Home Văn Học Văn, Nhạc, Thi Sĩ Hội Luận Đối Thoại Gặp Gỡ Văn Hóa Đông Tây

Hội Luận Đối Thoại Gặp Gỡ Văn Hóa Đông Tây PDF Print E-mail
Tác Giả: TS.Lê Đình Thông   
Thứ Tư, 01 Tháng 12 Năm 2010 11:52

Trong khuôn khổ các sinh hoạt kỷ niệm 75 năm Dòng Đức Bà mở trường dạy học tại Việt Nam, chiều 27-11-2010 tại trụ sở Fondation Eugène Napoléon,

 Hội cựu Nữ sinh và Thân hữu Dòng Đức Bà đã tổ chức hội luận ‘‘Đối thoại về gặp gỡ văn hóa Đông Tây, kim cổ’’ (Dialogue sur la rencontre des cultures 


Sử gia Yveline Féray và Nhà thơ Tân Thất Thanh Vân

(Orient/Occident, tradition /modernité). Diễn giả là sử gia Yveline Féray và nhà thơ Thanh Vân Tôn Thất, giáo sư văn chương Pháp tại Đại học Pau, tác giả thi tập ‘‘Le pays d’avant’’.

Sử gia Yveline Féray là tác giả ‘‘Mille Printemps’’ do nhà xuất bản Julliard ấn hành năm 1989 và ‘‘Contes d’une grande-mère vietnamienne’’ do Picquier xuất bản 1998. Trước đây, bà là chuyên viên tư liệu (documentaliste) Đông Nam Á tại Đại học Văn khoa Nice.

Tháng 10-1982, bà đến Việt Nam, vốn liếng là công trình nghiên cứu của Pierre Huard trong ‘‘Connaissance du Viet Nam’’. Bà thuật lại kinh nghiệm cứu của một tác giả tây phương về văn học Việt Nam. Vào thời gian này, Hà Nội còn dáng dấp thành Thăng Long, cổ kính và bình yên. Bà say mê tìm hiểu Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi (1380-1442)

Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh tại Thăng Long. Năm 20 tuổi (1400), ông thi đậu Thái học sinh (Tiến sĩ). 6 năm sau, quân Minh sang chiếm nước ta. Cha ông là Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt đưa về Tầu.

Nguyễn Trãi định sang Tầu phụng dưỡng cha, nhưng Nguyễn Phi Khanh khuyên ông ở lại giúp nước. Ông bị quân Minh bắt, nhưng chạy thoát, vào Thanh Hóa dâng Lê Lợi Bình Ngô Sách.

Ông là tác giả Quân trung Từ mệnh tập, Quốc âm Thi tập, Bình Ngô Đại cáo. Bản đại cáo này được coi là thiên cổ hùng văn. Năm 1442, ông bị tru di tam tộc.

Sử gia Féray đọc cho hội trường nghe bài ‘‘Côn Sơn ca’’ của Nguyễn Trãi như sau :

‘‘Côn Sơn hữu tuyền,
Kỳ thanh linh linh nhiên
Ngô dĩ vi cầm huyền
Côn Sơn hữu thạch
Vũ tẩy đài phô bích
Ngô dĩ vi đạm tịch…”

Nguyễn Trọng Thuật dịch như sau :
Côn sơn có suối nước trong,
Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm.
Côn sơ có đá tần vần,
Mưa tuôn đá sạch ta ngồi ta chơi.

Bà cho vì biết muốn thấu tình đạt lý, phải mang tâm hồn nước Việt. Bà được giáo sư Paul Schneider giúp ý kiến để hiệu đính những điểm còn chưa được rõ. Ông Schneider là tác giả ‘‘Dictionnaire historique des idéogrammes’’. Ngoài ra, ông còn có công dịch Truyền Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Pháp. Ngoài các tác phẩm của Nguyễn Trãi, bà còn nghiên cứu Đại Việt Sử ký Toàn thư để có nguồn sử liệu gốc.

Bà điểm xuyết câu chuyện Thị Lộ để dẫn nhập cho phần chính sử :
Theo tục truyền, khi mới gặp Thị Lộ, Nguyễn Trãi làm bài thơ gồm 4 câu hỏi ỡm ờ :

Ả ở đâu nay bán chiếu gon ?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn ?
Xuân thu nau độ bao nhiêu tuổi ?
Đã có chồng chưa được mấy con ?

Thị Lộ bèn họa lại như sau :

Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon
Nỗi chi ông hỏi hết hay còn
Xuân thu tuổi mới trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có hỏi chi con

Sau bà Féray, nhà thơ Thanh Vân Tôn Thất đã giới thiệu tập thơ ‘‘Le pays d’avant’. Bà là giáo sư văn chương Pháp tại Đại học Pau, tự cho mình là trái chuối, ngoài vỏ vàng Á châu nhưng ruột trắng Tây phương. Khi sang Nhật người ta tưởng bà là người Nhật, sang Tầu bị lầm là thiếu phụ Trung Hoa. Sau cùng bà về lại quê cha đất tổ.

Song thân bà sang Pháp từ thập niên 50 du học. Bà sinh trưởng tại Paris.
Chuyến về thăm quê hương là cơ duyên giúp bà sáng tác tác phẩm đầu tay : ‘‘Le pays d’avant’’ :

Le pays d’avant
Il est vert
Rizière
Pays de cocagne
De cocotiers
Pays de montagnes
De Bananiers

Xin tạm dịch như sau :

Miền quê hương tiền kiếp
Màu lúa xanh ruộng đồng
Đất nước trong mộng mị
Hàng dừa luôn ngóng trông
Núi đồi sao hùng vĩ
Chuối mướt xanh duyên kiếp.

Nhân một lần về thăm quê hương, nhà thơ ngủ giấc trưa hè với bà ngoại. Giấc ngủ trưa là đề tài cho bài thơ ‘‘Bà ngoại’’ :


Grand-mère
Au corps d’enfant
Dormant
Dans le lit trop grand

Xin tạm dịch như sau :
Ngoại tôi bé nhỏ dịu hiền
Ngủ yên trên chõng xiên xiên nắng hè.

Trong hội trường có vẽ hình ‘‘Les oiseaux’’ vốn là tên nhà dòng và nhà trường. Cánh chim xanh đậm bay về với quá khứ.

 Cánh chim xanh nhạt minh họa hiện tại nổi trôi. Chỉ riêng cánh chim trắng là mải miết bay tương lai.

Trong khi các diễn giả nói chuyện, cây ngô đồng ngoài song chơi vơi rụng lá vàng. Lá rụng về cội, hay tấc lòng các diễn giả muốn tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc ?


Paris, ngày 27 tháng 11 năm 2010