Home Văn Học Tùy Bút Giá đừng có giậu mồng tơi

Giá đừng có giậu mồng tơi PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Khắc Trung   
Thứ Bảy, 17 Tháng 12 Năm 2011 09:07

Giá đừng có giậu mồng tơi ...Thế nào tôi cũng sang chơi nhà nàng

Lan Chi giới thiệu: tôi vốn dĩ tồ và khờ và vì biết thân phận khờ nên tôi thích chơi với con trai theo mẫu như thế này: Bắc nhé (vì tôi vẫn cho rằng con trai Bắc thông minh dí dỏm chứ không thông mình kiểu Einstein!) học giỏi nhé ( tôi thích mấy người học giỏi lắm vì học giỏi chứng minh nhiều thứ lắm) và nghịch ngợm tí nhé. Cái nghịch ngợm là cái “đáng yêu” của tuổi trẻ nếu chỉ là một tí, nghĩa là trong phạm vi cho phép. Tôi không thích sự nghịch ngợm quá đáng đưa đến sự “hỗn hào vô giáo dục”.

Một cơ duyên tình cờ khiến tôi vừa quen một ‘”cậu em”, theo thiển ý cá nhân, có vẻ có đủ những cái tôi nêu trên. Tôi đọc tuỳ bút của em rất thú vị. nó làm tôi bật cười và làm tôi quên đi những “nan giải” của vấn đề thời sự. Xin giới thiệu bài đầu tiên của “em tôi” Phạm Khắc Trung: “Giá đừng có giậu mồng tơi”.

Hoàng Lan Chi

oOo

Thuở nhỏ tôi đã hung hăng lì lợm, lại còn liều lĩnh bất kể thân xác, khiến lũ trẻ trong xóm, dù lớn hơn tôi vài ba tuổi, hay to xác hơn tôi cũng phải kiêng dè.

Gần nhà có cô hàng xóm nhỏ hơn tôi một tuổi, luôn quyến luyến đeo sát bên tôi không rời. Năm đó tôi học lớp Nhì, tuy mới tám-chín tuổi đầu, nhưng đã biết chìu chuộng, bảo kê cô gái.

Một buổi tối chơi “u”, phe tôi đã bị bắt làm tù binh hết, chờ tôi sang giải cứu. Chuyện dễ như ăn cơm nguội, bởi khi tôi bước qua sân địch, các đối thủ cạch tôi nên tự động dạt ra theo bước chân tôi. Rủi là hôm ấy cô em nằm bên phe địch, cô nhào vào ôm chặt bụng tôi ghì lại. Sự thật thì chỉ cần một cái vung nhẹ của tôi cũng làm em văng tuốt luốt, nhưng sợ em té đau nên tôi không dám vận sức vẫy vùng, mặc cho em ôm chặt cho đến lúc kiệt hơi tắt tiếng “u”. Thế là phe tôi thua trong sự bực tức của phe nhà. Thây kệ, tôi thấy hồn phơi phới nhẹ tênh, lòng lâng lâng dạt dào hạnh phúc khi nghe tiếng em hân hoan khoe chiến công với phe mình, “em ôm ghì anh ấy thật chặt thế này nè!”

Chiều hôm đó, hai đứa ngồi bên hông trước nhà tôi chơi trò chơi “vợ chồng”: Tôi đi làm kiếm tiền nuôi gia đình, nàng ở nhà làm nội tướng, chăm lo cơm nước chờ tôi đi làm về cùng ăn. Mở cửa bước vô căn nhà tưởng tượng, tôi bắt chước người lớn ngồi phệt xuống ghế thở đánh “phào” ra chiều mệt nhọc, rồi cất giọng êm đềm âu yếm hỏi nàng, “hôm nay ở nhà mình làm gì? Có chuyện gì vui không cưng?” Nàng ân cần lấy khăn lau trán cho tôi xong cúi xuống hôn đánh “chụt” một cái thật to vào má. Tôi bẽ bàng hỏi mông lung, “sao thế?” Nàng cười thơ ngây, “thì mẹ vẫn làm thế!” Ừ nhể, mình đang là vợ chồng mà. Giời ạ! Phải chi nàng thấy hết những điều mẹ đã làm cho bố, rồi đem ra thực tập với mình có đã chỉ không? Bây giờ nghĩ vậy, chứ hồi đó tôi chỉ giỏi đánh lộn thôi, còn chuyện kia thì ngơ ngơ ngáo ngáo, ngay việc hôn đáp lễ lại còn không biết, huống hồ? Được nàng hôn, người tôi mềm nhũn ra như cọng bún luộc, ngẩn tò te, đê mê như lạc nẻo thiên thai...

Chợt có tiếng hò reo của đám trẻ ngoài cổng chõ vào làm tôi tỉnh mộng: “Lêu lêu! Con gái chơi với con trai / Ngày sau hai vú bằng hai quả dừa!”

Phản ứng thật nhanh, tôi rút cái trạng ná trong túi quần soóc, nạp viên sỏi, bắn một cái vù ra phía cổng. Viên sỏi trúng khung cổng sắt vỡ vụn ra vang lên một tiếng kêu chát chúa làm lũ trẻ giật bắn mình, xanh mặt ù té chạy. Tôi đứng lên quơ tay chộp vội cây chổi chà gần đó, định rượt theo cho bọn nó một trận vì tội phá quấy, nhưng nàng đã nắm chặt cánh tay tôi níu lại, đôi mắt long lanh nhìn tôi trìu mến, “thôi bỏ đi anh, em sợ lắm!” Nhìn ánh mắt đó, dầu có phải lao vào chỗ lửa bỏng dầu sôi, nào ai nỡ chối từ?

Đêm đó tôi nằm trằn trọc không sao ngủ được, một cảm giác êm ái lâng lâng trào dâng không từ diễn tả, bị giằng co bởi cảm giác ngột ngạt làm nghèn nghẹn cổ họng. Tôi trở mình nằm nghiêng qua phía má được hôn, luồn tay vào giữa gối mà ép bàn tay lên má giữ chặt nụ hôn đầu. Tôi miên man nghĩ ngợi về bài học “hy sinh” mới học ở trường. Đã thương em mình phải thương cho trót, phải hy sinh thân xác mà gánh vác cho em, phải giữ cho tiếng thơm theo em đến suốt cuộc đời, đừng để vì mình mà làm thanh danh em hoen ố. Câu ca dao lũ trẻ hò hát ban chiều đã thật sự ám ảnh tôi. Tôi sợ lắm, sợ thanh danh em sẽ bị hoen ố để đời chê cười, sợ chơi với tôi lớn lên đôi vú em sẽ to như hai quả dừa cho người đời dị nghị... Tôi quyết định dứt khoát phải xa em!

Cuộc chạy trốn hồi đầu hơi khó, bởi lòng vẫn mong vô tình đụng mặt cho bớt nhớ nhung, nên tôi thường lê bước vào giờ giấc thân quen trên đường xưa lối cũ. Đến chừng nàng hỏi, “Em có làm gì nên tội, để cho anh phải ruồng rẫy lánh xa?” Biết trả lời sao nghe cho được, chẳng lẽ lại xàm sỡ rằng tại anh sợ vú em sẽ to như hai trái dừa à? Thế là tôi sợ đụng mặt để tránh trả lời câu hỏi của nàng.

Mừng vì đã thật sự xa nhau để bảo vệ thanh danh cho nàng, nhưng lòng tôi vẫn bàng hoàng lo lắng, không biết mình đã chơi với nhau những tháng năm qua, đã đủ thấm cho đôi vú nàng to như cặp dừa khi lớn lên không nữa? Và tôi vẫn hồi hộp ngóng chờ, âm thầm theo dõi, vẫn trộm trông chừng đôi vú nàng cho đến lúc trưởng thành. Cám ơn Trời, nàng vẫn tinh anh hiền hòa trong sáng, gò hồng đào chỉ nhú vừa cao, thật cân đối với thân hình trong chiếc áo dài trắng học trò!

Lớn lên, tôi rời xa xóm cũ, lên Saigon trọ học nhà bà con. Tại đây tôi cũng có duyên quen nhiều người con gái khác, nhưng hình ảnh người em nhỏ xa xưa vẫn tràn ngập trong lòng. Chơi với ai tôi cũng vẫn mực cúc cung, quyết gìn giữ chứ không đành làm tổn hại thanh danh người khác. Rồi cứ thế, giòng đời trôi lặng lẽ, và tôi luôn là kẻ “lỡ đò”, bạn bè gọi tôi là lão “thày đồ gàn dở”, có cá rán dâng lên tận miệng còn chẳng biết ăn! Mà phải chi tôi là thằng vô dụng cho đành, lòng tôi vẫn bồi hồi giao động mỗi khi nhìn “thấy hoa vàng với bướm vàng hôn nhau”. Tôi đè nén đam mê cũng vì giữ cho người!

Năm lớp 12 tôi học Anh Văn với một ông thày vừa gian vừa ác. Thày quay course copy y hệt trong quyển Enghlish For Today, hoàn toàn không thêm bớt một chữ, bắt học trò mua, nên ai cũng hậm hực.

Sáng hôm đó chúng tôi đang học bài về Ngân Hàng, thày nói, “học thì học vậy chứ ai làm gì có tiền mà gửi!” Khu nhà lá phía dưới có một anh chõ miệng vô nói, “bán course nhiều tiền lắm thày”. Bị khui trúng tim đen, mặt thày đỏ bừng bừng sát khí, thày quay xuống phía cuối lớp quát thật hùng hồn, “thằng khốn nạn nào ăn nói mất dậy thế?” Thấy lớp học yên lặng như tờ, thày hơi nguôi giận, vừa quay lên thày vừa lẩm bẩm nhiếc, “lớp này là một đàn bò!” Lại nghe tiếng phía dưới vọng lên, “và thày là con bò đầu đàn!” Hỡi ơi! Thày chửi kiểu đó có khác nào thày tự chửi mình, không ai trong lớp nhịn cười cho được!

Biết đã sẩy miệng khó nuốt trôi, thày đánh trống lảng quay qua tôi vớt vát, “trưởng ban trật tự mà không lo bắt đứa phạm kỷ luật còn ngồi đó cười?” Tôi trả lời, “thày phong nhưng em đâu có nhận, em đi học chứ đâu có làm gián điệp”. Chẳng dè thày nhỏ mọn bảo, “không nhận thì mang tập lên tao xét xem mày học hành thế nào”. Tôi tình thật, “môn Anh Văn em học bằng course không chép tập”. Thày bảo, “tập môn nào cũng được, tao chỉ cần coi xem mày có học hành đàng hoàng không thôi”, thế là tôi mang tập Triết, môn học kế tiếp lên cho thày xét.

Lật qua lật lại quyển tập Triết của tôi trong tay, tôi biết thày ngạc nhiên lắm. Bạn bè trong lớp biết tôi có thói quen giữ gìn sách vở cẩn thận, lại bất bình vì lối thua me định gỡ bài cào của thày nên reo lên, “quê rồi thày ơi!” Giận cá chém thớt, thày đứng phắt dậy trở mặt quát tôi, “Giờ Anh Văn sao mày lại mang tập Triết? Theo tao xuống văn phòng ngay lập tức!” Mới bước ra khỏi cửa, đã nghe tiếng đập bàn hát vang của lũ học trò, “Quê là quê là quê chúng mình quê nhiều. Quê là quê là quê chúng mình quê quá. Quê là quê là quê chúng mình quê nhiều. Quê là quê là quê chúng mình quá quê”…

Trước mặt giám thị, thày cho biết lý do đuổi học tôi là “giờ Anh Văn kêu mang tập lên xét lại mang tập Triết”, rồi thày quay qua hỏi tôi, “mày muốn nghỉ ba ngày hay bảy ngày?” Tôi trả lời, “Thày cho em nghỉ luôn giờ thày đi”. Thấy lý do đuổi học phi lý, nhưng tôi muốn chứng tỏ cho cả trường biết sự vô lý của thày, nên không cần đôi co, tôi quay qua dặn ông giám thị, “ông phải đọc thông báo cho đúng lý do đuổi học mà thày đã nêu lên”. Ông giám thị biết tôi là học trò cưng của cả thày Giám Đốc lẫn thày Hiệu Trưởng, nhưng không dám làm mích lòng thày dạy Anh Văn vì thế lực của người em thày, các trường học đều cần đến ông ta nên nể nang thày ra mặt, nên ông giám thị chỉ nhìn tôi thở dài thông cảm. Từ đó, không bao giờ tôi bước chân vô lớp Anh Văn. Giờ Anh Văn tôi chui xuống lớp 11B4, có mấy người bạn học cũ rớt Tú Tài 1 học lại. Tôi học lậu Việt Văn với thày Tạ Ký suốt năm còn lại. Ông giám thị biết nhưng làm ngơ không nói năng gì.

Một hôm, không biết “bức xúc” chuyện gì sẵn, thày Tạ Ký phân trần, “nhiều khi chỉ vì những sự việc hay sự vật nhỏ nhặt không đáng, cũng đủ để chia cách hai mái đầu, mỗi kẻ một nơi!” Rồi thày đi qua đi lại, miệng ê a ngâm nga hai câu thơ của Nguyễn Bính, nghe thật não nùng, “Giá đừng có giậu mồng tơi / Thế nào tôi cũng sang chơi nhà nàng”.

Chẳng cần biết cả bài thơ như thế nào, chỉ tức cảnh sinh tình với hai câu thơ trên thôi, tôi đã vội ồn ào lên tiếng, “phải có một nguyên nhân thầm kín và trọng đại nào đó không nói ra được, nên người ta mới tìm một sự vật để đổ thừa. Giậu mồng tơi không có miệng cãi, thành thử bị mang oan là vật ngăn cách hai người”. Bật lửa mồi ống vố, thày bặp bặp vài hơi xong mới hất hàm kêu tôi nói tiếp.

“Em nghĩ, chắc có lần ông Nguyễn Bính ra ruộng bắt được một xâu cua đồng. Về nhà nổi cơn thèm, ông ra hái trụi giậu mồng tơi của nhà hàng xóm nấu nồi canh cua, khi đó người con gái nhà bên còn nhỏ ‘chưa biết cái chi chi’ nên ông mới cả gan làm thế. Lúc người mẹ nhà bên ra thấy giậu mồng tơi của mình trụi lá trơ thân, dĩ nhiên là bà cong tớn người lên vừa vỗ vừa gào, ‘Tổ cha quân trộm đạo! Nó ở trên giàn là lá mồng tơi, chừng qua nhà bay nó thành quỷ thành ma, nó bóp cổ tiên sư cha ba đời nhà mày, bớ quân trộm đạo!’ Sau này thấy cô gái nhà bên ‘đến thì tơ liễu’, trổ mã xinh đẹp tuyệt trần, ông Nguyễn Bính nhà ta thèm nhỏ dãi nhưng tẽn tò nhớ chuyện ăn cắp lá mồng tơi xưa, ông đâu còn mặt mũi mò qua lân la làm quen cô gái, nên ông mới tiếc ngẩn tiếc ngơ, ra vào than vãn, ‘Giá đừng hái trộm mồng tơi / Giờ này tôi đã nuốt tươi cô nàng’. Sau này ông mới sửa lại thành ‘Giá đừng có giậu mồng tơi / Thế nào tôi cũng sang chơi nhà nàng’ cho được thanh lịch”.

Thày cười ha hả khen, “thằng ni có nhiều tư tưởng ngộ dữ há bay!”

Sau này lên đại học rồi, thỉnh thoảng tôi vẫn tìm đến Chợ Đũi ngồi uống bia, nghe thày Tạ Ký ngâm thơ người xưa mà xót mình cô độc...

Ngày 29.04.1975, lúc người dân Saigon đang hoang mang hoảng loạn, chen lấn trực chờ trước những building của Mỹ để được cứu vớt mang đi, tôi ngồi uống bia với thày Tạ Ký và thày Tôn Thất Trung Nghĩa ở Chợ Đũi như những hôm nào. Không khí hôm ấy hết sức nặng nề và ảm đạm. Thày Tôn Thất Trung Nghĩa ngồi yên suốt buổi, mắt lơ đãng nhìn bàn tay mình đang xoay xoay ly bia trên bàn trước mặt. Thày Tạ Ký cũng ít nói và uống ít hơn mọi ngày, thỉnh thoảng thày lại ngâm nga, “Nếu biết thịt xương là sông núi... Nếu biết thịt xương là sông núi...” Đó là lần đầu tiên tôi thấy giọt lệ lăn trên má thày, tôi biết vợ thày còn kẹt ở Bình Long, vẫn còn bặt tăm vô tín.

Sau này tôi còn có dịp gặp thày Tôn Thất Trung Nghĩa trong khuôn viên trường Luật vài lần. Còn thày Tạ Ký đã đi học tập cải tạo, nghe nói đâu thày đã bỏ mình trong trại tập trung. Thày là Đại Úy QLVNCH biệt phái, dường như thày từng phục vụ trong binh chủng Biệt Động Quân???