Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Giáo dục hướng nghiệp và kỹ thuật tại Hoa Kỳ (Phần 1)

Giáo dục hướng nghiệp và kỹ thuật tại Hoa Kỳ (Phần 1) PDF Print E-mail
Tác Giả: Vann Phan   
Thứ Bảy, 20 Tháng 11 Năm 2010 22:06

Nền giáo dục Hoa Kỳ đang bị những thúc bách phải thay đổi cách thức chuẩn bị cho thanh thiếu niên và người lớn hoạt động hữu hiệu trong nền kinh tế toàn cầu.

Một số khái niệm

 Một lớp học computer tại trường Farragut High School ở Chicago. (Hình: Tim Boyle/Getty Images)
 
Nếu Hoa Kỳ muốn tiếp tục giữ vững vị trí tuyến đầu trên thị trường kỹ thuật cao của thế giới, lực lượng lao động phải có được khả năng cạnh tranh kỹ thuật không thể thiếu được cùng với kiến thức do học vấn đem lại.
Bởi vì khoa học kỹ thuật vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới nền giáo dục hướng nghiệp, các phương thức mới và sáng tạo phải được hoạch định nhằm cung ứng cho học viên trong nền giáo dục hướng nghiệp các kỹ năng và sự hiểu biết cao rất cần thiết để họ có thể tham gia thị trường lao động thế giới.

Sau đây là một số khai niệm mới về giáo dục hướng nghiệp và kỹ thuật tại Hoa Kỳ.

1. Kỹ năng cần thiết (necessary skills)

Nhu cầu thực tế trên thị trường lao động cho thấy rằng ưu tiên của các chủ hãng xưởng là làm sao có được đội ngũ các công nhân có khả năng và đạo đức làm việc cao đồng thời biết ứng xử thích nghi với bối cảnh thị trường.
Các chủ hãng xưởng vẫn hay than phiền về thái độ và cá tính của công nhân -nhất là về thói vắng mặt tại sở làm, sự thiếu khả năng thích nghi, sự thiếu kỷ luật và các hành vi làm việc tiêu cực.
 Nhằm đáp ứng các chỉ trích về khả năng làm việc của lực lượng lao động, năm 1991, Ủy Ban Xây Dựng Kỹ Năng Cần Thiết thuộc Bộ Lao Ðộng Mỹ đã đưa ra một loạt những kỹ năng mà mọi thành viên trong lực lượng lao động phải có:

a. Kỹ năng căn bản bao gồm khả năng đọc, viết, làm toán, nghe và nói tiếng Anh.

b. Khả năng suy nghĩ bao gồm suy nghĩ để sáng tạo, khả năng quyết định, khả năng giải quyết vấn đề, biết cách học hỏi, biết lý luận.

c. Các đức tính cá nhân như có tinh thần trách nhiệm, biết tự trọng, biết giao tiếp, biết tự quản lý, tính trung thực và thành thật.

2. Căn bản giáo dục kỹ thuật (technology skills)

Mọi người đều ý thức rằng kỹ thuật làm thay đổi thế giới, nhưng ít người hiểu rõ những khía cạnh khác biệt của kỹ thuật và mức độ thâm nhập của kỹ thuật vào xã hội Mỹ.
Nền giáo dục kỹ thuật có nội dung bao gồm các môn khoa học, kiến thức nhân văn, kỹ thuật và học vấn tổng quát -trong đó các khả năng truyền đạt và giao tiếp, khả năng ngôn ngữ, khả năng toán học và khả năng luận lý.

Các chương trình giáo dục kỹ thuật đang được đem ra giảng dạy tại các trường tiểu và trung học tại Hoa Kỳ.

Ở bậc tiểu học, người ta nhắm vào các kiến thức kỹ thuật căn bản bao gồm trong các hoạt động tại lớp học liên quan tới khả năng điều hành máy móc và sự hiểu biết về ảnh hưởng của kỹ thuật vào xã hội.

Ở bậc trung học đệ nhất cấp (junior high school), người ta chú trọng tìm hiểu các ứng dụng của kỹ thuật vào việc giải quyết các vấn đề và vào các ngành nghề khác nhau cũng như việc đưa ra các tình huống cần phải giải quyết nhằm tạo cơ hội cho học sinh biết sáng tạo và thiết kế nên mẫu mã hay vật dụng.
Nền giáo dục trung học đệ nhị cấp (senior high school) có mục đích cung ứng cho học sinh những kinh nghiệm liên quan tới các nguyên tắc khoa học, các ý niệm về kiến tạo và các hệ thống kỹ thuật.

3. Trào lưu hướng nghiệp mới

Một nền giáo dục thiên về hướng nghiệp được định nghĩa là phương pháp được đem ra áp dụng tại một trường, nhất là trường trung học, trong việc hoạch định học trình sao cho học sinh có thể phát triển các khả năng vừa có tính cách giáo khoa vừa có thể chuẩn bị cho nghề nghiệp giúp cho họ có được ưu thế cần thiết trên thị trường lao động để cạnh tranh kiếm những công ăn việc làm tốt.

Trong khi các chương trình giáo dục hướng nghiệp truyền thống đều nhắm tới việc chuẩn bị cho học sinh tham gia vào các ngành nghề chuyên biệt nào đó, các chương trình và học khóa trong trào lưu hướng nghiệp mới có mục đích chuẩn bị cho học sinh vừa có thể tiếp tục việc học trên đại học mà cũng vừa có thể ra làm một nghề nào đó bằng cách kết hợp chương trình giáo khoa có chất lượng cao với việc phát triển các kiến thức và kỹ năng của học sinh liên quan tới công ăn việc làm.

Sự kết hợp mới mẻ này có mục đích giúp cho học sinh có nhiều chọn lựa sau khi học xong bậc trung học, tức là họ có thể tiếp tục đi học tại một trường đại học hệ hai năm hoặc bốn năm mà đồng thời cũng còn có thể đi làm để kiếm tiền cho tới khi nào tốt nghiệp đại học.

Việc kết hợp chương trình hướng nghiệp với các khóa học chuẩn bị cho đại học của học sinh thường mang lại các kết quả tích cực.

Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy các học sinh trung học nào kết hợp được chương trình học thuần túy giáo khoa với các học khóa có tính hướng nghiệp vẫn có lợi thế khi ra trường hơn là các học sinh thiếu đi sự kết hợp này.

(Viết theo education.com và Education Encyclopedia)