Home Văn Học Tùy Bút NGUYỄN HOÀNG, TÊN GỌI CÒN MÃI TRONG TIM!

NGUYỄN HOÀNG, TÊN GỌI CÒN MÃI TRONG TIM! PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Quốc Phiệt   
Thứ Năm, 29 Tháng 12 Năm 2011 16:33

 
 

Ôi ! mái trường xưa màu ngói cũ...
Nghẹn ngào trống dục buổi chia ly...

 

Tuổi học trò tôi đã đi qua rất nhiều ngôi trường, từ trường làng quê sau thời gian đất nước bị chia cắt làm hai, đến những ngôi trường bề thế nổi tiếng trên đất thần kinh. Tôi từng là môn sinh của những vị thầy danh tiếng ở nơi đó, những tên gọi cho đến nay nhắc lại lớp người cũ còn một lòng ngưỡng mộ, kính trọng. Tất nhiên tôi vẫn còn giữ lại trong lòng nhiều kỷ niệm của thầy cũ, bạn xưa và trường lớp.
 
Nhưng một điều chắc chắn là không ngôi trường nào in hằn dấu ấn sâu đậm trong tim tôi bằng trường NGUYỄN HOÀNG, QUẢNG TRỊ, dù tôi chỉ học nơi ấy võn vẹn có hai năm.
 
Vâng, tôi muốn viết về nơi ấy một lần nữa, vì tôi đã từng viết, đã từng dùng trí nhớ để ghi lại những câu chuyện từ ngày xa xưa, hơn bốn mươi sáu năm về trước. Và hôm nay tôi đang viết về dấu tích ngôi trường đã biến thành gạch vụn, mà cái tên gọi thân thương vẫn hằn sâu trong tâm khảm mọi người .
 
Tên gọi đó đã gắn liền với lịch sử : Lịch sử Nam tiến của dân tộc; lịch sử vươn lên của vùng đất khô cằn sỏi đá; lịch sử hào hùng, tang thương, đau xót của chiến tranh…. Và là niềm tự hào, đầy tin tưởng của người Quảng Trị, là niềm thương yêu, nỗi nhớ khôn nguôi của biết bao nhiêu người từng từ đó mà ra, nói rộng hơn là của hầu hết con dân miền núi Mai sông Hãn.
 
Tôi sẽ không nhắc đến tiểu sử ngôi trường, nơi đây chỉ muốn tỏ bày những cảm xúc của một cựu môn sinh, như là những dòng chiêu niệm dĩ vãng; một cái vái tay tạ ơn mái trường ấy,mảnh đất ấy, quý thầy cô của tôi, quý thầy cô của toàn trường, qua tất cả các thế hệ, những bậc đã khuất hay những vị vẫn còn...
 
Và làm chút quà tinh thần, kính gởi đến tất thảy đồng môn cùng trang lứa,và với bất kỳ những ai từng mang trên ngực áo hai chữ  NGUYỄN HOÀNG.
Đó chính là những lời tâm tình chân thiết nhất của một chứng nhân, viết với tấm lòng nhớ thương và dòng nước măt...những dòng chữ này được bật ra từ con tim.
 
NGUYỄN HOÀNG, nơi đó đã tàng trử và lưu truyền nền tảng văn hóa của quê nghèo núi Mai sông Hãn, của những con người đã thành đạt, mà thuở xa xưa họ quyết nương vào để nuôi kỳ vọng đi tới ngày mai, và họ đã thành công, mức độ cao thấp tuy khác nhau, nhưng nói chung đã nhận được những căn bản do sự đào tạo vững vàng từ tri thức cho đến đạo đức làm người,trong đó có tôi.
 
Mái trường NGUYỄN HOÀNG mến yêu đó dù đã bị bình địa, đã không còn ghi cái tên gọi thân thương trìu mến lên cổng ra vào như thuở nào,những xác gạch vụn còn trơ gan để đêm đêm nằm nghe lời than khóc tức tưởi thương tiếc. Ôi ! nói sao cho cùng, nói đến bao giờ và nói thế nào cho cạn hết nỗi niềm… Vậy cho nên mỗi lần nhắc lại không sao ngăn được sự xao xuyến bùi ngùi với dòng nước mắt chực tuôn.
 
Không biết có bao nhiêu người giống như tôi, khi tuổi đời đã chồng chất, tóc điểm màu sương, cho là đã dạn dày, bước chân lang bạt đó đây, đã từng vào sinh ra tử, nếm đủ vị đời ngọt, mặn, chua, cay…thế mà , khi trở về quê hương đứng trước cổng trường xưa lại không ngăn được dòng nước mắt. Tự hỏi vậy, nhưng tôi đoan chắc là có rất nhiều,có người đã viết ra bằng văn thơ, còn đa phần thì chất chứa trong lòng, một nỗi nhớ, một nỗi buồn hoài cổ NGUYỄN HOÀNG . Hỡi bạn ta ơi ! xin gởi một lời chia sẻ những nỗi niềm đau đớn như nhau.
 
Sau một thời gian khá dài vắng bóng bởi phải đi trả nợ đời oan nghiệt. Khi tạm có điều kiện, nói là có điều kiện cũng cần phải giải thích: nghĩa là có thể được đi lại, và cũng cần bày giải như vậy vì sẽ có người sau này không thể hiểu nổi những điều kiện sống, sinh hoạt, ăn nói, đi lại, giao tiếp…của con người trong thế hệ chúng tôi, vào khúc quanh không may của lịch sử.
 
Đó là một ngày cuối cuối Đông, tiết trời giá buốt với những cơn mưa dầm và ngọn gió bấc xé da, xạm cả mặt. Tôi đến nơi vào buổi chiều ảm đạm buồn tênh, ngơ ngác nhìn quanh, cái gì cũng lạ hoắc, không rõ mình đang đứng nơi nào, tất cả đã hoàn toàn khác xưa.
 
Tất cả còn tiêu đìều chưa hơn gì sau năm 72, khi cuộc chiến khủng khiếp vừa tạm chấm dứt, có nhiều thứ còn tệ hại và lạc hậu hơn kia. Điệu buồn không chỉ trong tiếng gió và tầm mưa, nó còn hiện rõ lên từng nét mặt của tất cả những con người tôi nhìn thấy.Quê hương tôi là thế đấy,sau mười năm nối lại nhịp cầu, chưa ngẩng đầu lên mốt chút xíu, tôi nghiệp, da diết làm sao !
 
Những năm tháng ở nơi xa xôi, hướng về với quê hương với một cõi lòng nặng trĩu, biết bao xót xa,kể từ ngày khói lửa ngập lên vòm trời tuổi thơ, trên quê hương hiền hòa một thời, nơi chôn nhau cắt rốn ấy.
 
Nhớ về  hình ảnh mảnh vườn xưa hài hòa những màu hoa cà, hoa bí, hàng cau, bờ tre, làn khói lam chiều … có bầy chim chặt rặt* nhí nhảnh bên nhau trên sân nhà thân quen mà mình vào ra khi còn tấm bé . Tiếng hót líu lo vi vo của loài chim chiền chiện** cất cao trên mảnh ruộng vừa gặt xong, nắng đầu mùa đã đủ làm đất khô nứt nẻ.
Con đường từ làng qua chợ lên trường, mấy mùa đi về, quen từ khúc quanh ngọn cỏ, gò đống, lùm cây.
 
Tất cả là vết ghi kỷ niệm một thời tóc xanh, trên bầu trời thênh thang giữa quê hương yêu dấu, nơi đó có mái trường NGUYỄN HOÀNG là bóng mát chở che một chặng đời, làm điểm bật để đi lên.

Ôi ! mái trường xưa màu ngói cũ,
Nghẹn ngào trống dục buổi chia ly
Xa nhau rồi, biết nói gì
Gục mặt xuống mà nghe hồn nức nở ! …”
(Triệu Ngọc Tường…,64)

Tôi đã ra đi từ một dạo, bỏ lại trường xưa, bạn bè và quê hương của tuổi thơ những ngày mộng mơ khi tuổi đời vừa chớm nụ, và cuộc đời quá nhiều biến đổi, nhiều khi không kịp ngoái lại đằng sau. Nhưng trong trái tim thì quê hương vẫn mặn mà, trường xưa vẫn đậm đà từng niềm thương nỗi nhớ, QUẢNG TRỊ và NGUYỄN HOÀNG yêu dấu của tôi ơi !
 
Ôi kinh hoàng những ngày tang thương, luống đất vồng khoai được tưới bằng bom đạn, khói lửa ngút trời, tôi lại càng thêm quá bận rộn với gánh nặng trên vai, đâu còn nhiều thì giờ thăm lại chốn xưa.
 
Nhưng dẫu sao thì hình ảnh quê hương cũng đồng hành với tôi từng bước, tôi mang theo tuổi học trò với ngôi trường NGUYỄN HOÀNG,những gì là buồn vui  ở nơi quê nhà, không để sót chút gì.

Sau chiến cuộc 72, trường đã thành bình địa, trên bước đường lánh nạn nơi xa, tên trường vẫn được di dời, vẫn lớp học, vẫn thầy cô đùm bọc quây quần bên nhau, trau dồi kiến thức, quý hóa làm sao.
 
Lúc đó, tôi không còn là một cậu học trò, đã phải bươn chải với cuộc đời , nhưng tôi hiểu thấm thía những ngày tháng đa đoan, lớp học nơi tại tạm cư, điều kiện hạn chế. Xin nói lời chia sẻ với các bạn đồng môn lớp sau. Xin kính lời mến phục quý thầy cô vẫn đeo đẳng với trường với lớp, ôi ! quý hóa làm sao!
 
Những học trò NGUYỄN HOÀNG ở giai đoạn đó dù rất khó khăn vẫn học hành, mà nhờ đó cái tình trường, tình thầy cô càng thêm mặn mà thắm thiết. Mất đi một cái gì sao ngăn được nước mắt phải không !
 
Lúc trường hồi cư về Hãi Lăng, với bao khó khăn nơi mà cái gì cũng mới, cũng bắt đầu trở lai, nơi bải cát với ngọn gió Lào và cái nắng phỏng chân. Trường lớp, thầy cô theo chân từng bước, lo cho học trò, dạy dỗ đến nơi đến chốn. Ôi, lấy gì đền đáp những tấm lòng vàng nầy đây.
 
Những hình ảnh, tình nghĩa sâu đậm đó vẫn sống mãi trong lòng người, trong lòng nhiều thế hệ môn sinh, cho dù thời thế chuyển vần trong cuộc cờ được sắp xếp giữa những tay chơi trong bóng tối, biết rằng những thiệt thòi trong cuộc xếp lại quân cờ là một sự đớn đau, mất mát lớn lao. Và NGUYỄN HOÀNG không còn được gọi tên từ dạo ấy.
 
Người Quảng Tri, học trò NGUYỄN HOÀNG,có một tấm lòng, mà nền tảng đã được tô bồi từ bao thế hệ, đó là sự tồn tại bất di diệt cuả NGUYỄN HOÀNG, chứ không hẳn là chỉ cái bảng treo trên hai cái trụ cổng, cho nên NGUYỄN HOÀNG, đã,sẽ sống mãi trong trái tim của mọi người ở bất cứ nơi đâu.
 
Ở nơi nào,dù gần hay xa, dù cận kề hay chân trời góc bể. Ở đâu có bóng dáng người Quảng Trị là có NGUYỄN HOÀNG. Trong trái tim, trong văn, thơ…trong sinh hoạt đồng hương, đồng môn…tất cả gắn bó với tinh thân thương yêu quê hương, trường lớp, thầy trò…
 
Cuộc họp mặt NGUYỄN HOÀNG trên sân trường cũ quy tụ khoảng ba ngàn người từ khắp các nơi về dự . Những khuôn mặt hớn hở, nụ cười thật tươi bên nhau, những dáng dấp ngày nào vẫn còn đó, gợi lại biết bao kỷ niệm một thuở học trò.
 
Những cuộc họp mặt của NGUYỄN HOÀNG hiện sinh sống ở Đà Nẵng, Đồng Nai, Hàm Tân, Bà Rịa Vũng Tàu, Sài Gòn (Quán Cây Đa) Có nơi vài năm một lần,có nơi hằng năm, và có nơi hầu như hàng tháng…
 
Ở nước ngoài, mà đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Đâu có người Việt sinh sống là có hội hoặc ban liên lạc cựu học sinh NGUYỄN HOÀNG,có sự tham dự của các cựu giáo sư, nhiều thế hệ, họ đến với nhau trong tình đồng hương, tình thầy trò, tình đồng môn trong sự quý trọng, thân thiện bên nhau.
 
Ngoài những cuộc họp mặt mang tính từng vùng, tiểu bang, còn có cuộc họp mặt liên trường trung học Quảng Trị tại Texas 2008,quy tụ đông đảo nhiều cựu môn sinh các trường trong vùng và phụ cận hợp cùng các nơi xa về tham dự, đã thỉnh mời được 5 cựu Giáo Sư.
 
Và gần nhất là cuộc hội ngộ NGUYỄN HOÀNG toàn thế giới tại Nam California,
USA quy tụ hơn bốn trăm cựu môn sinh về từ khắp nơi, với lời thỉnh mời và bảo trợ được 4 cô và 1 thầy từ Việt Nam qua, cùng sự hiện diện hầu như toàn bộ cựu giáo sư NGUYỄN HOÀNG đang sinh sống khắp nơi trên đất nước rộng lớn Hoa Kỳ và Canada..
 
Những hình ảnh ghi được vô cùng xúc động, trong niềm vui gặp gỡ lại nhau sau mấy mươi năm xa cách, tay bắt mặt mừng, dưới những viền mắt ngấn lệ khi nhìn tấm hình mái trường NGUYỄN HOÀNG mến yêu cở lớn chiếm cả sân khấu hội trường rất sống động.
Những lời phát biểu phải ngắt khoảng bởi nghẹn ngào !  Ôi ! làm sao có thể nói cho cùng tình cảm quê huơng thiết tha,  mặn mà trường lớp, thắm thiết thầy cũ bạn xưa.
 
Tất cả nói lên sự liên kết trong tình thân ái NGUYỄN HOÀNG, dù vì lý do gì,đang đứng ở đâu, có đến được hay không đều phải công nhận một sự thật, đã nói lên những gì mặn nồng sâu đậm với mái trường, để cho tên gọi NGUYỄN HOÀNG không bao giờ im tiếng. Hy vong rằng những lời chia sẻ này không mang tính ca ngợi tô vẽ thái quá, đó là một cái nhìn công bằng, và những điều hiển nhiên phải được công nhận.                        

Những cuốn Đặc San Hương Quê Nhà-Sài Gòn, Chân Dung và Kỷ Niệm- Huế, Đặc San Xuân Nguyễn Hoàng-Bắc Cali , Hội Ngộ Nguyễn Hoàng - Nam Cali… là những  sợi dây liên kết thân thiện của những người từng từ mái trường ấy mà ra, ghi lại được những tâm tư tình cảm của thầy cô, môn sinh đối với mái trường. Xin kê ra đây với một lời trân trọng..

Dù làm việc gì, thì tất cả đã làm bằng tấm lòng, tấm lòng đồng hương, đồng môn, thương yêu, nhân nhượng trong sự hợp tác vì một mục đích duy nhất là hoài niệm và tôn vinh một mái trường, những tấm lòng thật đáng ngợi ca.

Người viết bài này, với thời gian ở Hoa Kỳ, không quá lâu, cũng không mới mẻ, đang sinh sống ở thành phố lớn đứng hàng thứ mười của Hiệp Chủng Quốc. Nơi đây, còn thấy nhan nhản những tên đường, công viên…từ thuở xa xưa, kể cả thời còn là thuộc địa, người ta vẫn duy trì như là bảo tồn lịch sử những vùng đất đã đi qua với thời gian.
 
Ngay tại thủ đô Washington, nghĩa trang Arlinton, như một bằng chứng tinh thần hiếu hòa, tôn trọng lẫn nhau của họ, những khu mộ cho chiến binh hai bên, cùng quy về trong nghĩa trang Quốc Gia, nằm gần nhau dưới chân đài tử sĩ.
 
Sau cuộc nội chiến Nam Bắc (1861-1865) vị tướng chỉ huy quân đội miền Nam thua trận, Robert E Lee, vẫn được tôn kính, được vinh danh như một anh hùng trong lịch sử Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
 
Nhiều sự kiện nơi đây và khắp thế giới, chỉ xin đơn cử vài cái như vậy để làm phép tính so sánh cái văn minh của người, và soi rọi lại mình, những gì cần nghiêm khắc sửa chửa.
 
Tôi viết ra những dòng này để chiêu niệm một mái trường đã bị mất tên, để hoài niệm một thời yên bình trên quê hương, đề tưởng nhớ những người đã nằm xuống, nguyên là giáo sư hay môn sinh NGUYỄN HOÀNG,dù họ từng đứng ở nơi nào; để dâng lời trân trọng biết ơn với thầy cô, để tâm tình san sẻ với đồng môn, bằng cả tấm lòng.
 
Và, xin nói rõ ra rằng, những điều tôi viết ra đây là lời của một chứng nhân thời đại. Nhân danh tôi, một môn sinh của mái trường không còn được phép treo tên. Nơi đã đào tạo bao nhiêu người thành những phần tử hữu ích cho xã hội, có đầy đủ nhân lễ nghĩa trí tín…và bài học nhân bản khi vào đời. Cho nên những gì ngắn gọn đã ghi ra trên đây, cũng là nỗi niềm về thân phận làm người, những điều cần được ghi lại. 
 
Xin xác chứng rằng tôi không viết ra bằng sự tị hiềm, bằng cách nhìn đối nghịch…mà chỉ viết cho tôi, viết thay cho biết bao nhiêu người chưa viết, không thể viết…về một ngôi trường từng bị san bằng bởi tham vọng, và khi được tái thiết cái tên cũng bị lãng tránh, để lại trong lòng người muôn vàn tiếc thương.

NGUYỄN HOÀNG, tên gọi mãi còn trong tim. Tôi tin chắc rằng tên gọi NGUYỄN HOÀNG sẽ trở lại với mảnh đất ấy một ngày rất gần đây.
 
Trần Quốc Phiệt
San Jose,Ca, USA