Home Văn Học Tùy Bút Tháng ngày buồn

Tháng ngày buồn PDF Print E-mail
Tác Giả: Hương Cao   
Thứ Sáu, 29 Tháng 4 Năm 2011 19:30

Lại thêm một tháng tư nữa, 36 năm tròn sống trong đau đớn tủi nhục. Người ra đi mỏi mòn trông ngóng, người ở lại trông ngóng mỏi mòn.

Có lẽ không một người dân miền Nam nào không nhớ chuỗi ngày đau thương này. Có ai hỏi tôi tháng ngày nào trong đời tôi cảm thấy buồn nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngay rằng đó là ngày 30-04-1975. Từ ngày đó, cuộc đời tôi đóng lại, sang trang. Ngày qua tháng lại, niềm oán hận vơi bớt nhưng nỗi tủi nhục không tan, nỗi đau lòng ngày càng chồng chất.

Năm nay không hiểu vì sao tôi lại đau lòng đến thế không biết ! Tự hỏi vì sao? Đau lòng vì sự ra đi vĩnh viễn của một nhạc sĩ suốt đời trăn trở cho niềm đau của dân tộc? Đau lòng vì đọc mấy bài viết sỉ nhục quân dân miền Nam, được đăng tải bởi một trang mạng mà mình luôn theo dõi ? Đau lòng vì một ý kiến vu vơ trên diễn đàn, lăng nhục cả một tập thể quân nhân của nước bại trận? Hay vì nghe tin một luật sư can trường phải lãnh bản án hơn 7 năm ngồi sau chấn song sắt mà tương lai của đất nước vẫn thăm thẳm mù khơi? Hay đau lòng vì thấy biên cương lãnh thổ ngày một bị mất dần từng mảnh?

Nghĩ tới nghĩ lui, sự đau lòng này có lẽ do tổng hợp những nguyên nhân trên và nhiều nguyên nhân khác nữa.

Sáng nay, nghỉ cuối tuần, được đọc bài viết của Trúc Xanh, lòng càng quặn đau, trí óc tôi lại nhớ, nhớ thật nhiều, rồi chập chờn trong ký ức, những hình ảnh xa xưa hiện về...

Phải nói sao đây? Hình ảnh đứa em gái mới 21 tuổi đã quấn khăn sô, vật vã bên quan tài người chồng, tay ôm hai đứa con dại, một đứa 3 tuổi, đứa kia còn bồng trên tay. Cố thiếu tá không quân! Không đau lòng sao? Nhưng dù sao đó cũng là những ngày tháng giao tranh, hai bên cùng có người gục ngã.

Còn những ngày gọi là hoà bình, thống nhất thì như thế nào?

 
Sài Gòn 30-4-1975
Nguồn: OntheNet
--------------------------------------------------------------------------------
 

Những ngày cuối Tháng Tư, Sài Gòn chao đảo, mẹ tôi bảo chở bà đến thăm đứa con trai thứ hai bị thương ở chiến trường Mộc Hoá, được đưa về bệnh viện Sài Gòn điều trị. Lo lắng cho con, lại sợ gia đình có quyết định gì, bỏ con lại không đành, bà bảo con khoan về đơn vị, ở lại chờ xem tình hình ra sao; người con trai trả lời rằng anh không thể bỏ rơi đồng đội và ngày hôm sau anh quay về Mộc Hóa.

Ngày 30-4, lãnh tụ đầu hàng, anh thất thểu trở về, nước mắt đầm đìa, uất hận nói rằng trên đường về nhìn thấy đạn dược vất lăn lóc, vậy mà trên chiến trường không có đạn để chiến đấu! Anh đập đầu vào tường khóc thảm thương khi thấy ba mình quyết định ở lại, kéo cả đại gia đình kẹt theo.

Lệnh đi học tập 10 ngày. Mẹ lui cui gói hành lý cho hai con trai đầu, một con rể và một đứa cháu nuôi từ thuở bé, vị chi 4 người. Mẹ tin tưởng chỉ xa các anh 10 ngày thôi. Nhưng người anh thứ hai khều nhẹ em gái ra sân, hỏi em có nhớ chuyện Ba Lan không ? Em gật đầu, anh nói, vậy thì cứ nghĩ như các anh chết rồi đi, nhưng đừng nói chi cho mẹ biết, mẹ đau. Mẹ chưa đau mà lòng tôi đau nhói. Thôi rồi, anh nói nhẹ nhất là đi vác tà vẹt, không có ngày về. Tiễn các anh đi, nhà trở nên âm thầm lặng lẽ.

Các anh rời nhà, một thời gian ngắn sau đó, ba uống 20 viên chloroquine, khi phát hiện ra, huyết áp của ba chỉ còn 70, bà bác sĩ gia đình chỉ lẳng lặng khuyên mẹ đưa ba vào bệnh viện. Vài hôm sau gặp mẹ, bà hỏi tin ba, nghe nói ba được cứu sống, bà không dám tin vì bà nói trong cuộc đời hành y của bà, chưa thấy ai huyết áp xuống 70 mà còn sống. Mẹ nói huyết áp của ba bình thường chỉ 90 mà thôi. Bà thốt: “À, ra thế!”

Nghe tin trại giam Long Khánh nổ, mẹ lo âu vì con Cả ở tù trong trại này nhưng tin tức bằng bặc. Đứa em trai út, mới 17 tuổi, nóng tin anh, trong cơn phiền muộn, ngồi trong lớp học, vẽ nghệch ngoạc trên trang vở một vòng tròn có mắt, có mũi, có tai, có miệng với ba sợi tóc dựng đứng trên đầu, dưới bức hình đề tên “Hồ Chí Mén.” Ra về bị công an bắt ngay trước cửa lớp. Hoá ra sau lưng em là tên chỉ điểm, nhìn thấy bức vẽ, hắn ta lẻn ra khỏi lớp báo cáo ngay với công an, thế là em bị tóm vào tù.

Bốn đứa lớn còn ở trong tù, mẹ lại sói đầu thêm vì cậu Út ! Kẻ đi Bình Dương, người đày Phú Quốc, kẻ ở Hàm Tân.

Một buổi chiều mưa lất phất, chợt một người đàn ông dáng dấp lam lũ gõ cửa bước vào. Anh giở nón chào, lần trong nón, lấy ra một mảnh giấy nhàu nát có bút tích của anh Cả. Anh báo tin da anh đã vàng ệch, xin mẹ gởi thuốc sốt rét gấp.

Mẹ run rẩy, cả nhà náo loạn, người soạn hành lý, kẻ chạy đi mua thuốc, mẹ tất tả đi trong đêm với người đàn ông lạ. Thì ra những ngày bị đi lao động, anh Cả thường gặp người đàn ông này, vì vậy khi anh ngã bệnh, người này tình nguyện trèo non lội suối đem thư về giùm. Có thuốc kịp thời, cứu được mạng anh nhưng con vi trùng sốt rét vẫn tiềm ẩn trong cơ thể anh, thỉnh thoảng tràn ra, gây cho anh những cơn nóng lạnh bất thường. Mẹ xin tạ ơn người đàn ông tốt bụng, anh từ chối, chỉ lấy tiền xe. Trong khốn cùng vẫn còn những tấm lòng vàng, xin cám ơn anh, người không quen biết. Có vậy mới biết tình quân dân cá nước.

Hết anh Cả, đến anh Hai. Một ngày được phép đi thăm, mẹ cùng hai con gái, gian nan vất vả, tay xách nách mang, đem thức ăn, thuốc uống đến cho con. Từ xa, thấy một người cõng anh trên lưng, hai đứa em gái biết chuyện chẳng lành, rú lên khóc, mẹ điếng người. Đến nơi, người bạn nhẹ nhàng đặt anh xuống. Anh bị gãy cột sống, lý do là cả nhóm bị ngồi “học tập” trong một căn nhà chỉ còn khung gỗ, gió xô khung gỗ sập, đè lưng anh, xương sống gãy đôi. Không bệnh viện, không thuốc men, chỉ còn đồng đội ! May mắn thay trong nhóm có một bác sĩ và một dược sĩ. Họ ghép gỗ, trói chặt anh vào, không cục cựa. Nằm như thế mấy tháng trường, vết thương tự lành. Bạn bè hằng ngày thay nhau cõng anh đi vệ sinh, đút cơm cho anh ăn. Anh bạn dược sĩ, sau những giờ lao động vất vả, luẩn quẩn quanh anh, chăm sóc anh với tình thương mến chân thành và chính anh ấy là người cõng anh Hai ra gặp mẹ cùng các em. Anh Hai thoát chết nhưng vì thiếu phương tiện, chữa trị bằng phương pháp thô sơ với tình đồng đội thắm thiết che chở cưu mang, cột sống anh lành nhưng nhô ra 2 phần rõ rệt, từ đó cứ trái gió trở trời là anh đau nhức !

Người rể và đứa cháu lênh đênh trên con tàu được gọi là con tàu Exodus đầy phân và nước tiểu, đi đày ra Phú quốc.

Rồi Mẹ chạy sói đầu để lo cho cậu Út được phóng thích.

Ngày đầu tiên ra khỏi tù, nửa đêm thấy em lồm cồm bò dậy, mở hộc bàn, lấy tờ giấy phóng thích ra mân mê, em nói như trong cơn mê rằng có phải em tự do rồi không ? Hỏi em trong tù thế nào? Em nói họ trói em, một tay quành qua vai ra sau lưng, tay kia vòng xuống lưng, tay này bắt chéo tay kia, trói nghiến, cứ thế mà ngồi suốt ngày suốt đêm, sự đau đớn buốt tới đầu, tới vai, tới cổ, mấy tháng trời. Họ không tin đứa con nít 17 tuổi hành động như vậy, họ nghĩ sau lưng em phải có một tổ chức, để moi cho ra tổ chức nào xúi dục em, họ đã hành hạ em như thế. Họ không bao giờ nghĩ rằng khi uất hận, con người có thể làm nhiều việc không ai ngờ được.

 
"Giải phóng Miền Nam"- Tranh Babui
Nguồn: DCVOnline.net
--------------------------------------------------------------------------------
 
Những người ở tù lần lượt ra, kết hợp với đứa con trai duy nhất còn ở nhà, không bị nằm…tù, vì em là chuyên viên và không có nợ … máu ! Mẹ lo cho các con vượt biên. Mẹ nói có bán hết gia sản, mẹ cũng không muốn thấy các con trai bà sống trong ngục tù.

Người trong tù và người ra đi đã biết số phận mình, chỉ người ở lại lo âu, trông ngóng cho đến khi cầm được bức điện tín báo tin đến nơi an toàn trong tay. Nếu nhìn được khuôn mặt rạng rỡ của người ở lại, chắc hẳn những người ra đi đều thấy ấm lòng.

Ba bị giữ lại tại phi trường vì tội “trí thức miền Nam”! Với người Cộng sản ngày đó, trí thức của miền Nam cũng là kẻ có tội! Vì đã một lần được cứu sống, nên lần này ba dùng phương pháp nhịn ăn dần dần, cả nhà bất lực nhìn ba từ từ đi vào cõi chết. Đau đớn hơn nữa là chết…đói!

Mẹ là người trong gia đình tới vùng tự do sau cùng, sau khi đưa ba về nơi an nghỉ cuối cùng. Và mẹ cũng là người bỏ mọi người ra đi trước tiên. Biết mẹ sẽ bỏ đi, các con hỏi mẹ có muốn đưa về nằm cạnh ba không, mẹ trả lời chắc nịch rằng mẹ muốn nằm trong lòng đất tự do, mẹ không muốn về nằm ở nơi đã gieo bao nổi đau thương cho mẹ và dân tộc mẹ. Mọi người đùa với mẹ là đất ở đây phủ tuyết 6-7 tháng, lạnh lắm, mẹ cười nói, đất lạnh nhưng tình nồng. Biết mẹ sẽ vĩnh viễn ra đi, các con hỏi mẹ có muốn về thăm một lần không? Mẹ lắc đầu!

Toàn gia đình tôi đã đặt chân đến bờ tự do, ngoại trừ ba. Nơi quê hương mới, chúng tôi xây dựng lại bằng năm bằng mười những vật chất bị cướp mất ở quê nhà, nhưng vết thương tâm linh có lẽ không bao giờ lành lại.