Đường lối của Vatican qua vụ bổ nhiệm Tổng giám mục phó Hà Nội? |
Tác Giả: Thanh Trúc, phóng viên RFA | |||
Thứ Năm, 29 Tháng 4 Năm 2010 20:00 | |||
Sự kiện Đức Giám Mục Phêro Nguyễn Văn Nhơn được Vatican chỉ định làm Tổng Giám Mục phó tổng giáo phận Hà Nội đã gây sự chú ý của giáo dân trong và ngoài nước. Photo courtesy of tgphanoi.org Đức Cha Nguyễn Chí Linh, Giám mục giáo phận Thanh Hoá, nhận định về sự kiện này qua bài trả lời phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện. Tinh thần vâng phục và tình hiệp thông Thanh Trúc: Thưa Đức Giám Mục Nguyễn Chí Linh, tại sao Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm Đức Giám Mục Phê Rô Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng Giám Mục phó tổng giáo phận Hà Nội trong khi Đức Tổng Giám Mục Ngô vừa mới trở về. Xin cho biết có áp lực từ phía nào không? GM Nguyễn Chí Linh: Vấn đề áp lực thì cũng tùy theo nhãn quan của từng người. Áp lực hiểu theo nghĩa nào là điều rất quan trọng. Đối với tôi vấn đề bổ nhiệm một giám mục như vậy là quyền tự do của Giáo Hoàng. Còn nhận định thì mỗi người đều có quyền của mình. Có người hài lòng với việc bổ nhiệm này, có người không hài lòng, thì trong tình huống riêng biệt và có quan điểm riêng biệt. “Truyền thống lâu đời của giáo hội Công giáo là tuân phục sự bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng. Trên hết mọi sự, đối với chúng tôi, ý kiến riêng phải nhường chỗ cho tinh thần vâng phục và tình hiệp thông. Nhưng đối với chúng tôi là giám mục, điều quan trọng nhất là dù Đức Giáo Hoàng có bổ nhiệm ai đi nữa thì chúng tôi cũng có nghĩa vụ phải duy trì tình hiệp thông trong giáo hội. Cho nên tôi nghĩ cần phân biệt dư luận, truyền thông và tinh thần. Chúng tôi quan tâm nhất tới vấn đề tinh thần. Truyền thống lâu đời của giáo hội Công giáo là tuân phục sự bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng. Trên hết mọi sự, đối với chúng tôi, ý kiến riêng phải nhường chỗ cho tinh thần vâng phục và tình hiệp thông. Thanh Trúc: Theo một nguồn tin được loan truyền rộng rãi thì trong cuộc họp tại Bà Rịa Vũng Tàu vừa qua, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã bàn về một số điều gọi là “mặc cả gay cấn” với chính quyền về việc đức Tổng Giám Mục Kiệt ra đi và Đức Giáo Hoàng đến thăm Việt Nam. Thưa có chuyện đó không? GM Nguyễn Chí Linh: Tôi là người đã tham dự hội nghị thường niên kỳ Một năm 2010 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tại Vũng tàu, ở nơi gọi là Trung tâm Đức Mẹ Bãi Dâu. Nhân danh người đã tham gia hội nghị đó, tôi xin khẳng định là hội nghị không hề bàn tới việc mời Đức Giáo Hoàng sang tham dự ngày bế mạc Năm Thánh, cũng không hề có một tranh cãi dưới bất kỳ hình thức nào về việc bổ nhiệm ai về làm việc phục vụ tại tổng giáo phận Hà Nội, cũng không hề có một bàn cãi nào về vấn đề Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt tại Hà Nội. Tôi xin được lập lại tôi có mặt trong hội nghị đó từ đầu tới cuối và tôi không hề thấy trong nghị trình cuộc họp đó có đề ra những vấn đề như vừa nêu ra. Đức tân Tổng Giám mục phó Phêrô Nguyễn Văn Nhơn. Photo courtesy of giaophanvinh.net Thanh Trúc: Thưa, trên nguyên tắc thì ai có quyền bổ nhiệm giám mục, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có quyền đó không? GM Nguyễn Chí Linh: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam không có quyền đó. Vấn đề bổ nhiệm ai là quyền tự do của Giáo Hoàng. Tuy nhiên trong quá trình đi tới sự chọn lựa cuối cùng thì cũng có những tham khảo, cũng có những cái tổng hợp, vì đi tới một quyết định thì không thể quyết định một cách lý thuyết và thiếu thực tế được. Tham khảo như thế nào và tham khảo ai thì đó hoàn toàn là bí mật của Toà Thánh của Giáo Hoàng. Tức là từ phía Tòa Thánh và phía Giáo Hoàng có những tiêu chí để mà bổ nhiệm một người vào một chức vụ nào đó. Đối với chúng tôi, quan trọng là sự hiệp thông và đoàn kết trong giáo hội toàn dân Chúa dù Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm bất kỳ người nào. Thanh Trúc: Thưa Đức Giám Mục Nguyễn Chí Linh, liệu có khả năng Đức Cha Phê Rô Nguyễn Văn Nhơn sẽ lên thay thế đức Tổng Giám Mục Kiệt không? GM Nguyễn Chí Linh: Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt hay Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã có một quá trình dài trong sứ mệnh giám mục. Cho nên về phương diện mục vụ thì tôi tin chắc Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cũng có khả năng, mà chính Đức Tổng Ngô Quang Kiệt trong bài phỏng vấn của ngài, do trang web của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phỏng vấn, thì ngài đã dùng hai từ “đáng kính” đối với Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn. Ở đây thì tôi tránh không đề cập đến vấn đề chính trị, vì đó là vấn đề rất tế nhị và khó nói. Tôi chỉ biết một điều các ngài đã lâu năm trong kinh nghiệm quản lý một địa phận tòa giám mục thì dĩ nhiên cái bối cảnh là có khi tế nhị, có khi phức tạp. Chúng ta hãy chờ, nhưng không phải bằng con mắt nhân loại, con mắt trần thế bình thường hay là dưới lăng kính chính trị. Chúng ta chờ với sự cầu nguyện sự tin tưởng sự phó thác, nhất là đối với những người tin vào Chúa và tin vào Giáo Hội mà Chúa đã thiết lập. Điều quan trọng là cũng phải chờ đợi ơn Chúa mà chắc chắn sẽ hỗ trợ cho Đức Cha Phêrô trong sứ mệnh mới của Ngài tại Hà Nội. “Mọi người đều muốn một lúc nào đó thì có sự đồng thuận của Toà Thánh Vatican, của nhà nước Việt Nam và của Hội Đồng Giám Mục của Giáo Hội Việt Nam. Ngày đó bao giờ đến thì còn lệ thuộc rất nhiều yếu tố. Thanh Trúc: Giả sử Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn lên làm Tổng Giám Mục tổng giáo phận Hà Nội, Ngài có gặp khó khăn gì với chính quyền và với nhóm chống đối Hội Đồng Giám Mục ở ngoài đó không? GM Nguyễn Chí Linh: Nó tùy theo cách mình nhìn vấn đề. Nếu nghĩ rằng Đức Cha Nhơn có gặp khó khăn gì với chính quyền hay với nhóm ủng hộ Đức Tổng Kiệt hay là không ủng hộ Ngài hoặc không bằng lòng với Hội Đồng Giám Mục. Thì đối với tôi những chuyện đó không quan trọng bằng cái thành hay cái bại của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn tại Hà Nội, nó không lệ thuộc cái quan điểm lúc này của chúng ta, bởi vì tất cả mọi sự chưa xảy ra. Một cách nào đó thì nó cũng là một ẩn số và chỉ có quá trình hoạt động rồi quan hệ thì mới có câu trả lời được. Dĩ nhiên xã hội có muôn vàn thành phần khác nhau mà mỗi thành phần có quan điểm riêng của mình. Đó là quyền tự do ngôn luận. Nhưng mà mục đích của Giáo Hội khi quan hệ với những thành phần còn lại trong xã hội thì không phải cái mục đích trần thế mà là theo đuổi mục đích tinh thần thiêng liêng, theo thuần đạo của Chúa Cứu Thế về xã hội. Tôi nghĩ rằng, chỉ khi nào mình suy nghĩ về mầu nhiệm Giáo Hội theo quan điểm của Tin Mừng thì mình mới không lệ thuộc những ràng buộc những quan điểm mang tính xã hội hay là chính trị. Tôi cũng không muốn đũng chạm tới bất kỳ ai, nhưng mà tôi nghĩ rằng khi đặt vấn đề Đức Cha Nhơn về Hà Nội thì chúng ta không nên đặt vấn đề dưới lăng kính chính trị mà phải dưới lăng kính Giáo Hội. Đường lối chung của Tòa Thánh Tòa thánh Vatican. photo courtesy of wikipedia Thanh Trúc: Xin Đức Cha cho biết đường lối chung của Toà Thánh và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đối với nhà cầm quyền hiện nay, đặc biệt đối với vấn đề các tài sản của Giáo Hội còn nằm trong tay chính quyền? GM Nguyễn Chí Linh: Nói tới một quan điểm mang tính qui mô quốc gia thì quả tình là khó nói. Nhưng mà đường lối hay chủ trương của Toà Thánh Vatican cũng như Hội Đồng Việt Nam là muốn có một thế giới an hòa. Mục tiêu chung là muốn con người được hạnh phúc, chỉ khác biệt là khi đối diện với một hồ sơ rất gai góc thì nó không đơn giản như nói trên lý thuyết. Vấn đề đất đai nó là sự tồn đọng của lịch sử, đương nhiên với tư cách là người của Giáo Hội thì chúng tôi cũng muốn tất cả những tài sản đã bị trưng thu được trả lại cho Giáo Hội. Phía chính quyền cũng có quan điểm của họ. Cho tới nay thì tôi biết chắc là quan điểm xử lý chuyện đất đai giữa bên Giáo Hội và bên chính quyền là không nhất trí, không đồng thuận. Có nghĩa đó là một hồ sơ phải còn rất nhiều thời gian và nhất là phải cần đến thiện chí của cả hai bên mới giải quyết được. Còn phía nhà nước thì quan điểm của họ là đất đai là của chung cho nên nhà nước quản lý nhà nước cấp cho ai thì người nấy được. Hai lập trường hoàn toàn khác biệt nhau. Tòa Thánh Vatican cũng muốn đẹp với mọi dân tộc trên thế giới nên thường chỉ đưa ra những định hướng mà đi vào cụ thể thì không đơn giản. Nếu phải chọn lựa thì chắc chắn là Toà Thánh phải chọn lựa phương án tối ưu và giữ được sự nhất trí cao nhất. Tắt một lời, mục tiêu thì giống nhau mà quan điểm xử lý thì khác nhau. Mọi người đều muốn một lúc nào đó thì có sự đồng thuận của Toà Thánh Vatican, của nhà nước Việt Nam và của Hội Đồng Giám Mục của Giáo Hội Việt Nam. Ngày đó bao giờ đến thì còn lệ thuộc rất nhiều yếu tố. Tôi không né tránh vấn đề nhưng mà cái hiện tình như thế thì tôi cũng chỉ nói được như thế. Thanh Trúc: Đức Cha có hy vọng sẽ có một mối tương quan tốt đẹp hơn giữa chính quyền Việt Nam và giáo hội Công Giáo trong tương lai gần đây? GM Nguyễn Chí Linh: Cái đó cũng là một ẩn số. Hiện nay ở Việt Nam còn đang chẩun bị đai hội đảng lần thứ XI. Nếu mà nói về niềm hy vọng thì ai cũng hy vọng và ai cũng muốn như thế. Nhưng mà thực tế có đạt được điều mình mơ ước hay không cũng là một ẩn số rất lớn. Tôi không đủ thẩm quyền và có lẽ cũng không đủ chuyên môn để tiên đoán những mối quan hệ giữa nhà nước Việt Nam với Giáo Hội Việt Nam sẽ như thế nào. Chỉ muốn một điều là xã hội Việt Nam mỗi ngày một đi tới chỗ đồng thuận, chúng ta là một dân tộc, ước mơ của tôi với tư cách một người Việt Nam và có lẽ cũng với tư cách một giám mục, là chúng ta nhìn thẳng về tương lai để xây dựng một tương lai tốt đẹp cho thế hệ mai sau một nước Việt Nam một dân tộc Việt Nam hùng mạnh. Cái ý nghĩa tròn đầy của nó là nó phải qui tụ được tất cả mọi thành phần của dân tộc. Về tương lai về mối quan hệ giữa nhà nước Việt Nam với Giáo Hội Việt Nam đối với tôi tới lúc này vẫn còn nằm trong cái viễn ảnh mà mình mơ ước thôi. Thực tế nó tiến triển như thế nào thì tôi cũng không dám phát biểu. Thanh Trúc: Xin cảm ơn Đức Giám Mục Nguyễn Chí Linh GM Nguyễn Chí Linh: Chào mọi người và xin cám ơn đài Á Châu Tự Do. Cầu chúc bình an, hạnh phúc và tình yêu.
|