

“Những người đã ở Hà Nội đến ba, bốn, năm đời, khi đi xa Hà Nội mà nhớ Hà Nội là thường tình, nhưng có người chỉ mới ở Hà Nội được một vài năm, có khi chỉ được mấy tháng, mà khi ra đi vẫn cứ nhớ cảnh, nhớ người, có thể là nhớ người hơn cả, thì đủ thấy Hà Nội có sức quyến rũ thật.”

Có lẽ ông nói đúng, khi nghe ca khúc Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội của Trần Quang Lộc người ta đâu biết nhạc sĩ là người Quảng Trị. Nếu những người con của Hà Nội như Trọng Đài mô tả một Hà Nội Đêm Trở Gió với Cành me thì thầm gục đầu vào dĩ vãng, với Cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng thì nhạc sĩ Trịnh, người con của cố đô Huế cũng dâng tặng Hà nội một ca khúc đầy hình ảnh và xúc cảm:

Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ,
nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu .
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội,
mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió,
mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ,
cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua .

Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi .
Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời.
(Nhớ Mùa Thu Hà Nội. Trịnh Công Sơn)

Hà Nội giờ đây có còn nguyên vẹn như những gì Hoàng Anh Tuấn, Mai Thảo, Trịnh Công Sơn  …  đã nhìn thấy không? Hà Nội ngày xưa đó có sẽ chỉ còn là một hoài niệm trong lòng những người nhớ thương nó không? Tôi nhớ những câu thơ của Phan Vũ mà tôi đọc cách đây không lâu

Em ơi! Hà Nội phố!
Ta còn em năm cửa ô
Năm cửa gió
Cơn bão thường niên qua đó
Ba mươi sáu phố,
Bao nhiêu mảnh vỡ?

Ta còn em một màu xanh thời gian.
Một màu xám hư vô,
Chợt nhòe,
Chợt hiện.
Chợt lung linh ngọn nến,
Chợt mong manh
Một dáng,
Một hình,
Nhợt nhạt vàng son,
Đậm đầy cay đắng…

Sao chỉ sống một thời với Hà Nội thôi mà ông viết nên một Hà Nội phố thật đến thế, sâu đến thế, và buồn đến thế? Điều gì đã đưa chân ông trong những chiều lang thang trên các con phố xưa, tìm lại cái hồn sâu lắng còn quanh quất đâu đây của Hà Nội, miên man nghĩ, miên man nhớ đến độ: “bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi con đường”.

Thơ, nhạc về Hà Nội dường như thời nào cũng đầy cảm xúc, nhưng sao vẫn thấy chất chứa nhiều nỗi nhớ quá, nhiều day dứt quá, nhiều hoài niệm quá… Và tôi tự hỏi giờ đây nếu Hoàng Anh Tuấn có một lần trở lại Hà Nội, liệu những bài thơ của anh về Hà Nội có còn mang vẻ đẹp như anh vẫn say mê làm cho đến tận ngày giã từ cuộc sống không? Hay kỷ niệm nào về những ngày xưa cũng đẹp, hay kỷ niệm thật ra chỉ đẹp khi đã là chuyện ngày xưa?

Nhớ Hoàng Anh Tuấn, mà tôi đã tản mạn đủ chuyện trên trời dưới đất. Cũng chỉ vì một thành phố trong thơ ông: Hà Nội. [NXH]