Người bạn thiết của những kẻ lang thang. |
Tác Giả: Du Tử Lê |
Thứ Năm, 11 Tháng 3 Năm 2010 18:23 |
Hình như tôi đã yêu Hồ Dzếnh ở những năm đầu tuổi thơ. Một tuổi thơ trong loạn lạc, hoang tàn của quê hương tôi. Những cây gạo đỏ gẫy gục bên một bờ sông Đáy. Từ những bước chân lên mười tản cư qua Đồng Lạc, Rừng Mơ, Thanh Hóa... Cuối cùng, quay lại, ngập ngừng nơi những bậc tam cấp của Chùa Bà Đanh, trước khi quyết định về làng - Chiều, của Hồ Dzếnh đã là những tiếng rã rời, hay những bàn tay ve vuốt đầu tiên trong tâm hồn tôi, hoảng hốt. Chiều, đã được cất lên giữa cái hoang tàn, đổ nát đó, bởi nhiều giọng khác nhau. Bởi nhiều tâm sự, với những tình ý gửi theo, cũng khác nhau. Nhưng trong tâm hồn non nớt của tôi, qua cái lọc là tấm màn vải thưa, hay dải cát non của một bãi bờ tinh khôi, mặt trời mới lú, tiếng thơ Hồ Dzếnh đã luồn lọt qua đó, đã nhỏ từng giọt mơ hồ xuống đó. Và đã ở lại. Ở lại mãi. Cho tới những ngày Hà Nội không còn. Cho tới những ngày tôi bắt đầu đời mình trên căn gác của khu úng thủy Nguyễn văn Thoại, Saigòn... Phải nói rằng chính ở những ngày tháng giang hồ niên thiếu kia, tôi mới cảm thấy một cách rõ ràng rằng, Hồ Dzếnh là người bạn thiết của những kẻ lang thang. Chiều, đã như một thứ “Trở về mái nhà xưa” của H. Curtisse. Rõ ràng, Hồ Dzếnh đã đi vào đời tôi bằng khung cửa buổi chiều. Một khung cửa u ám của những chiều mây xuống thấp, mà đâu đó, không có lấy một sợi khói. Hồ Dzếnh đã ở lại với tôi trong những buổi chiều lóc cóc trên chiếc xe đạp, đi kiếm ăn và trở về muộn. Trở về lúc những ngôi nhà đã lên đèn. Lúc những hàng cây đã thu mình, đợi chờ, bóng tối. Bóng tối như những ngày mai sẽ trở lại. Thế đó. Hồ Dzếnh ở trong tôi không như một Huy Cận cao ngất khinh mạn. Không như một Nguyễn Bính ngọt ngào mật đồng nội. Hồ Dzếnh đến và ở lại trong tôi, như một chiếc bóng. Âm thầm. Mụôn phiền và, tơi tả. Ông đã như một người bạn. Một người bạn ít nói. Một người bạn trầm ngâm (luôn luôn trầm ngâm,) như muốn dành hết thời gian có đựơc, để nghiền ngẫm, để quay về, (trong hư tưởng,) một nơi chốn không thực. Ôi, mới quyến rũ sao, những nơi chốn không thực. Tôi biết và yêu Hồ Dzếnh, chỉ với chừng đó! Mây câu thơ năm chữ. Một hiểu biết quá sức ít ỏi. Nhưng lại là một bắt đầu, cho một thứ tình yêu, chẳng thể thuỷ chung hơn. Phải nói, mãi tới những năm sắp ba mươi, tôi mới chính thức bước vào thế giới Hồ Dzếnh qua “Quê Ngoại.” Qua “Hoa Xuân Đất Việt.” Và nhớ được, nhặt được đâu đó, trong hai tập thơ này, những câu: Hoặc: Cũng từ đấy, tôi mới rõ thêm chân dung người bạn thiết của những kẻ lang thang. Hồ Dzếnh. Rằng, thơ ông chính là những dòng thao thiết về nơi chốn. Thơ Hồ Dzếnh là thơ về nơi chốn. Điều này, tôi nghĩ, cũng dễ hiểu. Bởi nếu truy nguyên nguồn gốc Hồ Dzếnh, người bạn thiết của những kẻ lang thang, thì ông chính là kẻ không có quê hương. Sách vở đã ghi chép, Hồ Dzếnh là người Minh Hương. Một người mang trong mình hai dòng máu Tàu và Việt. Cái quê ngoại tuy có nồng nàn trong tâm hồn Hồ Dzếnh, cái quê ngoại kia vẫn chẳng thể bù đắp được phần mờ mịt của quê nội. Một gốc rễ. Một cội nguồn. Ngay chúng ta, với quê hương đó, nguồn gốc đó, cội rễ đó, nhưng đã mấy ai, không từng đôi lần nghĩ rằng, đời ta không phải thế. Đời tôi không phải thế! “Ngựa gầy bóng gió mênh mang Từ cảm thức không cội nguồn, hay từ mặc cảm bị bỏ rơi, bị lãng quên kia, đã đẩy đưa Hồ Dzếnh tới một mặc cảm khác. Đó là mặc cảm phạm tội hay xấu hổ, mỗi khi ông muốn bày tỏ về nơi chốn mơ ước. Có lẽ vì thế mà, những bày tỏ tình cảm trong thơ của ông, về một nơi chốn, đã là những bày tỏ thoáng nhẹ. Những bày tỏ nửa chừng. “Khi vàng đứng bóng im trưa Cũng từ những năm chớm ba mươi, những năm bước vào thế giới Hồ Dzếnh, người bạn thiết của những kẻ lang thang, tôi thấy thêm một điều, mà tôi nghĩ, những người hằng quan tâm tới biến chuyển của thi ca Việt Nam hiện đại, nên chú ý: Đó là sự đổi mới trong thể thơ lục bát của ta. Tôi cho, nó bắt nguồn từ Hồ Dzếnh qua những câu thơ lục bát ở trên. Ông chính là người khai mở dòng lục bát mới của chúng ta, những năm sau 1954... Nhận xét tôi vừa nêu, có thể khởi đi từ lòng quá yêu người bạn ít nói, một người bạn luôn (khao khát,) quay về một nơi chốn chỉ có trong hư tưởng. Nhưng sẽ là một nhầm lẫn và bất công, nếu khi xét tới sự biến chuyển của thể lục bát hôm nay, mà, quên Hồ Dzếnh. Chúng ta không thể quên ông với những câu thơ mà những người làm thơ lục bát hôm nay, chưa chắc có được. Cụ thể, chi tiết hơn, thì sự làm mới thể lục bát của chúng ta hôm nay, trên căn bản sử dụng táo bạo những hình dung từ, trạng tự, và, những bổ túc từ...Tất cả những nỗ lực này, đã đựơc Hồ Dzếnh sử dụng (cách đây mấy chục năm,) với ý thức, và đã đạt mức tuyệt hảo. Khi ngồi vào bàn viết, tôi mới thấy mình có quá nhiều điều để viết về người bạn thiết của những kẻ lang thang. Nhưng số trang đã hẹn trước với anh Thư ký Toà soạn, không cho phép tôi viết hơn. Để chấm dứt bài viết ngắn này, tôi xin được cảm ơn “Quê Ngoại,” cảm ơn “Hoa Xuân Đất Việt,” đã cho tôi thấy phần nào chân dung người bạn những ngày thơ ấu cũ, và, những ngày giữa bè bạn tôi, những năm ba mươi, bắt đầu.
|