Nhà Thờ Mộ Chúa ở Jerusalem |
Tác Giả: Bài: Trịnh Hảo Tâm / Ảnh: Phùng Khải Tuấn | |||
Thứ Tư, 26 Tháng 5 Năm 2010 22:39 | |||
Nhà Thờ Mộ Chúa (Church of the Holy Sepulchre) được hoàng đế La Mã Constantine cho xây vào khoảng năm 326 trên ngọn đồi trong cổ thành Jerusalem nơi các tín đồ Thiên Chúa Giáo tin rằng đó là ngọn đồi Golgotha theo Thánh Kinh Tân Ước là nơi Chúa Jesus chịu nạn trên cây thánh giá. Người ta cũng tin tại nơi đây là nhà mộ an táng xác Chúa Jesus. Nhà Thờ Mộ Chúa với hai mái vòm trong thành cổ Jerusalem Cả ngàn năm nay Nhà Thờ Mộ Chúa được nhiều giáo phái Chính Thống (Orthodox) tranh giành quyền quản lý và cũng là địa điểm hành hương quan trọng nhất ở thánh địa Jerusalem nay do Israel kiểm soát. Rời vườn Gethsemane nhiều cây Olive ở phía Đông Jerusalem chúng tôi lên xe đi vào khu cổ thành qua cửa chính ở hướng Tây là cửa thành Jaffa. Sau đó xuống xe đi bộ trên đoạn đường Chúa Chịu Nạn mà người Công giáo gọi là Đàng Thánh Giá gồm có 14 chặn và điểm cuối cùng là Nhà Thờ Mộ Chúa được xây ở địa điểm của 4 chặn cuối cùng. Nhà Thờ Mộ Chúa tọa lạc trong khu Thiên Chúa Giáo trong thành cổ Jerusalem, là điểm hành hương nổi tiếng nhất ở đây, người ta thường nghĩ rằng đó là một vương cung thánh đường đồ sộ với tháp chuông cao sừng sững, có nhiều cửa ra vào rộng lớn. Nhưng đến nơi mới thấy hoàn toàn khác hẳn, nhà thờ không đứng một mình trong sân rộng mà nằm chen chúc với những kiến trúc khác, nhiều nhà thờ bằng đá xây xung quanh che kín nhà thờ. Nhà thờ có hai vòm mái (dome) ở gần khó thấy vì vòm không cao, nhưng nếu đứng từ phía xa như đồi Olives người ta sẽ thấy ngôi nhà thờ với 2 mái vòm màu xám. Nhà Thờ Mộ Chúa xây lần đầu vào thời La Mã cai trị khoảng năm 326, sau đó bị hỏa hoạn, chiến tranh tàn phá nhiều lần và nhà thờ hiện nay được xây dưới thời đế quốc Thập Tự Chinh (Crusaders) vào năm 1099 và được tôn tạo lần cuối năm 1808. Bình đồ (Floor Plan) nhà thờ theo hướng Đông Tây nhưng cửa chính ra vào hiện nay ở hướng Nam và rất khó thấy vì hai bên là những vách tường của các nhà thờ khác che khuất chỉ chừa một khoảng sân hẹp trước cửa vào nhà thờ. Nhìn kỹ nhà thờ có 2 cửa nhưng cửa bên phải bị bít kín bằng đá là do người Hồi xây bít sau năm 1187 sau khi đánh bại Thập Tự Chinh và giành quyền sở hữu Jerusalem.
Nhà thờ theo kiểu Chính Thống giáo nhưng cửa ra vào nhà thờ lại do người Hồi giáo kiểm soát và giữ chìa khóa, đó là truyền thống mấy trăm năm nay vì các giáo phái Chính Thống tranh giành nhà thờ chưa phân định rõ ràng nên họ thỏa thuận để…Hồi giáo giữ chìa khóa nhà thờ cho công bằng. Nhà thờ lớn nhưng chỉ có một cửa hẹp ra vào nên rất nguy hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn như đã từng xảy ra làm thiệt mạng nhiều tín đồ hành hương. Người ta dự định làm thêm một cửa ra vào nữa nhưng đến nay vì còn tranh chấp nên chưa thực hiện được. Hiện nay cai quản nhà thờ được chia cho 3 tôn giáo: Chính Thống Hy Lạp, đạo Armenian Apostolic và Công Giáo La Mã và còn 5 giáo phái Chính Thống khác chia nhau lịch trình làm lễ trong nhà thờ. BỆ ĐÁ XỨC DẦU Khi mới bước vào khung cảnh bên trong hơi tối mặc dù được thắp bằng những chùm đèn từ trên trần thả xuống. Hai bên vách cẩn nhiều loại đá màu sắc và kích cỡ khác nhau rất cổ xưa. Dưới nền nhà thờ cũng lát bằng nhiều loại đá như trên vách. Gian phòng đầu tiên gần cửa ra vào có một bệ đá chữ nhật là nơi đã từng đặt xác Chúa để xức dầu (Stone of Unction), tẩm liệm trước khi an táng trong nhà mộ. Nơi đây khi chúng tôi đến rất nhiều tín đồ thành kín cầu nguyện, có nhiều phụ nữ khóc lóc, người ta đặt tràng hạt, thánh giá lên bệ táng xác để “thánh hóa” các món thờ tự này. Có người đặt những chai nước uống để mang về nhà như nước thánh chữa lành những chứng bệnh dai dẳng, ngặt nghèo. Để ý trên mặt đá có vài đường nứt theo chiều dọc, nhiều người cho rằng do động đất xảy ra sau khi Chúa trút hơi thở cuối cùng trên cây thánh giá. Theo thánh kinh ghi lại khi ấy trời đất bổng sầm u tối, mây đen vần vũ và mặt đất rung chuyển khiến những người lính La Mã đang canh xác phải bỏ chạy và họ tin rằng người bị giết trên thánh giá chính thật là con của Chúa Trời mà trước đây họ không tin cho là lộng ngôn, phạm thượng! Phía trên tường của gian phòng đặt bệ đá xức dầu là một bức tranh cẩn đá màu (mosaic) diễn tả cảnh Đức Mẹ và các môn đệ chuẩn bị tẩm liệm Chúa. Bên trong nhà thờ ngay nơi Chúa chịu đóng đinh NGÔI MỘ CHÚA JESUS Bên hướng trái bệ đá xức dầu là địa điểm chính của nhà thờ là nơi có Mộ Chúa, nơi đây là một nhà nguyện hình hộp chữ nhật nằm ngay phía dưới vòm mái tròn (dome of rotunda) của nhà thờ lớn, các khung cửa kính tỏa ánh sáng từ bên trên xuống. Nhà nguyện Mộ Chúa gọi là “Edicule” có 2 phòng: phòng thứ nhất chứa Tảng Đá Thiên Thần (The Angel’s Stone) là một phần của tảng đá người ta tin rằng là cửa che kín nhà mộ sau khi đã táng xác Chúa vào bên trong. Phòng thứ nhì là mộ Chúa được tìm thấy từ thời vua Constantine nay bên trên là nấm mồ bằng đá cẩm thạch xây từ thời Trung cổ. Mỗi lần vào viếng mộ Chúa chỉ được 4 người nên tín đồ sắp hàng nơi đây khá đông để chờ đến lượt mình. Phía tay phải của bệ đá xức dầu là những bậc thang dẫn lên nơi xưa kia là đồi Calvary (hay còn gọi là đồi Golgotha, Núi Sọ) là nơi Chúa chịu đóng đinh. Nơi đây ngày nay là một nhà nguyện với các bàn thờ trang trí bằng vàng nguy nga lộng lẫy. Bàn thờ chính thuộc Chính Thống Hy Lạp, nơi đây nhìn xuyên qua tấm kính phía dưới là tảng đá với lỗ sâu là nơi chân thánh giá được chôn trong đó. Công giáo La Mã qua dòng tu Franciscan có bàn thờ bên cạnh tên là Bàn Thờ Kính Đinh Thập Giá là chặn thứ 11 của suy gẫm Chặn Đàng Thánh Giá. Phía trái về hướng bàn thờ của giáo hội Chính Thống Đông Phương có tượng Đức Mẹ Mary, người ta tin rằng là nơi đưa xác Chúa Jesus từ trên thánh giá xuống để trao trả cho thân nhân của Chúa là Đức Mẹ (Chặn thứ 13). Đi qua các nơi trong Nhà Thờ Mộ Chúa khung cảnh đượm vẻ thiêng liêng với tường đá cổ xưa, ánh nến lung linh huyền ảo và tín đồ thành tâm cầu nguyện, nhiều nữ tu xúc động không ngăn được dòng nước mắt khiến tôi nhớ lại lời Chúa nói với các phụ nữ thành Jerusalem đi theo Ngài trên con đường khổ nạn: “Chớ khóc thương tao mà chi, mà hãy khóc thương cho chúng bây và con cháu chúng bây mà chớ!” Nhiếp ảnh gia Phùng Khải Tuấn vác thánh giá trên đoạn đường Chúa chịu nạn LỊCH SỬ NHÀ THỜ MỘ CHÚA Nhà thờ Mộ Chúa có lịch sử gần 2 ngàn năm và nhà thờ hiện nay là một trong những nhà thờ cổ xưa nhất còn giữ nguyên kiến trúc cách nay gần một ngàn năm. Tiên khởi vào đầu thế kỷ thứ 2 nơi đây là đền thờ nữ thần Aphrodite trong huyền thoại Hy Lạp là người có sắc đẹp như nữ thần Venus. Đến thời hoàng đế Constantine là người mộ đạo, vào khoảng năm 326 ông truyền lệnh phá bỏ ngôi đền nữ thần để xây nhà thờ kính nhớ cuộc đời của Chúa Jesus. Constantine nhờ mẹ mình là bà Helena đứng ra trông coi việc xây nhà thờ. Trong lúc đào móng bà Helena phát hiện được cây thánh giá và ngôi mộ chôn Chúa Jesus mà theo ông Eusebius: “kiểu cách ngôi mộ với những bằng chứng rõ ràng đây là mộ chôn Jesus” mặc dù có những phản bác từ các đạo sĩ thời ấy. Nhà thờ Constantine xây là hai nhà thờ liền nhau trên 2 địa điểm là đồi Golgotha và Mộ Chúa với tảng đá cửa mồ được lấy ra đặt bên cạnh mộ. Vòm mái bên trên được hoàn tất vào thế kỷ thứ 4. Nhà thờ bị hỏa hoạn vào năm 614 khi đạo quân “tiền Hồi giáo” Persians dưới quyền chỉ huy của vua Khosrau II chiếm Jerusalem và ông này đã giữ lại được cây thánh giá. Đến năm 630 vua Heraclius của Byzantine đánh bật quân Persians ra khỏi thành, lấy thánh giá và xây lại nhà thờ. Năm 638 quân Hồi giáo trở lại vẫn giữ nguyên khu Thiên Chúa giáo và nhà thờ Mộ Chúa vẫn là nhà thờ Thiên Chúa giáo, đến năm 966 các cánh cửa và mái nhà thờ bị cháy vì một vụ nổi loạn. Năm 1009 nhà thờ bị phá sập vì vua Hồi lúc đó là Al-Hakim bài xích Thiên Chúa giáo. Thời gian sau đó giữa Al-Hakim và đế quốc Byzantine thủ đô đặt ở Constantinople thương lượng để xây lại nhà thờ Mộ Chúa, bù lại Hồi giáo sẽ xây lại các đền thờ ở Constantinople. Thương thuyết hai bên chưa thành thì năm 1099 quân Thập Tự Chinh Lần Thứ Nhất chiếm Jerusalem và họ xây lại nhà thờ những năm sau đó. Nhà thờ bị cháy và được tu bổ nhiều lần, gần đây nhất vào năm 1994 đến 1997 trùng tu mái vòm có từ năm 1870 cũng như tân trang lại toàn bộ nhà thờ. VÀI NÉT VỀ ĐẠO CHÍNH THỐNG Nhà Thờ Mộ Chúa cũng như hầu hết nhà thờ xây dựng trên các thánh tích Thiên Chúa giáo ở Jerusalem đều thuộc quyền cai quản của giáo hội Chính Thống còn được gọi là Chính Thống Đông Phương bao gồm Chính Thống Hy Lạp và Chính Thống Nga. Hiện đạo Chính Thống có khoảng từ 150 đến 350 triệu tín đồ phổ biến nhất ở Nga và các nước Đông Âu trong Liên Bang Sô Viết cũ. Từ ngữ “Chính Thống” muốn nói lên đó là giáo hội Kitô giáo nguyên thủy xem mình như giáo hội “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Kitô giáo phát xuất từ đất Do Thái sau ngày Chúa Jesus tử nạn và được truyền bá sang Tây phương (Tây Âu) và Đông phương (Nga Sô).
Trong thiên niên kỷ (1,000 năm) đầu của Kitô giáo, Chính Thống Đông Phương và Công giáo La Mã cùng là một giáo hội, mặc dù có một số khác biệt giữa Đông phương và Tây phương. Chính Thống chịu ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp có trung tâm là Constantinople (nay là Istanbul) còn giáo hội La Mã ảnh hưởng văn hoá Latin, trung tâm đặt ở Roma. Vào thế kỷ thứ 11, các khác biệt này dẫn đến cuộc ly giáo giữa Đông và Tây vào năm 1054, phân chia thành Chính Thống giáo Đông Phương và Công giáo La Mã. Sự chia hai tôn giáo dẫn đến cuộc thánh chiến Thập Tự Chinh Lần Thứ Tư vào năm 1204 quân Tây Âu theo giáo hội La Mã chiếm đóng và cướp phá thành Constantinople của đế quốc Byzantine tạo một mối hiềm khích giữa hai tôn giáo cho đến ngày nay. Năm 2004, Đức Giáo Hoàng John Paul II chính thức xin lỗi việc tàn phá Constantinople năm 1204 và lời xin lỗi được Thượng Phụ Bartholomew chấp nhận. Ngày nay hai giáo phái có vẻ xích lại gần nhau vì cùng có chung hầu hết tín điều như tin Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ Đồng Trinh, thiên đàng và hỏa ngục (đạo Chính Thống không tin Luyện Ngục là nơi đền tội nhẹ trước khi đuợc lên thiên đàng), tin Ngày Phán Xét Cuối Cùng. Còn sự khác biệt nữa là quyền hạn của Đức Giáo Hoàng, đối với Chính Thống quyền này có giới hạn. Chức sắc Chính Thống giáo chỉ có giám mục phải sống độc thân, còn linh mục và phó tế có thể kết hôn trước khi được chịu chức. Về kiến trúc nhà thờ, đạo Chính Thống xem nhà thờ là biểu tượng của con thuyền Noah từng cứu nhân loại trong cơn Đại Hồng Thủy, nay hội thánh cứu con người khỏi bị nhấn chìm trong cơn lũ của nhiều cám dỗ. Vì vậy hầu hết nhà thờ Chính Thống giáo bình đồ được xây theo hình chữ nhật hay hình thập tự giá. Về việc thờ tự ảnh tượng, Chính Thống chống lại việc thờ các bức tượng nên trong nhà thờ không có tượng mà chỉ có tranh ảnh để thờ kính và trang trí chung quanh bằng đèn dầu hoặc những ngọn nến sáp. Ngoài công dụng chiếu sáng, nến và đèn dầu còn biểu tượng cho sự sáng của thế gian.
|