Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Giáo dục hướng nghiệp và kỹ thuật tại Hoa Kỳ (Phần 2 và hết)

Giáo dục hướng nghiệp và kỹ thuật tại Hoa Kỳ (Phần 2 và hết) PDF Print E-mail
Tác Giả: Vann Phan   
Thứ Hai, 22 Tháng 11 Năm 2010 21:33

4. Kết hợp học khóa hướng nghiệp và giáo khoa

  Sự kết hợp này được coi là trọng tâm giáo dục tại nhiều trường trung học hiện nay, đặc biệt là những trường năm trong hệ thống High School That Work là một hệ thống bao gồm hơn 800 trường trung học chú trọng đến việc giảng dạy các chương trình giáo khoa song song với các chương trình hướng nghiệp.

 alt
Học sinh các trường Astronaut High và Titusville High School tại Brevard County, Florida, đang cùng nhau hoàn tất một máy rô-bô trong quy trình học tập và thực hành tại chỗ. (Hình: NASA/Getty Images)
 
Ðây chính là “một trường học trong một trường học” có khả năng đưa các học khóa vừa giáo khoa vừa hướng nghiệp vào lớp học.

Trong một tài liệu được phổ biến vào năm 1997, Charles Benson, giám đốc chương trình của đài WTMJ-TV ở Wisconsin, tóm tắt các mục tiêu của trào lưu giáo dục mới: Trước hết là nhằm giúp đa số học sinh, chứ không phải chỉ một số thôi, thu nhận các kiến thức thực tiễn về toán, khoa học và sinh ngữ, tức là một trình độ giáo khoa cao cấp.

Thứ nhì là giúp các học sinh đó đạt được những kỹ năng nghề nghiệp đặng dễ dàng bước vào các ngành nghề vừa hữu ích vừa lý thú mà cũng vừa đem lại lợi tức cao về sau.

5. Học tập trên căn bản làm việc (work-based learning)

Nằm trong ý niệm học tập trên căn bản làm việc là các chương trình dạy về những kinh nghiệm nghề nghiệp giúp học sinh học hỏi về thế giới của những con người làm việc trong khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.

Các chương trình này bao gồm những khóa huấn luyện nghề nghiệp bên ngoài học đường, gọi là giáo dục hợp tác (co-op education) theo đó học sinh có được việc làm bán thời gian ngoài xã hội ngay trong năm học theo đúng với ngành nhề chuyên môn của mình. Việc đưa học sinh ra ngoài đi làm được vị giáo viên hướng nghiệp hoặc vị phối trí viên giáo dục hợp tác trong trường thu xếp.

Một kế hoạch huấn luyện cho biết rõ một học sinh muốn được huấn luyện về ngành nghề gì và một hãng xưởng bên ngoài muốn cung ứng cho học sinh đó loại công việc nào sẽ được thảo ra.

6. Thiếu niên học nghề (youth apprenticeship)

Ý niệm này là những chuẩn bị kiến thức chuyên môn ngành nghề cho học sinh sau khi đã học xong bậc trung học cũng như việc tìm công ăn việc làm cho học sinh sau này. Ý niệm này đặc biệt nhằm đào tạo các học sinh theo chiều hướng sau khi học xong trung học họ sẽ trau giồi thêm kỹ năng nghề nghiệp có được tại một trường cao đẳng kỹ thuật hai năm.

Các nguyên tắc trong ý niệm này bao gồm việc các hãng xưởng tích cực tham gia vào việc huấn luyện cho học sinh lúc còn đi học; sự kết hợp giữa học tập trên căn bản làm việc với căn bản thuần giáo khoa; và sự liên hệ giữa các học viện trung học và hậu trung học.

7. Ý niệm kinh doanh sản xuất ngay lúc còn đi học (school-based enterprises)

Các chương trình học tập dựa trên ý niệm này cho phép học sinh sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ cho thị trường bên ngoài hoặc cho khách hàng dùng. Những doanh nghiệp liên hệ tới chương trình học tập này bao gồm các quán ăn trong trường, các công trình xây cất, các nhà giữ trẻ, các tiệm sửa chữa xe hơi, các tiệm cắt tóc và làm tóc, và các cửa hàng bán lẻ.

Mục tiêu của các chương trình học tập dựa trên ý niệm kinh doanh sản xuất ngay lúc còn đi học là giúp học sinh áp dụng kiến thức trong lớp vào việc tham gia kinh doanh sản xuất trong đời sống thực tế.

Giữa lúc trào lưu chung của thế giới ngày nay là tiến tới trình độ kỹ thuật cao trong mọi ngành nghề kinh doanh sản xuất, sự yểm trợ tài chánh cũng như phương tiện giáo dục của chính phủ liên bang dành cho nền giáo dục hướng nghiệp và kỹ thuật tại các tiểu bang chắc chắn phải được gia tăng để có thể ngày một tăng cường mối dây liên hệ thết yếu giữa nền giáo dục thuần túy giáo khoa và nền giáo dục ngành nghề, giữa nền giáo dục trung học và hậu trung học, cũng như giữa việc kinh doanh sản xuất và giáo dục học đường.

 (Viết theo education.com và Education Encyclopedia)