Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Tập cho sinh viên độc lập về tiền bạc

Tập cho sinh viên độc lập về tiền bạc PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Tâm (theo US News and World)   
Chúa Nhật, 28 Tháng 8 Năm 2011 18:28

 Thường thì người ta học nhiều hơn từ những thất bại

Năm đầu tiên vào đại học là thời gian đón nhận những kinh nghiệm sống mới cho người sinh viên, cơ hội tìm hiểu những lãnh vực mới trong sự học tập, gặp gỡ các bạn mới, và với nhiều sinh viên, khởi sự những bước đầu tiên trên con đường độc lập tài chánh.

 

“Nhiều khi, đây là lần đầu tiên họ khởi sự tự quản lý tiền bạc của chính mình, mà không có cha mẹ bên cạnh để hướng dẫn, chỉ bảo,” theo lời Dough Schantz, giám đốc văn phòng Sinh Viên Vụ tại đại học Wittenberg University ở tiểu bang Ohio.

 “Ðối với những người quen thuộc với vấn đề này thì đây là chuyện căn bản, ai cũng biết - nhưng thực tế lại không phải như vậy.”

Ðối với bậc cha mẹ, chuẩn bị cho con mình thành công trong việc tự quản lý tiền bạc đòi hỏi sự khéo léo cân bằng giữa cung cấp đủ tài chánh và sự hiểu biết để có thể lấy quyết định của chính mình. Ðược như vậy, phụ huynh mới không phải can dự quá nhiều, cản trở sự phát triển hoàn toàn cả về cá nhân lẫn tài chánh của con em.

 Dưới đây là một số đề nghị về những gì cần nói trước với người sinh viên trước khi vào trường và những gì nên để cho họ tự học lấy.

 1. Không chỉ biết có gửi tiền:

Ðối với các bậc phụ huynh dự trù cung cấp thêm tiền bạc cho con em mình, hãy biết rằng hành động này tuy sẽ giúp cho người sinh viên cảm thấy thoải mái về vật chất nhưng cũng có thể là điều nguy hiểm - nếu chỉ biết có việc gửi tiền mà không đưa ra đề nghị hướng dẫn là số tiền đó phải được chi như thế nào.

 Houston Dougharty, phó tổng giám đốc đặc trách Sinh Viên Vụ tại đại học Grinnell College ở Iowa cho hay:

“Nhiều lần, tôi đã thấy các bậc cha mẹ khi thả con mình ở trường, nói với con rằng 'cha mẹ để thêm $2,000 vào trương mục của con trong năm nay,' - và rồi người sinh viên đó trở thành kẻ hào phóng mua pizza cho tất cả mọi người quen biết trong tháng đầu tiên ở đại học.”

“Sang đến Tháng Mười, những người này chẳng còn đủ tiền để giặt quần áo,” ông Dougharty nói.

Thay vì chỉ đổ tiền, hãy nói với những người sinh viên năm đầu đại học này sự quan trọng của việc chuẩn bị ngân sách. Giúp họ làm ra kế hoạch chi tiêu hàng tháng để có tiền cho những chi phí bất ngờ.

Việc thảo luận đó là cơ hội tốt để nói ra một cách thành thật điều gì người sinh viên này có thể trông chờ ở bạn.

 Nếu bạn muốn họ để dành tiền để giúp trả chi phí ở trường cho hai năm cuối, như trả tiền mua sách chẳng hạn, hãy nói ra điều đó ngay lúc này, theo lời khuyên của các chuyên gia.

 2. Chấp nhận - nhưng biết giới hạn - tình trạng thâm thủng:

Sau khi giúp lập ra một chương trình chi tiêu tổng quát, bạn hãy đứng ra ngoài và để cho các cô cậu sinh viên này tự lo lấy, theo đề nghị của Jerry Weichman, một chuyên gia về tâm lý ở Newport Beach, California.

 “Nếu con của quý vị thiếu tiền trong một tháng, chúng sẽ không đến nỗi chết đói - vì vẫn có thể mua mì gói ăn đỡ,” theo lời ông Weichman.

 “Một trong những điều rất tốt mà cha mẹ có thể làm cho con mình là để cho chúng chịu đựng khó khăn tài chánh một chút, nếu chúng không giữ kỷ luật chi tiêu và để xảy ra thâm thủng, vì hậu quả của điều đó rất dễ dàng giải quyết cho chúng ngay lúc này thay vì đợi đến lúc chúng trưởng thành và ra đời. Thường thì người ta học nhiều hơn từ những thất bại thay vì thành công của mình.”

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ khi đứng ra ngoài không có nghĩa là để mặc con mình phải hoàn toàn tự chống chọi với đời sống.

“Bạn có thể đặt ra giới hạn là tình trạng thiếu thốn tài chánh sẽ trầm trọng đến đâu thì bạn mới bước vào để trợ giúp,” theo lời June Walbert, một chuyên gia kế hoạch tài chánh ở USAA Financial Planning Services.

 Bà đề nghị hãy khuyến khích người sinh viên dùng thẻ ngân hàng hay thẻ tín dụng với số tiền có thể chi dùng được giới hạn ở mức thấp, rồi sau đó cùng duyệt xét lại sự chi tiêu của các cô cậu này vào cuối khóa hay cuối niên học.

“Phần lớn những gì học được ở đại học thường xảy ra bên ngoài khuôn khổ của lớp học, nhất là trong lãnh vực tài chánh cá nhân,” theo bà Walbert. “Chúng ta muốn người sinh viên có sự tự do khi lấy quyết định về tài chánh, nhưng phải ở trong sự giới hạn.”

 3. Khuyến khích sự tự do tài chánh:

Thường khi, một việc làm bán thời gian - vào khoảng 10 giờ mỗi tuần - có thể giúp gia tăng sự hiệu quả, cách tổ chức và điều hành giờ giấc của người sinh viên, theo ông Dougharty ở đại học Grinnell College.

Nếu người sinh viên quyết định đi làm bán thời gian, hãy đề nghị rằng số tiền kiếm được sẽ dùng cho việc tiêu vặt - có thể là giặt quần áo, ăn ở nhà hàng thay vì trong phòng ăn nhà trường, hay các món giải trí khác, ngoài những chi phí đã có sẵn như tiền học, ăn ở, theo ông Dougharty.

Qua việc chọn cách tiêu số tiền mình kiếm ra, người sinh viên nhận thấy rõ ràng mối liên hệ giữa tiền mình kiếm được và số tiền mình tiêu xài, và điều này sẽ giúp họ điều hành tiền bạc tốt đẹp hơn sau khi ra trường, vì theo ông Dougharty, “đó là đời sống thật sự.”

 4. Sử dụng các nguồn hướng dẫn khác:

Cho dù ý tưởng thả cho con mình tự lo lấy thân ở đại học vẫn là điều làm vô cùng lo lắng, bạn hãy an tâm vì cả bạn lẫn con đều không phải đối đầu với các thử thách một mình.

Trên mạng Internet có rất nhiều trang dành giúp đỡ sinh viên trong lãnh vực tài chánh.

Katherine Cohen, người sáng lập trang Ivywise.com, đề nghị hãy vào xem Mint.com để có các lời khuyên về lập ngân sách chi tiêu; vào MyMoney.gov của chính phủ để có các lời khuyên cho quyết định tài chánh; hay xem trong trường có chương trình nào dành riêng cho lãnh vực này hay không.

Và nếu bạn gặp khó khăn trong sự chuyển đổi từ vai trò cha mẹ hàng ngày lo lắng cho con sang vai trò lâu lâu cố vấn một lần, hãy nhớ rằng sau nhiều năm huấn luyện trong gia đình, cho phép người sinh viên có được phần nào tự do giải quyết vấn đề của mình là một phương cách tốt để đối phó với các khó khăn ở trường trong hiện tại và ngoài đời sau này.

“Ðiều hành tiền bạc, tiết kiệm, dành dụm cho những gì cần phải chi, và theo dõi các chi tiêu của mình là một phần những gì mà người trưởng thành cần phải có để thành công trên đường đời,” nhà tư vấn Weichman cho hay. “Cha mẹ cần phải dạy con mình cách thức không chỉ để đi qua đại học mà còn để đối phó với đời sống thực tế sau này.”