“Công việc thứ nhì của tôi là để có được số tiền bị mất qua những cắt giảm của tiểu bang”
Ban ngày, thầy Wade Brosz dạy môn Lịch Sử Mỹ tại một trường trung học có tiếng ở Florida. Nhưng đến tối, ông là huấn luyện viên cho trung tâm thể dục “24 Hour Fitness”.
Nhà giáo Michelle Hartman dạy trong lớp tiểu học ở thành phố Plantation, tiểu bang Florida. (Hình: AP Photo/J Pat Carter)
Ông Brosz xin làm việc nơi này ba tối mỗi tuần sau khi lương dạy học của ông không được tăng, các lớp Mùa Hè bị cắt giảm trầm trọng, và tiền thưởng của tiểu bang dành cho những người có chứng chỉ cao cấp bị hủy bỏ. Ông tính ra rằng mức thu nhập của ông và bà vợ, cũng là một nhà giáo, bị giảm khoảng $20,000 dưới mức dự liệu. “Công việc thứ nhì của tôi là để có được số tiền bị mất qua những cắt giảm của tiểu bang,” theo ông Brosz, một giáo sư trung học có chứng chỉ công nhận của hội đồng quốc gia.
“Ðể có đủ tiền trang trải mọi thứ đang ngày càng khó khăn hơn cho chúng tôi. Tôi khởi sự làm việc huấn luyện viên cá nhân này vì giờ giấc thoải mái.” Có việc làm thứ nhì bên cạnh việc dạy học không phải là điều gì mới lạ đối với giới nhà giáo, những người từ trước đến nay vẫn thường lãnh lương thấp hơn các nghề nghiệp khác.
Theo thống kê năm 1981, có khoảng 11% giới nhà giáo làm thêm việc ở bên ngoài; con số này tăng lên vào khoảng 20%, tức là một trong năm người, ngày hôm nay. Họ làm những việc như pha rượu, chạy bàn, dạy kèm, lái xe buýt chở học sinh, và ngay cả đi cắt cỏ. Nay, với tình trạng cắt giảm ngân sách trầm trọng ở một số học khu, các nhà giáo như ông Brosz, những người chưa từng phải nghĩ đến việc phải đi làm thêm, nay đang theo dõi các rao vặt cần người. Con số các nhà giáo dạy trong các trường công lập cho biết đi làm thêm việc thứ nhì ngoài việc dạy học đã tăng lên từ niên khóa 2003-2004 đến 2007-2008. Tuy không có các dữ kiện thu thập trên toàn quốc trong vài năm trở lại đây, báo cáo từ các tiểu bang và học khu cho thấy con số này có thể đã tăng cao hơn nữa từ khi cuộc suy thoái kinh tế bắt đầu. Một thí dụ rõ ràng là ở tiểu bang Texas, số nhà giáo đi làm thêm tăng từ 22% năm 1980 lên 41% năm 2010. “Ðó phần lớn là vì tình hình kinh tế,” theo lời Sam Sullivan, một giáo sư tại đại học Sam Houston State University, nơi thực hiện cuộc thăm dò. Bà Rita Haecker, chủ tịch Hiệp Hội Các Nhà Giáo Tiểu Bang Texas, nói rằng việc cắt giảm ngân sách giáo dục đã khiến nhiều nhà giáo phải lấy ngày nghỉ ở nhà không lương. Ðiều này làm nặng thêm áp lực tài chánh có sẵn vì không giống như trước đây, nhiều nhà giáo nay là nguồn cung cấp tài chánh duy nhất cho gia đình, vì họ một mình phải nuôi con hay người phối ngẫu bị mất việc, theo bà Haecker. “Ðiều này ảnh hưởng đến tinh thần của nhà giáo trong lớp học,” bà nói. “Chúng tôi không muốn thấy các nhà giáo phải lo lắng về việc phải trả các món chi phí trong nhà giữa lúc đang giảng dạy.” Mức lương trung bình của một nhà giáo trường công lập trên toàn quốc niên khóa 2009-2010 là $55,350, một con số thật ra không tăng so với số lương của hai thập niên qua, sau khi điều chỉnh mức lạm phát.
Lương của các nhà giáo mới vào nghề có khi còn thấp hơn nhiều; so với những người tốt nghiệp các ngành nghề khác, số lương khởi đầu của họ thường ít hơn khoảng $10,000 hoặc có khi còn chênh lệch nhiều hơn nữa. “Tôi nghĩ người ta thường cảm thấy có nhu cầu phải bù đắp thêm cho tiền lương dạy học để duy trì mức sống trung lưu,” theo lời Lawrence Mishel, giám đốc viện nghiên cứu chính sách kinh tế Economic Policy Institute, nơi đã công bố một bản nghiên cứu năm nay cho thấy mức lương trung bình hàng tuần của nhà giáo năm 2010 khoảng 12% thấp hơn mức lương những người có cùng mức học vấn và kinh nghiệm. Tổ Chức Hợp Tác Kinh Tế và Phát Triển (OECD), vốn thu thập dữ kiện về sức học của học sinh khắp thế giới, hồi đầu năm nay khuyến cáo chính phủ Mỹ là phải tìm cách cải thiện nghề giáo để gia tăng sự học hành của học sinh. Ðề nghị của OECD bao gồm việc tuyển chọn kỹ càng hơn, tăng lương và huấn luyện nhiều hơn.
Tại những quốc gia nơi học sinh vượt qua học sinh ở Mỹ trong các lãnh vực đọc hiểu, toán và khoa học, kể cả Nhật và Nam Hàn, các nhà giáo lãnh lương cao hơn các đồng nghiệp của họ ở Mỹ.
Cô giáo Michelle Hartman, có bằng cao học giáo dục và 15 năm dạy học, nhưng vẫn phải đi làm thêm ngoài giờ mới đủ tiền chi trả. (Hình: AP Photo/Alan Diaz)
Tuy việc đi làm thêm không là điều đặc thù với giới nhà giáo, họ thường có việc thứ nhì, và đôi khi cả việc thứ ba, ở mức cao hơn những người trong ngành nghề khác. Một nhà nghiên cứu ước tính rằng con số đi làm thêm của phía nhà giáo có thể cao gấp bốn lần hơn những người làm việc toàn thời gian trong các ngành nghề khác có bằng cấp đại học và trả lương năm. Bà Eleanor Blair Hilty, một giáo sư ngành Giáo Dục tại đại học Western Carolina University, cho hay phần lớn các nhà giáo kiếm thêm khoảng $5,000 từ các công việc bên ngoài. Vậy mà, khi được hỏi rằng nếu được tăng lương ở trường con số tương đương họ có nghỉ làm thêm hay không, phần lớn trả lời không. Giáo Sư Hilty cho rằng các nhà giáo này cảm thấy có được những sự hài lòng khác bên cạnh tài chánh. “Ðây là những điều cho thấy rằng nghề giáo đang có nhiều vấn đề,” Giáo Sư Hilty nói, cho rằng các nhà giáo thấy mình không có sự độc lập và không có quyền quyết định những gì họ dạy cũng như cách thức dạy học. “Họ thấy rằng các công việc làm thêm kia coi vậy mà thích thú hơn.” Chính sách về cho phép các nhà giáo làm thêm bên ngoài thay đổi tùy theo học khu; một số nơi không có hướng dẫn gì bằng văn bản; một số khác chỉ nói rằng đừng để công việc bên ngoài ảnh hưởng đến việc dạy học. Ở tiểu bang North Carolinia, một cuộc điều tra thực hiện năm 2007 cho thấy có 72% nhà giáo nơi đây đi làm thêm bên ngoài, kể cả việc làm sau giờ dạy ở trường hay việc làm Mùa Hè mà thôi. “Ai cũng biết là người khác đang làm thêm bên ngoài và họ cũng hiểu rằng nhà giáo phải làm vậy mới sống được nhưng không ai muốn nói về điều này.” Michelle Hartman, một nhà giáo dạy môn khoa học và ngôn ngữ ở Plantation, tiểu bang Florida, làm thêm hai việc khác, một là việc đánh đàn ở nhà thờ địa phương, trong các buổi lễ hàng tuần, các đám cưới và đám tang; còn việc nữa là lau chùi dọn dẹp hai ngày một tuần trong văn phòng kế toán của cha mình.
Người mẹ một mình nuôi con này có bằng Cao Học giáo dục và đã đi dạy từ 15 năm nay. Nhưng bà cho hay không thể nào bỏ bất cứ việc làm thêm nào, vốn theo bà cho thêm khoảng $6,000 mỗi năm, để phụ thêm vào mức lương nhà giáo là $46,000 một năm. “Có những ngày tôi rất mệt mỏi,” theo bà Hartman. “Nhưng dù thế nào đi nữa, khi vào lớp tôi vẫn phải cố gắng hết sức cho học sinh của mình.” Tuy vậy đi làm thêm bên ngoài thế nào cũng có ảnh hưởng đến việc dạy học. Ngoài việc giảng dạy trong lớp, nhà giáo còn phải chấm bài và chuẩn bị bài giảng, những việc mà họ thường làm ở nhà.
Một cuộc nghiên cứu về nhà giáo đi làm thêm ở Texas nêu ra trường hợp của một nhà giáo phải chấm bài ở trong nhà hàng, nơi bà làm thêm. “Ðúng là họ dành 100% cho học sinh, nhưng họ vẫn cảm thấy mệt mỏi,” theo lời Dave Henderson, một giáo sư nghỉ hưu, người từng nghiên cứu vấn đề này trong nhiều năm qua.
Chuyển ngữ: Lê Tâm/Người Việt
|