Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P. |
Tác Giả: Nguyễn Đức Tuyên | |||||
Thứ Sáu, 28 Tháng 5 Năm 2010 10:33 | |||||
Tin từ Vatican ngày 13.5.2010, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã bổ nhiệm LM Nguyễn Thái Hơp, OP, thuộc dòng Đa Minh làm Giám mục giáo phận Vinh thay thế Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã quá tuổi về hưu. Thưc tình, cách đây khoảng nửa năm, chúng tôi đã nghe tin đồn này, nhưng nay tin chính thức lại rơi vào thời gian “nhạy cảm” nên tin đến cũng làm cho một số giáo dân có đôi chút thắc mắc, mặc dầu diễn tiến thực ra rất bình thường. Đôi dòng Tiểu sử
Tốt nghiệp cử nhân triết Đông tại Saigon, tiến sĩ triết Tây tại Fribourg (Thụy sĩ), học chính trị kinh doanh tại Đại học Genève, Thụy sĩ, và tiến sĩ thần học Luân lý tại São Paulô (Brasil). Nguyên giám đốc học viện thần học Gioan XXIII và thành viên trung tâm Bartolomé de Las Casas, Lima, Péru. Do hoàn cảnh phải ở lại hoạt động ở Âu châu và Mỹ châu Latin, nhưng ngài vẫn luôn duy trì quốc tịch Việt Nam. Từ cuối thập niên 1980 ngài thường xuyên về Việt Nam, kể từ năm 1996, mỗi năm vẫn về dạy học tại Việt Nam trong vòng 5 tháng và từ 2004 đã trở về sinh sống tại Việt Nam nhưng không có hộ khẩu. Là Giám Đốc Học vụ của Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam; thành viên của Ủy ban Giáo lý Đức tin thuộc HĐGM Việt Nam; thành viên của Ủy ban Từ vựng Công giáo; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình. Trong thời gian qua, CLB đã tổ chức nhiều Tọa đàm về vấn đề tôn giáo, văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội. CLB cũng cộng tác với Tổ chức Misereor, Đức quốc, HĐGM-VN và Viện Triết học để tổ chức Hội nghị quốc tế về phát triển kinh tế – xã hội tại Việt Nam vào ngày 15.1.2007. Trong dịp này, người trí thức công giáo đã có dịp trình bầy quan điểm của Giáo hội Công giáo về Học thuyết Xã hội. Một Tọa đàm gây nhiều âm vang nhất là “Biển Đông và hải đảo Việt Nam” được tổ chức vào ngày 25.7.2009. Tác phẩm Bên cạnh nhiều bài báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau đăng trên các tạp chí trong cũng như ngoài nước, phải kể đến những quyển sách sau đây của tác giả Nguyễn Thái Hợp: a)- Ngoại ngữ 1- Karl Marx, et la negation de Dieu pour l’affirmation de la valeur de l’homme, Fribourg, 1979. 2- Humanisme marxiste face à Dieu, 1984. 3- Hacia una Etica desde los pobres, Lima, Péru, 1986. 4- Tomás de Aquino, teólogo militante, Lima, 1988. 5- Teología y Liberación. Escritura y espiritualidad, (Edit.), 1990. 6- Las Casas entre dos mundos, ( Edit.), Lima, 1993. 7- Evangelización y teología en el Péru. Luces y sombras en el siglo XVI, (Edit.), 1994. 8- Neoliberalismo e la libertação dos pobres, São Paulo, Brazil,1995 9- Tienen salida los pobres?, Costa Rica, 1996. b)- Việt ngữ: 10- Một nửa hành trình của con người và quê hương, Chân Lý, Canada, 1997. 11- Giá trị đạo đức trong cơn lốc thị trường, Dấn Thân, Houston, 2000 12- Đường vào thần học về tôn giáo, Dấn thân, Houston, 20003. 13- Những nẻo đường tâm linh, (Chủ biên), Đa Minh Học viện, 2004. 14- Để họ lớn lên, Văn hóa & Đức tin, 20052. 15- Yves Congar, con người và tư tưởng, (Chủ biên), 2005. 16- Những nẻo đường tâm linh (Chủ biên), Học viện Đa Minh, 2006. 17- Chút này làm tin, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 20072. 18- Người Công giáo Việt Nam đối diện với đại dịch HIV/AIDS, (Chủ biên), CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình, 2007. 19- Tôn giáo – Giáo dục. Một cách tiếp cận, (Chủ biên), 2009. 20- Tư duy & lối sống của người Việt thời hội nhập, (Chủ biên), CLB Nguyễn Văn Bình, 2009. 21- Một cái nhìn về Giáo huấn Xã hội Công giáo, 2010. Ngoài ra, trong tư liệu của chúng tôi còn lưu trũ những bài viêt sau đây của ĐC Nguyễn Thái Hợp: Gạn đục khơi trong trước toàn cầu hóa. Nhóm đức tin và văn hóa. Vai trò của giáo dân dưới ánh sáng của Công Đồng Vatican II. Đại hội Giáng Sinh và những người ít may mắn. Một sơ thảo về linh đạo dành cho giáo dân. Tự do kinh tế và tự do chính trị. Tương quan phức tạp giữa công giáo và nhà nướcViệt Nam. Liên đới Kitô giáo giữa lòng dân tộc. Liên đới theo quan điển Kitô giáo. Tất cả những bài viết của ĐC Nguyễn Thái Hợp khi còn là LM mà chúng tôi có dịp đọc, chúng tôi thấy ở đó một kiến thức cao, có viễn kiến, yêu mến Giáo hội và dân tộc, ôn hòa, và nhỏ nhẹ. Đôi điều thị phi Cách đây 3 năm, có một nguồn tin ở Thụy sĩ, đã đề cập tới LM Nguyễn Thái Hợp với luận cứ nói ngài thiên cộng khi còn là sinh viên vào những năm 69-701. Sau ngày 13.5.2010, nguồn tin đó được nhắc lai, nhưng lại nói vào những năm 19672. Năm 2007, LM Nguyễn Thái Hợp đã trả lời trong một bức thư ngắn nói rằng ngài chỉ có mặt ở Thụy sĩ vào tháng 10 năm 1972. Việc LM Nguyễn Thái Hợp có nhiều liên hệ với các chức quyền trong giới học thuật và khoa bảng nhà nước cũng gây nên thắc mắc. Có người cho rằng mối tương quan đó tỏ ra “thân thiện” quá chăng, thậm chí đưa đến những thị phi, nghi ngờ “tốt đạo, đẹp đời”, theo “lề phải”? Cá nhân chúng tôi không dám phê phán, nhất là không vì định kiến. Giáo phận Vinh bao gồm các tỉnh Nghệ An 16.692 km2, Hà Tĩnh 6.054 km2, Quảng Bình 8.037 km2. Tổng cộng: 30.783km2. Theo tài liệu, người ta chia lịch sử hình thành và phát triển của Giáo phận Vinh thành những thời kỳ như sau : - Thời kỳ khai phá của các thừa sai Dòng Tên (1629 - 1663): Nhờ được một thương gia giúp đỡ, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) và cha Pedro Marquez lên tàu từ Macao ngày 12-3-1627 và đúng ngày 19-3-1627, hai vị đặt chân lên Cửa Bạng, Thanh Hóa; giáo đoàn Đàng Ngoài chính thức được khai sinh. Năm 1639, tại Nghệ An đã có 70 làng đón nhận đức tin; còn theo phúc trình ngày13-10-1647 “Ở Nghệ An, có 53 nhà thờ, không kể các nhà nguyện tư là nơi giáo hữu tới cầu nguyện”. Một tài liệu khác cho hay năm 1653, Nghệ An có 70 nhà thờ với 40.000 giáo dân - Thời kỳ hình thành các Đại diện Tông tòa (1663 - 1846): Ngày 9-9-1659, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII thiết lập hai miền Đại diện Tông tòa là Đàng Ngoài, giao cho Đức cha Francois Pallu, và Đàng Trong, giao cho Đức cha Lambert de la Motte. Nghệ-Tĩnh-Bình là một vùng truyền giáo quan trọng và được chọn làm những nơi cư trú của Đại diện Tông tòa. Hoạt động truyền giáo tại Nghệ-Tĩnh-Bình trong suốt thời gian này còn có sự cộng tác đắc lực của các linh mục người Việt, mà hai vị đầu tiên là Mactin Mật và Lêô Trông (1670). - Thời kỳ thử thách (1846 - 1885): Từ lúc khởi đầu đón nhận Tin Mừng (1629) cho đến ngày thành lập (1846), giáo phận Vinh luôn ở trong tình thế khó khăn, cấm cách. Tuy bị bách hại nhưng giáo phận Vinh không ngừng phát triển. Theo báo cáo ngày 27-3-1839 của Giám mục Đại diện Tông toà, số tín hữu công giáo Nghệ-Tĩnh-Bình đã lên tới 63.981 người, gồm 45.334 ở Nghệ An và Hà Tĩnh; và 17.617 ở Bắc Quảng Bình. - Thời kỳ phát triển (1885 - 1945): Sau hơn 23 năm làm giám mục Đại diện Tông toà, Đức Cha Trị đã gặp rất nhiều khó khăn gian khổ. Năm1912 Toà Thánh bổ nhiệm cố Bắc (Eloy) làm giám mục Đại diện Tông toà của giáo phận. Dưới thời ngài đã phong chức hơn 200 linh mục, thành lập thêm 65 xứ. Số giáo hữu ngày một đông hơn: năm 1920 là 124.000 người với 492 nhà thờ, nhà nguyện; năm 1940 là 167.469 người với 741 nhà thờ, nhà nguyện. Nhìn chung, giáo phận Vinh đã phát triển khá ổn định và khá vững vàng trong thời kỳ 1885-1945, như các số liệu so sánh sau đây cho thấy : Năm Giáo hữu Giáo họ Giáo xứ Linh mục - Thời kỳ cận đại (1945 đến nay): Biến cố 1954 đất nước bị chia cắt, giáo phận Vinh thuộc miền Bắc, do những người Cộng sản nắm quyền. Những đối tượng đầu tiên gánh hậu quả là các thừa sai. Tình hình mới đã buộc hàng giáo sĩ địa phương đứng ra đảm nhận trách vụ điều hành giáo phận. Ngày 31-7-1950, Tòa Thánh đã bổ nhiệm cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức làm Giám quản Tông tòa và ngày 19-8-1951 làm Giám mục Đại diện Tông tòa. Vị giám mục người Việt tiên khởi của giáo phận Vinh phải đối mặt với những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua: cấm đoán, bắt bớ, tù đày.... Sau di cư là những căng thẳng do cải cách ruộng đất. Rồi trước thực tế không thể nào khác, người Công giáo phải chấp nhận sống trong tình thế thường được gọi là “Giáo hội thầm lặng”. Năm 1960, khi hàng Giáo phẩm Việt Nam được thành lập, Vinh trở thành giáo phận Chính tòa. Ngày 15.3.1963, cha Phaolô Nguyễn Đình Nhiên được tấn phong giám mục phó. Trong trận bom Mỹ ném xuống khu vực Nhà Chung Xã Đoài, Đức Cha Nhiên bị trọng thương và qua đời ngày 24.3.1969. Đức Cha Trần Hữu Đức tiếp tục lèo lái con thuyền giáo phận cho tới ngày Chúa gọi về, ngày 8.1.1971. Ngày 15.3.1971, cha Phêrô Nguyễn Năng được tấn phong giám mục giáo phận Vinh. Ngài lãnh đạo giáo phận trong thời gian 8 năm và ra đi đột ngột vào ngày 6.7.1978, hưởng thọ 68 tuổi. Cha quản lý Phaolô Cao Đình Thuyên tiếp tục công việc này. Ngày 4.3.1979 Cha Phêrô Trần Xuân Hạp, được tấn phong giám mục tại Xã Đoài. Ngày 19.11.1992 Cha Phaolô Cao Đình Thuyên được tấn phong giám mục phó. Từ năm 1991, nhờ sự tài trợ của Toà Thánh và các tổ chức nước ngoài, nhiều nhà thờ được xây mới, trường học giáo lý, các cộng đoàn Dòng Tu cũng được trùng tu lại khang trang hơn. Cũng trong thời gian này, Dòng Thừa Sai Bác Ái được cha Giuse Nguyễn Đăng Điền khai sinh, và được Đức cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp chính thức chấp nhận vào năm 2000. Cuối năm 2000, Toà Thánh chấp nhận đơn xin từ nhiệm của Đức Cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp, Đức Cha phó Phaolô Maria Cao Đình Thuyên kế vị.Một điều ai cũng thấy nơi Đức Cha đương nhiệm là luôn quan tâm đến các sinh hoạt tại các cơ sở, giáo xứ, giáo họ. Đức cha đã dành nhiều thời gian để gặp gỡ chia sẻ với con cái, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa. Những năm qua, giáo phận đã gặp thời thuận lợi để sống và củng cố niềm tin: Năm Thánh Truyền giáo (2004); Năm Thánh Thể (2005) và đặc biệt Năm Giới Trẻ giáo phận (2006) mở ra cơ hội lớn lao để giáo phận, nhất là các bạn trẻ sống niềm tin của mình. Dù cho những thay đổi thăng trầm của lịch sử, nhưng giáo phận Vinh vẫn luôn thể hiện sức sống niềm tin vững vàng và trung kiên. Thống kê cuối năm 2006 cho biết: Dân số: 5.790.000, Số giáo dân: 474.143, Linh mục: 171, Nữ tu: 426, Đại chủng sinh: 57, Chủng sinh dự bị: 24, Giáo lý viên: 7.635, ; Giáo hạt: 19 và Giáo xứ:178. Con đường trước mặt của một Mục tử Một ngày rất gần, ĐGM Nguyễn Thái Hợp sẽ đảm nhận trách vụ mới, một trách vụ nếu sẩy ra cách đây mấy năm trước, rất khác xa với hiện tại: an bình và sóng gió, vâng phục và thắc mắc, chấp nhận và phản ứng, ôn hòa và xoi mói, ngoan ngoãn và trưởng thành v.v…Tuy vậy, tinh thần hiệp thông trong Giao hội Việt Nam vẫn là nét son lâu đời. Chúng tôi nhớ tới bài nói truyện của Đức Cha Henry D' Souza, TGM Calcutta, ChủTịch HĐGM Ấn Độ, với khoảng 300 giám mục tham dự khoá thường huấn do Bộ Truyền Giảng Tin Mừng tổ chức tại Roma năm 19973, có đoạn: “Khi Đức giám mục chấp chính một giáo phận thì giáo phận đó đã có một hình thái lịch sử đặc thù. Đó có thể là một giáo phận đã được thiết lập lâu đời. Có thể là một giáo phận mới. Luôn luôn có những vấn đề phải đối phó. Những vấn đề có thể là hiệu quả của những việc làm hoặc những thiếu sót của các vị tiền nhiệm. Cũng có thể là những vấn đề mới nảy sinh trong thời gian trống toà. Cũng có thể do những nguyên nhân khác. …….. Những giáo phận được thành lập đúng đắn đều mang theo nhiều hành trang. Đôi khi những hành trang được coi như là "gánh nặng của lịch sử". Điều quan trọng là nhận ra mình đang có hành trang nặng nề như thế. Các nhà thờ, nhà nguyện, trường học, cơ quan, ... vừa là tài sản, vừa là trách nhiệm. Được khởi đầu ở một thời điểm cụ thể, những tài sản đó về sau có thể trở nên không thích hợp hoặc gây trở ngại cho việc tông đồ. Giám mục cần nghiên cứu tất cả những sở hữu này và xác định xem cái gì nên bỏ, cái gì cần giữ; cái gì là kho báu và sức mạnh, cái gì là sự lãng phí thời gian không cần thiết. Ngài nên nhớ rằng, bất cứ loại thay đổi nào cũng sẽ mang lại những phản ứng tích cực đối với một số người này và tiêu cực đối với một số người khác. Đó là thập giá của người lãnh đạo để phân biệt đúng đắn cả hai vấn đề : thay đổi cái gì và thay đổi lúc nào. Cái gì và lúc nào là những thành tố quan trọng liên hệ với hành trang của lịch sử. Giáo Hội là một thực thể lữ hành. Mối nguy hiểm là làm cho Giáo Hội trở thành một pháo đài cố định. Trong cái nhìn lữ hành, luôn đòi hỏi việc đánh giá và tái đánh giá không ngừng. Người ta luôn phải kiểm tra các hành trang mình mang theo. Mục đích là để phân biệt cái chính yếu và cái thứ yếu. Những lòng sùng kính dân gian và các truyền thống là thánh thiêng bất khả xâm phạm đối với các cộng đoàn. Duy chỉ có sự biện phân sáng suốt thận trọng trong tinh thần cầu nguyện mới cho phép thay đổi và thích nghi. Những truyền thống này có giá trị, nhưng đâu phải "tuần chay nào cũng đầy nước mắt". Thông thường, chính Giáo Hội đã thiết lập lại là trở ngại lớn nhất cho Giáo Hội đang trên đường phát triển. Phải đặt lại ranh giới về nhân sự - cấp bậc, tầng lớp, chủng tộc ... - Nhưng ơn gọi truyền giảng Tin Mừng luôn phải được ưu tiên hàng đầu.” Đối diện với thực tại trong một đất nước dưới một chính quyền toàn trị, lấy chủ nghĩa duy vật và vô thần làm chủ đạo và một xã hội mà sự tha hóa đang ở mức trầm trọng: tham nhũng lan tràn, dối trá ngự trị, bất công xã hội phô bầy trắng trợn, đại đa số quần chúng sống trong cảnh khốn cùng, bất công với một thiểu số giầu sang, giáo dục phá sản, luân lý suy đồi – một năm gần hai triệu vụ phá thai-, tôn giáo thiếu tự do v.v…Giám mục sẽ phải hành sự ra sao để Phúc Âm hóa môi trường? Vinh là một giáo phận có truyền thống lâu đời về dấn thân, tranh đấu và quả cảm, ít nhất là từ năm 1946, thời Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam. May mắn thay ĐC Nguyễn Thái Hợp lại cũng là người Vinh, đồng hương, đồng cảm. Có một người bạn viết cho chúng tội về đức tân Giám mục:“quá trình thu thập kiến thức và giảng dạy của Cha đã chuẩn bị cho Cha có một nền tư tưởng phong phú đủ cho việc phán đoán thời cuộc về mọi mặt. Ít có, hoặc chưa có vị nào được chuẩn bị đầy đủ như cha Hợp; ngoài ra là dựa vào phong thái sống của ngài trước đây, chúng ta thấy ngài khá chững chạc, cân nhắc, mà vẫn cởi mở... Tức ngài tỏ ra có bản lãnh, có tự tin (cái tự tin bẩm sinh của người Nghệ?!).” Nói hay đừng, im lặng hay lên tiếng, đối thoại cách nào, hành xử ra sao; theo gương GM Nguyễn Kim Điền, Ngô Quang Kiệt và vị tiền nhiệm là ĐC Cao Đình Thuyên, hay ……..ai khác ? Là người ngưỡng mộ thánh chức Giám Mục- vicarius Christi-, cảm nhận gánh nặng chồng chất trên hai vai ngài, xin hân hoan chào mừng và chân thành kính chúc đức tân Giám mục can đảm, hy sinh và hiên ngang trong sứ vụ mới. Xin Thiên Chúa và Đức Mẹ La Vang ban nhiều Ơn phúc cho người Mục tử đáng kính và xin Thánh Thần đồng hành với ngài luôn mãi.
|