"Bài viết cực kỳ lý thú của văn hữu Nguyễn-Phú-Long, mang tên Chơi Câu Đối, một lối chơi chữ đặc thù của dân Việt. Giáo sư Đàm-Trung-Pháp, trong bài nói chuyện, ở Dallas TX, in lại nơi Giai-Phẩm Trầm-Hương 11, mùa Thu 2008.
Lối chơi chữ này đòi hỏi mức độ “thông minh ngôn ngữ” (Linguistic intelligence) rất cao.”
Từ hai năm nay ( 2006 và 2007) cứ gần đến tết Nguyên Đán là bác sĩ Nguyễn Văn Bá (thi văn kịch sĩ Văn Bá) ở bên Pháp, lại gửi cho tờ báo có tôi cộng tác một vế đối để các bạn trong ban chủ biên ai sính văn thơ thì đối lại cho mùa Xuân thêm rộn ràng phấn khởi. Thoạt đầu, năm ngoái, năm Đinh Hợi, tòa báo nhận được vế ra của bác sĩ Bá như sau "Thừa dịp bác Hợi giết lợn, chị Thỉ, người hàng xóm, sang mượn đầu heo nấu cháo." Nguyễn-Văn-Bá. Vị chủ-bút bộn bề trăm chuyện từ A tới Z vậy mà cũng hăng hái nhào vô vừa tìm chữ để đối vừa chuyển cho mọi người mà trong đó hân hạnh có kẻ viết này, cùng tham dự hào hứng. Khách quan mà nói, cái màn văn chương câu đối là rất xa xưa trong thời buổi bây giờ. Bây giờ thơ Đường luật xướng họa, một số vị thi sĩ còn chẳng để ý chứ đừng nói tới câu đối. Nhưng bọn chúng tôi, nay nhận được câu đối thì thấy, học hỏi, biết thêm cũng là điều hay hay, lạ lạ, để rồi ai nấy mở sách, suy nghĩ, điện thoại, thảo luận, hỏi han, lung tung, kẻ nhanh kẻ chậm, cuối cùng, một số anh chị em cũng tham dự tích cực, kết quả rất hồ hởi, đã phổ biến trên báo số Mùa Xuân 2007 với mấy vế đối, chắc chắn là không hay lắm, hơn thế nữa, có một hai câu cũng chẳng chỉnh lắm, nhưng quan trọng là đã bầy tỏ được sự hưởng ứng cho không khí ngày tết thêm xôm tụ, tưng bừng: 1.- “Nhân khi bà Hầu khỏa thân, ông Viên, kẻ láng giềng, tới bầy trò khỉ mua vui.” Nguyễn-Phú-Long. 2.- “Đợi khuya cô Miêu gọi mèo, anh Mão, dân phố thị, đến hòa tiếng mãn kêu đêm.” Nguyễn-Thị-Ngọc-Dung. 3.- “Đợi khi chị Hằng ngắm trăng, anh Thiềm, bạn nghệ sĩ, ra chờ bóng nguyệt làm thơ.” Phan- Khâm. Thời gian thấm thoái thoi đưa, tưởng vậy là xong rồi, trước thềm năm Mậu Tý, năm con chuột, bác sĩ Bá không quên, lại mới gửi cho anh em câu đối mới, nội dung về cu Tý, ngắn thôi, hấp dẫn, rất thời sự và cũng rất…”hóc búa” như sau: “Chuột lắc tý hon, thử gậm phên rão” Nguyễn-Văn-Bá. Đã có chút kinh nghiệm từ năm cũ, chuyến này không ồn ào xôn xao mấy, mọi người âm thầm sáng tác, viết viết, xóa xóa, rồi lần lượt gõ kết quả cho chủ bút để lại kịp đăng tải giao duyên trên số báo Mùa Xuân 2008. Năm nay có một hai vị mới tham dự và một hai vị cũ …”bỏ cuộc chơi.” 1.- “Khỉ ốm thân thiện, hầu ăn quả lành..” Lý Hiểu. 2.- “Dê sồm mùi mẫn, dương khoe cẳng dài.” Nguyễn-Phú-Long. 3.- “Cọp cái dần dà, hổ thẹn ân sâu.” Người Đà-Lạt 4.- “Ngựa khôn mã thượng, ngọ nguậy đuôi dài.” Nguyễn-Thị Ngọc-Dung.. Phẩm chất mấy vế đối năm nay cũng làng nhàng như năm trước thôi. Liệu bác sĩ Nguyễn-Văn-Bá còn ưu ái nhớ đến anh em trong những mùa Xuân tới không nhỉ? Hy vọng chẳng quên đâu! Chủ chốt là đề tài, đề tài thì còn rất nhiều, Trong số mười hai con giáp, mới sài hết Đinh Hợi, Mậu Tý! Vậy còn Kỷ Sửu, Canh Dần, Tân Mão, Nhâm Thìn, Quý Tỵ, Giáp Ngọ, Ất Mùi, Bính Thân, Đinh Dậu, Mậu Tuất… chẳng biết bỉ nhân, nay với tuổi tác quá thất thập, da xương như.. “phên rão”, còn bao nhiêu cơ hội để phụng đối qua lại hằng năm! Người ta có câu “tháng Giêng là tháng ăn chơi…” nhưng phên rão thì ăn chơi nỗi gì? Mặt khác thấy câu đối cũng là một thể loại văn chương giao du thích thú. Cũ mà mới bởi từ trước đên nay chả có bao nhiêu người tham dự, mới mà cũ vì tiền nhân đã sử dụng từ lâu, nên thôi thì cũng như ăn chơi tháng Giêng, cặm cụi giết thì giờ, mạo muội, tẩn mẩn tần mần nhắc lại đôi điều trong sách vở của người xưa, để một số ít, ai rảnh, xin mời đọc, cũng là đọc với mục đích giết thì giờ nhàn rỗi. “Đôi điều” ở đây chắc chắn vẫn còn nhiều thiếu sót nếu không muốn nói là sai sót, nên ước mong quý vị thức giả, trưởng thượng rành rẽ mục này bổ túc thêm cho đầy đủ thành thật cám ơn. Trước hêt xin nhớ cho, khi nào đôi câu đối do một người làm ra thì một vế gọi là vế trên, một vế gọi là vế dưới. Nếu một người nghĩ ra một vế để người khác làm vế kia thì vế người nghĩ ra trước gọi là vế ra mà vế người làm ra sau gọi là vế đối. Đôi câu đối một người làm ra thì chữ cuối vế trên phải là tiếng trắc, chữ cuối vế dưới phải là tiếng bằng. Khi treo lên thì phải treo vế trên bên tay phải, vế dưới bên tay trái. (Bên phải, bên trái của người đứng ở ngoài trông vào trong nhà.) Tại sao lại phải thế! Như với hai vế, treo vế nào bên nào chẳng được. Rõ rắc rối! Bẩm, mấy cái phải thế nọ, phải thế kia là những điều chép ra từ sách “Văn- Học Việt Nam” của cụ Dương-Quảng-Hàm. Bây giờ, theo ngu ý, phải cũng được mà không cũng được, có sao đâu. Giống như làm thơ các cụ ta xưa bảo phải giữ niêm, luật, vần, đối..nhưng nay ta chẳng…”ke”, cứ sáng tác khơi khơi cũng đâu có chết thằng tây nào! Ngoại trừ số ít câu đối gửi qua lại, một đặc tính của câu đối hai người làm, là “ngay lập tức”, người ra câu đối và người đối lại, trường hợp này, thường đối diện nhau, không có thời gian thủng thẳng suy nghĩ…cái lý thú, cái đáng khâm phục một phần là như vậy. Câu đối thường ngắn và không giới hạn, nghĩa là muốn làm dài ngắn bao nhiêu chữ cũng được, miễn là số chữ hai vế bằng nhau là được. Trong đặc san Xuân Hy Vọng Mậu Tý 2008 của người Việt vùng Richmond, VA văn sĩ Lê Thương kể trường hợp có ông quan đi ngang thấy Công-Duệ đang chơi với sáu bẩy đứa bạn, lấy đất sét nặn con voi bắt bốn con cua làm chân, bắt hai con bướm làm tai, bắt một con đỉa làm vòi nên con voi đất mà biết đi, biết vẫy tai và co vòi lên xuống trông rất ngộ nghĩnh, ông muốn thử tài chú bé, mới kêu tới nói: - Mày đã đi học rồi, vậy tao ra một câu đối, nếu đối được tao thưởng tiền nhe! Công-Duệ gật đầu, hỏi: - Thế ông là ai, làm gì mà có tiền cho tôi, xin cho biết đã! - Ta là Quan Lang Trung, mỗi tháng lãnh hai ngàn thạch lúa được không! Quan Lang-Trung trả lời xong bèn ra câu đối: “Đồng tử lục thất nhân, vô như nhĩ sảo.” (Trẻ nít sáu bẩy đứa, không ai hơn mày khéo) Công-Duệ đối lại:"Lang Trung nhị thiên thạch, mạc nhược công..." (QuanLang hai ngàn thạch, không ai bằng...) Quan Lang hai ngàn thạch, không ai bằng ông… Quan Lang Trung ngẫm nghĩ một giây rồi nói: - Mày đối như vậy không được, vế ra có 9 chữ, của mày có 8, thiếu một chữ! - Bẩm quan, tôi có sẵn hai chữ, ông cho tiền thì tôi nối tiếp chữ “Liêm” còn nếu không cho thì tôi sài chữ “Tham” chứ đâu phải vế đối của tôi thiếu một chữ. Quan chịu là giỏi. Về sau Vũ Công Duệ đỗ trạng nguyên năm 20 tuổi, làm quan đến chức Đô Ngự Sử cuối đời Lê. Như ta thấy, một cặp câu đối do hai người làm thường lý thú hơn một nguời và đôi khi nó trở thành giai thoại nhớ mãi về sau. Người làm vế ra thường đỡ phải suy nghĩ hơn kẻ đối lại, nhưng vế đối lại nhiều phần hưởng được sự khen ngợi “tấm tắc” hơn. Đôi lúc người ta bảo câu đối là dễ, như “Bố đi làm” đối với “mẹ trông nhà.”… Đúng! Nhưng thực tế, đây chỉ là lời nói thường, phân tích ra, chẳng thấy tí văn chương nào, không thể kể đó là đôi câu đối. Vì nếu câu đối như thế thì có biết bao nhiêu mà kể. Tuy nhiên nhiều khi hai câu đối nhau ngắn ngủi, tầm thường như trên đây ghép lại, lại trở thành một câu ngạn ngữ nhiều người sử dụng: “Ông ăn chả, bà ăn nem.” “Trống đánh suôi, kèn thổi ngược.” v…v… Có trường hợp vế ra khó quá chẳng ai đối lại được, thí dụ khi xưa, bà Đoàn -Thị- Điểm, đang tắm, tiếng nước mát xối ào ào, tiếng chiếc gáo dừa vọc vào chum sành ộp ộp, thì nghe đập cửa bathroom rầm rầm. -Ai đó? -Trạng Quỳnh đây! Mở cửa, mở cửa! -“Da trắng vỗ bì bạch” đối đi rồi cửa sẽ mở. Ông Trạng cứng họng, chịu thua! Đi chỗ khác chơi. Trạng Quỳnh lúc đó đang là học trò của thân phụ bà Điểm, đành ôm hận để mất sự hứa hẹn, ngàn năm một thuở, thơm như múi mít. Câu đối này có nhiều người đời sau cố gắng đối thử, như “Trời xanh mầu thiên thanh.” Thì cũng tạm thôi chứ chả được chỉnh vì chữ mầu và chữ vỗ không đối, cũng không theo ý của người ra câu đối.( Theo sách Chinh Phụ Ngâm Khảo Đính của cụ Đào-Nguyên Nguyễn Văn Nguyện.). Ví dù Trạng Quỳnh đối được vế ra thì sao nhỉ? Thì cửa phòng tắm phải mở chứ sao! “Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy”. Chữ tín bấy giờ là rất quan trọng. Mời chàng vào cửa vào nhà, Dù ai có hỏi nói là rể, con. (Ca-dao) Vế ra khó đến nỗi chẳng ai đối được cũng không phải là điều hãnh diện cho người ra câu đối, và giả thử nay bà Đoàn-thị-Điểm còn sống chưa chắc bả đã đối được câu đối của chính mình. Thế nên trong cuộc giao du xướng họa thơ Đường luật, một số tác giả bài xướng thường tránh những vần quá khó gọi là tử vận, làm bí người họa vận, gây khó khăn cản trở tình giao hảo văn chương. Những giai thoại văn chương về câu đối giữa hai người kể sao cho hết, mùa Xuân ngày rộng tháng dài, xin phép nhắc lại một trường hợp có tính cách quốc thể nhiều người đã biết rồi, nhưng vô cùng lý thú. Xưa, vào đời vua Trần Anh Tông (1293 -1314) Trạng nguyên Mạc-Đĩnh-Chi được cử đi sứ sang Tầu. ”Sau bao ngày hành trình đoàn sứ Đại Việt đã đến ải Pha-Lũy (Nay là Hữu Nghị Quan). Rủi thay gặp ngày mưa to gió lớn nên đoàn sứ đến cửa ải sai hẹn với viên quan coi ải nhà Nguyên, cửa ải đã bị đóng kín. Mạc Đĩnh Chi nói mãi, người Nguyên vẫn không chịu cho qua. Sau họ vứt từ trên ải xuống một vế câu đối, bảo hễ đối được mới chịu mở…” (Trích Mạc-Đĩnh-Chi, Quỳnh Cư viết trong bộ sách Danh Nhân Đất Việt (tập 2) nxb. Thanh Niên ở Hà-Nội 1989 ) Câu đối “vứt từ trên ải” như sau: “Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.” Vị đại thần Việt Nam bèn ứng khẩu đối rằng: Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.” Rồi bảo quân sĩ viết ra để “vứt trả lên ải”. Vế đối tài tình, thật chỉnh. Chỉ như một lời phân trần bầy tỏ, nhã nhặn mà lại làm thành vế đối. Đám con cái thiên tử trên ải nhận được, châu đầu, chúi mũi, nhao nhao: - Lể coi! Bè lũ bồi thần Giao-Chỉ nó lối làm sao? - Ấy à! Nó mậu lối. Nó nói cái câu lối lày dễ dzồi, nhưng lối lại thì nó thấy khó quá mồ tổ mụ nội! Cái nị lối trước li mà!” - Ngộ biểu nó lối, nó không lối, nó lại biểu ngộ lối! Ngộ piết lối nàm thao! - Lâu có lược, ngộ lói dzồi mà, nó phải lối thì ngộ mới cho nó li qua chớ! - Quân sĩ đâu! Đóng cổng cài then, chèn thật kỹ! Lấy rượu đào ngộ uống chút chút cho ấm cái bụng phệ hở rốn, nhìn tụi bay tả hữu lông thật là lông,ngộ lâu có sợ nó uýnh chít cha ngộ chớ! - Lúng dzồi! Lúng dzồi! Mà coi kỹ đi Xì Thẩu, nó viết thế tức là nó lối dzồi mà! - Nó lối dzồi à! Cái thằng khỉ Ố-Nàm giỏi quá xá quà xa! Kết quả sau đó cổng mở, cả đoàn bước sang ranh giới thơ thới thong thả, không phải làm thủ tục trình hộ chiếu nhập cảnh (Chinese Visa) như hiện thời... Tóm tắt thêm đôi điều quan trọng, cũng theo sách “Văn-Học Việt-Nam” của Dương-Quảng-Hàm do Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục xuất bản thì câu đối là những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý, chữ và luật bằng trắc cân xứng nhau. 1.- Đối ý: Là tìm hai ý tưởng gì cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau. 2.- Đối chữ: Thì hai chữ phải cùng một loại mới đối nhau được. Danh từ với danh từ, động từ với động từ, chữ nho đối với chữ nho v…v… 3.- Về bằng trắc thì bằng đối với trắc, trắc đối với bằng. Nếu không đối được thế, thì ít nào cũng phải cho luật tiếng cuối vế trên trái với luật tiếng cuối vế dưới. Những câu đối thơ phải theo đúng luật bằng trắc của hai câu thực hoặc hai câu luận trong lối thơ ngũ ngôn hoặc thơ thất ngôn. Dù là ở nước ta, thuở trước câu đối thường viết bằng chữ Tầu và chữ Nôm mầu kim nhũ trên hai tấm gỗ sơn đen, sơn đỏ, trên hai mảnh vải, hoặc giấy dài, bài trí cân đối hai bên ban thờ tổ quốc, tổ tiên, hai bên cổng nhà, đình chùa, văn miếu v…v… từ ngày chữ quốc ngữ phổ biến rộng mới thấy thay thế bằng tiếng Việt và đôi khi chữ Việt cũng viết theo lối thư họa như tiếng Tầu cho đẹp mắt. Câu đối một người sáng tác để thờ, phúng, tết…thường phổ biến bằng cách “Dán ngay lên cột” như thi sĩ Trần-Tế- Xương đã làm: “Viết vào giấy dán ngay lên cột, Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay? Rằng hay thì thật là hay!” Không hay sao lại đỗ ngay tú-tài! Tú Xương. Câu đối chúc mừng, câu đối từ hai người làm trở lên thì cần gửi qua lại thông báo cho nhau. Thuở trước không có E-Mail, không có bưu điện. Gửi qua lại cho nhau không dễ, nhưng đôi khi lại tạo nên hình ảnh, cử chỉ thật đẹp, nên thơ, thí dụ: Có ông “đồ nọ” nhân ngày tết làm đôi câu đối tặng ông “đồ kia” ở làng bên bèn buộc phong thư có câu đối vào một cành đào rồi sai chú học trò ôm, chạy việt dã đem qua. Thằng bé tới nơi thở hổn hển: - Thưa thầy, thầy con sai con đem sang biếu thầy. Ông đồ kia, hơi hãnh diện, mỉm cười vì thấy “thằng nhỏ” nói có một câu mà… nhiều điệp tự “thầy” quá! Song đang lúc vui, ông đồ kia mở chiếc tráp sơn đen cho chú bé vài xu sau khi bảo nó về nói với ông đồ nọ (ông cũng mắc lỗi điệp tự) - Về nói với thầy là thầy cám ơn thầy con. Việc thù tạc nhau của các sĩ phu vào những ngày Xuân xưa thường tao nhã, trân trọng như vậy. Đặc biệt người ta còn nghĩ ra câu đối oái oăm, cầu kỳ để tự đối hoặc ra cho bạn bè đối chơi cho vui. “Phép đối là một đặc tính của văn Tầu và văn Ta, nó có công dụng rất lớn nơi sự viết văn, không những trong vận văn, biền văn mà cả văn xuôi cũng vậy.” Lai rai cắm cúi viết, bỗng đứa con xẹt đến nói: - Con chạy ra chợ, bố cần gì không? - Ờ ờ con mua cho bố cái bánh chưng. Tao đang…”Chơi Câu Đối”, làm biếng nấu cơm hôm nay. Hôm nay đã là sau tết Nguyên Đán gần con trăng, chẳng nghe tiếng nhạc lời ca bài “Ly Rượu Mừng” nữa, bài “Xuân này Con không Về” cũng im hơi lặng tiếng chờ Xuân sau. (Xuân này là hơn ba mươi Xuân con chưa về rồi Mẹ ơi!) Hôm nay cũng chẳng còn “Câu đối đỏ”, nhưng “bánh chưng xanh” thì nơi khu thương mại với các sản phẩm Á-Châu, vẫn thấy bầy bán đều đều, quanh năm, bình thường. Cũng bình thường, thỉnh thoảng lại nhận được thiệp hồng của bạn bè thế hệ thứ nhất (thế hệ lót đường.) báo tin con cháu, thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba lấy vợ, lấy chồng. Mừng rỡ mở thiệp ra coi, cũng bình thường thôi, thỉnh thoảng thấy trường hợp cô dâu là Việt chú rể là Mỹ hoặc tân lang thì người mình còn giai nhân lại dân bản xứ, bèn nhớ đến đôi câu đối “mừng đám cưới” trong sách “Giai-Thoại Câu Đối” của Quỳnh-Liên-Tử Bảo-Vân tức cụ giáo Bùi-Văn-Bảo, thân sinh nhà văn Bùi-Bảo-Trúc bây giờ. “Tơ hồng vương vấn, cho nên em về làm dâu ông Hoa-Thịnh-Đốn. Nguyệt lão xe duyên, thành ra anh đi ở rể bà Trưng-Nữ-Vương.”
|