Home Văn Học Văn, Nhạc, Thi Sĩ Thạch Lam, cơn say chưa tỉnh

Thạch Lam, cơn say chưa tỉnh PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Đạt   
Thứ Hai, 28 Tháng 6 Năm 2010 09:29

Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân  sinh ngày mồng 7 tháng 7 năm 1910 tại ấp Thái Hà, Hà Nội, là người con thứ sáu trong bẩy anh chị em gia đình Nguyễn Tường: 1-Nguyễn Tường Thụy, 2- Nguyễn Tường Cẩm, 3- Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), 4- Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), 5- Nguyễn Thị Thế, 6- Nguyễn Tường Lân (Thạch lam), 7- Nguyễn Tường Bách, bác sĩ.

 

 

Chân dung Thạch Lam (1909 - 1942) qua nét họa của
Đinh Cường. Ảnh: wikipedia

Nguyên quán tại làng Cẩm Phổ, Hội An Quảng Nam. Ông Nội làm Tri Huyện Cẩm Giàng Hải Dương, cụ về hưu tại đây, cha là Nguyện Tường Nhu mất năm 1918 thọ 37 tuổi, bà mẹ tần tảo buôn bán để nuôi các con ăn học, hai anh ông Nhất Linh, Hoàng Đạo là những người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn, đây là một gia đình  thành đạt về văn chương của nước nhà  đã đóng góp rất nhiều cho nền văn hóa dân tộc.

Hồi nhỏ tên là Nguyễn Tường Vinh, học lười đến năm 14 tuổi mới đậu Tiểu học , ông phải khai tăng một tuổi để đủ tuổi thi bằng Thành chung, năm sau nên đã đổi tên là Nguyễn Tường Lân. Ông vào học trường Albert Saraut đậu Tú tài phần thứ nhất rồi thôi học ra làm báo Phong Hoá, Ngày Nay với các anh trong Tự Lực Văn Đoàn năm 1932.

Thạch Lam bị bệnh Lao mất ngày 28 tháng sáu năm 1942 tại một ngôi nhà tranh rất nên thơ của làng Yên Phụ cạnh Hồ Tây trong cảnh nghèo nàn. Theo hồi ký của bà Nguyễn Thị Thế: Người Em Thứ Sáu đăng trên báo Văn Sài Gòn 1965, năm 14 tuổi Nguyễn Tường Vinh vẫn chưa đỗ Tiểu học vì lười quá, mẹ hỏi tại sao, Vinh trả lời mẹ cứ yên chí, và ngay năm đó chàng đậu ngay, rồi chàng quyết đổi tên thành Nguyễn Tường Lân để dự thi Thành chung, năm sau rồi chàng đỗ thật, Tú Mỡ có làm một bào thơ khen như sau.

“Có lời mừng bác Nguyễn Tường Vinh
Đáng bực thần đồng bọn học sinh
Năm trước vừa an kỳ tốt nghiệp
Năm sau đã chiếm bảng trung thành
Vẫn hay phúc ấm nhờ tiên tổ
Cũng  bởi công phu gắng học hành”

Năm 1930 bà chị Thế lập gia đình, Thạch Lam dọn về căn nhà ven đê Yên Phụ ở chung, năm sau Thạch Lam lấy vợ ở riêng tại một căn nhà tranh đầu làng Yên phụ, tính tình thay đổi, lúc trước hoạt bát vui vẻ về sau đâm khó tính, ít nói, ưa tĩnh mịch .

Đến năm 1940 ông bị lao hạch, phải mổ có lẽ tại làm việc và suy nghĩ nhiều, từ đấy sức yếu hơn trước. Hai năm sau sức khỏe lại suy nhược rõ rệt rồi ốm liệt giường, ông vẫn thích ngắm cây liễu bên cửa sổ, lúc đau ốm ông không cho ai vào thăm, một hôm chị Thế lại chơi, khi ấy Thạch Lam đã suy yếu lắm, ông bèn bảo chị nhấc lên để nhìn cây liễu . . .cho đến khi sắp lìa đời Thạch Lam vẫn còn giữ được tâm hồn nghệ sĩ của mình. Vợ ông sinh con trai được ba ngày, bà mẹ biết Thạch Lam sắp đi bèn cho người vào nhà hộ sinh đón đứa hài nhi về cho ông xem mặt nó, Thạch Lam khen.

“Trông nó khỏe mạnh đấy”

Đứa trẻ ấy là Nguyễn Tường Giang.

Sáng 15 tháng 5 âm lịch tức ngày 28 tháng 6 năm 1942,  bà cụ, ông Nguyễn Tường Bách đều có mặt, trưa hôm ấy bà mẹ cho gọi bà Nguyễn Thị Thế sang vì biết Thạch Lam sắp đi.

“Đến lúc đó tôi thấy chú vẫn có vẻ tỉnh. Sau  khi chú Bách chích thuốc xong chú đòi đỡ dậy và mắng vợ đương khóc “mẹ còn ngồi kia, tôi còn ngồi đây, đã chết đâu mà khóc”, mẹ tôi ngồi một bên, vợ chú ngồi một bên nắm hai tay chú. Bỗng dưng chú thấy tay rung lên nên chú bảo mẹ giữ thật chặt hộ. Rồi chú và chú Bách nói tiếng Pháp với nhau vài câu. Chú Bách bỏ ra ngoài hành lang. Tự dưng chú gọi em trai “Bách! Bách!” nhưng chú Bách không quay đầu lại. Mẹ tôi và tôi gọi theo: “Anh gọi, chú quay lại đã nào”. Chú Bách gắng gượng quay mặt lại và tôi thấy chú đang khóc. Cúi xuống tôi thấy người em thứ sáu trong gia đình đang từ từ ruỗi chân ra. Mẹ tôi liền đỡ chú nằm xuống.

Từ  đó tôi vĩnh viễn kkhông được thấy người em thân yêu. . .”

Theo ông Nguyễn Tường Giang, con trai Thạch Lam, người đã được sinh ra ba ngày trước khi cha mất,  trong bài “Thạch Lam, Cha Tôi Trong Trí Tưởng” có nói năm 1942 khi bà mẹ mang thai ông, có người đoán số tử vi nói nếu bà sinh con trai thì ông nhà (Thạch Lam) sẽ chết. Khi mẹ ông đi nhà hộ sinh thì Thạch Lam đau nặng, bị lao mấy năm vì làm việc nhiều và suy nghĩ.

“Lúc người nhà về báo với ông đứa trẻ mới sinh là con trai, ông không nói gì lặng lẽ coi tiếp tờ báo đang xem dở. Ba ngày sau, ngày 28 tháng 6 năm 1942 Thạch lam mất. Sinh ra đời buồn thay, nhiều khi đã mang một bản án sát nhân trong hồn.”

Thạch Lam có một cuộc sống đơn sơ mộc mạc, một tâm hồn nghệ sĩ, khác với các anh ông là những nhà cách mạng đã từng sông pha gió bụi. Thạch Lam chỉ thích ở nhà tranh, ngủ giường gỗ, ngồi ghế mây với tâm hồn phong phú ý nhị.

Trong bài Những Kỷ Niệm Khó Quên Với Các Bạn Trong Tự Lực Văn Đoàn, Sơ Ngộ Cùng Thạch Lam (Kỷ Vật Cuối Cùng cuốn hai, nhà xuất bản Phượng Hoàng, California 1997) Đinh Hùng cho biết Thạch lam ở cùng một khu ngoại ô với ông, Thạch Lam ở trong làng  ngay bờ hồ Tây như một tấm gương lớn trước mặt, sông Hồng Hà như một giải lụa uốn mình phía sau lưng, nhà ông ở trên lầu có thể khói bếp nhà Thạch Lam và cả khóm tre đầu cổng.

“Tây Hồ có danh sĩ
Nhà thì ở nhà tranh
Cửa trúc cài phên gió
Trước thềm bóng liễu xanh”
(Huyền Kiêu)

Làng Yên Phụ ở cạnh hồ Tây trông xinh như một bán đảo, gần nửa làng chạy theo bờ nước. Hầu hết dân làng làm nghề trồng hoa. Gần Tết nếu có dịp đi dạo quanh làng tưởng như lạc tới một chốn thần tiên trong truyện cổ tích, nhà nào cũng thấp thoáng bóng đào hồng, mai trắng trước thềm, liễu xanh trước gió, dưới những giàn hoa lý, trên sân gạch. Đó là một làng đẹp nhất của ngoại thành Hà Nội, có lẽ phong cảnh nên thơ thi vị của làng hoa này đã ảnh hưởng khá nhiều trên tâm hồn nghệ sĩ của Thạch Lam.

Nhà Thạch Lam ở khúc đầu làng Yên Phụ, soi bóng Hồ Tây, một căn nhà mái tranh, cổng gỗ thanh bạch, đơn sơ nhưng rất thi vị, ông nói ông cũng có thể lợp ngói xây gạch được nhưng bản tính thanh đạm giản dị của ông muốn thế. Thạch Lam có vẻ an bần lạc đạo với cái nghèo của mình, tuy nghèo nhưng ông lại không thấy khổ, ông thường nói.

“Ở được nhà lá, nằm được giường tre, ăn được rau đậu mà vẫn tìm thấy cái đẹp của mái lá, cái êm của giường tre, cái ngon của rau đậu mới là kẻ biết sống có nghệ thuật”

Ngôi nhà tranh của ông ngăn nắp sáng sủa, có cửa kính, chớp, có thềm cao ráo, một khoảng sân sát bờ hồ với cây liễu rủ cành lá xuống nước và khóm tre sào sạc ở đầu cổng, chính cây liễu và khóm tre này đã được ông mô tả trong bài Câu Chuyện Bên Gốc Liễu trong cuốn Theo Giòng.

Thạch Lam đã sống cái phần chót của cuộc đời trước khi đi vào lịch sử, căn nhà mái lá đơn sơ này đã từng là nơi gặp gỡ, hàn huyên chén thù chén tạc của các văn nghệ sĩ Hà Thành: Nhất Linh, Khái Hưng, Trần Tiêu, Thế Lữ, Huyền Kiêu, Nguyễn Tường Bách, Đỗ Đức Thu, Đoàn Phú Tứ, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Tuân…

Mặc dù sống trong cảnh nghèo nhưng gia đình Thạch Lam lúc nào cũng hiếu khách, lương nhà báo chỉ có 30 đồng một tháng,  là nhà văn có tài nhưng sách của ông lại khó bán trong khi truyện của Khái Hưng, Nhất Linh như Hồn Bướm Mơ Tiên, Gánh Hàng Hoa, Đoạn Tuyệt. . thì bán chạy như tôm tươi. Đinh Hùng ghé thămThạch Lam đang lâm bệnh một buổi tối nọ và kết luận.

“Tôi vạch màn, vặn đèn sáng thêm và cổ tôi bỗng như nghẹn lại: Thạch Lam nằm đấy, nhưng trên sắc mặt trắng bệch của anh, tôi tưởng như đã nhìn thấy bóng dáng tử thần.

Vậy mà anh còn cố gượng ngồi dậy bắt tay tôi, nắm thật chặt, cặp mắt lim di như vẫn còn nặng trĩu những cơn say ngày nào, miệng anh mỉm nụ cười khoan hoà như mọi khi. Nhưng rồi anh lại nằm xuống, không nói được lời nào, vì anh đang mệt.

Mấy hôm sau anh từ trần. Tôi đã thức suốt một đêm bên quan tài anh, để nghĩ rằng: Thạch Lam vẫn còn say chưa tỉnh, anh đã mang theo cả những hình ảnh tuyệt vời của cơn say bất tận về hư vô. Trong khi chúng tôi ở lại, chẳng còn chất men kỳ diệu nào để mà say, nên cứ phải dương mắt ra nhìn đời giữa lúc rất tỉnh – sự tỉnh táo vô vị của những con người đại bất hạnh”.

Thạch Lam lìa trần lúc mới có 32 tuổi khiến tôi nhớ đến truyện Tây Hán Chí chương Sở Bá Vương Ô Giang Tự Vẫn, Hàng Võ bị thảm bại, cùng đường tự vẫn tại bờ sông Ô Giang lúc ấy mới có 31 tuổi, như thế ta mới thấy rằng những bậc tài trí làm bao lên nhiêu chuyện lớn lao trong thiên hạ khi họ còn rất trẻ.

Cái chết của Thạch Lam là một sự thiệt thòi lớn lao cho nền văn chương Việt Nam, là một cây bút có những nét sâu sắc, độc đáo, một nghệ sĩ có tâm hồn dân tộc, ông luôn luôn tỏ ra người giầu tình thương, có một tấm lòng bác ái ân cần chia sẻ cảm thông với những người nghèo nàn, cùng khổ. Cây bút giầu tình nhân bản của ông đã đóng góp đáng kể cho nền văn chương Việt Nam mặc dù số lượng thật là khiêm tốn: một cuốn tiểu thuyết, ba tập truyện ngắn, một tùy bút, một bình luận văn chương. Hồi ấy truyện của ông không được độc giả hoan nghênh cho lắm, nhưng mấy chục năm sau người ta đã đánh giá lại văn chương Thạch Lam tại Sài Gòn trước 1975 và bây giờ trong nước cũng như tại Hải Ngoại, tác phẩm của ông đã được tái bản.

Toàn bộ sự nghiệp văn chương của Thạch Lam chỉ vỏn vẹn có một ít như thế, song ông vẫn được dư luận chung đánh giá như một nhà văn lớn, tác phẩm của ông vẫn sống và sẽ còn sống mãi.

“Thạch Lam mất đi không những làng văn Việt Nam thiệt mất một anh tài mà quốc dân ta cũng thiệt mất một phần tử tâm huyết và trung thành vậy “

(Đỗ Đức Thu, Thanh Nghị số 17, đăng lại trên báo Văn, Sài Gòn 1965)

© Trọng Đạt