Muốn vươn tới trái chín mọng xum xuê trên cành cao nhất thì có khi ta hụt mất hạnh phúc trong tầm tay.
|
Sinh thời, nhà văn Mai Thảo thường kể chuyện lần đầu phỏng vấn Quỳnh Giao.
Viết thế thì có vẻ quan trọng lắm, sự thật lại không như vậy! Lần đầu gặp nhau, ông nhà văn khó tính và có cái vẻ rất “đài” đến nhà Minh Trang ở đường Cao Thắng để tập kịch. Hình như là vở kịch “Bão Thời Ðại” của Trần Lê Nguyễn. Còn lần phỏng vấn thì hình như là cho tờ Kịch Ảnh.
Nghĩ lại thì thấy ngày xưa loại sinh hoạt mà ta gọi là “văn nghệ” cũng rất phong phú.
Thân mẫu Quỳnh Giao làm xướng ngôn viên và biên tập viên Việt và Pháp ngữ. Ngẫu nhiên cụ bước qua máy vi âm kia thành nữ danh ca thời phôi thai của tân nhạc. Khi nghỉ hát thì trở lại làm đài phát thanh, trong khi con bé Ðoan Trang của ban thiếu nhi Tuổi Xanh thì thay mẹ vào đài với nghệ danh là Quỳnh Giao.
Còn Mai Thảo thì làm đủ nghề với ngòi bút: viết văn, cùng bằng hữu dựng lên tờ Sáng Tạo, và phụ trách mấy tạp chí về điện ảnh. Ông còn có một nghề vặt nữa là xem phim, đặt tên và viết lời tựa cùng tóm lược nội dung trên các tờ quảng cáo mà ta gọi là “chương trình,” in màu xanh đỏ rất bắt mắt.
Ngày xưa, chúng ta xem phim Mỹ là do các nhà phát hành Paris đưa qua Sàigòn với tên Tây và giọng Pháp. Nếu tinh ý có khi sẽ thấy John Wayne nói tiếng Tây với giọng lè nhè của tài tử Jean Marais chẳng hạn! Vào đến Sàigòn thì cuốn phim Mỹ lại có thêm tên Việt. Nếu có vẻ văn hoa hấp dẫn thì đôi khi là nhờ ngòi bút Mai Thảo. “Tóc em chưa úa nắng hè,” hoặc “Tình thù rực nắng” là vài thí dụ.
Lần đầu gặp nhau, Mai Thảo thấy một con nhóc nhảy dây trong vườn. Ký ức của ông còn cho ngôi vườn đó chút nắng hoe vàng. Năm đó người viết hình như mới có tám chín tuổi. Sau này, ông trở lại để phỏng vấn ca sĩ Quỳnh Giao thì con nhóc đã đôi tám! Ông nhớ mãi chi tiết ấy.
Hôm “ra mắt” cuốn “Tạp Ghi” của Quỳnh Giao tại tòa báo Người Việt tuần qua, nhà văn Nguyễn Ðình Toàn được mời lên phát biểu về nội dung cuốn sách cũng nhớ đến cô bé nhảy dây ngoài sân, trong ngôi nhà có Minh Trang và Dương Thiệu Tước
Nghĩ lại như vậy ngay trước mùa Halloween ở tại Hoa Kỳ, người viết tự hỏi là con trẻ thời xưa có những thú vui gì? Ngoài nhảy dây trong nắng, hoặc nếu là con trai nghịch ngợm thì gọi nhau tắm mưa như Ðinh Quang Anh Thái cũng kể lại hôm đó, chúng ta thời bé thường chơi những gì?
Con trai thì tạt hình, đánh khăng, đánh đáo. Ðập dẹp cái nắp keng thành đồng xèng thì cũng vui cả buổi. Con gái thì chơi “ô ăn quan,” hay “bóng chuyền,” mà bóng chuyền ở đây không là “volley.” Ðó là tung một quả bóng lên rồi thoăn thoắt nhặt lấy một số que vung vãi trên nền đất trước khi bắt lại quả bóng.
Nhiều nơi nhiều đứa trẻ còn có những trò chơi khác mà người viết không biết và không nhớ hết được. Nói chung thì thật ra thú giải trí ấy rất đơn sơ và không nhiều. Không thể thừa mứa và đa diện bằng những trò chơi ngày nay của thiếu nhi trong thế kỷ 21.
Chúng ta có thể giải thích bằng kinh tế hay chiến tranh. Nhưng hình như là nước nào cũng vậy, mấy chục năm về trước, trẻ em không có nhiều chọn lựa như ngày nay.
Mà người lớn cũng thế.
Từ những thú tao nhã thật ra đơn giản và ít tốn kém của các cụ mà mình còn được đọc thấy trong Nguyễn Tuân, Toan Ánh, cho đến cách giải trí thời nay, chúng ta đã đi những đôi kia bảy dậm. Ở nhà thì ngoài sách báo còn có truyền hình trăm đài hoặc karaoke cho nhau nghe, v.v... Thấy cuồng chân ngứa tay thì từ Cali xuyên bang qua Las Vegas thử thời vận, có khi tối còn coi “show.” Xa hơn thì ta đi thăm Grand Canyon, đến tận Nepal hay Turkey, hoặc xuống Nam Mỹ, qua Âu Châu tìm lại nơi Van Gogh đặt bàn vẽ, nơi Mozart soạn nhạc, v.v...
Nhưng nghĩ lại thì khi có thể chọn lựa nhiều thú tiêu khiển như vậy, mình có hạnh phúc hơn chăng?
Xã hội lý tưởng là xã hội cởi mở, cho con người ta nhiều quyền chọn lựa. Người để ý đến kinh tế thì nói đến tự do và quyền công dân. Sự chọn lựa ấy dẫn đến cạnh tranh và cải tiến nên có tạo ra tiến bộ.
Nhưng nếu phân tách tâm lý của người trong cuộc là khách tiêu thụ thì đôi khi sự thể lại khác.
Trong xã hội cởi mở và tự do này, khách tiêu thụ được coi là vua. Nhưng mấy ai để ý đến nỗi buồn của các ông vua bà chúa, khi họ được phục dịch kỹ lưỡng và phải chọn lựa? Họ rất phiền lòng! Nhiều ông vua bé con thì chỉ mong trốn khỏi cung đình để đánh đáo ngoài chợ. Còn chúng ta thì đã quá nhiều lần sợ cỗ cưới mà chỉ mong một bữa cơm gia đình rất thanh đạm.
Thật ra, xã hội có quá nhiều quyền chọn lựa lại khích động một thứ tâm lý ít thấy trong các xã hội đơn sơ thuở trước. Ðó là phải chọn. Chọn lựa là có sự hy sinh, tiếc rẻ, có cả nỗi phân vân là chọn lầm thì sao?
Người viết có lần vào một tiệm bán quần áo, tìm một cái quần rất thường, để có thể đi đánh mạt chược, ra chợ hoặc dãi dầu cho một chuyến đi xa. Khi được họ mời vài chục loại, mỗi cái lại có ưu điểm riêng về vải vóc và kiểu dáng làm khách tiêu thụ bỗng bần thần. Nửa tiếng sau ra về mà không chọn được vì cảnh ngộ “mười phân vẹn mười” làm mình phân vân!
Trẻ em thường có những trận hờn khó hiểu, là khi chúng vừa muốn ăn lại vừa muốn ngủ, mà cũng thích chơi. Vì phân vân mà chọn không xong, chúng có thể bật khóc! Người lớn cũng chẳng khác gì đâu! Càng phải chọn thì càng gặp cảnh ngộ đứng núi này trông núi nọ và luôn luôn thấy rằng đồng cỏ bên kia xanh tươi hơn bên này.
Một cách chủ quan thì có hạnh phúc là những người biết thu hẹp cái phản ứng đòi hỏi tối đa để chấp nhận “cái này” mà không băn khoăn tự hỏi xem là còn cái nào đẹp hơn hoặc hay hơn chăng. Muốn vươn tới trái chín mọng xum xuê trên cành cao nhất thì có khi ta hụt mất hạnh phúc trong tầm tay.
“Phải chi mà” và “đáng lẽ thì” hoặc “nho xanh không xứng miệng người phong lưu” là loại tâm lý gieo khổ khi làm mình nuối tiếc, và tìm cách biện bạch. Không nên khóc hờn vô cớ nữa, mình chỉ thấy đời bớt đẹp. Trong khi ấy, hạnh phúc vẫn tràn đầy ở chung quanh.
|