ĐÀ LẠT VÀ NHỮNG KỶ NIỆM VỀ TRƯỜNG VÕ BỊ QUỐC GIA |
Tác Giả: Lê Đình Cai |
Chúa Nhật, 25 Tháng 12 Năm 2011 10:06 |
Bây giờ, trên xứ lạ quê người, khi tóc đã hoa râm, ngồi đếm bóng thời gian chờ ngày trở về với cát bụi, lòng người đôi khi chùng xuống với những hồi ức xa xăm ....
Vào khỏang giữa tháng 10/1968 tôi giã từ thủ đô Sài gòn, lên xứ hoa đào để khởi sự những ngày đầu trên bục giảng của trường Đại học Văn khoa Đà lạt. Cũng vào dịp nầy tại trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, khóa 22 đã phân ra thành khóa 22A và khóa 22B. Khóa 22B theo học chương trình 4 năm như các sinh viên trường Võ Bị Westpoint của Hoa kỳ vậy. Thiếu tướng Lâm Quang Thi vị chỉ huy trưởng của trường Võ Bị Quốc Gia vào thời đó đã có công rất lớn trong việc vận động để văn bằng tốt nghiệp VBQGVN được công nhận tương đương với Cử Nhân Khoa Học Nhân Văn và tương đương với Kỹ sư khoa học kỹ thuật. Tướng Thi đã phải tham gia nhiều cuộc họp với Hội đồng liên viện Đại học Sài gòn, Huế và Cần thơ để trình bày chương trình học về văn hóa của trường theo hệ thống tín chỉ (credit system). Người ủng hộ mạnh mẽ nhất trong việc công nhận văn bằng tương đương nầy cho sinh viên trường VBQGVN là Giáo sư Lê Thanh Minh Châu, Viện Trưởng Đại học Huế. Kết quả là văn bằng tốt nghiệp của các sinh viên trường VBQGVN (hệ 4 năm) kể từ khóa 22B đã được Bộ Giáo Dục công nhận là tương đương với văn bằng cử nhân và kỹ sư của các đại học quốc gia thuộc lĩnh vực nhân văn và kỹ thuật. Sinh viên Võ Bị QGVN khi tốt nghiệp đựơc công luận trong xã hội đánh giá là văn võ toàn tài. Để đáp ứng những điều kiện quy định của Bộ Giáo Dục, Trường Võ Bị QGVN (Đà lạt) đề nghị lên Bộ Quốc Phòng ra thông cáo tuyển dụng các giáo sư dân chính bổ sung vào thành phần giảng huấn đoàn thường trực (permanent teaching staff) cho sinh viên năm thứ tư thuộc khóa 22B khai giảng mùa văn hóa kể từ tháng 12 năm 1968. Cá nhân tôi có tên trong một Nhiệm Vụ Lệnh do Bộ Quốc Phòng ký vào giữa tháng 10/1968 để trở thành giáo sư của trường Võ Bị QGVN cùng với hai vị giáo sư dân sự khác là Bùi Đình Rị (Thạc sĩ Vật lý Nguyên tử) và Từ Võ Hào (Kỹ sư Điện lực, tốt nghiệp ở Canada). Được lên dạy học tại Viện Đại học Đà lạt là điều hết sức vui sướng đối với tôi vì hồi đó khi tốt nhgiệp Cao học Sử học tôi mới được 26 tuổi, nhưng phải nói được bổ nhiệm làm giáo sư tại trường Võ Bị QGVN, một trường Võ Bị lớn nhất Đông Nam Á vào thời bấy giờ, là một niềm hãnh diện lớn lao cho tuổi trẻ của tôi khi mới bước vào sự nghiệp đầu đời. Vì thế trong phần hồi ức nầy, tôi dành để kể lại những kỷ niệm không thể nào quên, liên hệ về ngôi trường Võ Bị thân yêu nầy. Tôi bắt đầu cuộc sống mới tại ngôi nhà số 7 đường Phan Đình Phùng Đà lạt với một vài người bạn, vốn thân quen từ hồi còn học tại trường Nguyễn Hòang Quảng trị. Trước mắt tôi, ngôi trường Võ Bị uy nghi, đồ sộ, tọa lạc trên một ngọn đồi cao (ngọn đồi mang số 1515), giữa núi Lapbé Sub và hồ Than thở, được xây cất kể từ 1960. Đây là nơi tụ hội của bao chàng trai khôi ngô tuấn tú, chọn nghiệp kiếm cung để thoả mộng sông hồ. Vào những năm giữa thập niên 1950, khi tôi đang theo học các lớp đệ Thất, đệ Lục… hình ảnh oai phong, lẫm liệt của các sinh viên Võ Bị gốc ở Quảng trị, được phép về thăm quê nhà, xuất hiện trong bộ lễ phục uy nghi màu trắng, cổ cao, có sọc xanh, tua vai vàng, với thanh gươm bên cạnh… trong các dip lễ tại địa phưong đã gây ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn trẻ con của chúng tôi hồi đó. Lớn lên khi đỗ tú tài, tôi đã nộp đơn xin thi vào khóa 18 trường Võ Bị Đà lạt (cùng lúc với Lê Cung Vịnh, Lê Thí, bạn cùng lớp ở Nguyễn Hòang. Vịnh sau lên trung tá thiết giáp, nghe nói mất tích trong khi di tản ở Ban Mê Thuột; Lê Thi sau lên thiếu tá, nghe đâu đã qua Mỹ theo diện HO). Nhưng vào thời gian đó, anh ruột của tôi là Lê Đình Đàn lại vào học khóa 12 trường Sĩ quan Bộ Binh Thủ Đức nên ông thân sinh tôi khuyên tôi bỏ ý định nầy đi. Mộng ước trở thành SVSQ Võ Bị của tôi đành gác lại. Thế rồi, gần 8 năm sau tôi lại trở về ngôi trường nầy trong cương vị của một giáo sư Văn Hóa Vụ. Nghĩ lại, định mệnh của một đời người có những trùng phùng thật thú vị… Trở lại buổi trình diện với Thiếu Tướng Lâm Quang Thi, chỉ huy trưởng trường VBQGVN vào thời đó là kỷ niệm mà tôi không thể nào quên được. Ba anh em chúng tôi (Bùi Đình Rị, Từ Võ Hào, Lê Đình Cai) vào một buổi sáng trong tháng 10 năm 1968 đến trình diện Chỉ Huy Trưởng. Chúng tôi ăn mặc chỉnh tề, veston, cà vạt hẳn hoi, được đưa vào văn phòng của Thiếu Tướng. Riêng cá nhân tôi có mang theo hai bức thư, một của Nghị sĩ đệ I Phó Chủ Tịch Thượng Nghi Viện, Hoàng Xuân Tửu gởi gắm cho Thiếu Tướng Thi; một của Nghị sĩ Nguyễn Văn Ngải (sau là Bộ Trưởng Bộ Xây Dựng Nông Thôn) gởi gắm cho Đại Tá Nguyễn Vân, Văn Hóa Vụ Trưởng. Cả hai bức thư nầy tôi đều giữ lại để làm kỷ niệm. Khi vị sĩ quan tùy viên giới thiệu chúng tôi với Thiếu Tướng Lâm Quang Thi, chúng tôi thấy sắc mặt ông lạnh như tiền, với cái nhìn hết sức xa cách, ông lên tiếng “xin chào quý vị”. Rồi ông vẫn ngồi ở chiếc bàn có tấm biển khắc hai sao bạc và tên của ông, để bên cạnh một lá cờ đuôi nheo. Ông không đứng dậy để bắt tay chúng tôi. Ông cứ ngồi tại chỗ nói về một số điều liên quan đến kỷ luật của nhà trường, đến nhiệm vụ của các giáo sư văn hóa vụ… Tôi nhìn kỹ thấy ông có cái uy của một vị tướng chỉ huy. Chúng tôi, cả ba anh em, đứng im nghe ông chỉ thị khỏang gần 20 phút. Tự nhiên tôi đưa tay xin phát biểu: “Thưa Thiếu Tướng, xin Thiếu tướng cho chúng tôi ngồi xuống kẻo chúng tôi đứng lâu qúa rồi.” Khi đó Tướng Thi mới lên tiếng: “À, xin lỗi, mời qúy vị ngồi” và ông rời ghế qua ngồi cùng chúng tôi ở bàn salon tiếp khách. Sau khi trình diện, chúng tôi trở lại khu Văn Hóa Vụ, bắt đầu nhận lãnh giáo trình để chuẩn bị giảng dạy. Sau vài tháng chuẩn bị, tôi chính thức giảng dạy môn quân sử học (military history) cho các khóa 22B, 23, 24, 25…. Tướng Lâm Quang Thi, sau khi trình bày một số vấn đề liên quan đến việc dạy dỗ sinh viên, ông nhìn qua mấy anh em dân sự và nói: “Tôi muốn kể từ tuần tới, các vị giáo sư dân sự nầy phải hớt tóc ngắn như các vị sĩ quan, chứ không thể để tóc dài chải tém như thế nầy được.” Tôi cảm thấy đây là một mệnh lệnh không hữu lý nên xin phát biểu. “Thưa Thiếu Tướng, chúng tôi là các giáo sư dân sự, hiện đang dạy tại Đại học Đà lạt, được Bộ Quốc Phòng điều qua dạy văn hóa tại Trường Võ Bị nầy. Xin Thiếu Tướng cho phép chúng tôi được hớt tóc theo kiểu dân sự. Thiếu tướng nghĩ sao khi chúng tôi mặc veston, cà vạt mà lại hớt tóc qúa ngắn theo kiểu các sĩ quan thì coi sao được”. Nghe xong,Thiếu Tướng Thi im lặng… Sau khi cuộc họp giải tán, Bùi Đình Rị đến nói với tôi; “Sao cậu liều vậy, ông Tướng sẽ đì cậu sói trán.” Nhiều bạn giáo sư đang khoác áo sĩ quan trong Văn Hóa Vụ cũng nói với tôi là cậu liều quá, chống lại lệnh của vị tướng chỉ huy trưởng như vậy là sẽ lãnh đủ… Vào giữa năm 1971, tôi đổi về dạy tại trường Đại học Văn khoa Huế và tại đây trong một dịp đón tiếpTrung Tướng Lâm Quang Thi, bấy giờ là Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đòan I, đến thăm viếng Đại học Huế, chúng tôi lại được dịp găp nhau và Tướng Thi rất vui vẻ: “Lại gặp ông giáo sư ở đây nữa rồi…” Khi qua Hoa kỳ vào cuối năm 1994, tôi có dịp gặp lại Tướng Lâm Quang Thi nhiều lần trong các cuộc họp mặt gia đình Võ Bị Đà lạt tại San Jose . Và trong một dịp ra mắt sách năm ngoái tại Trung tâm Vivo về cuốn “Hell in An loc” của ông, tôi đã kể lại câu chuyện trên đây và hướng về ông Tướng, nguyên chi huy trưởng trường Võ Bị Quốc Gia, tôi phát biểu: “Thưa Trung Tướng, trong lòng tôi luôn giữ mãi niềm cảm phục đối với vị Tướng mà đã có lần trong đời mình làm việc dưới quyền. Lòng cao thượng và sự độ lượng của Trung Tướng mà tôi được cảm nghiệm, sống mãi trong tâm tư mình từ ngày ấy cho đến nay, dù biết bao đổi thay đi qua trong một đời người. Đằng sau khuôn mặt lạnh lùng của một vị Tướng với quyền uy sinh sát trong tay là một con người vị tha, đầy nhân bản. hình ảnh nầy của Tướng Lâm Quang Thi đã theo tôi từ tuổi thanh xuân cho đến bây giờ… Mỗi buổi sáng, trường Võ Bị đều có xe búyt đưa rước các giáo sư và nhân viên hành chánh từ thành phố đến trường vào lúc 7:00 trước chợ Hòa Bình và trở lại thành phố khỏang 4:30 chiều. Đi xe búyt thì ấm áp vô cùng vì trời Đà lạt rất lạnh vào sáng sớm nhưng cũng có điều bất tiện là phải đúng giờ và phải đến chiều khi tan sở mới trở về. Trong khi chúng tôi, có những lúc chấm dứt giờ dạy rất sớm. Vì thế, sau đó tôi đã sử dụng xe Honda để đến trường, nhưng phải trùm đầu, nai nịt thật ấm, hai tay phải mang găng mới dám vượt đọan đường khá xa từ Phan Đình Phùng (đọan gần Bệnh Viện thành phố), vòng quanh bờ hồ Xuân Hương, vượt qua nhà ga Đà Lạt, qua hồ Than Thở, rồi mới tới khu đồi của trường Võ Bị… Lạnh ơi là lạnh, nhưng cảm giác vô cùng thú vị. Tôi đã dạy học ở đây gần hết một niên khóa. Mùa hè năm 1969, tôi quyết định về Huế cưới vợ. Nhà tôi là một nữ sinh trường Đồng Khánh, tôi quen trước đó ba năm, và đang là sinh viên năm thứ nhất trường Đại Học Khoa Học Huế. Lễ cưới của chúng tôi được cử hành vào tháng 5 tại tư gia và buổi tiếp tân vào buổi chiều được tổ chức tại Câu Lạc Bộ Thể Thao Huế bên cạnh dòng Hương giang thơ mộng. Vài hôm sau, nhà tôi theo tôi lên Đà Lạt. Một kỷ niệm đáng nhớ, bạn bè chúng tôi đã tổ chức một bửa tiệc ra mắt cô dâu, hiền thê của tôi. Tham dự gồm quý bằng hữu, các sinh viên Sử học mà tôi đang dạy tại trường Văn Khoa, cùng sinh viên đại diện các khóa của trường Võ Bị Đà Lạt. Ấn tượng sâu sắc mà tôi và nhà tôi không thể nào quên là khi phái đoàn đại diện của trường Võ Bị đến tham dự, do SVSQ Lê Viết Đắc khóa 22B hướng dẫn (anh Đắc hồi đó là Trung đoàn phó trung đòan SVSQ), trong bộ dạ phục màu rêu nhạt với gù vai alpha màu đỏ rất đẹp. Mọi người tham dự lúc đó đều tự động đứng lên vỗ tay chào đón nồng nhiệt khi các anh em SVSQ bước vào phòng hội (một điều rất tình cờ là anh Đắc trước đây khi còn ở Huế là thầy dạy toán cho nhà tôi trong một lớp luyện thi). Chiều ngày hôm sau, tại quán cà phê Thủy Tạ trên bờ hồ Xuân Hương, các sinh viên ban Sử Học lại dành cho nhà tôi một buổi đón tiếp rất thân tình mà chúng tôi không thể nào quên dù đã hơn bốn mươi năm trôi qua kể từ ngày ấy. Có lần vào dịp cuối tuần, tôi dẫn nhà tôi vào thăm ngôi trường Võ Bị. Từ nhà khách ở ngay trước cổng trường, tôi chỉ cho nhà tôi ngọn núi cao nhất được gọi là đỉnh Lâm Viên đang ẩn hiện trong sương chiều mà tất cả khóa sinh Võ Bị đều phải chinh phục được trước khi làm lễ gắn alpha để thực thụ trở thành SVSQ của một trường Võ Bị danh tiếng nhất Đông Nam Á nầy. Cuối năm 1969, sinh viên sĩ quan khóa 22B làm lễ ra trường. Đó là khóa đầu tiên cho chuơng trình 4 năm để nhận lãnh văn bằng tốt nghiệp, được Hội Đồng Liên Viện Đại Học Quốc Gia công nhận tương đương với Cử Nhân Khoa Học Nhân Văn và văn bằng Kỹ Sư Tạo Tác. Ngày lễ tốt nghiệp chính thức là ngày 12 tháng 12 năm 1969. Đêm trước đó là lễ truy điệu những anh hùng tử sĩ đã vị quốc vong thân… Không khí vô cùng trang nghiêm, uy nghi và hết sức cảm động. Lễ tốt nghiệp chính thức được tổ chức dưới sự chủ tọa của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tại Vũ Đình Trường. Sau khi Quốc Kỳ và Quân Kỳ được rước qua lễ đài, cuộc diễn binh hùng tráng với những bước chân oai phong và lẫm liệt của các chàng trai Võ Bị trong bộ lễ phục màu trắng, giây biểu chương màu vàng, gù vai alpha và rua màu đỏ rực, đã khiến bao người tham dự hết sức xúc động và vô cùng hãnh diện. Những chàng trai nầy quả là niềm hy vọng của Tổ Quốc ngày mai. Họ là những cán bộ lãnh đạo tương lai của đất nước với kiến thức vững chải về quân sự, cùng với trình độ học vấn của bậc đại học. Khi Tổng Thống gắn cấp bậc Thiếu Úy cho sinh viên Nguyễn Đức Phống, anh đã nhận cung tên để bắn đi bốn phương trời tượng trưng cho chí nam nhi tang bồng hồ thỉ. Các SVSQ khóa 22B quỳ xuống để nhận lãnh cấp bậc Thiếu Úy và đứng lên để trở thành tân sĩ quan hiện dịch của QLVNCH. Ngồi trên lễ đài dành cho gíao sư Văn Hóa Vụ, nhà tôi và tôi chăm chú theo dõi diễn tiến buổi lễ với niềm cảm xúc dâng trào… (Sau này, khi nghe tin anh Nguyễn Đức Phống, sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, đã tử trận trong khi tham dự trận đánh ở biên giới Việt Miên vào khỏang tháng 7 năm 1970, tôi hết sức bàng hòang và đau đớn, thương tiếc một cựu sinh viên, thông minh tài ba mà mệnh bạc…). Bây giờ, trên xứ lạ quê người, khi tóc đã hoa râm, ngồi đếm bóng thời gian chờ ngày trở về với cát bụi, lòng người đôi khi chùng xuống với những hồi ức xa xăm của một thời trai trẻ. Những buồn vui nhiều khi cuồn cuộn trở về… Nhớ nhớ quên quên… Ghi lại những gì trong miền ký ức xa xôi ấy để được tâm sự với người thân, với bằng hữu, và cũng là một cách nào đó, cho mình được sống lại với những hoài bão không thành của một thời vang bóng…
|