Đọc được ý nghĩ của tôi chăng, bằng cả một giọng điệu thật hãnh diện, cô vợ khoe rằng đây là một món “đồ cổ” mà cô mới “chộp” được với giá không dưới 5 trăm Úc kim.
Ngạn ngữ Latinh có nói “Bàn về sở thích, chớ nên tranh luận” (De gustibus non disputatur). Tôi vẫn luôn cố gắng thực hành câu châm ngôn này để tập sống khoan nhượng và cảm thông. Bá nhân bá tánh, mỗi người một ý, một sở thích; mỗi cá nhân đều là một thế giới riêng. Mỗi dân tộc cũng có văn hóa và truyền thống riêng. Chỉ cần nhìn vào chuyện ăn uống thôi cũng đã thấy sự khác biệt giữa các dân tộc. Nước mắm nào của người Việt nam cũng đều “thơm ngon” cả, nhưng với cái mũi lõ của người Tây phương thì mỗi lần ngửi vào chẳng khác nào đang đi qua vùng Phan Thiết. Ngược lại, có những loại “phó mát” mà người Tây hít lấy hít để, thì người Việt mình đụng vào cứ tưởng như đang chạm phải “cóc chết” hay hột vịt ung. Về nghệ thuật, văn chương và âm nhạc cũng thế thôi. Mình không thể bắt người khác phải “thích” những gì mình “thích”. Có người chỉ thích tiếng hát Chế Linh. Có người chỉ biết có nhạc Trịnh công Sơn . Và dĩ nhiên, có người chỉ mê cải lương. Đã là sở thích thì cần phải được tôn trọng. Tôi vẫn luôn cố gắng nghĩ như thế. Vậy mà mới đây, sau khi đi ăn tân gia của một cặp vợ chồng trẻ ở Sydney, tôi cứ phải suy nghĩ miên man. Nếu xét theo tiêu chuẩn vừa được chính phủ Lao động qui định, thì cặp vợ chồng này thuộc giai cấp “trung lưu”. Cả hai đều có lương cao, lại chưa có con. “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, cho nên sau một thời gian ở nhà thuê, họ cũng cố gắng mua cho bằng được một ngôi nhà đắt tiền tại một khu cũng được xem là giàu có của Sydney. Với cách suy nghĩ của một người đang sống ở nơi miền quê thông thoáng, có vườn tược cây cối, có chim chóc líu lo quanh năm ngày tháng, tôi cứ nghĩ bụng tiếc rẻ. Ngôi nhà của cặp vợ chồng trẻ chỉ có 4 thước chiều ngang và không quá mươi lăm thước chiều dài, không khác gì cái chuồng chim. Dưới cái nhìn phong thủy ở trình độ sơ cấp như tôi, tôi vẫn cảm thấy ái ngại khi bước vào nhà: từ trước ra sau, cửa nẻo nằm thẳng một đường “trùng môn”. Ngày xưa, các cụ bảo: cất nhà phải tránh đừng để “trùng môn”, gió máy ùa vào, không sinh bệnh tật thì tiền bạc cũng khó giữ. Nhưng với diện tích bé bỏng như vầy, không “trùng môn” thì nội cái chuyện dọn đồ đạc vô ra cũng đủ nghỉ thở. Thực ra, tôi cũng chẳng tin dị đoan chút nào. Tôi chỉ tiếc là ở trung tâm thành phố, đất đai quý như vàng, khó tìm được “mặt bằng” rộng rãi để mà thiết kế theo ý mình muốn. Cũng may, đàng sau nhà cũng còn lại một góc nhỏ vừa đủ để trồng vài ba cọng rau nhiệt đới. Nhưng bên trong chỉ có đúng một phòng khách nhỏ, một phòng ngủ nhỏ và dĩ nhiên một nhà bếp cũng nhỏ. Cái gì cũng nhỏ cả. Không phải là chuyên viên địa ốc, tôi cũng làm được bài tính: với giá tiền của ngôi nhà này, đôi vợ chồng trẻ này có thể mua một trang trại và một ngôi nhà rất khang trang ở vùng tôi ở. Mà thôi, họ có lý do để sống ở khu vực mà họ đã chọn lựa: vừa khỏi mất giờ đến sở, vừa tìm được trường ốc tốt cho con cái sau này. Phải nhìn nhận rằng hai vợ chồng son này có óc nghệ thuật đầy mình: ở góc nào trong nhà cũng có những bức tranh cổ. Nhưng điều khiến tôi muốn “dội ngược” khi bước vào nhà chính là một “cái tủ” còn để trong phòng khách. Không biết nó còn xứng đáng để gọi là một cái tủ không. Nhận thấy cái tủ được làm bằng gỗ tạp và nước sơn đã loang lổ trông chẳng khác nào một thùng rác, tôi định hỏi sao họ không chịu quăng ra bên hông nhà cho khỏi choán chỗ. Đọc được ý nghĩ của tôi chăng, bằng cả một giọng điệu thật hãnh diện, cô vợ khoe rằng đây là một món “đồ cổ” mà cô mới “chộp” được với giá không dưới 5 trăm Úc kim. Nghe giải thích như thế, tôi thấy muốn rụng rời tay chân. Trời ơi, tôi nghĩ bụng, cổ hay không thì không biết chứ cũ thì phải nói là quá cũ. Cái thứ này mà quăng ra đường chắc chẳng ai muốn rước vào nhà cho thêm dơ và gây bệnh truyền nhiễm!
|
Với sự hiểu biết của một người sưu tầm đồ cổ, cô vợ trẻ phân bua rằng giá trị của “cái tủ” là tuổi của nó: nó đã được hơn một trăm tuổi rồi đó! Đây là cái tuổi mà chính phủ Úc cũng đã qui định để liệt kê nhà cửa vào hàng di sản văn hóa, được quyền “thi gan với tuế nguyệt”, nghĩa là không sợ bị đập phá. Trên đường về, nhìn đâu tôi cũng liên tưởng đến đồ cổ và giá trị của thời gian. Giá ngôi nhà cổ do ông cố tôi để lại mà được cha tôi giữ cho đến ngày nay thì chắc nó phải có giá, bởi vì tính ra cũng đã trên cả 2 trăm tuổi. Nhưng vốn xem trọng tính mạng con người hơn đồ cổ cho nên cha tôi đành phải gạt bỏ tình cảm và chữ hiếu qua một bên để đập phá ngôi nhà đã rệu rạo và xây lại một ngôi nhà mới. Những người nông dân chất phác như cha mẹ tôi cũng biết trân quý những gì ông bà tổ tiên để lại, nhưng không nhứt thiết xem thời gian như đơn vị để đo lường giá trị của một món đồ cổ. Tôi nhớ trong nhà tôi có một bộ chén bát rất quý. Cha tôi nói rằng đây là di sản của người Chàm trước khi người Việt nam tiến. Nhiều di tích trong làng tôi cho thấy người Chàm đã từng sinh sống ở đây. Thuở nhỏ tôi vẫn còn nhìn thấy những “mã hời” trong vườn hay ngay trên con đường cái “tư ích” (con đường đất trong làng). Sau 1975, những di tích ấy đã bị “đào tận gốc bứng tận rễ”. Riêng bộ chén bát quý trong nhà, cha tôi kể lại rằng thời ông cố tôi, khi đào móng xây nhà, gia đình đã tìm được một cái chum. Tôi không biết ông cố tôi có được vàng không, nhưng bộ chén bát đó chính là di sản quý giá mà trong lúc “chạy giặc”, người dân Chàm đã chôn vội xuống đất. Tôi chỉ tiếc một điều là với thời gian và vì nhu cầu phải xử dụng, bộ chén bát đó bị mòn và cuối cùng cũng theo thời gian mà biến đi đâu hết. Ngoài ra, lúc tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng mẹ tôi cũng mở một cái hộp và cho tôi xem những xâu đồng “điếu” không biết từ thời vua nào của Việt nam. Không rõ nguyên nhân nào mà những thứ đồ cổ ấy đã bay đi đâu hết! Không riêng gì những người nông dân thất học như cha mẹ tôi mới ít quan tâm đến đồ cổ, mà ngay cả mấy “quan chức” trước và nhứt là sau 1975 cũng chẳng màng đến những di tích lịch sử cần được bảo tồn. Tôi ở sát bên Thành Diên Khánh. Đây là ngôi cổ thành được kiến trúc giống y hệt như thành nội Huế, có đầy đủ bốn cửa đông, tây, tiền, hậu (chứ không phải nam bắc). Thuở nhỏ, tôi rất hãnh diện khi đi qua thành này, vì nghĩ rằng các vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng đã có lần “ngự giá” đến đây. Bên cạnh nhà lao là một ngôi nhà mà người lớn gọi là “bordel” (nhà thổ dành cho lính Tây). Tôi chỉ biết mỗi lần đi ngang qua ngôi nhà này, các bà các cô thường phải bỏ chạy bán sống bán chết vì bị mấy anh lính “lê dương” rượt. Đối diện với ngôi nhà này là một cái dinh mà lối kiến trúc trông cũng giống đền vua. Nhưng những trận pháo kích của Việt cộng đã khiến cho mấy ngôi nhà này đổ nát và về sau biến thành bình địa. Ngày nay, ngoài bốn bức tường bằng đất cao xung quanh thành, chẳng còn di tích nào để nhắc nhớ về ngôi thành lịch sử và vùng đất mà cha tôi thường gọi là “hoàng triều cương thổ”. Tôi thấy mình không còn được hãnh diện vì đã từng sống gần với ngôi thành lịch sử này. Mãi cho đến lúc ra khỏi nước, tôi mới bắt đầu ý thức về giá trị mà thời gian mang lại cho đồ cổ. Lúc mới đặt chân đến thủ đô Ánh sáng, tôi vừa bỡ ngỡ trước những cao ốc cổ xưa của mẫu quốc, lại vừa khó chịu khi nhìn vào những cánh cổng gỗ hay những tấm cửa sổ cũ kỹ, loang lổ. Thì ra, theo lời giải thích của các vị thầy của tôi, giá trị của những cánh cổng và cửa sổ này là ở cái tuổi của chúng: ngôi nhà nào càng có nhiều vật dụng bằng gỗ lâu đời thì càng có giá trị. Muốn sửa sang bên trong bao nhiêu cũng được, nhưng phải giữ nguyên cái bộ mặt cũ kỹ trông chẳng ra làm sao ở bên ngoài ấy! Bây giờ thì tôi mới hiểu được cái “giá trị” của cái tủ xấu xí mà cặp vợ chồng trẻ tôi quen mới tậu được. Tôi cũng hiểu được tại sao các thứ đồ cổ đều có giá. Thỉnh thoảng, vào ngày chúa nhựt, tôi thấy có những chiếc xe “cổ” không dưới 4,5 chục tuổi ì ạch chạy trên xa lộ. Tôi tin chắc rằng những người đang ngồi trên những chiếc xe đó không xem chúng như một phương tiện di chuyển cho bằng là một thứ “của cải” cần khoe ra. Hình dáng, mầu sắc, mẫu mã và tiếng động cơ của những chiếc xe ấy chỉ muốn lên nói một điều là chủ nhân của chúng là những người giàu có, sành điệu và dĩ nhiên quan trọng. Tôi cũng nghĩ đến người mới đây đã mua chiếc áo đầm nổi tiếng của nữ tài tử Marilyn Monroe với giá 46 triệu Mỹ kim. Cùng với thời gian, tiếng tăm lẫy lừng của cô tài tử này đã biến chiếc áo của cô thành một tài sản quý giá. Và dĩ nhiên, những người đang sở hữu chiếc áo này cũng “ăn có” để trở thành một người nổi tiếng. Nhưng ở đời lắm khi có những thứ ngược đời. Không phải cái gì càng có tuổi thì càng có giá, mà ngược lại. Có câu chuyện khôi hài nói về một tay săn đồ cổ sành điệu. Một hôm đi ngang qua một nhà đang bán “garage sale”, thoáng một cái, ông biết có nhiều món đồ cổ nằm lẫn lộn trong cái mớ “lạc-xoong”. Ông lập tức mân mê, săm soi hết món này đến món khác. Nhưng món nào, dù có đến sáu bảy chục tuổi, ông cũng chê là còn “trẻ” quá. Bị quấy rầy quá lâu mà vẫn không tìm được cái gì cho vừa ý ông khách khó tính, bà chủ nhà nói: “Ông à, tôi có hai món cổ hơn mấy cái này nhiều, ông có muốn mua không?” Ông khách sốt sắng trả lời: “Nếu mấy thứ đó có tuổi hơn mấy cái này là tôi mua ngay.” Bà chủ chỉ vô chính mình và nói: “Tôi đây, tám mươi chín tuổi. Còn ông nhà tôi đang nằm liệt trong giường thì chín mươi lăm. Cả hai chúng tôi đang chuẩn bị vô viện dưỡng lão. Như vậy có đủ tuổi để gọi là đồ cổ chưa?” Đương nhiên, ông khách đâu bao giờ muốn mua món đồ cổ sống mà bà chủ nhà vừa chào mời cho nên lặng lẽ rút êm. Câu chuyện khôi hài, nhưng cũng nói lên một sự thật phũ phàng: thời nay, dường như bậc thang giá trị đã bị đảo lộn. Những thứ lẽ ra phải trân quý lại bị khinh rẻ. Nhưng thứ chóng qua lại được đưa lên bàn thờ. Đồ vật và thú vật có khi lại được trân trọng hơn mạng sống con người. Tôi có ý nghĩ ấy khi so sánh mấy con bò Úc bị hành hạ trước khi giết chết tại Nam Dương với các thiếu niên tầm trú bị đẩy sang Mã Lai. Tôi không tán thành việc hành hạ súc vật. Nhưng nếu đem lên bàn cân để đong đếm trọng lượng đích thực của một em thiếu niên bị chở sang nhốt trong một trại tỵ nạn vô nhân đạo bên Mã Lai với chuyện đàn bò bị hành hạ tại Nam Dương thì tôi nghĩ rằng phẩm giá của em bé ấy đáng được người ta rầm rộ xuống đường để bảo vệ hơn đàn bò. Tôi cũng có ý nghĩ ấy khi nghĩ đến vô số những thai nhi bị sát hại mỗi ngày trên khắp thế giới. Không là đảo lộn bậc thang giá trị ư khi việc sát hại những mạng sống không có tiếng nói vô phương tự vệ lại được hợp pháp hóa, trong khi đó không thiếu những người lại ngày đêm tranh đấu cho điều được gọi là “quyền” của súc vật? Con người bị tước đọat quyền sống để cho súc vật được có “quyền”: như thế mà bảo bậc thang giá trị không bị đảo lộn ư? Mẹ tôi không biết chữ Nho, nhưng thỉnh thoảng bà cũng “xổ” Nho. Tôi vẫn nhớ mãi lời bà dạy: “tiền tài như phấn thổ, nghĩa trọng tợ thiên kim”. Tiền tài, hay “vật ngoại thân” và cái đuôi dài của nó là quyền lực, giàu sang, chức vị…rồi cũng qua đi. Duy chỉ có nhân nghĩa, tình người hay “vật nội thân” mới tồn tại muôn đời mà thôi. Không ai có thể sống mà không cần tiền tài vật chất. Nhưng một cuộc sống có ý nghĩa không thể nào không có những giá trị tinh thần như tình yêu thương, sự tôn trọng và chia sẻ các giá trị đạo đức cho người khác. Cái mà tôi thấy khó khăn nhứt là những khi tôi phải đặt mình trước sự lựa chọn giữ “vật ngoại thân” và “vật nội thân”. Chọn cái trước thì thường mất cái sau. Chọn cái sau thì thường là thua thiệt, mất mát. Thế nhưng, nghĩ cho cùng, chẳng có thứ “đồ cổ” nào trên trần gian này có tuổi thọ cao hơn những di sản thiêng liêng mà tổ tiên đã truyền lại trong tâm khảm mỗi người. Vừa không mất tiền mua, vừa không sợ mất cắp, một món đồ cổ như vậy cũng quá đủ đối với tôi.
|