Home Văn Học Tùy Bút Cua chơi trăng

Cua chơi trăng PDF Print E-mail
Tác Giả: SaigonEcho sưu tầm   
Chúa Nhật, 27 Tháng 11 Năm 2011 23:49

 
 
Có một cô gái nhan sắc, biết chữ nghĩa văn chương. Nhiều người rắp ranh nhưng không ai được vừa ý.

Tại nhà tiếp khách của cô, có hòn non bộ giữa hồ bán nguyệt và chỗ ngồi ngắm cảnh. Khách tới chơi sẽ ngồi đấy, làm thơ do cô ra đề. Thơ hay sẽ được giai nhân tiếp đón.
Khăn gói giang hồ, Cả Triệu (1) đến nơi. Lúc đó đã vào khoảng hoàng hôn, trăng thượng huyền soi bóng và hiện ra dưới đáy hồ. Quanh hồ lại có một chú cua bò mem mép nước. Cô gái thấy cảnh liền nảy ra một ý để tỏ thái độ cao ngạo. Cô sai người hầu ra nói:

- Nhà thầy từ xa tới đây, chắc cũng là bậc tài hoa lỗi lạc. Giá như trước cảnh này, nhà thầy cho cô chủ tôi được nghe bài Cua chơi trăng, thì thật là may mắn biết bao.

Đề ra như vậy, tuy là tức cảnh, nhưng rõ là có ác ý. Trăng là cao quí vì ở trên trời. Trăng dưới đáy hồ lại càng xa vời mặc dầu rất gần gũi. Cua là vật hèn mọn, mon men bên mép nước, lại dám hợm hĩnh chơi với trăng được sao?

Nghe đầu đề, Cà Triệu không nói gì, chỉ mượn giấy bút, lặng lẽ ghi mấy dòng, đưa cho giai nhân và nói:

- Bài ra khó quá, sức tôi không đang nổi, viết liều mấy chữ, nhờ đưa vào trình tiểu thư.


 

Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: Internet 

Cô gái mở trang giấy ra, giật mình vì không phải mấy chữ viết liều, mà là cả một bài thơ tám câu:

Vằng vặc vầng ô đã xế chừng
Vì hoa, cua lại muốn chơi trăng
Dương mu chống ngược ôm dòng biếc
Xách yếm quay ngang ấp bóng hằng
Cung quế chờn vờn hương thoảng bên
Nguồn đào thấp thoáng gió như nâng
Một mai cá nước duyên vui thú
Trăng muốn tìm cua được nữa chăng?

Bài thơ hay và ý lại nghịch ngợm rõ ràng. Trăng không là vật cao quí gì, mà cua thì thật ngang tàng, thách thức. Câu nào cũng điêu luyện, hình ảnh dùng rất đắt. Cô gái vội vàng “sửa áo cài trâm”, sai người dọn bàn để tiếp đón nhà danh sĩ. Nhưng nhìn chiếc ghế bên hòn non bộ thì chỉ thấy trống trơn! Cả Triệu đã khoác tay nải đi từ bao giờ để cho cô gái thẫn thờ luyến tiếc. Té ra câu kết bài thơ lại nói lên một sự thực ngay trước mắt:

Trăng muốn tìm cua được nữa chăng? (2)
 
....................
(1): Cả Triệu tức Lê Bật Triệu, ông sống vào khoảng cuối thế kỉ XIX, về tiểu sử và hành trạng của ông chưa được rõ rệt lắm nhưng giai thoại về con người tài hoa xứ Thanh Nghệ Tĩnh này thì rất nhiều.

(2): Có tài liệu nói tác giả bài thơ này là Nguyễn Khuyến