Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Sinh viên chọn học ngành dễ, dù lương ít

Sinh viên chọn học ngành dễ, dù lương ít PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Tâm (theo Wall Street Journal)   
Chúa Nhật, 27 Tháng 11 Năm 2011 16:53

Nhàn, sướng hơn giàu

Câu chuyện của cô Biyan Zhou là một thí dụ điển hình của nhiều sinh viên Mỹ trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ra trường giữa lúc tình trạng thất nghiệp lên cao hiện nay.
  

(Hình minh họa: Mario Tama/Getty Images)

 

Cô Biyan Zhou muốn theo học ngành kỹ sư. Bà mẹ của cô và người tư vấn giáo dục cũng muốn cô đi theo ngành này, vì có nhiều cơ hội hơn trong thời gian công việc khó kiếm này.
 
Ðối với các sinh viên thời này, lời khuyên dành cho họ rất rõ ràng: Nếu muốn kiếm được việc làm, cách tốt nhất là chuẩn bị cho mình khả năng để đi theo ngành đòi hỏi sự hiểu biết về khoa học, kỹ thuật và toán.
 
Nhưng trong năm thứ nhì tại đại học danh tiếng Carnegie Mellon University, cô Zhou đổi ngành học từ kỹ sư điện toán sang hai ngành học khác là tâm lý học và quản lý chính sách.

Những người tốt nghiệp ngành tâm lý học có mức lương trung bình thấp hơn những người tốt nghiệp ngành điện toán khoảng $38,000, theo một phân tích các dữ kiện điều tra dân số Mỹ do đại học Georgetown University thực hiện.
 
“Tôi không đủ khả năng để theo học ngành kỹ sư,” cô Zhou giải thích lý do cô quyết định đổi ngành học. Cô nay dự trù kiếm việc liên quan đến lãnh vực liên hệ công chúng (public relations) hay quản trị nhân sự (HR).
 
Vấn đề “muốn mà không làm được” của cô Zhou là điều nhiều nhà giáo dục, chính trị gia và các công ty ở Mỹ muốn giải quyết từ nhiều thập niên nay do có sự lo ngại rằng số người có căn bản về khoa học và toán đang dần dần thua sút các quốc gia khác.
 
Thời gian sẽ trả lời câu hỏi là liệu tình trạng khó kiếm việc sẽ giúp thuyết phục thêm nhiều sinh viên cố gắng đi vào các ngành học được coi là khó khăn như kỹ sư và khoa học. Dù rằng con số sinh viên tốt nghiệp đại học ở Mỹ tăng khoảng 29% từ năm 2001 đến 2009, con số tốt nghiệp với bằng kỹ sư chỉ tăng 19%, theo các dữ kiện mới nhất từ Bộ Giáo Dục Mỹ.

Con số sinh viên ra trường trong ngành liên hệ đến điện toán và tin học giảm 14%. Do các sinh viên thường chỉ chọn ngành từ năm thứ nhì, thế hệ sinh viên chọn ngành học giữa khi có cuộc suy thoái kinh tế sẽ ra trường trong năm nay.
 
Các kết quả nghiên cứu cho thấy những người tốt nghiệp các ngành kỹ sư và điện toán không chỉ dễ dàng hơn để kiếm được việc làm trong các loại công việc được mệnh danh là “STEM jobs” tức là Khoa Học, Kỹ Thuật Kỹ Sư và Toán (Science, Technology, Engineering, Math) nhưng cũng có sự đòi hỏi từ nhiều kỹ nghệ khác với mức lương cao.

Các công ty thương mại, tài chánh và tư vấn, cũng như các ngành nghề về y tế, đều muốn mướn người có khả năng định lượng, phân tích, giúp họ duy trì được khả năng cạnh tranh.
 
Ðối với cô Zhou, 22 tuổi, ở Miami, tiểu bang Florida, điều sau cùng khiến cô quyết định ra khỏi ngành kỹ sư là một bài tập thực hành năm thứ nhì khó khăn khiến cô và người bạn cùng trong nhóm học phải thức trắng mấy đêm liền. Bài tập của họ là soạn một chương trình điện toán cho máy bán nước ngọt soda. Dù rằng cô và người bạn trong lớp thực tập đã đạt được việc cho máy đưa ra đúng mặt hàng nhưng lại không thối lại đúng số tiền.
 
Ðể khỏi bị điểm “Không Hoàn Tất - Incomplete” cô Zhou xin rút khỏi chương trình học trước khi lớp thực tập chấm dứt. Kể từ khi đổi ngành, cô hầu như môn nào cũng được điểm A, thay vì các con B và C trước đó khi còn trong ngành kỹ sư.
 
Các sinh viên rút ra khỏi các ngành khoa học và các giáo sư nghiên cứu tình trạng này nói rằng các lớp học nhập môn (introductory courses) thường quá khó khăn và mơ hồ. Một số sinh viên, như cô Zhou, cho hay hồi ở trung học họ không được chuẩn bị để đương đầu với mức độ khó khăn của các lớp học nhập môn của bậc đại học.
 
Nói chung, chỉ khoảng 45% của các học sinh Mỹ tốt nghiệp năm 2011 và thi ACT là được coi là có khả năng học toán trình độ đại học và chỉ 30% số học sinh trung học từng thi ACT có khả năng học các lớp khoa học tại đại học, theo bản báo cáo năm 2011 của ACT Inc.
 
“Nếu bạn không có được căn bản ngay từ đầu, bạn sẽ ngày càng rớt lại xa hơn ở phía sau vì bài vở ngày càng khó khăn hơn. Ðây là điều làm mất tinh thần và làm người sinh viên chán nản hơn,” theo lời Claus von Zastrow, giám đốc nghiên cứu tại Change the Equation, một tổ chức bất vụ lợi ở Washington D.C. tìm cách cải thiện việc giảng dạy khoa học và toán. Ðiều này cũng khiến các giáo sư phải chuẩn bị cho việc rơi rụng của sinh viên.
 
Các lớp học về môn khoa học cũng đòi hỏi phải dành nhiều thời giờ hơn–một điều sinh viên đại học Mỹ ngày nay có thể không muốn để ra.

 Trong một cuộc nghiên cứu mới đây, hai nhà xã hội học Richard Arum ở New York University và Josipa Roksa ở University of Virginia thấy rằng các sinh viên Mỹ thường chỉ dành từ 12 đến 13 tiếng mỗi tuần cho việc học, bằng nửa thời gian học của sinh viên thập niên 60.
 
Các trường cũng tìm cách giải quyết vấn đề sinh viên rơi rụng bằng các chương trình mới mà theo họ giúp cho nhiều người có thể học ngành kỹ sư hơn.

 Năm 2003, trường Georgia Institute of Technology chia lớp khoa học điện toán nhập môn làm ba lớp khác nhau. Một lớp dành cho sinh viên đi theo ngành điện toán, một lớp dành cho sinh viên ngành kỹ sư và một lớp thứ ba dành cho sinh viên ngành nhân văn, kiến trúc và điều hành. Lớp cho ngành nhân văn cắt bỏ bớt lý thuyết điện toán để chú trọng vào những ứng dụng thực tế như viết chương trình điện toán để thay đổi các bức hình, theo lời giáo sư điện toán Mark Guzdial. Kể từ khi có thay đổi này, khoảng 85% sinh viên đậu lớp này.
 
Trong khi đó, chỉ có khoảng một phần ba sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học và kỹ sư thật sự đi làm các công việc trong lãnh vực của họ, theo kết quả một cuộc nghiên cứu năm 2007 của Giáo Sư B. Lindsay Lowell tại đại học Georgetown University và Hal Salzman ở Rutgers University.
 
Ðó có thể là vì lương của các việc này không hấp dẫn đối với các sinh viên ưu tú, vốn có thể lãnh số lương trung bình là $78,550 trong năm 2009 nhưng nếu đi vào lãnh vực điều hành hay các nghề chuyên môn khác thì có thể lãnh tới hơn $102,000, theo kết quả phân tích dữ kiện của cuộc điều tra dân số do Trung Tâm Giáo Dục và Lao Ðộng do trường đại học Georgetown University thực hiện.
 
Do có nhiều ngành nghề khác đòi hỏi khả năng cao về toán và phân tích “Nếu bạn là một sinh viên giỏi toán ở Mỹ, thuần túy từ quan điểm kinh tế sẽ là điều sai lầm nếu đi vào các công việc loại STEM,” theo lời Anthony Carnevale, giám đốc trung tâm ở Ðại Học Georgetown.