Home Đời Sống Danh Nhân Phan Châu Trinh và dân quyền (Kỷ niệm húy nhật Phan Châu Trinh 24-3-2009)

Phan Châu Trinh và dân quyền (Kỷ niệm húy nhật Phan Châu Trinh 24-3-2009) PDF Print E-mail
Tác Giả: GS Trần Gia Phụng   
Thứ Ba, 17 Tháng 3 Năm 2009 12:13

- CHỦ TRƯƠNG DÂN QUYỀN

Từ khi bước ra khỏi ngôi nhà tranh ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam để dấn thân vận động chính trị khắp nơi ở trong cũng như ngoài nước, Phan Châu Trinh (1872-1926) chỉ có một hoài vọng: Đó là làm thế nào vận động dân chủ và dân quyền cho dân tộc Việt Nam. Phan Châu Trinh đã từng nói với Phan Bội Châu: “Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được.” (Phan Bội Châu, Tự phán, Huế: Nxb. Anh Minh, 1956, tr. 71.)

Phan Châu Trinh là người đề xướng Phong trào Duy tân (PTDT) và là người Việt Nam đầu tiên đề xướng thuyết nhân quyền, dân quyền và tranh đấu bất bạo động tại nước ta vào đầu thế kỷ 20, trước cả nhân vật Ấn Độ mà nhiều thường gọi là “thánh”, đó Mohandas Gandhi (1869-1948).

Xin chú ý PTDT là một TIẾN TRÌNH VẬN ĐỘNG VĂN HÓA VÀ CHÍNH TRỊ. Tiến trình vận động văn hóa chỉ cố gắng thuyết phục nhân tâm bằng lời, luôn luôn âm thầm, chậm chạp, không hùng tráng, không đau thương, nên ít gây xúc động, ít hấp dẫn hơn những biến cố ở dạng bùng nổ. (Ví dụ vụ Phạm Hồng Thái ném bom ám sát hụt viên toàn quyền Martial Merlin năm 1924 ở Quảng Châu (Trung Hoa); Phan Bội Châu bị Pháp bắt cóc năm 1925 ở Thượng Hải (Trung Hoa) là những biến cố bùng nổ…)

Giấc mơ dân chủ, dân quyền của Phan Châu Trinh cũng đã trên một trăm năm. Bao nhiêu biến đổi, bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu xương máu hy sinh, nhưng tình trạng dân chủ dân quyền ở Việt Nam cho đến ngày nay chẳng những không tiến bộ mà còn tệ hại hơn thời Pháp thuộc. Dưới thời Pháp thuộc, dù có phần hạn chế, dân Việt Nam còn được tự do viết báo, diễn thuyết, hoặc tự do hội họp để vận động dân quyền, chứ ngày nay, dưới chế độ cộng sản của “loài người tiến bộ”, thì mọi người đều biết, những nhà tranh đấu dân quyền đã bị tù đày, hành hạ, biệt giam.

Chủ trương dân chủ, dân quyền của Phan Châu Trinh hoàn toàn đối nghịch với chủ trương của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Có sáu điều đối nghịch căn bản:

Thứ nhất, Phan Châu Trinh kết hợp chủ trương “dân vi quý” của Mạnh Tử với tư tưởng dân chủ Tây phương của Voltaire, Montesquieu, Rousseau… trong khi CSVN chủ trương độc tài theo chủ nghĩa cộng sản.

Thứ hai, Phan Châu Trinh chủ trương tranh đấu bất bạo động và phát động PTDT dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc. Chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa dựa trên bạo động, tranh đấu giai cấp nhập cảng từ Liên Xô.

Thứ ba, Phan Châu Trinh chủ trương tự lập, chống lại việc cầu viện ngoại bang. Đảng CSVN chẳng những cầu viện Trung Quốc mà còn tình nguyện thừa hành mệnh lệnh của Trung Quốc, làm tay sai cho Trung Quốc. Một lãnh tụ cộng sản đã từng nói: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc.” (Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Nxb. Văn Nghệ, California, 1997, tr. 422, phần chú thích.)

Thứ tư, Phan Châu Trinh chủ trương nâng cao dân trí, đề cao dân quyền và nhân quyền. Ngược lại, CSVN thiết lập một chế độ độc tài toàn trị mà một học giả Pháp, ông Jean Lacouture, đã đặt tên là “autocolonisation”, tức là một chế độ thực dân do người trong nước lập ra, có thể tạm dịch là “thực dân nội địa”. Thực dân nội địa cũng giống thực dân Pháp, thi hành chính sách ngu dân, vì dân càng ngu, càng dễ khống chế, càng dễ độc tài, càng dễ bóc lột.

Thứ năm, Phan Châu Trinh chủ trương xã hội pháp trị, tức tổ chức xã hội trên căn bản pháp luật. Mọi thành phần xã hội, từ người đứng đầu quốc gia đến người cùng đinh đều phải cùng chịu sự chế tài của luật pháp, đều được xét xử như nhau trước pháp luật.

Cộng Sản Việt Nam chủ trương độc tài đảng trị, hết sức dị ứng với chủ trương pháp trị do Phan Châu Trinh đề xướng. Đảng CSVN chẳng những chống đối chủ trương pháp trị của PTDT, mà quyết tâm tiêu diệt tất cả những ai nói đến pháp trị. Những nạn nhân điển hình là Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang … trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm ở Hà Nội sau năm 1954.

Thứ sáu, Phan Châu Trinh chủ trương tự do chính trị, tự do bầu cử và tam quyền phân lập theo quan niệm của Montesquieu (Pháp), tức tổ chức chính quyền theo mẫu mực tây phương hiện nay. Hành pháp, lập pháp, tư pháp hoàn toàn độc lập với nhau.

Chế độ CSVN ngày nay không chấp nhận tự do chính trị. Việc bầu cử của CSVN theo khẩu hiệu đảng cử dân bầu. Đảng CSVN chỉ định các ứng cử viên. Dân chúng tức cử tri bỏ phiếu chọn lựa giữa những người do đảng CSVN chỉ định. Vì vậy, dầu chọn ai đi nữa cũng là người của đảng CSVN mà thôi. Các nước không cộng sản cũng có hình thức đảng cử dân bầu nhưng hoàn toàn tự do dân chủ. Các ứng cử viên tự do tranh cử để được các đảng chọn lựa và giới thiệu. Sau đó dân chúng sẽ chọn lựa giữa nhiều ứng cử viên của nhiều đảng phái khác nhau để chọn ra đại biểu cho mình.

Đặc biệt CSVN cũng có hình thức tam quyền, nhưng không phải tam quyền phân lập, mà là “tam quyền đồng quy”, nghĩa là hành pháp, lập pháp và tư pháp đồng quy về một mối. Mối đó do đảng CSVN cầm đầu, theo điều 4 hiến pháp năm 1992. Điều 4 nầy như sau: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

Đây là một điều lạ lùng vì ở Việt Nam, chưa bao giờ có cuộc bầu cử hay cuộc trưng cầu dân ý để uỷ quyền cho đảng CSVN làm đại biểu cho “quyền lợi của giai cấp công nhân”. Điều 4 nầy là do đảng CSVN phỏng theo điều 6 của hiến pháp Liên Xô, để tự phong, rồi tự biên tự diễn mà thôi. Đảng CSVN còn tự hào theo chủ nghĩa Mác-Lênin, là thứ chủ nghĩa đã bị chính quê hương Lenin đào thải và quăng vào sọt rác gần 20 năm rồi. Đảng CSVN vẫn cứ lấy cái thứ rác nầy làm nón cối đội lên đầu đảng, rồi bắt dân đội theo. Còn Hồ Chí Minh thì chẳng có tư tưởng gì cả, vì trong đại hội 2 đảng CS Đông Dương vào đầu năm 1951 tại Thái Nguyên, chính Hồ Chí Minh đã tự thú nhận: “… Tôi không có tư tưởng ngoài chủ nghĩa Mác- Lê nin….” (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ & Quốc hội, Nxb. Văn Nghệ [tái bản], California, 1995, tt. 150-152.)

Đưa ra sáu điều so sánh trên đây để thấy rõ chủ trương của Phan Châu Trinh hoàn toàn khác biệt với đường lối của đảng CSVN. Vì vậy Tố Hữu đã mỉa mai Phan Châu Trinh như sau: “Muôn dặm đường xa, biết đến đâu?/ Phan Châu Trinh lạc lối trời Âu…” (“Theo chân Bác”, viết năm 1970.) Quá lo sợ ảnh hưởng của Phan Châu Trinh, sau khi chiếm Đà Nẵng năm 1975, CSVN đã thăm dò dư luận để dẹp bỏ bức tượng Phan Châu Trinh trước trường trung học Phan Châu Trinh, nhưng gặp dư luận bất lợi, nên đảng CS đành đã bỏ qua việc nầy.

2.- TẠI SAO PHẢI TRỞ LẠI CHỦ TRƯƠNG DÂN QUYỀN?

Giấc mơ dân chủ, dân quyền của Phan Châu Trinh đã hơn một trăm năm. Nếu kể từ chính phủ Trần Trọng Kim (cầm quyền 17-4-1945), nước Việt chúng ta đã thoát ra khỏi chế độ thực dân Pháp hơn 60 năm, nhưng hơn bao giờ hết, nước Việt Nam ngày nay cần phải trở lại chủ trương dân quyền của Phan Châu Trinh, mới có thể giải quyết những bế tắc của đất nước chúng ta hôm nay.

Thứ nhất là vào đầu thế kỷ 20, chế độ Pháp thuộc là chế độ thực dân. Ngày nay, CSVN cũng là một chế độ thực dân. Chế độ thực dân nội địa CSVN xem ra còn hiểm độc hơn chế độ thực dân Pháp.

Bằng nhiều cách tuyên truyền, khủng bố, đe dọa và áp đặt khác nhau, CSVN làm cho dân Việt bị bệnh “cộng ám”, không được suy nghĩ những gì ngoài quy định của CS, không được có sáng kiến gì ngoài quyết định của đảng CSVN, không được đi bên lề trái trên con đường CSVN, chỉ thi hành mệnh lệnh của đảng, nếu không nhà tù chờ sẵn đó, như trường hợp Nhân Văn giai phẩm từ năm 1956 cho đến những Nguyễn Văn Lý, Lê Thị Công Nhân, Điếu Cày… vào đầu thế kỷ 21.

Chính bệnh “cộng ám” là chất độc màu da cam làm tê liệt não bộ dân chúng Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, làm thui chột bao nhiêu anh tài đất nước, khiến thanh thiếu niên không thể phát triển khả năng của mình.

Hiện nay, người dân trong nước dưới 40 tuổi ở miền Nam và dưới 60 tuổi ở miền Bắc (hơn 80% dân số), chưa một lần được đọc bản TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN ngày 10-12-1948 của Liên Hiệp Quốc, hoàn toàn không biết gì về những nguyên tắc dân chủ, dân quyền, nên chỉ biết chấp nhận sống theo bổn phận và nghĩa vụ công dân do Cộng sản quy định.

Thứ hai, hiện nay nước Việt Nam chúng ta đang bị Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) đe dọa trầm trọng. Một trong những đại nạn của dân tộc Việt Nam là nước Việt chúng ta nằm bên cạnh nước Trung Quốc về địa lý chính trị. Ỷ thế nước lớn, những nhà lãnh đạo Trung Quốc từ cổ chí kim đều muốn xâm lăng Việt Nam để tiến xuống Đông Nam Á.

Ngày trước, các triều đình quân chủ Trung Quốc dùng binh hùng tướng mạnh. Đảng CSTQ cũng đã từng dùng binh hùng tướng mạnh để tấn công sáu tỉnh phía bắc. Đảng CSVN đề kháng yếu ớt, để sáu tỉnh biên giới dễ dàng lọt vào tay quân xâm lăng Trung Quốc. Cuối cùng Trung Quốc cũng rút lui không phải vì tài năng của CSVN, nhưng vì phản ứng quốc tế. Phản ứng nầy rất bất lợi cho kế hoạch hiện đại hóa mà lúc đó Trung Quốc đang cố gắng vươn lên.

Sau cuộc xâm lăng năm 1979, trước phản ứng bất lợi của thế giới, CSTQ thay đổi chiến lược xâm lăng. Cộng Sản Trung Quốc không còn dùng đại binh ào ạt tấn công, mà dùng vừa chính trị, vừa kinh tế, vừa quân sự để dần dần nuốt con mồi Việt Nam. Hiện nay, diễn tiến xâm lăng hòa bình (invasion pacifique) lên cao điểm với vụ khai thác bauxite ở cao nguyên Trung phần vừa qua, mà dư luận hiện đang còn bàn tán. Ngày xưa ông bà chúng ta gọi kế hoạch nầy là “tàm thực” tức tằm ăn dâu. Con tằm ăn dâu rất từ tốn, nhưng lại “từ từ mà tốn”.

Để chống lại kế hoạch “tằm ăn dâu”, trước khi qua đời vào năm 1300, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã nói với vua Trần Anh Tông như sau: “Nếu nó [quân Tàu} tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.” (Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch Viện Khoa học Xã hội, tập II, 1998, tr. 79.”

Như thế, muốn chống xâm lăng bắc phương, thì bất cứ nhà cầm quyền nào, dĩ nhiên trong đó có nhà cầm quyền cộng sản hiện nay ở trong nước, phải theo thượng sách là “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc.” Muốn “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” thì việc đầu tiên là phải tôn trọng dân, tức tôn trọng quyền của dân, quyền đây là tất cả các quyền tự do dân chủ.

Điều 4 hiến pháp 1992 có hai điều nguy hiểm: Điều nguy hiểm thứ nhất là đảng CSVN giành quyền lãnh đạo đất nước, mà đảng CSVN lại bất lực, tham quyền và tham nhũng, nên sẵn sàng nhượng bộ ngoại bang để duy trì quyền lực và quyền lợi. Điều nguy hiểm thứ hai là vì đảng CSVN giành quyền lãnh đạo đất nước, tức không tôn trọng quyền dân, nên dân chúng thờ ơ với việc nước, không lý tới việc nước, phó mặc mọi chuyện cho đảng CSVN, theo kiểu “bay giành thì bay phải gánh vác lấy một mình, sống chết mặc bay”. Hơn nữa, nếu dân chúng chú ý tới việc nước, thì đảng CSVN bắt giam ngay. Ví dụ vừa qua, sinh viên thanh niên học sinh trong nước biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng, liền bị CSVN giải tán và bắt giam.

Ngày xưa, thầy Mạnh Tử (372-289) đã nói: “Vua xem bầy tôi như đất, như cỏ, thì bầy tôi xem vua như giặc, như thù.” (Trần Trọng Kim, Nho giáo, quyển thượng, Sài Gòn, 1971, tr. 217.). Ngày nay vua được hiểu là chính quyền, bầy tôi được hiểu là dân chúng. Nhà cầm quyền CSVN khinh dân như đất, như cỏ, bắt dân sống đời thực vật, không tự do, không suy nghĩ, không phát biểu tư tưởng, câm lặng như đất, thì chắc chắn dân chúng không dám nói ra, nhưng dân xem nhà cầm quyền CSVN như giặc, như thù. Hãy đọc những câu biểu ngữ của dân oan khiếu kiện, thì đúng là đảng CSVN là giặc, là thù của dân.

Trong hoàn cảnh như thế, thì Việt Nam làm thế nào có nội lực để chống lại kế hoạch tằm ăn dâu của Bắc Kinh? Vì vậy, hơn bao giờ hết, ngày nay cần phải trở lại với hoài bão dân chủ dân quyền của Phan Châu Trinh. Chủ trương vận động dân quyền do Phan Châu Trinh đề xướng cách đây trên một thế kỷ, rất cần được phát động trở lại. Phải trả lại cho dân quyền của dân thì dân mới cảm thấy có trách nhiệm. Có trách nhiệm, dân mới chịu chấp nhận nhiệm vụ làm dân Quyền lợi luôn luôn đi đôi với nhiệm vụ.

Vì vậy, việc phát động trở lại chủ trương của Phan Châu Trinh hiện nay thật cần thiết. Chỉ có dân chủ, dân quyền mới tạo cơ hội vận động đoàn kết toàn dân, phục hồi tinh thần dân tộc, tạo nội lực cho đất nước để sẵn sảng chống trả cuộc xâm lăng hiểm độc của CSTQ. Cần chú ý là nội lực dân tộc mới là yếu tố chính, là hạt nhân quan trọng để bảo vệ quê hương. Nếu dân tộc không có nội lực, nếu dân tộc bạc nhược, thì chắc chắn đất nước sẽ tiêu vong.

KẾT LUẬN

Cuộc vận động dân chủ, dân quyền sẽ rất khó khăn, chậm chạp, lâu dài, đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và chưa biết khi nào sẽ đến đích. Dầu mức đến còn xa, nhưng vận động dân chủ, dân quyền và nhân quyền là con đường duy nhất dẫn đến tương lai dân tộc, tương lai đất nước. Chúng ta phải kiên trì như Phan Châu Trinh đã kiên trì trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị của ông.

Từ khi chọn con đường dân quyền vào năm 1904, cho đến khi qua đời năm 1926, trước sau như một, trong 22 năm hoạt động chính trị, lập trường chính trị của Phan Châu Trinh không bao giờ thay đổi. Phan Châu Trinh chỉ ôm một hoài bão duy nhất: đó là dân quyền cho người Việt Nam. “…Tiên sinh cứ khăng khăng ôm một cái chủ nghĩa đeo đẳng mãi với cảnh hoạn nạn mà không chịu rời ra, không những danh vị lợi lộc không dỗ dành được, cực khổ không đổi dời được, cho đến gươm kề trên cổ, súng chí trước bụng cũng không chút nào lay chuyển …” (Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử, Huế: Nxb. Anh Minh, 1961, tr. 34.)

Tự do, dân chủ, dân quyền và nhân quyền là giấc mơ vàng muôn thuở của loài người, chứ không phải riêng của dân tộc Việt Nam. Hơn lúc nào hết, người Việt Nam đang cần phải thực hiện giấc mơ nầy, mới hy vọng tự cứu mình khỏi nạn chế độ thực dân nội địa, và tự cứu mình khỏi sự đe dọa của Bắc phương.