Home Văn Học Tùy Bút Tròn mộng

Tròn mộng PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Thy   
Thứ Năm, 21 Tháng 7 Năm 2011 00:00
Nhưng, ước vọng của tôi không thể thực hiện được!
Vào thời thập niên 60-70, ở Sài Gòn, những rạp hát như Rex, Eden thường hay trình chiếu những cuốn phim Ngoại Quốc như: Ben Hur, Samson Dalida, v.v.. Những nam minh tinh màn bạc có thân hình như tượng đồng những bắp tay cuồn cuộn, vòng vai, vòng ngực nở rộng, bắp thịt bụng rắn chắc hiện thành 6 múi... có thể che chở và chống lại những bão táp phong ba đến với họ, đã làm cho tôi ngưỡng mộ những người hùng trong những cuốn phim đó. Không biết có phải tôi bị lậm phim ảnh quá không?

Có lẽ ước mộng của tôi về người yêu của mình cũng giống như bao cô gái khác, ở vào tuổi mới lớn. Nhưng sự mơ ước của mỗi người đều khác nhau về đối tượng của mình. Ước mộng của tôi tuy rất bình thường, nhưng hơi khó thực hiện....

Một hôm, tôi đi vào nhà sách Khai Trí để tìm mua vài cuốn sách Văn Phạm Anh Ngữ để trau dồi thêm cho phần Anh Văn, tôi rất say mê đọc sách đủ loại truyện và mê học Sinh Ngữ từ nhỏ, nên tôi đã ghi tên đi học thêm ở Hội Việt Mỹ và London School, mong là sau khi tốt nghiệp Văn Khoa môn Sinh Ngữ tôi sẽ có cơ hội đi du học Mỹ Quốc.

Trong thời gian này tôi cũng có ghi tên học Trường Quốc Gia Âm Nhạc với nhiều bộ môn: Ca Kịch Cổ Nhạc, Tân Nhạc, và Chèo Cổ Bắc Phần. Ba tôi thì rất mê nghe tôi hát chèo lắm, vì ông là người Bắc.

Tôi lướt qua kệ sách của những nhà văn Việt Nam, tôi thấy tên của một nhà văn nghe hơi lạ: Võ Hà Anh & Dung Sài Gòn, tôi bèn cầm lên, đọc thử xem họ viết gì nào. Ồ! Ông ta đang nói về sự huấn luyện gian khổ của Người Nhái. Nhưng mà Người Nhái là ai vậy? Họ như thế nào? Lúc đó tôi chưa thể mường tượng được Người Nhái, sao không giống như những sự tập luyện của những binh chủng khác mà chúng ta thường thấy ở những Quân Trường? Tôi đang đọc say sưa, quên cả việc vào tìm mua những cuốn sách Anh Văn mà tôi đã dự tính lúc ban đầu, thì có tiếng cô bán hàng hỏi:

- Cô có thích cuốn đó không? Cô có mua không?

Tôi vội gật đầu và nói:
- Dạ! Mua chứ!

Chắc cô ta để ý thấy tôi đứng đọc lâu quá! Chắc sợ tôi coi chùa. Tôi tìm mua thêm vài cuốn sách Văn Phạm và vội về nhà ngay để đọc tiếp đoạn hấp dẫn của cuốn sách vừa rồi!
* * *
 
Năm 1966, tôi đã được xem diễn hành Ngày Quân Lực 19 Tháng 6 của tất cả các Quân Binh Chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Tôi cũng có ý muốn chờ xem Người Nhái ra sao, và tôi đã thấy đoàn diễn hành của Liên đội Người Nhái, trang phục rất lạ ngồi trên chiếc xuồng cao su, còn chiếc xuồng khác thì các anh thân hình trần không áo, màu da sạm nắng, hàng đứng bốn thanh niên với thân hình lực sĩ giống như tôi thường thấy trong những cuốn phim mà tôi đã kể ở trên, mình trần, quần “short” vàng, da sạm nắng bóng như những tượng đồng đen, tay cầm khẩu Tiểu Liên trông thật oai hùng.

Kể từ đó, tôi bắt đầu mơ màng về Người Nhái, nhưng làm sao mình có thể quen và được tiếp xúc với họ. Nhưng rồi thời gian đi qua tôi không còn ở tuổi mơ mộng đó nữa, nhưng vẫn cứ mộng mẫu người trong mơ!

Tôi đang cố gắng hoàn tất chương trình Văn Khoa và song song trong thời gian nầy tôi cũng vẫn tiếp tục học Anh Văn để thực hiện ước mộng của mình.

 

Nhưng, ước vọng của tôi không thể thực hiện được! Vì ba tôi đã mất trong khoảng thời gian nầy, nên ước vọng của tôi cũng tan theo, tôi phải nghỉ học để đi làm, nhưng không dám thi vào làm trong Tòa Đại Sứ Mỹ, (vì lúc còn sống, ba tôi sợ tôi sẽ lập gia đình với người Mỹ nếu vào làm việc trong đó).

Vì tình trạng gia đình đang gặp khó khăn sau khi ba tôi là cột trụ của gia đình đã về miền vĩnh cửu, tôi bắt đầu bước vào ngành ca hát. Tôi xin vào hát những phòng trà ở Sài Gòn vào mỗi tối, và vừa đi làm việc trong Đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương. Trong đoàn công việc cũng nhàn nhã, mỗi tháng chỉ đi công tác xa một lần. Đoàn văn nghệ chúng tôi đi viếng thăm, trình diễn văn nghệ giúp vui cho các anh quân nhân trên bốn vùng chiến thuật, đến những nơi tiền đồn hẻo lánh và những vùng duyên hải xa xôi….

Có những vùng mà chúng ta nghe địa danh cũng đã thấy não nuột rồi, đó là Dãy Phố Buồn Thiu. Trực thăng chở chúng tôi lướt qua vùng miền Trung nghèo nàn nầy, trên một vùng rộng mênh mông cát vàng như sa mạc, giáp cận bờ biển, cây cối không sống nổi với vùng đất cát khô cằn nầy....

Giữa vùng cát vươn lên một dãy phố chợ dài khoảng 10 căn, với vài căn nhà lợp tôn (tôle) rải rác. Nơi đây bán toàn là hải sản được đem về từ biển cả. Nhìn cảnh vật đìu hiu đó thật đúng với địa danh Dãy Phố Buồn Thiu!
***
Chuyến viếng thăm trên căn cứ Hỏa Lực An Đô nhìn xung quanh cảnh vật thật hùng vĩ, núi đồi trùng điệp quanh năm sương mù phủ khắp triền núi, triền đồi, vì vị trí căn cứ nằm trên đỉnh núi thật cao, chúng tôi được các anh quân nhân tại căn cứ hướng dẫn và giải thích những điểm đặc biệt về vị trí chiến lược nầy là nhằm bảo vệ cho các ngọn đồi chiến thuật án ngữ con đường mòn Hồ Chí Minh giáp biên hạ Lào, các ngọn đồi chiến thuật đó đều nằm trong vòng bảo vệ tác xạ của xạ biểu đồ Sơn Pháo. Việc di chuyển đều nhờ vào trực thăng. Còn đi đường bộ rất nguy hiểm vì đường cong của các đèo và thung lũng, các anh quân nhân trú đóng nơi đây 3 tháng mới được thay toán khác. Thức ăn thì toàn là lương khô và chúng tôi cũng được khoản đãi một bữa bằng lương khô của quân đội. Tôi còn nhớ chúng tôi đến nhằm vào mùa hè mà cũng bị lạnh run vì những cơn gió thốc từ bên dưới triền núi. Các anh lính ở đây đều phải mặc áo lạnh quanh năm suốt tháng.

Vào thời điểm này, chiến tranh đang xảy ra thật tàn khốc khắp nơi, những lần đi công tác xa ở những vùng chiến trận thật sôi động như tại Quảng Trị. Vào thời đó miền Nam chúng ta đã bị mất phần đất từ vĩ tuyến 17 đến bờ sông Thạch Hãn. Khi Đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương chúng tôi đến viếng thăm và tổ chức văn nghệ để ủy lạo các chiến sĩ thuộc đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đang trấn đóng tại đây, chúng tôi được các anh quân nhân đưa ra bờ sông Thạch Hãn để được nhìn về phía bên kia, cảnh vật điêu tàn đổ nát sau trận chiến lấn đất dành dân và những cuộc khẩu chiến giữa hai bên vẫn xảy ra hàng ngày. Chúng tôi đến Huế, Đà Nẳng, Pleiku, Kontum, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Bình Long, Củ Chi, Trảng Bàng v.v..

Ban Mê Thuột, địa danh của vùng đất đỏ mưa mùa gió núi! Quả thật vậy, chúng tôi đã đến trong một buổi sáng khi đặt chân xuống phi trường giữa cơn mưa gió lạnh của mùa Đông. Nhìn xa xa những hạt mưa rơi xuống phản chiếu ánh sáng mù mờ của buổi ban mai như những sợi tơ dài phất phơ theo chiều gió lộng mang theo luồng giá buốt. Chúng tôi vào câu lạc bộ tại phi trường uống cà phê đặc sản của vùng nầy. Chúng tôi ngồi thu mình ở một góc phòng tránh gió cho đỡ lạnh, mặc dầu có đem theo sẵn áo len ấm. Vì là phi trường vùng đồi núi cao nguyên không có hành khách bao nhiêu, thường thường là cho quân sự sử dụng. Chúng tôi ngồi chờ xe của Tiểu khu ra đón.

Đêm nay chúng tôi trình diễn cho các anh được đổi phiên từ các đỉnh đồi chiến thuật về chung vui. Họ bước vào hội trường với gương mặt tái lạnh vì giá buốt. Họ xúc động với tình người hậu phương mang tình thương an ủi sưởi ấm đến cho họ trong đôi giờ giải trí giữa vùng đồi núi hoang vu sương mù đất đỏ.

Sau khi đi thăm viếng các nơi. Tôi cảm thấy thương những người lính, những người đã đem xương máu và mồ hôi tưới lên khắp chiến trường để cho người dân có được sự yên ấm, an lành. Những buổi chúng tôi trình diễn cho các anh chiến sĩ trở về từ mặt trận, những gương mặt còn vương mùi khói súng, những bộ đồ trận còn dính đầy sình, rách tả tơi, và những anh thương binh nằm dưỡng thương nơi hậu cứ, đang nằm trên những băng ca xem chúng tôi hát. Ôi! Thương làm sao, những người đã góp máu giữ quê hương.
 
Trong một buổi thu thanh thơ cho Ban Thi Văn Mây Tần của chú Thi Sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà, tôi có dịp gặp chú Nhạc sĩ Lê Dinh đang làm Chủ Sự phòng điều hợp của Đài, sau khi nghe tôi đọc lời giới thiệu của Ban Thi Văn, chú Lê Dinh cho tôi biết là tôi có khả năng làm xướng ngôn viên, chú mời tôi qua phòng thi. Và sau khi thi đọc qua nhiều thể loại, tôi được tuyển chọn vào ngành. Và cũng từ đó tôi nghỉ việc trong Đoàn Văn Nghệ Hoa Tình Thương.

Một buổi trình diễn quan trọng tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc của Bộ Văn Hóa Giáo Dục do Quốc vụ Khanh - Ông Mai Thọ Truyền tổ chức để trình diễn bộ môn Văn Nghệ Cổ Truyền của Dân Tộc cho các phái đoàn Ngoại Giao đến tham dự. Chủ tọa buổi lễ hôm nay là Thống Thống Nguyễn Văn Thiệu và Phu Nhân.

Chúng tôi đang tập dượt ca hát trước khi trình diễn màn hợp xướng ba nhạc phẩm Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương. Tình cờ, tôi thấy một số người đi ngang qua cửa sổ phòng nhạc của chúng tôi, trong số đó có một người gương mặt hơi ngâm đen sạm nắng, tóc anh dợn quăn nhẹ, có vẻ giống như cầu thủ của đội bóng tròn, gợi cho tôi sự chú ý đặc biệt. Tôi có cảm giác hình như tôi đã gặp ở đâu rồi nhỉ! Họ đang nhìn vào và cười với chúng tôi, như là muốn làm quen thì phải. Và sau cùng các anh ngỏ ý muốn mời chúng tôi qua Câu Lạc Bộ của Phủ Tổng Thống, tôi cũng đánh bạo đi theo các cô bạn, nhưng trong lòng hồi hộp và cũng hơi run.

Lúc đó, chúng tôi mới được biết các anh cùng làm việc trong Khối Cận Vệ của Phủ Tổng Thống đang kiểm soát lại vấn đề an ninh, bảo đảm an toàn cho các vị yếu nhân trong đêm nay. Nhưng anh chàng có nét đen sạm rắn rỏi đó, theo sát và nói chuyện riêng với tôi mãi, làm cho tôi thật là hồi hộp và cảm thấy ngượng ngùng. Tôi tự hỏi “Không biết có phải anh là người mà tôi mong được gặp gở hay không? Nhưng sao trong lòng nghe rung động chi lạ!” Đang say sưa với ý nghĩ lạ lùng đó, tôi... giật mình... khi nghe các anh đề nghị mời chúng tôi đi Cát Lái chơi môn Ski Nautique (trượt nước), mọi người đều đồng ý. Trên đường đi, anh có kể chuyện cho tôi biết, trước khi ở trong ngành này (Sĩ Quan Cận Vệ) anh đã xuất thân từ đơn vị Người Nhái. Tôi bỗng giật mình, nghe xao xuyến, nhớ lại mộng ước... và đối tượng của tôi từ hồi còn thơ ngây....

Khi đến nơi, bạn của anh là anh Trương Nghĩa Thành ra đón chúng tôi vào chơi Ski. Trong lúc anh đang lái chiếc ca-nô, để cho anh Thành chạy Ski, thì trong đầu tôi đang xáo trộn dấy lên với nhiều ý nghĩ....

Bỗng chiếc ca-nô chao mạnh nghiêng qua như muốn lật, tôi giật mình... chụp ngay cánh tay của anh... cánh tay của anh thật rắn chắc, như sắt thép. Luồng hơi nóng ấm từ anh chuyển sang tôi như mang theo cả sức mạnh lan truyền.... Trong lúc đó anh đang giữ vững tay lái để giữ thăng bằng chiếc ca-nô. Tôi đỏ mặt, ngượng quá! Vội buông tay anh ra, và ... không dám nhìn anh.... Anh Thành đổi tay lái với anh, đến phiên anh chạy Ski....

Và sau buổi gặp gỡ đó, chúng tôi cảm thấy như có tiền duyên và chúng tôi bắt đầu yêu nhau với những buổi hẹn hò tiếp nối. Chúng tôi đã làm lễ thành hôn tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan An Đông, vào thời Mùa Hè Đỏ Lửa nên chỉ diễn ra trong vòng thân mật giữa gia đình, các bạn học, và những bạn nghệ sĩ rất thân mà thôi.

***
Đến ngày 30-4-75 Miền Nam mất vào tay bọn Cộng Sản khát máu.... Những tên VC nằm vùng lộ mặt theo dõi chúng tôi từng giây từng phút.... Tôi còn nhớ rõ anh như con cọp lìa rừng bị loài lang sói giỡn mặt. Nhiều lúc tôi thấy mặt anh như đanh lại đôi mắt anh như rực lửa căm hờn....

Rồi anh cũng phải vào tù như những Sĩ Quan khác... ”học tập” để biết đường lối mới của Đảng. Còn tôi cũng bị đi “học tập” trong ngành Truyền Thông tại Đài Phát Thanh Sài Gòn. Họ bảo, tôi là Xướng Ngôn Viên, tôi đã gián tiếp có tội ác với nhân dân vì bản tin viết ra tôi đã đọc cho thính giả nghe, đó cũng là có tội. Nói chung, đối với Cộng Sản thì tất cả đều có tội, chỉ ngoại trừ Đảng Cộng Sản của họ.

Sau tháng tư, 75. Tôi là một người vợ của ngụy quân hay là tù cải tạo. Tôi chỉ biết nhớ thương chồng qua hình bóng của con (vì nó giống anh như đúc). Tôi thường thầm nhủ: Cảm ơn anh đã cho em đứa con, nó như là sức mạnh nung đúc nghị lực cho em. Có nhiều lúc em nhớ anh nhưng không dám nghĩ đến những gì có thể xảy ra! Tôi lo sợ vì biết tánh của anh rất can cường.

Lúc đó, con trai tôi được 6 tháng, không biết lấy gì để nuôi con? Tôi đã gom hết những áo dài cũ mới và tất cả đồ trang sức, luôn cả những vật gì trong nhà có thể bán được, đưa cho một người bạn đem bán ở chợ trời để có tiền mua sữa cho con, nhưng rồi cuối cùng tôi không còn vật gì để bán, tôi đành dứt sữa cho con, và tập cho nó ăn cơm gạo mục và mốc (lúc đó dân sắp hàng dài chờ đợi để được mua gạo như vậy đó, nên khi vo gạo phải vo nhẹ nhẹ nếu không sẽ bị nát). Tôi cố gắng nuôi con bằng đủ mọi cách để chờ chồng.

Hoàn cảnh của tôi thật không còn con đường nào để tính, vì không biết buôn bán như các chị em khác, bao nhiêu nhọc nhằn, cay đắng tôi nhận lãnh thật bất ngờ sau tháng Tư đen-75. Đã hơn ba tháng rồi mà tôi không nhận được tin tức gì của anh, chớ đừng nói đến thăm nuôi, lúc đó bên ngoài gia đình và dân chúng đã hoang mang than oán. Đến tháng thứ tư, tôi nhận được thư anh gởi về từ trại cải tạo, tôi vui mừng biết rằng anh vẫn còn yên lành. Nhưng... chỉ có 2 ngày sau tôi nhận được tin anh đã trốn thoát trại tù Thành Ông Năm và đang ở tạm nhà người dì của tôi. Anh không về nhà vì biết bọn Việt Cộng đang theo dõi.

Tôi vừa mừng vừa lo sợ, buồn vui lẫn lộn. Nhưng anh không thể ở đâu được lâu, vì bọn Việt Cộng thường hay lùng xét để bắt phản động, Việt Cộng thường dùng “bọn 30″ theo dõi hành động của dân. Anh cho biết anh muốn đi tìm những đường dây kháng chiến để sát nhập với anh em cùng chống lại bọn Việt Cộng cho nên anh tìm cách trốn ra. Anh phải sống như những người dân du mục nay Sài Gòn, mai miền Tây, mốt miền Đông mà trong người thì không tiền. Với chiếc xe đạp mượn của một người bạn, anh đạp cả ngày từ Chợ Lớn ra Sài Gòn hay ngược lại, anh phải sống nhiều ngày với nải chuối trên xe, vì nếu ngừng lại thì sẽ bị công an khám xét. Vì anh không muốn liên lụy đến những người bạn nên có nhiều đêm không có chỗ ngủ, anh phải mướn chiếu để ngủ ở Nhà Ga Xe Lửa Sài Gòn hay Xa Cảng miền Tây. Có những lúc mang con, gặp lén anh ở những quán Café vỉa hè và các quán ăn, anh cho biết đêm nay anh không biết trú ngụ ở đâu. Trời ơi! Lòng tôi thật đau đớn vô cùng, tôi cố nén lòng, mà như ai bóp nát tim tôi, cố dằn nhưng nước mắt cứ đoanh tròng..., tôi không biết làm sao để giúp được cho anh....
May mắn tôi được sự giúp đỡ của một người bạn thân của anh tôi trở về từ Thụy Điển giúp cho vào làm việc cho một công ty của ông ta với số tiền lương nhỏ.

Tai ách lại đến với anh.
Một hôm, anh hẹn tôi gặp anh ở một điểm hẹn gần sở làm của tôi để giao lại cho tôi chiếc xe đã gắn cái yên nhỏ để chở con phía trước thay vì phía sau sợ con bị kẹt chân. Khi đến điểm hẹn, anh giao chiếc xe cho tôi rồi bảo: “Chạy gấp đi vì anh đang bị theo dõi”, tôi không dám đứng lâu vội lên xe chạy đi. Anh nói vói theo như một lời trối trăn: Cố gắng nuôi con nghe em!

Trên đường về nhà tôi thật lo lắng! Vì anh chỉ có giấy giả, mà lại mang tên giả! Người tôi như chùn xuống không còn sức chịu đựng nữa, đêm đó tôi bồn chồn thao thức, hình như đã xảy ra chuyện không may đến anh, tôi buồn rầu vật vã mãi cho đến sáng.

Sáng hôm sau, vào sở làm, tôi vẫn còn nhiều câu hỏi trong đầu về anh, thì anh bạn gọi tôi vào văn phòng và cho tôi biết, chồng tôi đã bị bắt tối hôm qua và hiện đang bị giam trong phường Công An Huyện Sĩ, họ mời tôi qua gặp họ để điều tra. Tôi vừa nghe, nước mắt tôi đang chực để trào ra, tôi ngồi phệt xuống ghế, và không biết tôi đang làm gì! Tâm trí tôi lúc đó đang quay cuồng, lo sợ họ sẽ xử tử anh vì biết anh đã vượt tù…. Phần thì lo sợ nếu tôi bị mất việc sẽ không có tiền nuôi con.... Đang miên man suy nghĩ thì hình như anh bạn của anh tôi cũng hiểu sơ ý tôi nên anh nói: “Cô đừng lo! Qua thăm anh ấy đi, có cần gì anh sẽ giúp cho, rồi trở lại làm việc sau”. Tôi vội qua Phường Công An thăm anh, tôi gặp tên công an trưởng, và hắn cho biết:

- Chồng chị, đã trốn trại học tập, về Sài Gòn, sao chị không báo cáo cho Chính Phủ Cách Mạng? Dám đánh Công An để chạy trốn nhé!

(Lúc đó, tôi nổi nóng nên không sợ gì cả) Xin lỗi! Tôi không thể báo cáo được, vì các anh đã hứa học tập chỉ có 10 ngày, nhưng không đúng như lời hứa, nên chồng tôi phải trốn ra....

Thì vừa lúc đó chúng dẫn chồng tôi ra, anh đi không nổi, tên lính công an dìu anh ra. Nhìn anh với thân hình tiều tụy và gương mặt trỏm lơ vì thiếu ngủ, lòng tôi se thắt lại, tôi không cầm được nước mắt (sau này anh kể lại đêm đó sau khi bắt được anh, chúng treo anh lên hổng mặt đất và 2 tên Công An thay phiên nhau đánh đấm vào ngực, bụng anh túi bụi, sau khi chúng thả anh xuống, hai tay anh không nhấc lên được). Tôi đau xót vô cùng, nhưng anh sợ tôi khai không giống như lời khai của anh, sợ liên lụy đến anh em cùng hoạt động trong thành phố, nên anh vội nói khi gặp tôi:

- Em nói cho mấy anh này biết là anh nhớ mẹ con em nên anh trốn trại về và ngủ ở nhà ga xe lửa.

Sau khi được anh nhắc, tôi cũng lập lại lời anh nói với bọn công an. Thấy không khai thác gì được ở tôi, nên tên công an trưởng bảo dẫn chồng tôi vào và cho tôi về. Ngày hôm sau tôi đến đó hỏi thăm, thì họ cho biết đang chuyển anh qua trại tù Quận Nhì Sài Gòn. Chúng không trả anh trở về trại học tập cũ, có lẽ bọn chúng sợ anh sẽ trốn nữa. Tôi vội chạy đi mua một số thức ăn đi thăm anh, nhưng bọn chúng không cho gặp mặt, chỉ cho gởi thức ăn vào thôi! Cũng cùng lúc đó, thì chiếc xe chở tù cũng vừa ngừng lại trước cổng Quận Nhì, tôi vội chạy theo đưa thức ăn cho anh và chỉ kịp nhìn bóng anh khuất sau cánh cửa trại tù. Ôi! Cánh cửa oan nghiệt đó đã đóng kín chia cắt tôi và anh, tưởng như là vĩnh viễn... không gặp lại anh. Anh ơi!

Kể từ đó, tôi bặt tin tức của anh, buồn bã, thất vọng, tôi không biết tâm sự cùng ai! Nhưng, trong nỗi thất vọng đó, tôi cũng rất tin tưởng ở anh, và hãnh diện ở anh, Người hùng của tôi.

Lần vượt tù thứ nhất anh đã vượt qua những hàng rào kẽm gai kiên cố bao quanh trại học tập. Được biết theo lời Ban Quản Giáo của bọn Việt Cộng mỗi khi bắt lại được những Sĩ Quan nào trốn trại chúng đem ra sân cờ xử bắn để hăm dọa những người còn lại: “Các anh đừng hòng trốn thoát khỏi nơi đây, cho dù một con kiến cũng không lọt được”. Nhưng chúng đã lầm! Sau bốn tháng, tại Thành Ông Năm, Hốc Môn, bất chấp lời hăm dọa của bọn chúng, đã có một Người Nhái vượt được khỏi vùng kiểm soát của lính canh và mười mấy lớp kẽm gai bao bọc. Anh đã cho chúng thấy sự gan lì của một Sĩ Quan QLVNCH đã không e ngại vì những lời hăm dọa đó. Anh đã ra khỏi trại mà chúng cũng không hay biết.

Tôi luôn nghĩ, anh vẫn còn sống và anh sẽ tranh đấu để sống còn, để còn có một ngày.... Anh thường suy nghĩ rất nhiều về thế hệ tương lai con cháu... sau này.

Sáu tháng sau khi bị bắt lại, chúng giam anh ở Quận Nhì, tôi nhận được thư anh là bọn chúng cho phép lên thăm nuôi, nhưng không phải ở Quận Nhì mà lại là trại Phản Động K3, ở Gia Rây, tỉnh Long Khánh. Tôi vội vàng làm những món ăn để anh có thể giữ ăn được lâu và mang con theo lên thăm anh. Trong thư anh dặn mang theo café và vài đòn bánh tét.

Sáng sớm ngày Chúa Nhật, tôi và con tôi đi xe lửa từ Sài Gòn đến Gia Rây, Long Khánh thăm anh. Trưa thì đến nơi, trại tù này nằm trên một ngọn đồi cao, chung quanh có nhiều hàng rào kẽm gai bao bọc thật kiên cố. Tôi phải chờ đợi đến gần chiều tối mới được thăm anh. Trông anh sức khỏe khá hơn lúc gặp ở trại tù Quận Nhì, chúng tôi được gặp nhau trong vòng 15 phút, thằng bé lâu quá không gặp mặt ba nên lạ, cứ nhìn ba mà khóc hoài, tôi thật xót xa. Anh hỏi qua loa về những chuyện nhà, khi thấy tên công an lơ đãng anh ghé vào tai tôi nói thì thm:

- Khi nào trời có mưa, em nhớ cầu nguyện cho anh!

Tôi giật mình tôi hỏi nhỏ giọng lo lắng:

- Anh... anh định… trốn nữa hả!

Anh không trả lời, nhưng tôi thấy ánh mắt sáng ngời của anh hiện lên nét cương quyết. Tôi gật đầu nhẹ vì tôi rất hiểu ý của chồng tôi khi mà anh quyết định việc gì thì có thể nói là không có gì lay chuyển anh được!

Anh chỉ lấy cà phê với mấy đòn bánh tét nhỏ, còn lại bao nhiêu đều để lại cho tôi đem về, vì anh biết khi đi thăm nuôi là tôi phải bán đi một vật kỷ niệm nào đó của chúng tôi. Tôi nghẹn ngào.

Tôi đứng lên từ biệt anh mà lòng đau như dao cắt. Trời đã bắt đầu tối, tôi bồng con đứng nhìn theo anh đang lầm lũi theo đoàn tù cải tạo hướng về trại giam mà dòng nước mắt tuôn tràn. Anh ơi!

Tôi bồng con vội vã ra nhà ga xe lửa cho kịp giờ khi đến nhà ga thì cũng vừa kịp chuyến xe lửa từ Nha Trang tới, khi lên được xe lửa thì trời tối đen như mực, đưa bàn tay lên không nhìn thấy gì cả, vì xe lửa không có đèn.

Tôi rất lo lắng cho anh, lòng tôi đang rối loạn vì không biết lúc nào thì anh sẽ vượt tù? Và anh vượt ra có an toàn không?
Vì tôi cũng có nghe vài người vượt tù bị bắn chết, bọn chúng đem thây người chết mà vùi dập tại chỗ.... Tôi miên man với nhiều ý nghĩ lo buồn bỗng giật mình vì nghe tiếng mưa rơi.... Trời ơi....

Anh. Anh ơi! Em đang thầm cầu nguyện cho anh....

Vì tối quá, con tôi nó khóc mãi cho đến khi về tới Sài Gòn. Tôi về đến nhà thì đã 12 khuya dưới cơn mưa tầm tã.

12 giờ trưa hôm sau, tôi được một người em bà con cho hay anh đã trốn thoát một lần nữa và đang có mặt tại Sài Gòn. Anh đến tìm người em của tôi nhờ cho tôi hay!

Đêm qua tôi về đến Sài Gòn cũng là lúc anh trốn trại vượt qua bao hàng rào kẽm gai kiên cố và nhất là Bãi Mìn đầy nguy hiểm để tìm tự do. Anh chạy bộ 35 cây số dọc theo đường rầy xe lửa từ Gia Rây về Long Khánh với một anh Trung Úy Bộ Binh, cả hai cùng ôm vai nhau làm thành khoảng cách như giữa 2 bánh xe lửa, rồi cùng chạy trên đường rầy.... Khi về đến Long Khánh, hai anh đáp xe lửa về Sài Gòn vào trưa hôm sau.

Tôi thầm nghĩ “Người Nhái Hải Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã làm cho bọn Cộng Sản thấy rõ ý chí can cường bất khuất của một người lính thiện chiến VNCH”.

Sau đó, anh lẩn trốn rất nhiều nơi và cũng suýt bị bắt mấy lần, trước khi được một người bạn giúp đỡ tìm cách rời khỏi Việt Nam để tìm thuốc “chữa bệnh”.
***
Cuộc vượt biên đầy nguy hiểm

Một đêm hồi hộp phập phồng, vì mấy tên công an đi dòm ngó vòng quanh, vì tất cả những người vượt biên đều ngủ tạm tại bến xe đò Cần Thơ để chờ sáng. Khoảng 4 giờ sáng được người liên lạc của trong tổ chức tại địa phương hướng dẫn xuống bến Ninh Kiều và tất cả đều xuống đò đưa ra trên hai chiếc ghe chài đậu ở giữa sông, sau khi kiểm soát người đủ chiếc ghe chài trực chỉ ra cửa biển Tranh Đề, trên đường đi tất cả đều chui xuống khoang ghe, còn trên thì được ngụy trang đồ đạc chất đầy.... Ghe chạy gần tới biển thì gặp chiếc ghe đánh cá Kiên Giang cập vào, tất cả leo qua ghe đánh cá này để vượt biên, khi qua chiếc ghe này mọi người cũng phải trốn dưới khoang chứa cá. Khi ra đến cửa biển thì trời đã tối, tất cả mọi người đều vui mừng vì được ló đầu ra khỏi khoang ghe để thở không khí trong lành. Nhưng ghe chạy chưa được bao lâu thì lại vướng lên cồn cát, tất cả mọi người đều xôn xao lo sợ vì có nhiều người đi trên ghe này đã bị bắt nhiều lần, có người bị bắt lại 9–10 lần, nên họ đã mất hết tài sản rồi, nếu bây giờ mà bị bắt lần nữa thì hết mong vượt biên. Còn về phần chúng tôi được người bạn thân gởi đi nhờ nên anh không phải là tài công....

Vì cùng đi chung một chiếc thuyền nên phải tự cứu mình, anh đứng ra kêu gọi tất cả trên ghe phải nghe theo anh sắp xếp tất cả đàn ông và thanh niên. Chỉ định cứ hai người làm thành một tổ. Anh nói:

- Bắt đầu các anh xuống nước lấy chiếc ghe làm chuẩn, mỗi tổ chia ra đều xung quanh ghe, hướng mặt ra ngoài và đi ra khỏi ghe khi nào các anh gặp chỗ sâu ngang cổ thì la lên.

Tất cả đều làm theo, trong lúc đó tiếng cầu kinh của các bà thì thầm khấn vái trong gió biển dạt dào.

Khoảng độ 15 phút sau nghe có tiếng la to: “chỗ nầy nước sâu lắm bà con ơi!” Tất cả vui mừng cùng đẩy chiếc ghe đến chỗ nước sâu rồi anh tài công mở máy chạy thẳng ra biển. Nhưng chỉ chạy được vài trăm thước thì máy bơm nước trong ghe ra bị bể, mọi người lại lo sợ nữa. Anh liền lựa ra ba người lớn tuổi làm trưởng toán rồi chia thanh niên ra làm ba toán thay phiên nhau tát nước trong ghe ra ngoài.

Kể từ giờ phút đó anh trách nhiệm lái chiếc ghe vì anh có hỏi qua tài công không rành đường đi trên biển (hay có ý riêng tư?)? Anh vào phòng lái và lái ghe đi theo hướng anh đã định.

Đến sáng hôm sau trời còn lờ mờ nhưng mọi người vì lo lắng nên đã thức dậy. Anh chỉ cho mọi người thấy hòn đảo Côn Sơn phía bên trái của chiếc ghe và nói:

- Mình đã đi đúng đường rồi! Ghe sẽ đi thêm ba tiếng đồng hồ nữa thì đến hải phận quốc tế....

Mọi người trên ghe đều vui mừng.

Giữa cảnh trời nước bao la tôi cảm thấy mình như quá nhỏ bé so với mặt đại dương mênh mông. Nhưng tôi đã có anh bên cạnh nên những hãi hùng lo sợ đã nhường lại cho bóng mát của niềm tin yêu....

Tôi ôm con ngồi dựa cột cờ nhìn anh làm việc mà lòng xúc động. Anh vẫn hiên ngang trước mọi biến cố. Rất cương quyết bất chấp hiểm nguy, nhận lãnh trách nhiệm. Và anh đã hoàn thành. Đưa tất cả là 59 người đến bến bờ Tự Do. Trên một chiếc ghe hư hại nặng mang số KG-0660 không được sửa chữa, “chai” trét ghe đã bị sóng biển vỗ tróc ra nên nước biển vào rất nhiều, ba toán thanh niên phải vất vả tát nước suốt hải trình từ Việt Nam đến Mã Lai hai ngày hai đêm rưỡi, trên ghe độc nhất chỉ có la bàn....

Khi anh lái ghe theo lộ trình của Hải Tiêu vừa vào đến bờ chiếc ghe ủi lên cồn cát thì ghe rã ra và chìm xuống nước. Tất cả mọi người đều nhảy xuống biển, mặt nước ngập sâu đến ngang cổ... mọi người đều bồng bế nhau và lội vào bờ của đất nước Mã Lai....

Chúng tôi đứng nhìn chiếc ghe tan rã chìm vào lòng biển cả, cảm nghĩ đó như thân hình bệnh hoạn yếu đuối của Mẹ Việt Nam nhưng vẫn cố gắng đưa đàn con thân yêu thoát khỏi vòng tù ngục cộng sản... và đã trút hơi tàn... để vĩnh viễn trở về với lòng biển lạnh ngàn đời! Hỡi ơi! Mẹ Việt Nam!
***
Chồng tôi đã sống lại từ cõi chết của ngục tù Cộng Sản, tôi nghĩ mình còn được may mắn hơn những chị em đã phải nhận xác chồng qua trận chiến tranh tàn khốc, hoặc tìm xác chồng trong các trại cải tạo xa xôi qua cuộc trả thù người đồng chủng của bọn Cộng Sản vừa qua....

Tôi ngậm ngùi thương cho thân phận người Việt Nam chúng ta... Tôi rất hãnh diện và tự hào về anh nói riêng và nói chung cho tất cả các anh chiến sĩ Quân Lực VNCH, những người vợ lính đã chịu đựng những sự nhọc nhằn, ngược đãi của chế độ cộng sản phi nhân.
 
Trong cuộc đời này và... mãi mãi chúng ta vẫn hãnh diện là người vợ lính VNCH. Chúng ta đã khổ sở, phải chịu nhục nhã và vợ chồng phải sống cách xa nhau. Những cảnh phân ly chồng vợ do bọn Cộng Sản gây nên, chúng ta may mắn vì đã được đoàn tụ. Vậy thì chúng ta phải quý mến những chuỗi ngày còn lại cho đến ngày tàn của cuộc đời chúng ta, phải không các chị? Đó là câu tâm niệm của tôi.

Chúng ta đã vượt qua mọi trở ngại mọi khó khăn mới có được ngày hôm nay thì xin hãy quý trọng giữ gìn hạnh phúc và lo cho con cháu chúng ta sau nầy... và nếu hoàn cảnh đã không cho phép để thực hiện những gì mà chúng ta muốn, thì hãy cố gắng gầy dựng cho thế hệ mai sau nối tiếp con đường mà cuộc đời của chúng ta phải bỏ dở dang....

Mẹ Việt Nam ơi! Chúng con cầu mong sẽ có một ngày trở về Việt Nam trong quang đãng, thanh bình, ấm no hạnh phúc và Tự Do. Nghĩa là trên toàn cõi đất nước Việt Nam không còn bóng dáng ác quỷ Cộng Sản dã man!
Mai Thy