Tản mạn..về tháng tư buồn, ….tháng tư mong, tháng tư chờ, tháng tư đợi. |
Tác Giả: Phan Văn Song | |
Thứ Bảy, 30 Tháng 4 Năm 2011 06:17 | |
Với phong trào nổi dây ở Bắc Phi, ở Trung đông, sau Tunisie, sau Ai Cập, tôi mong, tôi chờ, tôi đợi, tôi hy vọng một cái gì sẽ xảy ra ở Việt Nam ta….suốt thàng ba, rồi qua tháng tư… Cũng như hằng năm từ ngày về hưu năm 2003, tôi cố gắng giữ trai tịnh trong tháng tư. Bàn thờ tổ tiên được thắp sáng lên, hương nến nghi ngút. Bàn thờ tổ tiên nhà tôi, hằng năm chỉ thắp sáng hai dịp: từ ngày 15 tháng 12, là ngày hợp kỵ cha mẹ tôi đến mồng mười tháng giêng sau Tết Việt Nam và 1 tây tháng Tư đến 1 tây tháng Năm. Kỵ cha mẹ để nhớ cha mẹ, vui Noël, Tết tây và Tết Việt Nam. Và nguyên tháng Tư trai tịnh, để buồn, để nhớ đến thân phận những người Việt của mình. Đối với tôi, quê hương miền Nam Việt Nam thực sự mất ngày 30 tháng 3 chớ không phải ngày 30 tháng tư. Gốc gác gia đình tôi ngoài Huế. Nên, sau ngày 30 tháng 3 năm 1975, nhà cha mẹ tôi sau lưng Trường Mù gần chợ An Đông đầy họ hàng chú thím ngoài Huế hay Đà Nẳng vào Nam tỵ nạn. Đối với dân gốc Huế chúng tôi, với cái kỷ niệm đau thương của Tết Mậu Thân, khi Huế đã mất vào tay Cộng sản, là thôi rồi, không còn chi nữa mô ! Nó sẽ giết hết dân Huế mình! Khôn thì trốn, sống tỵ nạn ở Sàigòn, chứ ở Huế, về Huế chỉ mang họa ! …Ngày nay đại gia đình bên nội họ Phan, bên ngoại họ Nguyễn tui, cả làng Mậu tài tui đều ở Santa Ana, Sacramento, Houston, Wichita, Denver (Mỹ) hay Sydney (Úc) Paris (Pháp)…thậm chí đến cả những cái xứ khỉ ho có gáy là Edmonton (Canada) hay Montmorillon (Pháp). Con cháu gặp nhau cứ tơi bời với quốc tế ngữ là tiếng Anh, với giọng Pháp, với giọng Úc, hay giọng Mỹ chứ giọng Huế không còn nữa. Tôi tò mò tự hỏi, nếu nói được tiếng Anh giọng Huế, ôi chao, chắc nó sẽ dễ thương lắm! Tôi nhớ mãi một anh bạn đồng môn Yersin lúc nhỏ lớp 5ème hay 4ème chi đó, trả récitation (trong lớp với ông thầy người Pháp), bài le Corbeau et le Renard của La Fontaine, bằng giọng Huế. (Nếu có dịp tôi sẽ đọc cho các bạn nghe, không phải chế ngạo đâu, tui mê thiệt !). Giọng Huế thứ thiệt cũng như giọng Hànội thứ thiệt, ngày nay chỉ còn được nghe ở Santa Ana thôi, nghe nói ở Việt Nam mất rồi ! Lưu luyền chi nữa, cả bao nhiêu cái mất, lưu luyến chi cái giọng Huế của mình ! Suốt cả tháng Tư năm 1975, cả Sài gòn nhốn nháo hổn loạn ! Tôi vốn là dân làm Hảng LaDe, nên với những tin tức do những bạn hàng đi buôn La De và Nước Ngọt cho biết, tôi nắm rõ từng đoạn đường “mất an ninh”, hơn cả với tin tức do báo chí hay chánh phủ cho biết. Thêm nữa, với bà vợ là Chantal, từ tháng bảy năm 1974, đang được Bộ Ngoại Giao Pháp cho Phái đoàn Ba tư của Cơ quan quốc tế Kiểm soát Đình chiến (ICCS gồm có Ba lan, Hungaria, Ba tư và Nam dương) mượn để làm Thư ký cho Ông Trưởng Phái đoàn, nên theo dõi tình hình chiến sự hằng ngày, đã cho tôi biết rằng Việt Nam Công Hòa của chúng ta đang bị “sacrifié”, (thí chốt) rồi, ..và những xâm phạm đình chiến của phe Việt Cộng xảy ra hằng ngày…. Và những lời phản đối của Việt Nam Công Hòa xem như vô hiệu quả… những tại sao ?... để làm gì ?...và vì ai ? thì…xin hạ hồi phân giải..…Nhưng tôi vẫn không tin, tôi vẫn cố giữ tý hy vọng. Tôi vẫn còn tin vào cái giải pháp “ba nước Việt Nam” với ba Cộ ng Hòa: hai Cộng Hòa miền Nam, một Cộng Hòa miền Bắc, tạm thời; rồi sau đó, sẽ có một cuộc bầu cử dưới con mắt “khách quan và công bằng” của giám sát quốc tế để đi đến một Việt Nam thống nhứt ( Giải pháp nầy do Ông Nghị sĩ Quốc Hội Pháp Michel d’Ornano, đại biểu các Pháp kiều trình bày cho chúng tôi khi ông viếng thăm Pháp kiều ở Nam Việt Nam vào Noël 1974, và ông mang huấn thị của Tổng Thống Valéry Giscard d’Estaing đến yêu cầu tất cả những Pháp kiều và cộng sự viên người bản xứ tiếp tục điều hành các cơ sở kinh doanh của người Pháp ở Việt Nam để chuẩn bị nền kinh tế hậu chiến cho ba quốc gia Việt Nam). Sao chúng tôi dễ tin và khờ dại quá vậy ! Có lẽ vì quá khao khát hòa bình, vì quá khao khát được thấy một Việt Nam phát triển, phú cường, vì quá khao khát mong chờ một ngày hòa bình, để có dịp để dân tộc Việt nam ( và cá nhơn chúng tôi và bạn bè chuyên viên chúng tôi ở Sàigòn lúc bấy giờ) được thực sự thi thố tài năng, tung tiềm lực đang ấp ủ, nên tôi mù quáng trước một viễn ảnh đen tối do của một chế độ độc tài ( mà tôi biết – nhưng một cách trừu tượng qua sách vỡ - đang sắp sửa đổ xập đến Miền Nam. Tôi trách tôi tại sao thiếu thực tế đến như vậy ? Tôi vốn được đào luyện do hai Trường khoa học chánh trị Pháp, với Paris, tôi biết rõ cái cơ chế của Cộng sản, với Toulouse tôi học rõ những chánh sách áp dụng ở những nước chậm tiến. Thế nhưng, khi về đến Việt Nam tôi hoàn toàn mù quáng, có lẽ tôi chủ quan vì tôi giữ, với cái ghế của hảng BGI, vai trò Tổng thư ký Phòng Thương mãi Sàigòn và Phòng Thương mãi Pháp - Việt Sàigòn. Đúng vậy, tôi quá chủ quan, vì tôi trong vai trò TTký của hai Phòng Thương mại, tôi thấy rõ cái tiềm lực của Miền Nam ta, cái tiềm lực kinh tế của Việt Nam Cộng hòa. Chúng ta nghèo tiền “đánh giặc”, nhưng chúng ta rất giàu tiềm lực kinh tế. Dỉ nhiên, những bộ máy kinh tế lớn, những công ty công nghiệp đều do các người ngoại quốc điều hành. Nếu chiến tranh không làm họ “nãn”, cớ chi hậu chiến làm họ ”sờn”. Và tôi quyết định không “chạy” ! Chẳng những tôi không chạy mà tôi còn giữ ba mẹ tôi lại. Để rồi, cùng Cha, ba anh em tụi tui tuần tự đi vào tù Công sản… (Đoạn bài viết nầy vào đúng ngày Chúa Nhựt Lễ Lá : trong Phúc âm của Ma-thi-ơ, có đoạn kể Jêsus làm phép mở mắt lại cho hai người mù (Ma-thi-ơ 20: 33-34). Tôi được Jêsus mở mắt cho tôi sau những ngày ở lại và làm việc với Công sản. Bốn năm đại học khoa học chánh trị không bằng một năm thực hành làm việc với một chế độ và một guồng máy cà chớn…Thật đáng đời, bốn năm ở tù nầy đúng là cái giá phải trả cho sự mù quáng của tôi thôi ! Cám ơn Thiên Chúa đã mở mắt con. Cái lạ lùng là với cái lý thuyết và với một nền kinh tế “cà chớn” như vậy mà Liên Xô cần 70 năm mới xập ! Trung Quốc và Việt Nam ngày nay, sở dĩ không hay chưa xập tiệm là đã chuyển qua thành một hệ thống Maffia, nghĩa là mô hình tổ chức hành chánh chánh trị kinh tế của Cộng sản đã biến dạng thành mô hình một tổ chức của một Đảng ăn cướp. Nhưng nếu Maffia vì phải hoạt động ở ngoài vòng Pháp luật nên phải có những luật lệ “ngoài Pháp luật”, như các lãnh đạo nằm trong bóng tối, như luật “omerta” , khủng bố, bịt miệng cắt lưỡi, mua chuộc công chức chánh quyền, …để đấu tranh, tranh đầu sống còn với Công luật. Trái lại, ngày nay ở Á đông ta, chế độ Công sản Tàu và Cộng sản Việt Nam là những đảng Maffia cầm quyền, nên có một bộ mặt “Pháp luật” hay “Pháp quyền” ! Những nhân vật trong bộ máy Nhà nước, những nhơn vật trong Bộ Chánh trị Đảng chẳng qua cũng chỉ là những Capo del capi, những Capo…nhựng Trưởng Gia đình, tóm lại, những ông trùm… vân vân …). Trở lại tháng tư năm 75, tôi ngu si nghĩ rằng, những lãnh đạo của Mặt Trận Giải Phóng, của Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, chủ nhơn tương lai của cái Cộng Hòa Miền Nam Viêt Nam, của khu vực gồm từ Bến Hải đến vĩ tuyến 13 tức là miền Trung Nam Việt Nam, gồm toàn trí thức miền Nam, Tây học, không thể không thấy tiềm lực kinh tế miền Nam đủ sức, nếu được thật sự xử dụng để làm việc xây dựng, thì chắc chắn, thông qua hệ thống và kinh ngiệm kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa, với Sàigòn, với miền Tây, chẳng những có thể xây dựng, nuôi sống cả Việt Nam Cộng Hòa, mà cả Cộng Hòa Miền Nam và có thể hổ trợ cả Miền Bắc Cộng sản nữa ! Than ôi, chẳng những cái cá nhơn thằng tôi “cà chớn” bị Paris “ca bài con cá” đã đành, nhưng cả Paris và các tài phiệt Pháp và chánh phủ Pháp lúc bấy giờ cũng bị … “cái thằng Bàng Quyên - Việt Cộng, nó lừa thầy phản bạn, nó lường gạt …!”. Hôm nay, sau ngày lễ phục sanh, tôi trở lại bàn viết. Ngồi hồi tưởng lại tháng tư năm 1975, chúng tôi, cả nước, cả quốc tế bị lường gạt. Chúng tôi người trong cuộc, ngu đã đành. Không lẽ quốc tế cũng ngu sao ? hay quốc tế muốn mình ngu ? Mỹ thì xong rồi, ký kết với Tàu xong, Nga sẽ bị cô lập và trên đà xuống dốc. Mỹ đã rút chơn khỏi vũng lầy Đông dương, Mỹ lo giúp đở làm giàu cho Trung Cộng để chống Liên Xô đang sa lầy ở A Phú Hản. Còn Pháp ? Pháp rất sợ lo nạn tỵ nạn. Năm 1962, khi Algérie độc lập, di dân Pháp trở về gieo bao nhiêu nghèo khó và những trường hợp khó xử. Có thể vì vậy, Pháp sợ phải đem kiều bào mình ở Việt nam trở về ? Vã lại, nếu giải pháp “ba Việt Nam” có thật, thì Pháp với vai trò MC giúp đở xây dựng nền kinh tế hậu chiến cho Việt Nam sẽ lời to. Mấy năm sau, với các Boat people, cả Âu châu cũng phải tổ chức cho di dân Đông dương tỵ nạn Cộng sản. Âu châu mặc dù có Bức tường Bá linh, có chiến tranh lạnh, nhưng vẫn giữ nhiều cảm tình với Cộng sản Việt nam. Những năm 60, dân chúng Âu châu chống chánh quyền Franco của Tây Ba Nha, chống chánh quyền Salazar của Bồ đào Nha, những năm 70 chống chánh quyền Pinochet ở Chili một cách quyết liệt, nhưng lúc nào cũng xem Hànội và Cuba là những nước tiên tiến. Đó là cái nghịch lý khó hiểu của người dân Tây phương ! Những anh hùng của sanh viên học sanh Âu châu là Che Guévara, là Fidel Castro. Vì vậy khi Sàigòn thất thủ, Paris thở phào ăn mừng. Để rồi vỡ mộng sau đó. Tôi vẫn nhớ trên chuyến bay từ Sàigòn đến Paris ngày 5 tháng 6 năm 1980, khi tôi tình cờ tiếp xúc với một nhà báo lớn ở Pháp Emmanuel de la Taille, đang đi từ Tokyo về Pháp, người bạn đồng hành với ông mắng tôi, là “fantoche, anh ở tù đáng đời anh !”, sau khi biết tôi đã ở tù 4 năm của Cộng sản và đang trên đường tỵ nạn. Nói như vậy đê thấy rõ cái nhìn rất sai của những công luận và nhà báo quốc tế đối với Việt nam. Việt nam được nhiều cảm tình, và đặc biệt Việt nam Cộng sản. Nhưng trái lại không ai hiểu Việt nam Cộng hòa cả. Và Việt nam Cộng hòa cũng không làm một cái gì để lấy cảm tình quốc tế. Viết đến đây thì nhớ câu nói của người bạn cũ, anh Trầm Vi Đức, đồng môn Philo năm chót ở Yersin, vừa bắt được liên lạc được. Anh nói một câu kết luận xanh dờn, sau khi hai đứa hỏi thăm nhau và kể lễ những quảng ký ức vui buồn của nhau : “ Phải nhìn nhận Việt Cộng nó giỏi thật, nó nói láo hay hơn mình, và nó lường gạt được tất cả mọi người !” Đúng Đức ạ ! Cả chế độ Cộng sản là một chế độ nói láo. Và Nói láo đã trở thành Chánh sách mà Lường Gạt (tôi cố tình viết hoa) là một phuơng thức chánh trị. Lường gạt để cướp chánh quyền. Lường gạt để trị dân. Lường gạt để ngoại giao. Và ngày nay Lường gạt cả thế giới và cả dân tộc Việt Nam để bán nước cho Tàu. Với phong trào nổi dây ở Bắc Phi, ở Trung đông, sau Tunisie, sau Ai Cập, tôi mong, tôi chờ, tôi đợi, tôi hy vọng một cái gì sẽ xảy ra ở Việt Nam ta….suốt thàng ba, rồi qua tháng tư… Tôi mong chờ những người dân Việt Nam hào hùng ! Tôi mong chờ những người chiến sĩ quân đội nhơn dân, anh hùng yêu nước, sốt ruột trước nạn Hán hóa ! Tôi mong chờ những người lính công an, còn tí lương tâm trước sự khổ cực của người dân đang bị hà hiếp ! Tôi mong chờ, với nền kinhn tế mỗi ngày mỗi khó khăn, vật gía leo thang, cơn bão giá sẽ làm người dân xuống đường ! Nhưng ngày nay tôi tuyệt vọng, mặc dù thế giới tuy giúp đở dân kháng chiến Lybia chống Gađafi thật đấy, nhưng thế giới vẫn “chờ và xem” dân chúng Syria có thật sự dám chết, và dám chết đến đâu để can thiệp. Và tôi đau buồn, và tôi chán nãn, vì chắc chắn người Việt Nam chúng ta không còn dám chết cho Độc lập, cho Tự Do, cho Công bằng, cho Dân chủ hay nói tóm lại, cho Quê hương nữa ! 26 tháng tư 2011. |