Đôi Dép PDF Print E-mail
Tác Giả: Chu Trinh   
Thứ Bảy, 07 Tháng 1 Năm 2012 09:17

Giầy dép có lẽ đã được sáng chế ra từ rất lâu đời rồi.

Nói chuyện giầy dép chẳng khác nào nói chuyện cổ tích.Nhưng có việc gì ta nói tới hôm nay mà người xưa chưa từng nói đến ?Vả lại nói đến những việc đại sự quan trọng khác thì thiên hạ đã bàn đi tán lại chán ra,xong rồi cũng chẳng đi đến đâu.Vậy cuối năm cứ thử nói chuyện giầy dép xem sao.

Chẳng cần nói chắc ai cũng biết khi đi chân trần trên những con đường gai góc,sỏi đá,dù là người ăn lông ở lỗ,da chân rất dầy cũng rất bất tiện,khó khăn , đau đớn và sẽ thoải mái,dễ chịu hơn nhiều khi có lót một thứ gì bên dưới bàn chân để đi.Thế là con người sáng chế ra giầy dép.

Dĩ nhiên đi kiếm những mẫu giầy dép con người sử dụng đầu tiên đến giờ cũng không dễ dàng gì mà cũng chả có gì là lý thú.Đọc truyện Tàu biết những nhân vật
trong đó đi Thảo Hài chắc là kết lại bằng cỏ hay lá cây .Hồi còn nhỏ bọn trẻ con chúng tôi cũng hay lấy mo cau chế thành dép đi chơi với nhau.Giầy dép bằng da thú vật chắc cũng đã có từ hàng ngàn năm rồi.Nhưng con nhà quê như tôi hồi còn bé, thấy các ông lấy gốc tre già đẽo thành guốc để đi,quai làm bằng vải hoặc da trâu cũng thấy hay hay.Làm quốc người ta lựa loại gỗ xốp cho nhẹ chứ không dùng loại gỗ chắc,mang rất nặng,mỏi chân lắm.

Trong dân gian có câu đố nói về Đôi Guốc Mộc như sau :
Song song hai chiếc thuyền tình
Đầu rồng đuôi phượng đóng đinh hai hàng
Một chiếc em chở năm chàng
Hai chiếc em chở mười chàng ra đi
Trách người quân tử lỗi nghì
Ăn trên ngồi trốc chẳng nghĩ gì đến em;
(Đố là cái gì?)

Thế nhưng, theo sử sách đôi guốc đã xuất hiện ở Việt Nam khá sớm. Các sách cổ của Trung Quốc như Nam Việt chí, Giao Châu ký có ghi rằng Bà Triệu (ở thế kỷ III) đi guốc bằng ngà voi: “Triệu Ẩu vú dài ba thước, không lấy chồng, khi đi núi chân thường mang một loại guốc gọi là kim đề kịch” (Sách Giao Châu ký).

Ngày trước ở nông thôn, vào những ngày giá rét, phụ nữ và đàn ông khi đi dự hội hè đình đám thường đi guốc gộc tre. Guốc đi trong nhà được đẽo bằng gỗ, có mũi uốn cong cong bảo vệ ngón chân, quai dọc thì tết bằng mây chứ không phải bằng quai da đóng ngang như guốc kiểu thời cận đại. Trước kia ở Phú Yên (Nam Trung Bộ), đôi guốc bình dân là guốc do người dân quê tự đẽo lấy. Loại guốc này cao hơn đôi guốc sản xuất để bán, mũi hơi cong lên, trước mũi có dùi một lỗ thủng từ bên trên xuống, phía sau dùi hai lỗ ,quai guốc cột sợi dây, có thể dùng vải se lại, mềm, êm, cho khỏi đau chân. Guốc xỏ quai qua hai lỗ ngang, đưa tới trước, xuống lỗ phía trước, gút lại bên dưới, giống như quai dép Nhật hiện nay. Chỗ cong lên tránh cho quai không bị chà xát với đất để khỏi mau mòn, chóng đứt. Bên cạnh guốc tự đẽo, ở tỉnh này cũng đã có bán guốc gỗ dành cho đàn ông và cho phụ nữ. Guốc phụ nữ hơi eo ở chính giữa, guốc đàn ông không eo nên được gọi là guốc xuồng. Guốc sản xuất ở Phú Yên không sơn, giữ nguyên màu trắng của gỗ, thường là cây lòng mực. Còn guốc nhập từ Huế thì có sơn, hoặc sơn đều một màu, hoặc sơn hai màu (thường là màu đen và màu nâu), phía lòng bàn chân là một hình tam giác màu nhạt hơn. Chỉ những người khá giả mới đi guốc sơn. Một số nơi gọi guốc là “dỏn” nên đã có thành ngữ “Chân giày chân dỏn” chỉ sự giàu sang ăn diện.

Cho đến năm 1940, học trò nam trường công ở tỉnh Bến Tre mặc bộ bà ba trắng, chân đi guốc.
 
Vào những năm 50-60, người ta đem guốc mộc được sản xuất ở làng Đơ Đồng tức Yên Xá (xã Tân triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội), ở Kẽ Giày (xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây) về số nhà 12 phố Hàng Gà, hay về phố Bạch Mai ở Hà Nội để sơn, xì hoa, sau đó mới đem đi bán. Đi guốc dưới màu xanh của những hàng cây sấu cổ thụ đã là nét đẹp một thời của thiếu nữ thủ đô:
Đường sấu lâu rồi im tiếng guốc
Xuân về, táo rụng nhớ đàn em

Guốc gỗ của các bà các cô là những tác phẩm nghệ thuật xinh xắn có lúc đã là những sản phẩm xuất khẩu được ưa chuộng.Ngày xưa các cô mặc áo dài đi quốc Dakao thì đúng là dân sành điệu rồi.Hiện nay guốc gỗ vẫn còn được một số người ái mộ.Một đôi guốc gỗ nếu có đóng đế cao su có thể thay mấy đời quai mà vẫn đẹp.Mấy cô nữ sinh ngày xưa đi học mặc áo dài trắng,đi guốc cao gót bây giờ vẫn là những hình ảnh đẹp hằn sâu trong tâm trí những ngưởi ở tuổi xưa nay hiếm.Có một hình ảnh không thể nào quên khi thấy cảnh một cô đi xe đạp mang guốc trật pedal,một chiếc guốc rớt ra,trong khi một chiếc xe tải vừa trờ tới cán nát chiếc guốc vừa rơi ra,cô bé mất guốc đứng nhìn ngẩn ngơ !
 
Ngoài ra ngày nay giầy dép còn được làm bằng nhựa dẻo hóa học nữa.Trong cuộc chiến chống Pháp và Mỹ,bộ đội cụ Hồ luôn dùng dép râu còn gọi là dép lốp hay dép Bình Trị Thiên chế từ lốp xe làm đế dép, còn quai dép thì bằng ruột xe,bền và tiện vô cùng lại dễ sửa chữa.Đi đâu cũng chỉ cần mang phòng hờ vài khúc ruột xe hơi cắt sẵn làm quai và một miếng mỏng tre cật có xẻ làm đôi một phần là yên tâm hành quân băng rừng lội suối vượt Trường Sơn !
Nhưng cũng có người than thở :

Đôi dép râu giẵm nát đời son trẻ,
Mũ tai bèo che khuất nẻo tương lai.

Ngày nay tiện và lợi là thế mà chẳng còn thấy ai mang dép râu nữa,có chăng chỉ có mấy cô cậu lâu lâu hứng chí kiếm một đôi dép râu cải tiến đi vào chân để khoe với bạn model mới,nhưng cũng mau chán bỏ đi.
Trước những năm 54 và 75,giầy dép ở Việt Nam cũng đã ở mức tiến bộ không hề thua kém các nước tiến bộ khác.Có những đôi giầy đi rồi không dùng tới hàng chục năm,khi lấy ra đi trở lại vẫn láng coóng,xinh xắn như mới.Còn tại sao giầy dép lại cất đi hàng chục năm không mang ra dùng thì chỉ những ai đã sống qua thời gian đó mới biết rõ.Vì quần áo đẹp và giầy dép sang mà ai đem ra mang thời đó là tự tố cáo mình là thành phần gì trong xã hội và cần phải theo dõi ,đánh giá !
Tôi tình cờ có làm nghề bán giầy dép một thời gian khoảng những năm 1985 và đã gặp phải những tình huống dở khóc dở cười.Lúc Việt Nam còn bị cấm vận,mấy thứ keo dán giầy dép khan hiếm ghê gớm,nên người ta đã nghiên cứu và sáng chế ra nhiều thứ keo dán mà khi đem ra dùng mãi vẫn không khô,không dính.Mấy bác thợ giầy,tay nghề cao,làm ra nhiều kiểu giầy dép khá đẹp nhưng dùng loại keo dán này làm người mua thất vọng hoàn toàn vì chỉ cần mang vào chân đi bộ khoảng vài chục mét là quai đi đàng quai và đế đi đàng đế !Thế là người mua bắt đền người bán.Thế là có màn điều đình thương lượng giữa hai bên là đem ra cậu may giầy dép may quai với đế lại,mỗi bên chịu phân nửa tiền công may.Cũng từ đó người bán luôn nhắc nhở người mua nhớ đem đi may trước khi dùng.Cũng từ đó đội ngũ những người may giầy dép trở nên đông đảo,ăn nên làm ra.

Ngày nay chất lượng keo dán tốt hơn nên cũng hạn chế bớt việc phải đem giầy dép mới tinh đi may lại,tuy vẫn còn nhiều loại giầy dép mới vừa đi đã rớt quai.
Sức sáng tạo ra những kiểu dáng giầy dép của người thợ thật vô cùng tận và nhiều người phải cố dấu kín kiểu dáng mới do mình sáng tác,phải đợi sản xuất được số lượng khá mới dám bung ra bán vì nếu không khéo, khi mặt hàng bán chạy có kẻ nhái mẫu ngay là mất ăn!

Hồi xưa tôi cứ nghĩ mỗi người chỉ cần có một vài đôi giầy dép là đủ,nhưng nghe nói bà Tổng Thống Marcos của Philipines có hàng mấy trăm đôi giầy thì tôi mới biết sự thật không phải thế.Khi làm nghề bán giầy dép tôi mới khám phá ra là các bà các cô cứ thấy giầy dép kiểu mới là mua không cần biết là họ có đi nó hay không và không cần nhớ là mình có mấy đôi trong nhà !Có người mua một lần cả chục đôi giầy dép vừa để đi vừa tặng bạn bè.

Cửa hàng tôi đông khách,vì nhà sạch và theo tập tục Viêt Nam,ai vào đều tự động để giầy dép ở ngoài và lộn xộn đã xảy ra.Đó là khách hàng đi lộn giầy dép của nhau hoặc là đi nhầm chiếc nọ chiếc kia.Thậm chí có người đi lộn giầy kiểu giống nhau cùng số nhưng có đế 5 phân và 7 phân cao thấp khác nhau .Thế mà cũng đi mất tiêu không chịu quay trở lại để đổi.Lại còn có những người bỏ lại đôi dép rẻ tiền lấy đi đôi dép đẹp đắt tiền của người khác.

Vui nhất là dịp đầu năm âm lịch các bà các cô đi lễ chùa,vào lễ Phật thì phải bỏ giầy dép ở ngoài.Cả bà Clinton vào lễ chùa ở Miến Điện cũng phải đi chân trần vào Điện thờ.Số giầy dép đẹp và toàn là mới tinh ở trước cửa điện thờ bữa tết bị mất rất nhiều;họ phải trở lại cửa hàng tôi mua đôi mới và kể chuyện lại,vừa vui vừa giận!Chả biết ở nước khác có nạn ăn cắp giầy dép ở Chùa như tại Việt Nam hay không.

Còn một chuyện vui nữa xin kể hầu quí vị,chuyện thật 100% xảy ra tại nhà ông bạn tôi.Ông này có người con làm việc trong một Lãnh Sự Quán.Ngày tết ông Lãnh sự đến thăm nhà nhân viên.Cũng tại tập quán bỏ giầy dép ngoài cửa của VN,ông này lịch sự cởi giầy vào nhà nói chuyện,khi ra về tìm hoài không thấy đôi giầy đâu(chắc là đôi giầy mắc tiền mua ở nước ngoài mang tới VN).Chủ nhà sượng mặt không biết ăn nói thế nào với khách đành kiếm đỡ một đôi dép cho ông khách quí đi về tạm.Sau này ông bạn tôi có đăng tấm bảng xin chuộc đôi giầy một cách hậu hĩnh nhưng cũng chẳng có kết quả gì.

Chuyện giầy dép nó lỉnh kỉnh như thế,chưa kể hàng giả hàng nhái,nhưng có bài thơ Đôi dép thật cảm động mời quí vị đọc lại nhân dịp cuối năm để cảm nhận chút ấm áp tình người.

Bài Thơ Đôi Dép
Bài thơ đầu anh viết tặng em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nổi nhớ ở trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ
Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nữa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau
Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia xẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia
Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiểng
Giống nhau lắm nhưng người đời sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu
Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh
Đôi dép vô tri khắng khít song hành
Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi
Không thể thiếu nhau trên bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
Nhưng tôi yêu em bởi những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau bằng một lối đi chung
Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia
.
Nguyễn Trung Kiên

Giầy dép cứ tồn tại với con người,giúp con người vượt qua khó khăn gian khổ,làm tôn vinh dáng vẻ,điệu đà bước đi và phô bày cốt cách của người mang nó mà diễn viên Kim Cương một thời đã diễn tả trong Lá Sầu Riêng,cái kiểu lần đầu tiên của cô gái quê đi giầy cao gót,khiến ai cũng phải phì cười.Nhưng nếu có ai định dùng con người làm giầy dép để lót đường cho họ thì hậu quả sẽ như thế nào,khó có ai đoán được.Trong truyền thuyết cũng như trong cổ tích,đôi giầy của cô bé Lọ Lem hay đôi hia bảy dặm là ước mơ của con người muốn vượt qua hoàn cảnh,tìm lấy hạnh phúc mà đáng lẽ mình phải được hưởng.