Home Văn Học Tùy Bút Hai Câu Thơ Đẹp

Hai Câu Thơ Đẹp PDF Print E-mail
Tác Giả: Thi Vũ   
Thứ Bảy, 14 Tháng 5 Năm 2011 05:28

 Năm lên 5 tuổi cha tôi bị Pháp bắt. Ông dính dáng chính trị hay cách mạng gì đó.

Nói to lớn vậy thôi, thực tình ông có người bạn dấn thân chính trị chống Pháp nên bị liên lụy. Người bạn mượn ông chiếc xe đạp. Đợi hoài không thấy trả, ông đến nhà bạn tìm xe. Không ngờ bạn đã bị bắt, mật thám Pháp bao quanh nhà chờ ai đến là xúc. Cha tôi nằm trong đám người bị hốt năm 1940 ấy.

Chú Bính và cô Lài tôi ở Huế vội vả vào Saigon kiếm thầy cãi bênh vực cho ông. Do ông làm công chức cho Pháp ở sở giây thép, và chẳng tìm thấy vũ khí, truyền đơn, tài liệu mật, nên ông được rời khỏi Khám Lớn đày sang Cheong Sean bên Cam bốt dọc biên giới Thái.

Một hôm, tảng sáng khoảng 5 giờ, ba người đàn ông đến nhà tôi ở trại gia binh Chợ Cũ đánh thức mẹ tôi dậy bảo bà đưa quần áo cho cha tôi sắp phải đi xa. Tiếng ồn ào khác lạ buổi tinh mơ kéo tôi ra khỏi giấc ngủ. Dưới ánh đèn tù mù, tôi thấy mẹ đứng sắp áo quần vào chiếc giỏ mây. Mặt mày áo não, bà khóc nấc từng cơn. Mỗi bận sắp áo, bà đưa lên mũi hít một hơi dài trước khi đặt vào giỏ. Cử chỉ lạ lùng khiến tôi ngây ngô nhìn mẹ.

Hình ảnh đó ghi đậm trong tôi theo ngày tháng chưa quên. Một người đàn bà mắt đỏ hoe, sụt sùi, đưa từng chiếc áo lên mũi hít một hơi dài trước khi buông thả.


Mấy ngày giáp Tết nơi xứ lạ bồn chồn, bỗng hai câu thơ trong bài Khóc Bằng Cơ của Nguyễn Gia Thiều (1)trở về khiến lòng tôi xao xuyến :

Đập cổ-kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn-y lại để dành hơi

Chí tình và ray rức. Chữ cũ, tứ mới, xoắn nhau thành bản tình ca muôn thuở. Nòi tình đi suốt cõi nhân gian về tới chốn địa đàng trăng mật.

Một đêm nào người yêu bỏ ta đi theo cuộc tình khác, hay ngày nào người yêu ta chết. Hai trạng thái hạnh phúc bị thải hồi, cô đơn trải dàn sa mạc, tim thảng thốt, ngực thở hắt. Trống không như hư vô. Hẻm cụt người đàn ông.

Bóng đã bao lần dọi hình lên màn gương khi soi ngó. Trong cơn thảng thốt tìm hình, cách nào hơn đập vỡ gương xưa mong tìm bóng cũ, dù bao nhiêu bóng vẫn chỉ là bóng chẳng biến ra hình.

Bóng không là bóng khi vắng hình. Nhưng chiếc áo cũ, tấm tàn y, hơi hướm người yêu còn phảng phất. Hít lấy hơi dài vẫn là mùi của em ngày trước. Xếp lại tấm áo gìn hương giữ vóc.

Làm gì đây khi người yêu mất người yêu ? khi người đàn ông trơ vơ nơi bìa mép lân hư ? Chỉ còn nỗi thiết tha mong nắm bắt, vói ôm những chi còn mơ hồ sót lại. Bóp nắn từ vô hình dáng vóc đi biệt trong nỗi quay quắt.

Tình yêu ở đây không có hai dù nỗi nhớ cần tới hai. Hai giới tính, hai thể xác nhập hồn vào tình yêu. Núi chập chùng về đỉnh cao rớt trời.

Thời phong kiến với tam tòng tứ đức, có ai yêu người đàn bà như đàn bà của tình yêu đâu. Tình yêu đi sau những nghi lễ, tập tục, bổn phận. Tình yêu là sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường. Tình yêu chỉ hiện thực trong mộng, trong tiểu thuyết, trong hư vô hóa hiện miền tiên cảnh. Ngày nay có đỡ chăng cũng vầy vậy thôi. Ít ai dám sống hết, sống trọn, đưa người đàn bà vào cuộc tình duy nhất nơi mình chấp nhận hòa tan. Hiếm thấy trong văn học Việt Nam thời cổ đại, trung đại những tụng ca người phụ nữ. Duy nhất chỉ có Nguyễn Gia Thiều thấu tỏ thân phận hẩm hiu và bức hiếp người cung nữ. Cung Oán Ngâm Khúc là khúc ca về thân phận đàn bà trong vòng tay ức chế, hiếu sắc, tàn bạo của người đàn ông vô tình nhưng quyền uy nhất mực : Ông Vua.

Vì vậy mới có hai câu thơ rạo rực yêu đương, kết hợp ba thời  - quá khứ, hiện tại, vị lai -  trong tình yêu trọn vẹn chưa một lần phân tán nơi cõi tưởng tư. Đập cổ-kính ra tìm lấy bóng / Xếp tàn-y lại để dành hơi. Xuân Diệu, vị hoàng tử của thơ tình chan chứa, dù say đắm thiết tha, vẫn là mối tình của hai con tim xa cách, chạy tìm nhau trên vô tận sóng xa bờ. Ông chưa lặn tới đáy mùa ngọt mật nơi hai người đã quyện nhau thành hình-bóng, bóng-hình trong đêm hay giữa ngày.

Đập cổ-kính ra tìm lấy bóng / Xếp tàn-y lại để dành hơi, hai câu thơ tình nồng cháy hiếm thấy nơi tình yêu địa đàng xứ Giao chỉ. Họ mất nhau trong cái còn, khi cái còn lặng lẽ hóa chân không. Mai sau dắt tay hiện tại đi về quá khứ luân sinh. Đập hết vật thể tìm cái phi hình, nơi chỉ còn lại hương thơm chỉ đường về cố lý, hương thơm vẽ bản đồ cho mộng mị, mở cánh cửa trên không trung xanh. Vũ trụ bỗng có nơi chốn dù nơi chốn chẳng định hình.

Có bao giờ ta nói ta yêu máu ta, môi ta, tay chân ta ? Thế nhưng máu, môi, tay chân làm nên toàn thể sự sống hồn nhiên, vạm vỡ. Thiếu một là mất tất cả. Tình yêu không đòi hỏi, yêu sách, điều kiện. Tình yêu thong dong như mây trắng, núi xanh, biển dậy. Hạt mầm nẩy mãi trong lòng đất, cất chứa mùa với không gian co duỗi theo màu sắc. Lặng câm nhưng ầm tiếng, như lòng trống lưu giữ những vang âm.

Nguyễn Gia Thiều, người tình mang nửa hồn thất thểu đi tìm nửa hồn kia nơi biên tế hư linh. Ông gặp lại chăng người tình ?

Dấu hỏi từ vạn thuở chưa hề đáp, như từ đâu con người đến, về đâu con người đi. Hỏi trở thành đáp nên vô vọng và tuyệt lộ. Từ đâu con người đến tự nó đã áp đặt địa lý cõi ban sơ vốn không có. Con người là sự tạc khắc từ ánh sáng vô biên thành tượng sống, đâu cần phải đến từ đâu. Về đâu con người đi, nhưng lại ấn định chốn về chưa bao giờ hiện hữu. Tượng sống con người theo chu kỳ trả ánh sáng về những lóng xưa làm kinh sợ hố đen, tự nó đã là nơi chốn.
Tất cả là hành trình và kết hợp.
Hành trình tình yêu chưa kết thúc khi hai người chưa thành một trong nhau. Nguyễn Gia Thiều có gặp lại Bằng Cơ chăng ? Gặp chứ, vì câu hỏi đã thoát ly dấu hỏi, tự nó là biến thể của tình yêu, đưa không gian co kín thả vào vùng thinh không, đưa một con người hòa nhập vào con người. Con người tình yêu. Nguyễn Gia Thiều đập vỡ cổ kính, ông hít một hơi dài vô tận để lấy hết những chi còn sót lại trên chiếc áo cũ, tấm gương xưa cho sự hòa nhập của tình yêu thôi phân tán. Không ai được sở hữu dù là bóng hay mùi hương tóc, mùi thể thân em. Nàng trọn vẹn ở trong ông. Em trở thành anh-em nơi phi thời. Chấm dứt trầm luân khổ lụy.

Ngày nhà thơ Lê Thị Huệ phỏng vấn, hỏi tôi có phải thơ Việt Nam ngất ngưỡng cao ngạo và tuyệt tác không thua bất cứ thi ca nào trên thế giới ? tôi đã đáp bằng những câu thơ hớp hồn :

Nhờ thi sĩ cư ngụ trái đất, mà tất cả mọi nền thi ca nhân loại ngất ngưỡng và tuyệt tác. Ai nắm được cái thần ngôn ngữ nước mình, tất chân nhận ra thi ca mượt mà, diễm lệ chẳng thua ai. Độc giả Anh đắm đuối Shakespeare, Ý với Dante, Tàu với các thi hào đời Đường. Chúng ta với Nguyễn Du…

Thử lấy vài ví dụ trong thơ Việt Nam cận đại.
Câu thơ Chiều mưa trên bãi nước sông đầy của Huy Cận sẽ rạo rực tâm tư ta như tìm thấy bến đậu giữa hư không, nếu ta từng trải qua thời thơ ấu sống bên con hói ở làng quê, mỗi chiều thấy nước sông dâng khi mưa tới. Mưa và sông một buổi chiều quê hoá hiện thành hình ảnh thơ ngút ngàn, dù chữ khắp câu thơ chẳng có chi kiều diễm. Thế mà chữ đã hà hơi làm nên khí hậu. Khí hậu là không gian, con người là thời gian. Thời gian chảy trôi đâu khi không có không gian ? Đó gọi là khí hậu, sự thăng hoa của Không và Thời giữa niềm phiếu diễu thi ca.

Cũng thế, những câu : Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya hoặc Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung / Có ai đàn lẻ để tơ chùng của Huy Cận; Hư vô bóng khói trên đầu hạnh / Cành biếc run run chân ý nhi của Xuân Diệu; Ô hay vàng rơi cây ngô đồng / Vàng rơi ! vàng rơi ! thu mênh mông… của Bích Khê; Người đi một nửa hồn tôi mất / Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ hoặc Khách xa gặp lúc mùa xuân chín / Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng của Hàn Mặc Tử; Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà của Nguyễn Xuân Sanh tả một dĩa trái cây, v.v… đều có cái đẹp như thế, miễn người đọc phải được sống trong đất nước ấy, giữa lòng ngôn ngữ ấy, theo những bóng thơ chập chờn bao quyện ngày đêm.

Còn như câu thơ Từng con mắt gỗ hoen màu lệ của Vũ Hoàng Chương thì chỉ có người Việt may ra mới hiểu để thấy cái đẹp lạ thi sĩ vừa khám phá, thăng hoa. Mắt hoen lệ là chuyện thường tình. Nhưng sao lại là mắt gỗ ? Người đàn bà đẹp, người đàn ông đau khổ vẫn là đôi mắt ướt chờ lệ tuôn ?

Nhưng mắt ở đây không là mắt người, mà là mắt của vật vô tri giác : Mắt của đôi chân đèn bằng gỗ để trên bàn thờ. Người thợ mộc tiện chân đèn ấy bằng nhiều khoen, mỗi khoen là một con mắt gỗ. Sáp chảy xuống chân đèn như những giọt lệ lăn. Từ thực tại âm thầm nơi bóng tối chập chùng bỗng óng ảnh lên thi ca, nơi người thi sĩ tạo dựng thành muôn nghìn thế giới gọi mời theo những cuộc ú tim.

Hẳn nhiên như Lê Thị Huệ nhận xét về nền thi ca Việt ngất ngưỡng trên bầu trời tuyệt tác. Thi ca như người đàn bà đẹp, như hoa đẹp. Mỗi cái đẹp có những lưu luyến riêng, không cái nào giống cái nào ngoại trừ sự rạo rực.

Câu thơ “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”, trong bài Buồn xưa của Nguyễn Xuân Sanh trên đây, ta cảm được gì ? Trước tiên là nhịp thơ cuồn cuộn của sông biển theo viễn trình nơi lòng dĩa vốn lũng đọng. Nhịp sông biển (hải hà) tưởng tuyến tính như sông trôi, bỗng quay vòng hướng mùa đi từng nhịp bốn : Xuân, Hạ, Thu, Đông. Hoá ra cái ta tưởng là thầm lặng, tĩnh mịch và co kín của đáy dĩa vẫn mang sức chuyển động theo cung điệu mùa màng. Mùa thả vào đấy từng đợt quả thơm mùi vị đất trời. Một dĩa trái cây thay đổi xuyên năm. Không đơn điệu, buồn chán như bức tranh tĩnh vật.

Tả một dĩa trái cây thay đổi theo mùa như cuộc nhân sinh tươi thắm, vồn vã dâng người, thế là khéo. Thấy và hiểu câu thơ như vậy khiến ta thêm yêu thơ, muốn đi vào thơ nắm bắt những ý nhị hàm tồn còn dung dưỡng.
Tiếc rằng thời ấy tôi quên không nhắc tới hai câu thơ kỳ lạ, đẫm tình, chín chìu quặn thắt của Nguyễn Gia Thiều trong bài thơ Khóc Bằng Cơ. Một bài thơ tình khóc người ái thiếp, đắm đuối, ray rức nhất trong thơ Việt Nam. Lời kiệm mà ý man mác. Thơ lay hỏi sinh tử về giới hạn của phân ly. Tứ thơ tuyệt bích, hình ảnh thơ siêu thực, làm rạo rực những nhánh hồn.

Thơ xuống tận đáy tâm can giáp mặt với nguồn cội của tình yêu.

Bệnh viện Saint Joseph, Paris
14.2.2011
Thi Vũ


--------------------------------------------------------------------------------


1. Lâu nay nhiều người vẫn tưởng bài thơ này của Vua Dực Tông, tức vua Tự Đức, khóc một bà phi dưới nhan đề « Khóc Thị Bằng ». Sự lầm tưởng phải chăng đến từ Phan Khôi khi ông viết trong mục Nam âm thi thoại trên báo Nam Phong năm 1918, sau in vào sách Chương dân thi thoại năm 1936. Người sau nối người trước lan truyền chẳng cần nghiên cứu, tìm tòi vì thiếu óc phê phán. Văn Đàn Bảo Giám của Trần Trung Viên ra đời năm 1926 cũng in bài thơ Khóc Bằng phi ghi tác giả là Dực-tôn Hoàng đế. Quốc văn trích diễm sách giáo khoa giá trị của Dương Quảng Hàm cũng xác nhận như thế. Bao thế hệ học trò làm sao nghĩ khác ?

Tự Đức là ông vua thích văn học, sính phê và sửa Truyện Kiều và cũng làm thơ như đa số các nhà nho. Đọc hơn 100 bài thơ chữ Hán của Tự Đức để lại, thì biết ông chưa là nhà thơ lớn, chẳng có bài nào điêu luyện sánh với « Khóc Bằng Cơ ». Lại nữa khẩu khí nhà vua không cho phép ông gọi trổng một cách rẽ rúng là Thị Bằng, mà phải gọi ái phi hay ái khanh. Mặt khác, tương truyền vua Tự Đức bị đậu mùa nên không có ân tình với phụ nữ để khóc thống thiết một người yêu khác tính phái. Người Huế đồn ông « lại cái », dù ông có đến 103 cung tần khi mất. Ở đây phải hiểu thời vua chúa, các quan lớn trong triều đua nhau dâng con gái vào cung mong gây thế lực và bổng lộc. Con làm phi, thì cha được ban tước Quận công, nên số lượng phi tần rất lớn. Danh sách chính thức thì Vua Tự Đức có một bà Hoàng quí phi và hai bà phi, chẳng có bà nào mang tên Thị Bằng.

Tuy nhiên, văn học sử cận đại Việt Nam phủ bác nhận định « lại cái » này qua trường hợp một thi sĩ lớn là Xuân Diệu, ông làm thơ tình đắm đuối, nồng cháy, thế nhưng những người yêu ta tưởng là các thiếu nữ yêu kiều, thơ mộng, hóa ra đó chỉ là những mối tình trai, theo phát hiện của Tô Hoài thì Xuân Diệu « gay » trong sách « Cát Bụi Chân Ai ».

Duy nhất có nhà văn Ngô Tất Tố trong Thi văn bình chú xuất bản năm 1942 cho biết « bài này nhiều người bảo là của vua Tự Đức, nhưng các vị cố lão thì nói là của ông Nguyễn Gia Thiều ». Về sau học giả Bửu Kế chuyên gia về văn thơ nhà Nguyễn cũng cho biết không có bài « Khóc Thị Bằng » trong số trước tác của Tự Đức. Đặc biệt nhà nghiên cứu Phan Văn Dật viết một bài công phu với nhiều chi tiết thuyết phục đăng trên Sáng Tạo số 23, tháng 8.1958, khẳng định « Bài thơ khóc Thị Bằng không phải của vua Nguyễn Dực Tông », mà là của Nguyễn Gia Thiều khóc người ái thiếp Bằng Cơ.