Einstein, Một Nhà Bác Học và Một Con Người |
Tác Giả: Trần Bình Nam | |||
Thứ Hai, 16 Tháng 3 Năm 2009 08:09 | |||
Ngày 30 tháng 11 năm 2002, Viện Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Hoa Kỳ (American Museum of Natural History) ở New York phối hợp với đại học Do thái (Hebrew University) ở Jerusalem và Trung tâm Skirball (Skirball Center) ở Los Angeles đã mở cửa phòng triển lãm về nhà bác học Einstein tại thành phố New York. Tài liệu triển lãm sẽ được trưng bày tại Jerusalem trong năm 2003 và năm 2004 sẽ triển lãm tại Los Angeles. Thế giới biết ông Einstein như một nhà bác học tài ba nhất của thế kỷ 20. Ông đã viết và công bố hơn 300 khám phá khoa học, trong đó có những khám phá lớn làm thay đổi quan niệm về thế giới hữu hình của Newton. Nhưng nếu phòng triển lãm chỉ có những công trình khoa học của Einstein thì không có gì để nói. Cái quý là bên cạnh những tài liệu đó có những lá thư riêng, thư cho vợ, cho người tình, những tài liệu cho thấy phản ứng của ông trước cố sự thế giới, quan điểm của ông về dân quyền, về chiến tranh và hòa bình, về chính sách cần có đối với Trung đông, những dính líu chính trị, những người bạn, những kẻ thù của ông, và một tập hồ sơ dày cộm của sở Cảnh sát Liên bang Hoa Kỳ. Toàn bộ cho chúng ta thấy bên cạnh con người Einstein siêu phàm là một Einstein bằng xương bằng thịt không khác gì mỗi người chúng ta. Albert Einstein sinh ngày 14 tháng 3 năm 1879 tại Ulm, một thành phố nằm ở phía Nam nước Đức. Bố ông có một tiệm làm đồ điện ở Munchen nên ông sống và học vỡ lòng tại đó. Albert Einstein không thích lối học từ chương và sự khắc khe của bố nên lơ là việc học. Nhưng nhờ khuyến khích của hai ông chú ruột Einstein quan tâm đến toán và khoa học. Ngoài ra ông thích học đàn với mẹ và trở thành một tay kéo đàn vĩ cầm có hạng. Tuy nhiên ông chỉ kéo đàn làm vui trong suốt cuộc đời sóng gió của ông. Năm 12 tuổi ông đã suy nghĩ về thế giới hữu hình. Ông hay nói về những “vết nhăn” của vũ trụ (và sau này là căn bản của không gian bốn chiều của ông). Năm 15 tuổi Einstein qua Milan (bắc Ý) sống với bố mẹ đã dọn qua làm ăn ở đó và theo học bốn năm chuyên toán và vật lý tại trường Đại học Bách khoa danh tiếng (Federal Polytechnic Academy of Zurich) của Thụy sĩ ở Zurich. Ông tốt nghiệp năm 1900. Sau đó ông vào công dân Thụy sĩ, dạy toán tại một trường trung học trong hai năm trước khi làm công chức cho chính phủ Thụy sĩ xét cấp bằng sáng chế tại Berne. Năm 1903 Einstein cưới bà Mileva Maric, người gốc Serbia. Hai người yêu nhau khi cùng học ở đại học bách khoa. Vừa làm công chức vừa nghiên cứu, năm 1905 Einstein công bố ba khám phá làm thay đổi quan niệm của giới khoa học về không gian, thời gian, ánh sáng và vật chật. Khám phá thứ nhất: ánh sáng gồm những hạt quang tử truyền đi với một tốc độ cố định dù chúng ta đứng trên một hệ thống qui chiếu nào để đo tốc độ đó. Khám phá thứ hai: vật chất có thể biến thành năng lượng (khám phá này làm căn bản cho bom nguyên tử). Và khám phá thứ ba: không gian và thời gian là hai thành tố không thể tách rời nhau để họp thành một không gian bốn chiều, và độ lớn của không gian và bề dài của thời gian co lại nếu chúng ta di chuyển khi đo chúng nó (căn bản của thuyết tương đối đặc biệt). Với các khám phá đó đại học Zurich cấp cho ông bằng tiến sĩ. Sau đó ông bỏ nghề công chức, dạy học toàn thời ở Thụy Sĩ và trở thành giáo sư thực thụ tại đại học Prague. Năm 1912 ông trở về dạy tại trường Bách khoa Zurich. Thời gian này Einstein sống hạnh phúc với vợ và hai con trai Hans Albert và Edward. Năm 1914 ông Einstein được mời giữ ghế nghiên cứu kiêm viện sĩ của Hàn lâm viện Khoa học (Academy of Sciences) của Đức tại Berlin. Khi thế chiến I bùng nổ vợ và hai con ông đang nghỉ hè ở Thụy sĩ nên vợ chồng ly tán và sau đó li dị nhau. Năm 1916 ông công bố một khám phá mới, rằng trọng lực và gia tốc quan hệ mật thiết với nhau. Trọng lực chỉ là sự “móp méo” của không gian bốn chiều do sự hiện diện và phân bố của vật chất (quả đất, mặt trời v.v…) trong không gian. Cho nên nếu ông Newton cho rằng quả táo rơi do sức hút của quả đất thì ông Einstein cho rằng quả táo chạy vào chỗ “móp” do quả đất để lại trong không gian bốn chiều giống như các hành tinh chạy quanh mặt trời và ánh sáng mất hút vào những “vùng có trọng lực cực mạnh” (black holes) trong vũ trụ. Ông Einstein nói rằng có thể chứng minh thuyết này đúng hay sai bằng cách đo độ lệch tia sáng của một vì sao khi tia sáng đi gần mặt trời. Tia sáng của một ngôi sao đi gần mặt trời có thể thấy được vào lúc toàn nhật thực. Ông sốt ruột chờ chiến tranh chấm dứt để đoàn tụ gia đình và có cơ hội thực hiện thí nghiệm và trở thành một người chống chiến tranh và chống mọi hình thức dùng bạo lực. Năm 1919 ba biến cố lớn đến với đời ông: Ông li dị bà Maleva Maric và cưới bà Elsa Lowenthal, một người em họ góa chồng, và cuối năm Viện Khoa học Hoàng gia Anh (Royal Society of London) công bố rằng tháng 5 năm đó tại đảo Principle trong Vịnh Guinea một đoàn khoa học gia của Viện đã quan sát, chụp hình và đo độ lệch của ánh sáng khi đi băng ngang qua gần mặt trời và đã kiểm chứng sự tiên đoán của Einstein năm 1916 là đúng. Công bố này đưa Einstein lên tột đỉnh vinh quang trong giới khoa học. Trong thập niên 1920s Einstein đầu tư uy tín khoa học của ông vào việc chống mọi chính sách đưa đến chiến tranh (pacifism) và ủng hộ phong trào lập quốc của người Do Thái (zionism). Ông đã làm cho giới chính khách ở Đức thù ghét. Lúc này phong trào Quốc xã cực hữu và khuynh hướng chống Do Thái đang lên tại Đức. Không sờn lòng ông đã đi diễn thuyết nhiều nơi tại Âu châu và được tiếp đãi nồng hậu. Người ta không quên hình ảnh một nhà bác học nghèo, đơn sơ, bình dị đi khắp Âu châu bằng xe lửa hạng ba với một cây đàn vĩ cầm trong tay. Đầu năm 1921 đáp lời mời của Chaim Weizmann (người cầm đầu phong trào lập quốc Do Thái tại Mỹ) ông đi một vòng Hoa Kỳ vận động gây quỹ cho phong trào. Mấy năm sau đó ông du hành qua Á châu, Trung đông và Nam Mỹ. Ông được chọn trao giải vật lý Nobel năm 1921. Thời gian này ông vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học và theo đuổi thuyết “mọi vật trong vũ trụ kể cả thế giới li ti (subatomic level) được sắp xếp theo một qui luật có thể tiên đoán được.” Thuyết này không được giới khoa học gia đồng thời tán đồng. Sau khi khám phá ra thuyết bất định (uncertainty principle) họ không tin như vậy. Lập trường tranh luận của ông Einstein nhuốm màu sắc duy tâm. Ông nói: “Khó nắm bắt ý Trời, nhưng ông Trời không muốn lừa gạt chúng ta” (God is subtle, but he is not malicious). Sự tranh cãi khoa học này đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Năm 1929 khi Einstein 50 tuổi diễn biến chính trị và kinh tế trên thế giới làm ông hết sức buồn phiền. Người Ả Rập đánh phá những khu định cư của người Do Thái ở Palestine, đảng Quốc xã cực hữu nắm ưu thế tại Đức, và thị trường chứng khoán New York sụp đổ. Trong gia đình, Edward (con út của ông) bị khủng hoảng tâm thần do di truyền máu của mẹ nhưng đinh ninh cho rằng bị ông bỏ bê. Năm 1931 trong thời gian dạy học bán thời tại đại học Oxford (Luân Đôn) ông dành hết thì giờ cho phong trào hòa bình thế giới và đã cho mượn tên thành lập Quỹ quốc tế chống chiến tranh mang tên ông (Einstein War Resister’s International Fund) với mục đích tạo áp lực cho Hội nghị giải giới quốc tế (World Disarmament Conference) dự trù họp tại Geneva năm 1932. Hội nghị giải giới bất thành ông Einstein thất vọng và mất niềm tin vào khả năng sống hòa bình của con người. Trong một lá thư trao đổi với Freud (nhà tâm lý học người Áo) ông cho rằng con người sinh ra “vốn ác”. Freud trả lời rằng chiến tranh phát sinh từ tâm lý “thương-ghét” (love-hate) bẩm sinh của con người và ước mơ một thế giới không có chiến tranh của Einstein là một ý tưởng viễn vông. Năm 1933 khi Adolf Hitler trở thành thủ tướng Đức ông Einstein từ bỏ quốc tịch Đức, qua sống tại Hoa Kỳ, đứng ra kêu gọi các nước Âu châu chuẩn bị chiến tranh để chống chiến tranh. Theo ông, nếu không ngăn chận, trước sau Hitler cũng gây ra chiến tranh. Đến Hoa Kỳ năm 1933 ông Einstein héo hắt trước tuổi. Một người bạn của ông ghi lại: “Einstein như không còn sức sống. Ông ngồi đó trong nhà tôi, hai bàn tay xoa mái tóc bạc phơ, nói miên man như trong cơn mơ về đủ thứ chuyện dưới ánh mặt trời. Tôi không thấy ông cười.” Tuy thế, hai mươi năm sau đó cuộc đời Einstein phẳng lặng. Việc chính là dạy học để đủ sống. Buồn ông kéo đàn, hay dạo thuyền trên chiếc hồ nhỏ cạnh nhà. Năm năm sau ông vào quốc tịch Mỹ. Năm 1939 Niels Bohr, nhà vật lý nguyên tử Đan Mạch thư cho ông biết Lise Meitner (một nhà khoa học Đức đang tị nạn tại Copenhague) dựa vào các thí nghiệm của hai nhà hóa học Đức khác là Otta Hahn và Fritz Strassmann đã phá vỡ được nguyên tử uranium và phần vật chất mất đi đã biến thành năng lượng như tiên đoán của ông năm 1903. Niels Bohr viết rằng nếu có thể tạo ra sự phá vỡ dây chuyền thì có khả năng tạo ra một sức nổ lớn tỏa ra một số năng lượng vô cùng lớn lao. Một số khoa học gia Hoa Kỳ lo sợ rằng Hitler sẽ dùng khám phá khoa học này để chế tạo vũ khí nên đề nghị Einstein dùng uy tín của ông viết thư cho tổng thống Franklin D. Roosevelt yêu cầu ông ra lệnh nghiên cứu để sẵn sàng chế tạo vũ khí này. Ngày 1/10/1939 sau khi Hitler xâm lăng Ba Lan kinh tế gia Alexander Sachs (một người cận kề với tổng thống Roosevelt) mới trình tổng thống bức thư của Einstein. Ông Einstein viết: “Hiện nay thế giới khoa học hầu như đã có khả năng tạo ra phản ứng phá vỡ dây chuyền trong một khối uranium” và “nếu làm được khoa học có khả năng chế tạo một loại bom cực mạnh chưa từng thấy.” Hai năm sau, ngày 9/10/1941 tổng thống Roosevelt ra khẩn lệnh thiết lập kế hoạch Manhattan chế tạo bom nguyên tử. Ngoài bức thư viết cho tổng thống Roosevelt ông Einstein không làm bất cứ một việc gì liên quan đến việc chế tạo bom nguyên tử. Lý do, chương trình Manhattan là bí mật quốc phòng và FBI không tin sự trung thành của ông đối với nước Mỹ. Ông Einstein biết khám phá khoa học của ông và bức thư ông viết cho tổng thống Roosevelt đã thành hiện thực khi hay tin quả bom nguyên tử đầu tiên đã được xử dụng tại Hiroshima tháng 8 năm 1945. Tuy nhiên tên tuổi ông được gắn liền với thứ vũ khí kinh hoàng đó. Ông qua đời bình an trong giấc ngủ đêm 18/4/1955 hưởng thọ 76 tuổi tại bệnh viện Princeton, bang New Jersey. Trên chiếc bàn nhỏ ông để lại một bản văn chưa viết xong chúc mừng ngày Độc lập của Do thái. Ông tự thuật: “Với khả năng nhỏ bé, suốt cuộc đời tôi chỉ mong muốn phục vụ cho sự thật và công lý mặc dù tôi biết những việc tôi làm làm nhiều người khó chịu.” Và một khám phá chính trị: “Người Do thái có quyền lập quốc ở Palestine, nhưng điều quan trọng nhất trong chính sách của chúng ta là thành tâm và quyết chí tạo một định chế bảo đảm quyền bình đẳng tuyệt đối cho mọi công dân Ả Rập sống với chúng ta.” Bốn mươi năm sau (tháng 9/1995) thỏa ước Oslo đã đặt căn bản cho chính sách này. Rất tiếc những người Do thái quá khích và hai vị thủ tướng Benjamin Netanyahu và Ariel Sharon đã không đọc Einstein. Sau khi ông qua đời bà Helen Dukas, thư ký riêng thu thập tài liệu về ông nhưng không chịu tiết lộ thư từ cá nhân của ông. Đến năm 1992 khi cuốn “Những lá thư tình của Albert Einstein và Mileva Maric” được xuất bản người ta mới hiểu lý do. Bố mẹ ông Einstein cản trở cuộc hôn nhân nên đến năm 1903 ông mới làm lễ cưới bà Mileva sau khi bà sinh cô bé gái Lieserl tại Serbia không hôn thú. Lieserl chết trước khi gặp mặt cha. Những lá thư đượm tình cảm của ông viết cho Mileva như: “làm sao anh có thể sống thiếu em, người em bé bỏng của anh …” viết năm 1900 biến thành những lá thư tầm thường khi hai người có hai con trai, tiếng tăm ông vang dội, và bà Mileva có dấu hiệu bị bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia) . Trong một lá thư năm 1913 gởi cho bà Elsa ông viết: “bây giờ ….. Mileva hầu như không biết vui đùa là gì và chẳng có bạn bè … Nơi nào có mặt bà là nơi đó mất vui …” Sáu năm sau ông cưới Elsa sau khi muốn cưới người con gái của Elsa bất thành. Einstein có nhiều người tình trong cuộc đời ông nhưng hình như ông không yêu ai. Nhiều người cho Einstein bẩm sinh ghét phụ nữ. Ông Einstein là một người đấu tranh cho dân quyền không mệt mỏi. Theo Fred Jerome, tác giả cuốn “The Einstein File” (Hồ sơ Einstein) đây là lý do ông J. Edgar Hoover, giám đốc FBI đã cho mở một hồ sơ dày 1.800 trang về Einstein khi ông đến tị nạn tại Hoa kỳ năm 1933. Sau khi Einstein trở thành công dân Mỹ, ông Hoover vẫn không ngừng thu thập tài liệu để chứng minh Einstein là gián điệp cộng sản với mục đích tước quốc tịch và trục xuất ông ra khỏi nước. Cuộc điều tra chấm dứt năm 1955 và chỉ có một kết quả là ngăn không cho Einstein tham dự chương trình Manhattan, nhưng không chứng minh được gì cả? Hồ sơ Einstein trắng tinh. Einstein là một người xã hội nguyên chất. Ông ghét cộng sản và tư bản. Nhà vật lý học Gerald Holton, giáo sư đại học Harvard kiêm viết lịch sử khoa học là người đầu tiên được đọc những gì về Einstein sau khi ông qua đời đã hết sức kinh ngạc về cuộc sống tâm linh phong phú của ông. Theo ông Holton, bộ óc thông minh xuất chúng của Einstein không giải thích được những gì ông đã khám phá. Hình như có một sự cảm thông giữa ông và trời đất. Nhưng điều quan hệ là không vì thế ông sống xa rời với cuộc đời nhân thế. Nhà bác học của chúng ta đã sống như một con người với “mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, nhục” của kiếp nhân sinh.
|