Khi còn bé, chúng ta nghe nói đến “giọt lậu” hay “canh tàn” và được thầy cô dạy cho ý nghĩa của chữ “đồng hồ.” Một bầu nước bằng đồng để đo thời gian.
|
Chiếc đồng hồ “Platinum Opus V” do Harry Winston chế tạo trị giá khoảng $90,000. (Hình minh họa: Stan Honda/AFP/Getty Images)
|
Lớn lên một chút và đọc truyện đời xưa thì mình bập bõm hiểu được thế nào là “cạn một tuần nhang.” Người xưa có bầu nước nhỏ giọt mà vẫn không có đồng hồ và họ đếm thời gian bằng tiếng trống cầm canh, hoặc bằng cây nhang. Cháy hết cây nhang là được một “tuần,” mà không phải là bảy ngày! Còn cây nhang đó lớn nhỏ dài ngắn ra làm sao thì tùy. Cho nên một tuần đó có khi là nửa tiếng, có khi là vài giờ nếu lại là nhang vòng!
Mấy ông Tây làm thơ có viết, “Thời gian ơi, xin hãy ngừng bay.” Còn chúng ta cứ việc dụi luôn thẻ nhang là yên bề, và có khi còn quên cả đường về. Các “cô bé lọ lem” của chúng ta đều hụt mất thời khắc nửa đêm và đánh rớt cả hai chiếc hài cho hoàng tử đi lượm tới sáng. Vào dịp “năm cùng tháng tận” như thế này mà nếu Quỳnh Giao có tạp ghi về thời gian thì sẽ dễ được độc giả thông cảm. Nhưng nếu muốn thêm nồng vẻ Xuân thì phải nói về thời gian trên tay phụ nữ. “Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé!” Mấy ông si tình mà làm thơ thì có khi khóc lóc như vậy cho mùi. Chứ để em khỏi quên thì hãy tặng nàng một chiếc đồng hồ!
Nhân chuyện ấy lại nhớ chú Hoài Trung. Ngày xưa chú có nói đến tiếng lóng của giới giang hồ, rằng đó là cái “đồng hịu”! Chuyện “cờ bẻo” hay cái “đồng hịu” này, giờ đây đã là một thời vang bóng, vì tiếng lóng đời nay đã hoàn toàn đổi khác. Cũng đổi khác là một đặc sản của Âu Châu, hay Thụy Sĩ. Vào một dịp du ngoạn đất Thụy Sĩ, Quỳnh Giao nghe người hướng dẫn giải thích vì sao xứ này lại là vô địch về nghệ thuật đồng hồ. Xin ghi lại ở đây, chứ không dám đảm bảo “72 phần dầu,” như người Pháp vẫn quảng cáo xà phòng của họ.
Số là dân Thụy Sĩ cần gìn giữ tài sản nên đúc vàng thành đồng hồ. Khỏi bị mang tiếng buôn vàng thoi vàng thỏi hay vàng lá. Nhờ chuyện khuất tất như vậy, người Thụy Sĩ cải tiến kỹ thuật và ngự trị địa cầu về nghệ thuật làm đồng hồ. Ðệ nhất thế giới về bí mật ngân hàng và cái đồng hồ là một đất nước có vẻ hiền như bụt! Dù chẳng thể biết truyền thuyết ấy đúng hay sai, người viết cũng đoán rằng đó là âm mưu của các ông! Không phải là vu cáo đâu, xin các ông chịu khó đọc tiếp.
Ngày xưa, có lẽ đến thế kỷ XIX, giới thượng lưu và có tiền tại Âu Châu vẫn đặt các bà lên ngai. Nữ lưu thì không một mình bước khỏi nhà vì phải có người đưa kẻ đón. Ra tới ngoài thì chuyện giờ giấc thuộc về phái khỏe. Vì thế mà phụ nữ đài các của Âu Châu có thể đeo rất nhiều trang sức, nhưng không có cái đồng hồ trên cổ tay. Bà nào mà còn phải có cái đồng hồ ở trong túi thì chắc là người cô đơn hay còn lam lũ chuyện làm ăn! Tay cầm quạt lông, quạt trần thơm phức, vị nữ lưu thời trước đeo đầy nữ trang lấp lánh trên mái tóc hay ngấn cổ và đôi tai. Nhưng luôn luôn yếu đuối với vẻ yểu điệu khi cần hỏi han về giờ giấc. Ðấy là cơ hội cho các ông kiếm việc và được việc!
Một thế kỷ sau thì sự tình đã đổi. Nhiều bà nay đã là chủ tịch hay tổng giám đốc doanh nghiệp và bươn chải ngoài đời để các ông đóng tã và cho con bú sữa ở nhà. Dù trường hợp ấy chưa hẳn là đa số, việc đàn bà không có đồng hồ đeo tay và chẳng được một mình bước ra ngoài là điều không còn nữa. Sản xuất đồng hồ cho các bà đã là một thay đổi lớn của thế kỷ XX.
Qua đến thế kỷ XXI thì sự thể còn đổi khác hơn nữa. Nó đổi khác không vì nhà nào cũng kê dăm ba máy truyền hình có giờ giấc trên màn ảnh. Mà cũng chẳng vì xe hơi nào cũng có đồng hồ cạnh bảng số và ai cũng có điện thoại di động, với phút giây tự điều chỉnh còn chính xác hơn chiếc đồng hồ Thụy Sĩ mà “Made in China.” Thời nay, người ta phân biệt loại đồng hồ thực dụng cho các bà cần đo đếm thời gian. Từ chiếc đồng hồ vài chục đến vài ngàn, cái vật thực dụng ấy là hành trang của mọi cô mọi bà. Nhưng khi vầng ô đã khuất non Ðoài và trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn, các bà còn cần một loại đồng hồ khác. Người ta gọi đó là “cocktail watch” mà chẳng ai dám dịch là đồng hồ đuôi gà hoặc phiên âm là “đồng hồ cốc tai.”
Ðó là sản phẩm của quý bà thích và có khả năng chưng diện, là loại nữ trang được ngụy trang thành cái đồng hồ! Chín chục năm trước, nhà Van Cleef & Arpels còn phải ngụy trang cái đồng hồ phàm tục thành trang sức cho các bà quý phái. Họ gọi đó là “đồng hồ bí mật” vì là đóa hoa bằng quý kim, bên trong có nút bấm để chỉ giờ giấc cho các bà mệnh phụ liếc xuống ra cái chiều thờ ơ. Ngày nay, những nhà kim hoàn nổi tiếng nhất thế giới đều lấy chiếc đồng hồ làm cái cớ cho các bà có dịp khoe của!
Rẻ nhất trong loại sang quý đó là chiếc đồng hồ vàng 18 carat mặt khảm xà cừ với dây đeo bằng xa tanh của nhà Van Cleef-Arpels. Rẻ như bèo vì chỉ có bảy ngàn ba. Cao cấp hơn là nhà Harry Winston của Mỹ, với chiếc Semira vàng trắng và xà cừ có nạm 12 carat kim cương, mà đắt hơn một cái xe hạng sang vì trị giá gần 130 ngàn đô la. Thường thường bậc trung thì có chiếc “Premier Pearl” của Chanel, có hơn sáu chục ngàn thôi! Nhiều nhà khác thì chỉ cho biết giá khi có khách hỏi. Người viết chẳng thuộc vào diện thâu tóm thời gian vào cổ tay nên không dám hỏi!
Nhưng được biết thêm là hãng Harry Winston có thể làm dân Thụy Sĩ thèm thuồng. Ðồng hồ cho các ông thì có thể lên tới ba trăm ngàn, chứ đồng hồ kiêm nữ trang của Harry Winston có loại lên tới 890 ngàn Mỹ kim. Chưa kể thuế! Tức là có bà đeo nguyên cái biệt thự trên cổ tay. Với người đó, thời giờ chẳng là vàng bạc tầm thường trên cổ tay, mà phải là một nắm kim cương! Bà nào mà chơi trội như vậy thì khỏi cần mặc dạ phục cho một buổi tiếp tân. Ðôi khi chỉ là chiếc quần jean bạc phếch! Còn có cận vệ hay không thì đấy là phần vụ của các ông! Ngày Xuân nâng chén, xin nhớ vén tay cho đời thấy ta đeo cái đồng hồ gì. |