Home Đời Sống Pháp Luật Luật Thương Mại

Luật Thương Mại PDF Print E-mail
Tác Giả: Luật Sư LyLy Nguyễn   
Thứ Bảy, 18 Tháng 10 Năm 2008 08:00

Luật Sư LyLy Nguyễn

 Theo quan niệm cổ xưa ‘Sĩ, Nông, Công, Thương’ người Việt thường trọng đãi giới sĩ phu. Buôn bán được kể vào hạng chót nên hơn nửa thế kỷ trước đây thương mại ít phát triển so với các nước khác tại Á Châu, nhưng từ sau biến cố 1975 đồng bào ta tại hải ngoại phần đông rất thành công trong thương trường nhất là tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên lề lối buôn bán trên đất Mỹ rất khác biệt với lối buôn bán tại Việt Nam dù bất cứ thời nào vì có sự điều hành rất chặt chẽ của luật thương mại. Một trong lãnh vực quan trọng nhất trong luật thương mại Hoa Kỳ đem bảo đảm an toàn cho các thương nhân trong mọi hoạt động giao dịch là luật khế ước (contract law).

 Luật khế ước liên quan đến tất cả mọi khía cạnh về thiết lập, duy trì, hay hủy bỏ một giao kết hay thỏa thuận giữa hai cá nhân hay công ty. Hàng ngày cả triệu người hứa hẹn và đồng ý với nhau đủ mọi vấn đề dưới mọi hình thức khác nhau. Luật khế ước có thể áp dụng cho tất cả mọi trường hợp dù lớn nhỏ hay khác biệt từ chuyện nhận lời mời đến nhà bạn ăn cơm tối, hoặc đi xin được việc làm ở một cửa hàng, hay lớn hơn nữa như trúng thầu chế tạo phi thuyền không gian cho NASA chẳng hạn. Nói chung luật khế ước chi phối tất cả các loại giao ước, thỏa thuận, hợp đồng bất kể ai đã lập ra hay thuộc lãnh vực gì. Tuy nhiên cũng có một vài loại đặc biệt được phân loại riêng như luật lao động (labor law) chuyên về thỏa thuận giữa công ăn việc làm, hay luật hùn hạp (partnership law) chuyện về chung vốn làm ăn với nhau. Khác hẳn với luật tài sản và luật bất cẩn, luật khế ước chú trọng đến hứa hẹn và thỏa thuận sẽ hoàn tất một sự việc trong tương lai, thí dụ như hoàn thành chế tạo phi thuyền và giao hàng vào một thời gian hạn định trước. Trong khi đó luật tài sản áp dụng cho sự việc hiện tại, như một kẻ xâm nhập nhà người khác là vi phạm chủ quyền chủ nhân đang sở hữu. Còn lại luật bất cẩn xử một sự việc trong quá khứ như một người lái xe quá tốc độ gây thương tích cho bộ hành nên phải bồi thường nạn nhân những gì đã có trước tai nạn như sức khỏe và năng lực kiếm sống.

 Theo khía cạnh pháp luật, khế ước là cái máy vận động sinh hoạt xã hội và luật khế ước là dầu nhớt làm cho sự vận hành được chu toàn êm thấm. Trên thị trường kinh tế việc hoàn tất phân phối hàng hóa, phân loại lao động và sản xuất đều được phối hợp qua khế ước. Thí dụ ai cũng cần phương tiện di chuyển thì có công ty chế tạo ra xe hơi, dĩ nhiên nếu xe tốt và rẻ thì người tiêu thụ sẽ đồng ý mua xe đó. Hãng sản xuất đáp ứng được nhu cầu trên bằng cách mướn nhân công, mua nguyên liệu, chế tạo rồi quảng cáo tung ra thị trường, cung cấp cho các đại lý sau hết bán lại cho khách hàng. Tất cả các giao dịch đó đều được tiến hành qua cả ngàn khế ước. Như vậy khế ước đem lại lợi ích cho tất cả: công ty sản xuất kiếm được lời lần lượt trả lương cho nhân công và người tiêu thụ hưởng được lợi ích của món hàng. Tuy nhiên khế ước còn đem lại nhiều lợi ích hơn là chỉ cung cấp sản phẩm. Mọi người đều được thỏa mãn ước muốn trong suốt cuộc đới qua những giao kết đã lập. Theo đuổi học vấn cao cấp, lựa chọn nghề nghiệp thích hợp, xây dựng nhà cửa, hưởng thụ các sở thích, ... tất cả đều hoàn thành qua khế ước. Nhìn một cách rộng rãi hơn, khế ước tiến hành qua tự do và tự lập của mỗi cá nhân. Hoa Kỳ là một xã hội dân chủ và cởi mở tại đây mọi cá nhân đều có đầy đủ tự do để đạt những gì họ chọn lựa.

 Khế ước do đó đã xác định được ý nghĩa của xã hội đặt trên căn bản thị trường và sự lựa chọn cá nhân. Ðể tạo được một xã hội như vậy luật khế ước có hai nhiệm vụ đặc biệt là cung cấp động cơ để giải quyết tranh chấp trong các cuộc trao đổi và cũng tạo liên hệ của xã hội với tự do và tự lập. Thứ nhất, nếu cả đôi bên cùng hoàn thành những điều cam kết với nhau thì hẳn nhiên không cần đến luật khế ước, nhưng trong thực tế không mấy có thỏa hiệp kết thúc hoàn hảo, do đó luật khế ước bảo vệ an toàn cho các hứa hẹn tương lai. Từ lúc bắt đầu thỏa thuận cho đến lúc hoàn tất, nếu xẩy ra bất cứ điều gì bất thành chắc chắn sẽ làm cho mối liên hệ bị sứt mẻ. Thí dụ hứa đến dự một buổi tiệc mà không đến, ký giao kèo mua nhà rồi không được ngân hàng chấp thuận cho vay tiền, không được nhà thầu cung cấp đúng mẫu hàng hay dịch vụ đã thỏa thuận,... do đó luật khế ước bắt buộc đôi bên cam kết sẽ phải hoàn tất trong thời hạn đã đồng ý để bảo đảm cho tất cả đều được yên tâm hoạch định hay đầu tư dựa vào tín nhiệm ước hẹn. Luật khế ước còn là động lực giải quyết các trở ngại xẩy ra trước hay sau khi hoàn thành giao kết. Phần lớn các hợp đồng đều có thể thương lượng và sửa đổi dễ dàng, nhưng cũng có nhiều khi không được suôn sẻ nên phải dùng đến luật khế ước để giải quyết. Tuy vậy cho dù có trục trặc đến mấy việc đưa ra luật pháp giải quyết chỉ là bước cuối bất đắc dĩ mà thôi vì khi lập giao ước với nhau ai cũng muốn thi hành các điều thỏa thuận một cách tốt đẹp chứ không cố tình muốn đem nhau hơn thua ngoài tòa. Khi có trục trặc xẩy ra biện pháp đầu tiên là thuyết phục dàn xếp, kế đến mới là hành động phản kháng trong khuôn khổ thông thường, quá lắm mới dọa chế tài bằng tiền, như vậy còn hơn là nhờ luật sư đưa ra tòa với tốn phí chắc chắn không nhỏ.

 Thứ hai, luật khế ước tôn trọng tự do cá nhân bằng cách chỉ áp buộc những người hứa hẹn phải giữ lời hứa nếu họ chịu nhận trách nhiệm những gì đã hứa. Ðó là quyền 'tự do lập ước' (freedom to contract) là khả năng lập hợp đồng mình muốn và 'tự do không lập ước' (freedom from contract) là quyền không bị ép buộc phải lập hợp đồng nào không muốn. Trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ có án lệ Hurley v. Eddingfield (1901) xẩy ra tại thị trấn nhỏ Mace ở Indiana theo đó George Eddingfield là một bác sĩ gia đình đã từng chăm sóc suốt thời kỳ thai nghén cho bà Charlotte Burk. Lúc lâm bồn bà Burk bị băng huyết, người nhà bèn chạy đến cầu cứu Eddingfield, nhưng bác sĩ này từ chối không đến. Gia đình Burk lại mấy lần cho người tới năn nỉ rằng trong vùng không có bác sĩ nào khác mà bệnh nhân thì đang trong tình trạng nguy hiểm ngặt nghèo, họ sẵn sàng trả tiền thù lao với bất cứ giá nào. Mặc dù vậy Eddingfield vẫn khăng khăng từ chối không đi 'chẳng cần vì lý do gì hết'. Cuối cùng bà Burk và hài nhi đều chết vì không được cứu chữa. Gia đình bà Burk bèn đưa đơn kiện Eddingfield tại Tòa Thượng Thẩm Indiana. Tòa án này xử rằng Eddingfield tuy là một y sĩ có đăng ký nhưng không có bổn phận phải đến cấp cứu bà Burk nếu không muốn. Tòa cũng không xét đến yếu tố Eddingfield là bác sĩ gia đình của nhà họ Burk đáng lẽ phải có bổn phận đến cứu bệnh nhân. Nguyên tắc ‘tự do không lập ước’ đã trực tiếp nói lên nguyên tắc này. Luật khế ước vì dựa theo sự đồng ý nên không ai có quyền bắt buộc người khác phải thỏa thuận ngoài ý muốn ngay cả đến một y sĩ duy nhất cần đến để cứu một bệnh nhân sắp chết.

 Án lệ Hurley v. Eddingfield đã phản ảnh mâu thuẫn khó xác định quyền tự do lập ước và thỏa thuận theo ý muốn trong luật khế ước. Thứ nhất, tự do lập ước không phải là một nguyên tắc tuyệt đối. Thực tế ngày nay lương tâm nhân loại đã có nhiều thay đổi nên bây giờ mọi bệnh viện bắt buộc phải thâu nhận bệnh nhân hay chủ nhân xí nghiệp bắt buộc không được kỳ thị sắc tộc trong việc tuyển mộ nhân công dù muốn hay không. Thứ hai, hoàn cảnh thực tế đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự áp dụng quyền tự do lập ước. Thí dụ như trong tình trạng kinh tế xuống dốc hiện nay, người thất nghiệp phải nhận bất cứ công việc nào có thể xin được thay vì nằm nhà đợi có việc theo ý muốn. Thứ ba, luật khế ước chỉ liên hệ một phần đến sự lựa chọn. Thí dụ như bác sĩ An với tính cách là y sĩ gia đình thường hay chẩn bệnh và điều trị cho tất cả mọi người thuộc nhà ông Côn trong nhiều năm. Bác sĩ An mặc nhiên bị ràng buộc nghĩa vụ không chối từ được việc giúp tình trạng y khoa khẩn cấp cho gia đình ông Côn dù không có ký kết gì với nhau. Bệnh nhân có quyền tin tưởng sẽ được bác sĩ đến cứu chữa trong tình trạng khẩn cấp theo tinh thần liên hệ y sĩ và bệnh nhân. Tuy nhiên sự thỏa thuận của đôi bên không định được phạm vi của ‘tự do đính ước’ và ‘tự do không đính ước’ mà phải nhờ đến luật khế ước phân xử tùy theo những điều có lợi ích cho xã hội.

Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu,
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu,
Phú ông xin đổi một xâu cá mè,
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè,
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim,
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim,
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi,
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi,
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười...

 

 

... Câu chuyện ngụ ngôn dân gian trên ngụ ý chê cười thằng Bờm là một anh nhà quê ngu ngốc, thiếu khôn ngoan chỉ vì tham ăn nắm xôi nên bỏ mất cơ hội vớ bở đổi cái quạt mo lấy nhiều thứ quí giá hơn nhiều. Trên khía cạnh luật pháp đây là một thí dụ rất tốt để tìm hiểu luật khế ước là một lãnh vực quan trọng nhất trong luật thương mại Hoa Kỳ mà chúng tôi đã trình bày khái niệm trong tuần trước.

 Vậy khế ước là gì? Các luật gia thường dùng vài từ ngữ chính yếu làm nền tảng cho các giao dịch thương mại và áp dụng luật khế ước như giao ước (a promise) là một lời giao hẹn sẽ làm hay không làm một điều gì vào một thời điểm trong tương lai. Hai yếu tố quan trọng của giao ước là trách nhiệm và tương lai. Khi ai hứa hẹn làm điều gì có nghĩa là người ấy sẽ chắc chắn phải làm việc ấy vào thời gian đã hứa chứ không có nghĩa sẽ làm việc ấy khi có dịp hay là sẽ làm việc ấy nếu không đổi ý. Một từ ngữ khác là thỏa thuận (an agreement) là một cuộc trao đổi lời hứa mà cả hai bên đều cam kết sẽ làm cho nhau một điều gì trong tương lai. Bộ Luật Thương Mại Ðồng Nhất UCC (Uniform Commercial Code) áp dụng trên toàn thể Hoa Kỳ (ngoại trừ tiểu bang Lousiana vẫn còn ảnh hưởng theo dân luật Pháp) có định nghĩa giao ước là đồng ý giữa hai bên bằng lời nói hay hành động trong các trao đổi dù là dịch vụ thương mại hay thi hành một việc nào đó. Theo định nghĩa trên trước hết phải hiểu ngôn ngữ song phương (the language of parties) là những điều được đôi bên nói hoặc viết ra khi cam kết với nhau để mô tả quan hệ giữa đôi bên cùng lề lối giao dịch trước đó (course of dealing) lẫn lề lối đã thực hành những điều hứa hẹn (course of performance). Ngoài ra ngôn ngữ thông dụng còn dùng danh từ khế ước hay hợp đồng (contract) để chỉ một thỏa thuận viết thành văn bản được hai bên đặt bút ký kết. Do đó khế ước là một văn kiện pháp lý bắt buộc những người ký kết phải thi hành theo pháp luật.

Khế ước được lập dưới bất cứ hình thức nào mà đôi bên muốn với nguyên tắc căn bản là người giao kết phải hội đủ khả năng hứa hẹn và khả năng thi hành được điều đã hứa bằng hành động tương lai. Hứa hẹn được xác nhận dễ nhất bằng cách hiểu rõ nghĩa những lời hứa, tuy nhiên cũng có những hẹn ước không cần đến lời nói. Ðiều luật về lập khế ước (contract formation) bắt đầu từ những đồng ý rõ rệt mà đôi bên biểu thị trong việc ký kết. Thông thường khế ước được lập do một bên khởi sự bằng mời chào dạm hỏi (offer) và bên kia hoàn tất bằng chấp thuận (acceptance). Thí dụ như Phú ông liên tiếp đưa lời dạm hỏi thằng Bờm đổi hết trâu bò, cá mè, gỗ lim, chim đồi mồi để lấy cái quạt mo nhưng Bờm từ chối tất cả, cuối cùng là đề nghị đổi... nắm xôi thì được Bờm chấp nhận, sự trao đổi giữa hai người đã hình thành một hợp đồng có hiệu lực theo luật khế ước. Tuy nhiên trong thực tế rất khó tìm được một hợp đồng hoàn hảo theo lý thuyết vì phần nhiều khế ước ẩn chứa ngôn từ mơ hồ thiếu chính xác.

Khế ước cần phải rõ ràng vì đó là bằng chứng của sự thỏa thuận và giúp cho tòa án đặt căn bản trong những vụ xử bội tín. Án lệ Texaco v. Pennzoil Co. (1987) là một vụ xử bội ước với số tiền đền lớn nhất trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ về một khế ước không có văn bản ký kết. Công ty dầu Pennzoil muốn mua hãng Getty Oil để sát nhập và bành trướng hoạt động. Sau một thời gian thương lượng hội đồng quản trị Getty Oil chấp thuận nhượng cho Pennzoil ba phần bảy tổng số cổ phiếu của Getty với giá $112 một cổ phần. Luật sư đại diện Pennzoil và hội đồng quản trị Getty Oil tổ chức một buổi lễ có đại diện đôi bên bắt tay nhau và hai công ty cùng ra một thông cáo chung chính thức công bố thỏa thuận này dù rằng chưa có thẩm quyền nào của Getty Oil kịp ký nhận bản khế ước do Pennzoil soạn thảo sẵn. Ngày hôm sau một đối thủ của Pennzoil là công ty dầu Texaco tìm đến Getty Oil đề nghị mua 100% hãng này với giá cao hơn là $125 một cổ phần. Hội đồng quản trị Getty Oil liền bỏ phiếu chấp thuận gạt bỏ Pennzoil ngay và chấp nhận đề nghị của Texaco. Pennzoil bèn đệ đơn kiện Getty Oil bội ước và kiện Texaco là thủ phạm gây ra chuyện. Bồi thẩm đoàn trong vụ này đã xử Texaco phải bồi thường thiệt hại 7.53 tỷ Mỹ Kim cho Pennzoil cộng thêm 3 tỷ tiền phạt vạ (sau được tòa phá án giảm xuống còn 1 tỷ) cùng 590 triệu Mỹ kim tiền lãi. Hậu quả vụ này khiến cho Texaco cuối cùng phải đi đến phá sản và các luật gia nêu câu hỏi là giữa Getty Oil và Pennzoil chưa có hợp đồng ký kết chính thức thì có hiệu lực không? Pennzoil lý luận rằng cả hai bên đã bắt tay công bố thỏa hiệp như vậy là có đầy đủ yếu tố lập khế ước rõ ràng. Giữa Pennzoil và Getty Oil trước đó đã từng nhiều lần thương nghị bất thành, sau cùng Pennzoil chịu nhượng bộ mua cổ phần với giá cao hơn $1.50 (thành $112) theo đề nghị của Getty. Hội đồng quản trị Getty đã trả lời thỏa thuận, đại diện hai bên đã bắt tay nhau, nổ rượu sâm-banh chúc mừng cùng ra thông cáo chung chính thức. Dù rằng còn nhiều chi tiết chưa được bàn định nhưng mục đích chính của dịch vụ này đã rõ rệt, Pennzoil cho là đầy đủ lý do để tin tưởng rằng Getty đã đồng ý và lời hứa coi như được ràng buộc. Getty và Texaco chống đối lại rằng đó không phải là biểu hiệu của thỏa thuận vì hai bên trên nguyên tắc còn đang trong vòng thương thảo chi tiết hợp đồng. Với một thương vụ lớn như vậy Getty tin rằng khế ước cần phải viết thành văn kiện dài với rất nhiều điều khoản để thi hành, do đó việc bắt tay và ra thông cáo chung không đủ yếu tố ràng buộc thành giao kết mà chỉ là dấu hiệu chứng tỏ cuộc thương nghị còn đang tiếp diễn. Sau bốn tháng rưỡi xử đi xử lại nhiều lần tại tòa án quận Harris tiểu bang Texas, tòa vẫn xử cho Pennzoil thắng kiện. Ở xứ 'cao bồi' này buôn bán phải giữ chữ tín không phải đợi đến lúc 'bút sa gà chết', cái bắt tay vẫn bị trả bằng giá khủng khiếp gần 10 tỷ đô-la bởi lẽ cũng có giá trị bằng lời nói hay chữ viết.

Theo án lệ trên một khế ước hay hợp đồng không hẳn cần thiết phải viết ra thành văn bản. Chỉ cần hai bên tỏ thành ý thỏa thuận thì lời hứa miệng cũng đủ ràng buộc. Tuy nhiên có vài loại khế ước phải viết ra với chữ ký mới có hiệu lực. Những điều hứa hẹn này được chi phối do luật về Lừa Ðảo (Statute of Frauds) theo đó liệt kê những loại giao kèo có tính cách dễ bị lừa gạt cần phải viết ra rõ ràng mới có hiệu lực thí dụ như: giấy nợ, giấy hôn thú, bằng khoán bất động sản (nhà cửa, đất đai) hay những giao kèo có hiệu lực trên một năm hoặc có giá trị trên $500. Luật về Lừa Ðảo được đắc dụng bảo đảm khế ước vì khi ký văn bản hợp đồng có nghĩa người ký tỏ ra đứng đắn thi hành giao ước. Tuy nhiên tòa án cũng nới lỏng áp dụng của luật Lừa Ðảo để xét xử một vài trường hợp đặc biệt không có văn kiện chính thức nhưng có thể chứng minh bằng nhiều hình thức khác như thư từ, mẫu đơn, chi phiếu hay biên lai do đôi bên đưa ra thế vì khế ước. Ngoài ra các văn bản đôi khi không cần đến chữ ký đầy đủ mà chỉ cần đến dấu tích như chữ ký tắt, đóng dấu hay triện, dấu lăn tay, ... cũng có giá trị như chữ ký. Hàng ngày trong hộp thư xuất hiện nhan nhản những thư mời cấp thẻ tín dụng VISA hay Master Card chấp thuận trước (pre-approval) với lãi suất thật cao cùng nhiều thứ tiền không tên khó nuốt được in bằng chữ rất nhỏ ở mặt sau là những cái bẫy rất thịnh hành hiện nay dĩ nhiên đều có hiệu lực pháp lý một khi bất cẩn ký nhận.

Bất cứ ai cũng có quyền lập khế ước, nhưng có hai nhóm người được luật khế ước miễn trừ là trẻ vị thành niên chưa đến tuổi trưởng thành hợp pháp (thường là mười tám tuổi) và những người bị bệnh thần kinh. Hai nhóm này được liệt vào loại không có khả năng ký kết (lack the capacity to contract) do đó lập giao kèo với những người này đều bị coi như vô hiệu (voidable). Tuy nhiên tòa án cũng đặt ra một số ngoại lệ, thí dụ giao kèo với một trẻ vị thành niên để cung cấp những đồ thiết dụng như thực phẩm, săn sóc y tế, hay giáo dục thì cũng có hiệu lực kể cả trường hợp trẻ vị thành niên khai man số tuổi sẽ bị buộc phải trả những gì đã nhận theo giao kết.

Như vậy một khi hai người hứa hẹn và bằng lòng với nhau thì giao kết ấy luôn luôn hợp pháp? Thực ra không hẳn như vậy mà còn tùy thuộc vào tính cách hợp lệ của lời hứa theo nguyên lý trao đổi (consideration doctrine) có nghĩa là một điều gì cho đi để bù lại một điều gì nhận được từ người khác. Theo nguyên lý này tất cả các cuộc trao đổi hai chiều đều có hiệu lực. Trở lại thí dụ chuyện thằng Bờm, Bờm nhận nắm xôi của Phú ông để đổi lấy cái quạt mo dĩ nhiên là một cuộc trao đổi hợp lệ vì cả Bờm lẫn Phú ông đều hành xử quyền tự do lập khế ước của mình do đó có thể coi như một hợp đồng có hiệu lực vì khi giao ước cả hai bên đều hiểu rõ giá trị của lời mình hứa. Giả sử ngay từ lúc đầu Phú ông vì thích cái quạt mo quá và Bờm nhận lời ngay đề nghị đổi ba bò chín trâu, sau đó Phú ông thấy tiếc trâu mà đưa ra tòa xin đòi lại vì lẽ giá trị của cái quạt và trâu bò quá chênh lệch nhau thì chắc chắn tòa sẽ bác bỏ lời xin của Phú ông. Bờm vẫn thắng kiện vì chỉ có mỗi một cách thẩm định giá trị công bằng của cuộc đổi chác là sự tự nguyện của người mua và người bán trong việc ký kết hợp đồng.

Trong luật thương mại Hoa Kỳ tính chất cốt yếu của luật khế ước dựa trên nguyên tắc trao đổi (consideration doctrine) theo đó một điều gì cho đi để đổi lại một điều gì nhận được từ người khác sẽ trở thành giao ước và được ràng buộc theo luật pháp như đã trình bày trong bài trước.

 Với nguyên tắc này tất cả các cuộc trao đổi hai chiều đều có hiệu lực trừ những ngoại lệ với hứa hẹn không hẳn bị gắn theo luật mà tùy theo lương tâm (moral consideration). Lấy thí dụ ông Hai Giầu chủ nhân một công ty xây cất lớn trong lần thăm một công trường ở ngoại ô San Diego được anh Bảy thợ hồ cứu thoát chết khi ông đi ngang qua một tầng lầu đang xây đúng lúc một chồng gạch từ trên cao đổ xuống. Anh Bảy do phản ứng đẩy ông Hai sang bên thoát khỏi gạch rơi trúng đầu trong gang tấc, nhưng chính anh không may bị bị gạch rớt què chân trở thành tàn phế. Ông Hai cảm kích hành động can đảm của anh thợ hồ nên hứa cấp dưỡng Bảy suốt đời coi như đền ơn cứu mạng. Luật khế ước xác định rằng những loại hứa hẹn như trường hợp này chỉ bị ràng buộc tinh thần chứ không theo luật pháp vì ở đây thực sự không có sự trao đổi. Ông Hai được cứu thoát chết do hành động tự nguyện của công nhân Bảy không có giao hẹn trước và cũng không hề có điều kiện bắt buộc đền ơn, do đó nếu ông Hai nuốt lời sau này không chu cấp nữa sẽ không phải tội. Một ngoại lệ khác là luật bổn phận (pre-existing duty rule) như trường hợp công nhân được công ty tăng lương thăng thưởng thường niên vì công lao mẫn cán (merit). Quyền lợi này không bắt buộc và tùy theo công ty vì đằng nào người ấy vẫn phải có bổn phận làm việc như đã định, hãng không nhận được gì thêm ở người công nhân do đó nếu không tăng lương thì cũng không đem ra tòa thưa được vì không có tính cách trao đổi.

Ðịnh nghĩa cứng nhắc của nguyên tắc trao đổi gây ra nhiều rắc rối lằng nhằng trong việc phân xử nhiều hợp đồng thương mại không rõ ràng. Ðể đạt được công bằng và mềm dẻo hơn tòa án đã du di biến cải nguyên tắc trên, do đó một lời hứa tuy không do trao đổi nhưng nếu lời hứa đó có lý do hợp lý gây tin tưởng cho người khác sẽ được hiệu lực pháp lý. Trở lại trường hợp ông Hai hứa cấp dưỡng đem lại niềm tin cho người công nhân tàn phế thì phải giữ lời mà thi hành. Một công ty hứa cấp tiền hưu cho nhân viên làm việc lâu năm khi hưu trí sẽ bắt buộc phải thi hành bất kể đến tình trạng tài chánh của công ty.

 Nếu một giao kèo không công bằng thì có quyền hủy bỏ không? Trong luật khế ước đây là một câu hỏi rất khó trả lời vì nguyên tắc trao đổi không cho phép tòa án dễ dàng lật ngược một hợp đồng đã ký kết cho dù có bất công đến mấy vì hai bên coi như tự nguyện cam kết với nhau nên khi không thuận buồm mát mái thì đành phải chịu kẹt. Trừ vài trường hợp quá đáng tòa cũng có cách gỡ tuy nhiên rất khó phân biệt thế nào là ‘bất công’. Có hai phương thức giúp tòa xác định nếu một giao kèo cần được xử lại. Thứ nhất, tòa xét xem trong khế ước có điều gì đáng nghi ngờ có sự ép buộc ký kết dù bất cứ bên nào. Thứ hai, khế ước có lợi nghiêng hẳn về một bên hoặc là chỉ có một bên được lợi một cách khác thường. Trong thực tế có thể một bên nắm thế thượng phong vì giầu kinh nghiệm hiểu biết hơn hay có vốn liếng cao hơn, việc giao kết chẳng qua chỉ là một hình thức cho họ chiếm càng nhiều lợi thế càng tốt. Nếu kẻ gian bắt cóc con nít rồi gọi tới cha mẹ dọa dẫm đòi tiền chuộc mới thả cho về, cha mẹ đứa bé ấy sợ con bị giết nên trả lời bằng lòng thì lời nói ấy có được kể như một sự ưng thuận không? Theo 'nguyên tắc cưỡng bách' (duress doctrine) nếu ai phải cam kết điều gì dưới sự đe dọa của bên kia thì giao kết đó vô hiệu lực. Trong thương mại có nhiều vụ áp dụng nguyên tắc này, thí dụ trên một chiếc tầu đang đi đánh cá xa ngoài khơi thủy thủ đoàn đe dọa chủ tầu nếu không tăng lương thì không chạy tàu và đánh cá nữa. Người chủ đành chịu chấp thuận yêu sách vì đang ở giữa biển khơi làm thế nào để có thủy thủ đoàn thay thế; nhưng khi về đến bến người chủ có quyền hủy bỏ lời hứa tăng lương vì bị ép buộc. Tuy nhiên cũng trường hợp đòi tăng lương tương tự xẩy ra trên bờ, công nhân một công ty nghỉ việc đòi chủ nhượng bộ thì không kể là cưỡng bách mà là đình công, chủ nhân có quyền cho nghỉ việc và mướn người thay thế. Tương tự còn có 'nguyên tắc quá đáng' (doctrine of unconscionability) theo đó tòa không bênh những giao dịch mà một bên bị ép buộc quá thiệt thòi không đường lựa chọn. Thí dụ một hãng buôn mời khách hàng mua trả góp một món đồ đắt tiền nhưng đặt những điều kiện khắt khe in bằng chữ thật nhỏ ở mặt sau hóa đơn rao sẽ thu hồi món hàng nếu không trả đúng hạn (default). Khi người mua chậm một tháng tiền trả góp thì lấy cớ đòi lại món hàng dù đã được trả gần hết.

Một khi đã lập khế ước rồi có thể rút ra được không? Cách dễ nhất là thương lượng với phía bên kia vì đối phương dù có quyền pháp định nhưng chưa hẳn họ nhất quyết bắt phải thi hành. Phần đông giới thương nghiệp thường tỏ ra hiểu biết và hợp lý, họ muốn đối xử đúng không cần phải nhờ đến luật pháp giải quyết và cũng không muốn rắc rối cố tình bắt ép ai phải làm điều gì không muốn. Ðể duy trì hảo cảm giao dịch làm ăn lâu dài với nhau nên đôi khi họ có thể bỏ qua chỉ bất đắc dĩ miễn cưỡng lắm mới đưa ra tòa vì ngại tốn kém án phí không nhỏ. Phần nhiều khế ước tiên đoán sự việc trong tương lai, nhưng đoán sai thì phải chịu vậy, thí dụ điển hình nhất hơn hai năm qua nhiều người mua cổ phiếu của các hãng điện tử lớn với tiên đoán rằng giá sẽ lên như nhiều năm trước đó, nhưng ngược lại khi thấy xuống giá thê thảm sợ quá vội bán lỗ đến sạt nghiệp vì một khi đã mua bán đổi chác rồi thì không thay đổi được nữa, luật pháp không cứu vãn được hiểm họa tính toán sai lầm.

 Luật khế ước còn kể thêm trường hợp bất khả thi hành (impossibility), bất khả kháng (impracticability) và thất vọng (frustration) theo đó sự thi hành cam kết không thể thực hiện được đúng thời hạn giao ước. Án lệ Taylor v. Caldwell (1863) là thí dụ điển hình chủ một rạp hát ở Washington D.C. thỏa thuận cho một gánh hát thuê rạp trình diễn trong bốn đêm. Không may vài ngày trước đó rạp hát bị hỏa hoạn thiệt hại nặng không sử dụng được. Nội vụ đem ra tòa được xử rằng sự kiện rạp hát rủi ro bị cháy ngoài ý muốn của chủ rạp, bởi lẽ đó được ra khỏi khế ước mà không phải đền. Tuy nhiên có một chủ thuyết khác song hành gọi là 'thất vọng có mục đích' (frustration of purpose) theo đó giao kết vẫn thi hành được vào thời gian ước hẹn nhưng sự việc liên quan không xẩy ra theo mong muốn. Ðiển hình là vụ thưa kiện vào năm 1902 nhân ngày lễ đăng quang ở Luân Ðôn của hoàng đế Edward VII lên ngôi có chương trình diễn hành rước vua về cung điện Buckingham Palace. Bao lơn trước những ngôi nhà hai bên dọc đường xe vua đi được cho thuê với giá rất đắt để khách chiêm ngưỡng tân vương. Không may đúng vào ngày ấy hoàng đế bị bệnh, lễ đăng quang được hoãn đến ngày khác. Những người thuê bao lơn đòi tiền lại không được nên kiện ra tòa. Tòa xử rằng việc cho thuê bao lơn vẫn thực hiện được đúng ngày giờ giao kết, người trả tiền thuê vẫn có thể đến ngồi ở bao lơn vào ngày giờ đã thuê dù có xe vua đi qua hay không. Sự kiện ngày lễ đăng quang hoãn lại vì vua bị bệnh không phải là lỗi của người cho mướn, do đó họ được giải trừ trách nhiệm thi hành khế ước, dĩ nhiên người thuê phải gánh chịu thiệt hại vì rủi ro của biến cố này.

Thi hành một khế ước không phải lúc nào cũng dễ dàng theo như giao kết vì có nhiều hợp đồng tùy thuộc vào sự việc đôi khi không thành. Dĩ nhiên thỏa thuận thi hành một việc có điều kiện mà điều kiện ấy không xảy ra thì giao ước trở thành vô hiệu. Luật pháp gọi sự việc này là điều kiện của bổn phận (condition of duty). Lấy thí dụ một ông bố bảo cậu con trai học lớp 12 rằng ông sẽ thưởng $1,000 nếu cuối niên học cậu được số điểm ít nhất là 3.00. Ðến ngày tốt nghiệp trung học cậu con chỉ được tổng số điểm trung bình là 2.75 nhưng vẫn ngửa tay đòi tiền bố. Trước sự việc này liệu ông có bổn phận thi hành lời hứa hay không? Dĩ nhiên là không vì điều kiện của bố rất rõ ràng: nếu con được điểm ít nhất là 3.0 thì sẽ được $1,000, còn điểm kém 3.0 thì không có gì hết. Vì điều kiện bố đặt cho con đã không xẩy ra, do đó ông bố không có bổn phận phải thi hành việc trả tiền thưởng. Ðiều này dễ hiểu bởi vì lời hứa đặt ra có điều kiện rõ ràng.

Trong thực tế nhiều giao kèo có điều kiện không tùy thuộc vào sự thi hành của phía bên kia. Khế ước bảo hiểm nhà cửa chẳng hạn, công ty bảo hiểm đặt điều kiện sẽ đền nếu căn nhà bị hư hại vì động đất. Nếu động đất xẩy ra mà căn nhà không bị hư, hay động đất không xẩy ra và căn nhà chưa hề bao giờ bị hư vì động đất, hiển nhiên công ty không bao giờ phải đền thiệt hại, do đó các hợp đồng bảo hiểm coi như đánh bạc. Tương tự đi mua xổ số, chính phủ tiểu bang hứa sẽ trả lô độc đắc với điều kiện ai có vé mang tất cả hàng số trùng với số hiện trên những trái banh được thổi lên trong kỳ xổ nào đó. Tòa án xác định rằng khi thi hành khế ước có điều kiện thì điều kiện đó phải hoàn toàn xẩy ra trước khi ràng buộc bổn phận, như thế vé số phải trúng những con số đã xổ trước đã, sau đó mới được lãnh giải. Tuy nhiên có vài trường hợp điều kiện xẩy ra không bắt buộc phải thật đúng như trường hợp án lệ Jacob & Youngs v. Kent (1921) sau đây:

 Ông Kent mướn công ty xây cất Jacobs & Youngs xây một ngôi nhà mới ở vùng quê. Hợp đồng xây cất nói rõ cách thức xây cất trong đó có khoản định rằng hệ thống nước trong nhà phải dùng ống do hãng Reading Pipe Co. sản xuất. Khi xây cất gần xong thì Kent khám phá ra rằng nhà thầu đã dùng ống của hiệu khác là Cohoes Co. thay vì ống Reading. Ông Kent nổi cơn lôi đình ra lệnh cho nhà thầu phải tháo gỡ tất cả ống nước Cohoes đã xây trong tường rồi thay bằng ống Reading dù rằng cả hai loại cùng có phẩm chất ngang nhau, dĩ nhiên tốn kém nhà thầu phải chịu. Ða số chủ nhà thường bỏ qua nhưng ông Kent vốn nổi tiếng là người khó khăn, không những thế còn không chịu chi nhà thầu số tiền chưa trả hết nên vụ này được đưa ra tòa. Tòa xử rằng mặc dù nhà thầu Jacob & Youngs phải có bổn phận xây cất đúng như giao kết, nhưng tòa xét thấy trên căn bản hai loại ống nước đều có phẩm chất bằng nhau nên không gây ảnh hưởng nào khác biệt. Hơn nữa ngôi nhà đã xây gần hoàn tất do đó Kent vẫn phải trả tiền cho nhà thầu. Chỉ có khi nào Jacob & Youngs vì lý do gì mà bỏ dở xây cất ngôi nhà không xong thì mới bị trách nhiệm.

 Tuy nhiên cũng có trường hợp tương tự nhưng liên hệ đến giao ước với điều kiện thỏa mãn. Giả sử Kent mướn một chuyên gia trang trí nội thất nổi tiếng vẽ kiểu trang hoàng các phòng trong ngôi nhà trên. Kent thích cầu kỳ nên giao hẹn sẽ trả gấp đôi giá tiền nếu ông ta vừa ý hoặc không trả xu nào nếu không thích. Nhà trang trí sáng tác một kiểu rất lạ và độc đáo đoạt giải thưởng tiểu bang và được báo chí ca ngợi hết lời. Vậy mà Kent lại không chịu. Trường hợp này khác vụ ống nước ở trên vì hai loại ống có công dụng giống nhau, nhưng ý thích về một kiểu mẫu trang trí có tính cách nghệ thuật hoàn toàn tùy thuộc sở thích cá nhân nên Kent có quyền từ chối trả tiền. Một thí dụ khác, giả sử có người chủ nhà mướn một hãng thiết trí hệ thống điều hòa không khí và cũng giao hẹn chỉ thanh toán nếu được vừa ý. Khi chủ nhà tuyên bố không thích hệ thống này thì tòa không bênh vực bởi lẽ máy vẫn hoạt động tốt cung cấp đủ nhiệt độ nóng lạnh theo ý muốn lại chạy nhẹ nhàng yên lặng coi như đáp ứng đúng điều kiện giao kết. Qua các thí dụ trên chúng ta thấy luật về điều kiện rất phức tạp. Xác định một khế ước có chứa điều kiện hay không, điều kiện đó ra sao, ảnh hưởng tới sự đòi hỏi thỏa mãn đôi bên như thế nào đã làm cho các luật gia điên đầu trong nhiều vụ xử về luật khế ước.

 Nếu một bên không thi hành giao kết có nghĩa là bội ước thì dĩ nhiên phía bên kia cũng không làm phận sự đã thỏa thuận. Hậu quả kế tiếp là bị tòa xử bồi thường thiệt hại theo luật pháp. Theo luật khế ước thông thường tòa cho đền tiền bù lại thiệt hại do thất hứa gây ra thay vì bắt phải thật sự thi hành đúng như cam kết (specific performance). Phần đông các tòa xử bồi thường thiệt hại bằng tiền cho tiện vì trong thực tế bắt người bội ước phải thi hành đúng như cam kết rất khó giám sát, hơn nữa quan niệm đền bồi căn cứ theo giá trị của khế ước mà giá trị thường được tính bằng tiền bạc cho nên có tiền dễ mướn người thi hành thay thế. Tiền bạc coi như tương đương với hành động thi hành thực sự của kẻ thất hứa ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt không thể thay thế được. Luật khế ước liên quan đến căn bản tiền tài, kinh tế trong xã hội, nếu giao kết rồi bội ước thì phải đền bằng tiền và kẻ vi phạm giao kết không bị trừng phạt theo đạo đức như các luật khác.

 Như vậy nếu thất hứa thì phải đền bao nhiêu? Luật khế ước có hiệu lực pháp lý vì ai cũng tin tưởng một khi lập giao ước tất nhiên phải được tôn trọng, nếu bị bội ước thì có quyền đòi được đền bù thiệt hại. Lấy một thí dụ đơn giản, chủ một siêu thị giao kết cùng nhà thầu cung cấp mỗi ngày một xe rau với giá $500. Nếu không nhận được hàng người chủ siêu thị phải mua rau của nguồn cung cấp khác với giá $550 thì nhà thầu phải đền $50 thiệt hại, còn nếu mua được thay thế với giá bằng hoặc rẻ hơn thì không sao. Ngược lại nếu chủ siêu thị mua của người khác mà từ chối nhận rau khiến nhà thầu phải bán tháo lấy $400 thì siêu thị phải đền $100 sai biệt, còn bán bằng hay hơn giá thị trường thì cũng không sao. Nếu vì bị từ chối nhận hàng mà nhà thầu phải chạy xe đến vùng khác xa hơn mới bán lại được thì siêu thị còn phải đền thêm phí tổn chuyên chở. Ngoài ra việc bồi thường vi phạm khế ước căn cứ theo tín nhiệm thi hành hoàn tất chứ không theo hành động thực sự nên dù không có thiệt hại cụ thể người thất hứa vẫn phải đền. Giả sử nhà thầu không giao rau như đã hẹn nên siêu thị không có rau để bán, mà cũng không kịp mua rau khác của ai, trong ngày đó giá rau ngoài thị trường tăng lên $600, siêu thị tuy không bị thiệt hại gì hết nhưng mất cơ hội lời thêm thì nhà thầu vẫn phải đền $100 mất lời này. Ðiều này hoàn toàn khác với luật bất cẩn theo đó người gây ra nguy hiểm cho người khác phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường mọi hậu quả xẩy ra bất kể có tiên đoán trước hay không.

 Nếu luật khế ước có kết quả hữu hiệu thì hẳn nhiên ít ai vi phạm, nhưng thực tế muốn được bồi thường thì tốn tiền trước vì phải đem ra tòa kiện tụng. Những chi phí này chính là thiệt hại trực tiếp do sự thất hứa gây ra nhưng lại không được đền theo khế ước. Thí dụ một người thiệt hại $10,000 vì bị vi phạm hợp đồng nhưng người này phải chi $2,000 tiền luật sư và án phí có nghĩa là vẫn thiệt $2,000 chưa kể đến việc mất thì giờ và gặp nhiều bực mình cho nên nhiều vụ bội ước có thể kiện được nhưng nhiều người cắn răng bỏ qua vì chẳng bõ công theo đuổi. Ðối với các thương gia động lực làm họ ngán không dám vi phạm giao ước không phải vì sợ tòa bắt bồi thường mà sợ mất tín nhiệm trên thương trường không còn buôn bán được với ai nữa mới là yếu tố chính để họ giữ đứng đắn trong các hợp đồng giao dịch thương mại.

 Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.