Để cạnh tranh với tờ báo phát hành cùng địa phương, ban biên tập quyết định mở thêm mục “Gỡ Rối”...
và giao tôi phụ trách với suy nghĩ tôi một vợ một chồng đề huề con cháu tất nhiên sẽ có nhiều kinh nghiệm về hôn nhân về hầm bà lằng 1001 chuyện đàn bà! Nhận lời xong, việc đầu tiên là phải làm sao có bút hiệu cho thật “Kêu” Đang suy nghĩ, chợt nhớ tờ báo bên kia mục này có “Anh Tư” tôi bèn lấy tên “Chị Ba” cho hách xì xằng kiểu gát giò lái.
Khai trương cho mục gỡ rối, một câu hỏi của lá thư dài lê thê của độc giả ký tên Đau Khổ: “Làm Thế Nào Để Chồng Luôn Yêu Tôi?” đã khiến tôi thật sự bấn xúc xích vì ngoài hai trang ta thán kể lể, bà Đau Khổ còn kê khai hàng loạt chi tiết nặng ký, như: Bà vốn đẹp, lại sexy (ngực nở, eo thon, bụng sát rạt không có chút mỡ sa) biết nấu ăn, biết làm ra tiền… Đại khái cái gì bà cũng biết, cũng giỏi và có đủ những tiêu chuẩn để những người đàn bà khác mơ ước, chỉ có điều cưới nhau mới… 15 năm ông chồng đã hết yêu bà, không thần tượng bà, không bồng ẵm tưng tiu bà như thời mới cưới, bây giờ phải làm sao?
Đọc xong lá thư, tôi chắc lưỡi: “Lấy nhau vài năm đã cũ, càng ngày càng cũ mèm, huống chi đã mười mấy năm… còn đòi ẳm bồng tưng tiu nỗi gì…?” Đối với hôn nhân kiểu lãng mạn tôi chào thua, vì đời sống tôi xưa giờ đơn giản, miễn vợ chồng cùng lo cùng sống, cùng trả bills là ok. Có gì bất ý là nói, nói không xong thì cãi tới chừng nào xong thì thôi. Bây giờ cũng vậy, con một bầy, có thêm vài mụn cháu còn cãi tung trời lệch đất, cãi xong cười huề, không khóc lóc ỉ ôi mè nheo này nọ, phận ai nấy lo, vẫn ăn, vẫn ngủ, vẫn đi làm, cùng nhau chun ra chun vô một mái nhà ngày này qua ngày khác mà chưa bao giờ thắc mắc những chuyện gì xa vời.
Chuyện gia đình tôi không màu mè hoa lá nên nhạt như nước ốc, dĩ nhiên không đáp ứng được câu hỏi của bà Đau Khổ, tôi phải hộc tốc lục lại chồng báo cũ, tra tìm trên Internet những tài liệu gì có liên quan đến hạnh phúc lứa đôi rải rác đó đây, hoặc nhớ lại những mẫu chuyện lê la đàn bà…
Tối hôm qua, tình cờ đọc một tựa bài “Làm cách nào để chồng yêu” của Stephanie Olsen đăng trên Harper’s tôi mừng quá, nhưng đọc xong thì thất vọng vì những những gì bà viết chỉ lòng vòng mấy điểm mà bà Đau Khổ đã áp dụng: Bà Stephanie Olsen khuyến khích đàn bà phải đi làm đẹp, như giữ mặt đẹp, giữ thân hình chuẩn, giữ sự sạch sẽ thơm tho và quan trọng nhất là đừng bao giờ cho ông chồng thấy những khuyết điểm trên thân thể mình… Bà giải thích thêm, “hãy luôn luôn làm cho chồng nuôi dưỡng cảm giác y hệt như ngày mới cưới, vì có như vậy người chồng sẽ cư xử với vợ như thưở ban đầu?!” Tôi thấy làm vợ kiểu bà Stephanie Olsen cực quá, những điều bà khuyên lại làm tôi ngờ ngợ nhớ ngày xưa có dạo mẹ tôi thân với bà văn sĩ nổi tiếng thời đó mỗi lần về nhà cứ trầm trồ “Cô Hoàng thiệt khéo, cô chịu khó trang điểm thật sớm để khi mô chồng cô thức dậy cũng thấy cô mặt hoa da phấn”. Theo tôi bà nhà văn đó có khéo gì đâu, có cột được chồng đâu, cũng tan đàn xẻ nghé rồi, mỗi người tìm cho mình thêm vài ba bến khác, cũng lê thê thêm đôi ba cuộc tình.
Không phải đẹp mới được chồng yêu chồng cưng, vì trong lá thư có đoạn bà Đau Khổ so bì: “… Đối diện nhà tôi có bà hàng xóm cái đít (mông) bự như cái nia, cặp ngực thổn thện đổ chảy xuống tới rún vậy mà ông chồng bả cưng ơi là cưng, ổng chở bả đi về tới nhà là lật đật xuống xe chạy qua cửa. Sáng ra đi làm, ổng tò tò một tay bưng theo ly cà phê… Tôi nhìn cảnh đó thấy vừa ứa mắt ứa gan cho phận mình!…” ( ngưng trích )
Chuyện vợ chồng bà hàng xóm đít bự của bà Đau Khổ kể khiến trong trí tôi hiện ra hình ảnh đôi uyên ương trong thi đàn Việt Nam. Ông chồng tao nhã lịch lãm bao nhiêu thì bà vợ xồ xề xộch xệch bấy nhiêu. Ấy vậy tình yêu của ông đối với bà tạo nên những giai thoại thật đẹp, thật lãng mạn mặc dù ông bà là cặp thi nhân so le không cân xứng chút nào: “Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi, Em đâu còn áo mặc đi chơi. Bán thơ nhân dịp anh ra chợ, Đành gởi anh mua chiếc mới thôi! – Hàng bông mai biếc màu em thích, Màu với hàng, em đã dặn rồi. Còn thước tấc, quên! Em chửa bảo: Kích tùng bao rộng, vạt bao dài ? – Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ! Thước tấc anh còn lựa hỏi ai Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó, Ngắn dài, người mới tựa bên vai!” (May Áo – Đông Hồ)
Những việc kể trên chỉ là chuyện bình thường của mọi người, nhưng chuyện kể lại sau đây mới thật là “kinh khủng” tới độ không thể nào hiểu nổi. Hẳn trong chúng ta ai cũng có lần nghe qua cuộc tình và cuộc hôn nhân đình đám của ông hoàng Chales nước Anh? Tất nhiên ai cũng biết Công nương Diana trẻ và đẹp dường nào, ấy vậy cô lại bị ông Chales hờ hững để chỉ chạy theo bà Camilla vừa già vừa xấu mặt mày nhăn nhó, không có tài cán gì nổi bật. Không những chỉ là yêu, ông Chales mê bà Camilla một cách điên khùng bất chấp tôn nghiêm, bất chấp ngai vàng chỉ mong muốn làm sao được là “miếng băng vệ sinh” của bà Camilla. Không ngờ những lời ao ước bịnh hoạn của ông Chales được hảng điện thoại Ăng-Lê thu băng đăng báo, sau đó ông Bùi Bảo Trúc viết lại trên mục Thư Gửi Bạn Ta để qúy ông An Nam nhà ta cùng… tường lãm…
“Tháng 2 năm 1993, thái tử Charles của nước Anh, trong một cuộc điện đàm giữa đêm khuya khoắt với Camilla Parker Bowles. Cuộc điện đàm của thái tử và Camilla bị thu băng không thiếu một câu. Thái tử nói rằng ông muốn trở lại làm cái tampon của Camilla. Không phải là mấy thứ ấm ớ kiểu light, heavy, contour, khả năng thẩm thấu mạnh, không dò (?) ra ngoài, dùng suốt ngày được vân vân mà quảng cáo vẫn quăng vào khán giả truyền hình hay độc giả của các báo, mà là cái tampon. Cái tampon ghê khiếp hơn nhiều. Ghê khiếp đến độ quảng cáo cũng phải kín đáo xa xôi để cho trí tưởng tượng bay lượn tự do” ( ngưng trích )
Bà Camilla có bí quyết gì mà ghê vậy? Cuối cùng “cái bí quyết” khiến quý bà tò mò được ông hoàng Chales tiết lộ trên tờ In Touch khiến nhiều người bất ngờ đến chưng hửng, ông nói: “Đối với tôi, bà Camilla thật tuyệt vời, là một phụ nữ tôi yêu duy nhất trong cuộc đời. Bà ấy là một phụ nữ biết yên lặng, biết nghe và thông cảm những gì tôi nói”. À ! ra vậy, thảo nào bà Camilla lúc nào cũng thơ thới vì bà khôn quá, bà nắm thóp khiến chàng vô phương cựa quậy, vì thế mặc dù nhan sắc đã đìu hiu nhưng bà không cần o bế chỉnh trang, không cần phải khoe chân khoe cẳng trong những bộ váy đắt tiền của những nhà thời trang trứ danh như Versace, Reem Acra, Roberto Cavalli, Dior Haute Couture, Yves Saint Laurent. Lại càng không cần phải mè nheo làm mình làm mẩy cắt mạch máu tay tự tử để yêu sách chàng. Bà cứ yên lặng, cái thân thể lùng nhùng thô ráp giả bộ ngây thơ ngồi đó, nếu cần đi pha thêm bình trà sữa, vừa nhâm nhi vừa nhướng mắt nghe chàng tâm sự (vì không tâm sự với bà thì chàng tâm sự với ai?) lâu lâu khen chàng một phát, hoặc làm như thích thú cười rộ lên cho chàng lên tinh thần mặc dù câu chuyện chàng kể nghe chán ơi là chán!
Càng mày mò tìm hiểu tôi càng tin sự “nói ít” của phụ nữ là một “lợi thế”. Ngay như ông Huy Cận còn khen: Khi anh cưới Mẹ em rằng Thu nó hiền thôi ít nói năng Từ đấy hai sông hòa một biển Nước gần với nước gắn bằng trăng Từ đấy lòng anh cứ lắng nghe Lặng im trong mỗi bước em về Lời thầm trong mỗi câu em nói Trong mỗi làn tay em vuốt ve Khi anh mệt nhọc khi anh đau Công việc anh lo lửa nóng đầu Anh cứ cảm nghe từ ánh mắt Tình em ôm tỏa tựa hương ngâu Em hỡi đời ai chẳng nửa thầm Lặng yên mới có được vang âm Tóc mềm sợi sợi nằm êm lắng Vạn suối lòng anh chảy trở trăn Rồi một ngày kia anh với em Nằm yên trong đất giấc im lìm Tai xương anh sẽ còn nghe ngóng Hoa lá hồn em trong lặng im (Hỡi Em Yên Lặng – Huy Cận) *
Cũng trên tờ In Touch mới đây, một cuộc nghiên cứu của trường đại học UofM cho biết trung bình mỗi ngày, một người đàn ông, từ sáng đến tối, nói khoảng 2000 chữ, trong khi đó, một phụ nữ trung bình, cũng từ sáng đến tối, nói chừng 5000 chữ. Như vậy có sự chênh lệch thấy rõ trong số lượng tín hiệu của hai đài phát thanh. Chính điều này là lý do lớn nhất để ông chồng bất mãn bà vợ! Bà Laura Doyle mau mắn viết xuống tất cả những điều đó cộng thêm vô số ý kiến của quý ông chồng than phiền cứ bị cái “máy nói” tra tấn làm tình làm tội.
Khác với một số sách khác, Bà Laura Doyle viết cuốn The Surrendered Wife đề cập tới những nguyên nhân và những phương cách để cứu vãn cuộc hôn nhân như khuyên: Người vợ hãy tin cậy chồng, giao cho chồng quyết định mọi việc. Hãy mềm mại ngoan hiền. Hãy ít nói hay càng ít nói càng tốt.. v..v… Nghĩa là những điều bà viết ra giống những đức tính trong Tam Tòng Tứ Đức của phụ nữ Á Đông… thời xưa, hay như lời dạy của cụ Lê Quí Ðôn thì có bài kinh nghĩa đầu bài lấy từ chữ kinh Lễ: “Vãng chi nhữ gia, tất kính tất giới, vô vi phu tử ” nghĩa là: về nhà chồng, phải kính phải răn, chớ trái lời chồng…**
Bất ngờ, cuốn sách trở thành best seller, bán chạy nhất tại nước Mỹ, xứ sở của phong trào phụ nữ chuyện gì cũng muốn tham gia, chuyện gì cũng muốn nhúng mũi, cũng theo Globe xứ Mỹ là xứ sở đứng đầu trên thế giới về ly dị.
Trong một bối cảnh như thế, cuốn sách của Laura Doyle ra đời lại bán chạy như tôm tươi. Ai là những người mua cuốn sách đó? Phụ nữ, dĩ nhiên, và luôn cả đàn ông nữa. Nhưng chắc chắn người đọc có những lý do khác nhau để đọc nó, như tôi đọc lướt qua, ngồi ghi lại những ý chính, rồi tóm tắt rút tỉa để trả lời cho bà Đau Khổ với kết luận: Hãy khuất phục, làm người vợ lép vế để được chồng yêu (?) hoặc phải ly dị!
Trong khi chờ kết quả, tôi mường tượng trong nhà chỉ có hai vợ chồng nhìn nhau không nói năng chi, im ỉm giống như con chó đá nhìn con khỉ đá ở chùa Cầu ngoài Hội An. Chán không?
*Bài thơ ông Huy Cận là tặng người vợ cuối đời của ông. ** (Đặc biệt xin phép trích một số tư liệu từ TGBT của ông BBT) |