"Sự kiện Ngô Quang Kiệt": Kỳ 8 - Tại sao Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn không thể từ chức? |
Tác Giả: Nữ Vương Công Lý | |||
Thứ Ba, 01 Tháng 6 Năm 2010 12:03 | |||
Rất nhiều linh mục, tu sĩ giãi bày sự tiếc nuối cho một cuộc đời tu trì với 72 tuổi đời và gần 20 năm giám mục, và bày tỏ sự hy vọng bằng lời cầu nguyện xin cho một phép lạ xảy ra Trong vụ việc Đức cha Ngô Quang Kiệt, như chúng tôi đã nói, vì tham vọng và những toan tính trần thế, nhóm “Tam ca áo tím”, cùng với Đức ông Cao Minh Dung đã tiếp tay cho chính quyền Hà Nội để trục xuất Đức cha Kiệt ra khỏi Hà Nội, nhằm đổi lấy những bổng lộc “tự nhiên thành” và được chính quyền cộng sản hậu thuẫn. Bất ngờ giả và bất ngờ thật Khi Đức Cha Phê rô Nguyễn Văn Nhơn “bất ngờ” được bổ nhiệm làm TGM Phó Hà Nội, sự bất ngờ đối với ngài không biết thật hay giả, nhưng với đa số các tín hữu, kể cả các giám mục thì đây là sự bất ngờ, choáng váng thật sự. Nhiều đơn từ, lời kêu gọi, điện thoại, thậm chí nhiều linh mục ngay trong sáng 07/5/2010 đã dâng lễ xin được một “phép lạ” là Đức cha Nhơn từ chức ngay trong ngày hôm đó. Rất nhiều linh mục, tu sĩ giãi bày sự tiếc nuối cho một cuộc đời tu trì với 72 tuổi đời và gần 20 năm giám mục, và bày tỏ sự hy vọng bằng lời cầu nguyện xin cho một phép lạ xảy ra. Khi ấy, nhiều người đã thẳng thắn trả lời, nếu đức cha Nhơn từ chức thì không còn là phép lạ nữa, bởi với một người bình thường khi đã hiểu thấu sự việc thì với sự khiêm nhường và trách nhiệm đối với Giáo hội, họ sẽ xin từ chức. Đức cha Nhơn không từ chức mới là “phép lạ” và “phép lạ” đó đã xảy ra. Vở bi hài kịch soạn sẵn Đức Cha Nhơn không thể từ chức, những mối dây liên hệ phía sau, những bàn tay đã đẩy ngài đi với một mưu đồ xa hơn mà ngài chỉ là “quân tiên phong”. Nếu Ngài từ chức, thì mọi công trình sắp xếp của dàn “Lục ca áo tím” và đường dây liên kết trong “thương vụ” này mất cả chì lẫn chài. Vậy nên ngài không thể lùi bước. Trước bao tiếng kêu, lời cảnh tỉnh và thậm chí là giận giữ. Ngài vẫn phải bỏ ngoài tai. Tại sao Đức cha Nhơn đã không thể từ chức? Cần phải nhắc lại ở đây, việc Đức cha Nhơn ra tiếp quản chức vụ Tổng Giám mục Hà Nội bắt đầu từ cái Quyết định quái gở của chính quyền Hà Nội và được dàn đồng ca áo tím thực hiện bằng một kịch bản tinh vi. Trong tấn bi hài kịch này, Đức cha Nguyễn Văn Nhơn vừa là nạn nhân, vừa là người bị “chính người em giám mục” của mình lợi dụng. Với bản tính đạo đức, từ khi được lãnh chức vụ Giám mục (năm 1991) cho tới khi trở thành Chủ tịch HĐGMVN (tháng 10/2007), hình ảnh của Đức cha Nhơn khá mờ nhạt. Người ta ít thấy ngài xuất hiện và ít thấy tiếng tăm của ngài. Hình ảnh ngài lẩn khuất trên chốn cao nguyên, bình lặng. Điều duy nhất mà người ta biết về ngài đó là phải tới lần thứ 5, Đức cha Nguyễn Sơn Lâm đề nghị ngài làm Giám mục chính quyền Việt nam mới chấp nhận. Thế nhưng, kể từ sau biến cố Tòa Khâm sứ (2/2008), hình ảnh của Đức cha Nhơn bắt đầu được mọi người biết tới không phải chỉ bởi ngài là Chủ tịch HĐGMVN, mà phần nhiều là do bởi những phát ngôn, những hành động, những “đi lại” với lãnh đạo chính quyền Việt Nam. Ngay vào thời điểm đó, giới truyền thông đã có những cảnh báo về những lời nói: “chỉ đồng cảm chứ không đồng thuận”, những cử chỉ: ‘xin cấp đất xây trung tâm mục vụ”, những bước đi: “hai lần gặp Nguyễn Tấn Dũng”, manh nha biểu hiện một chiến dịch trục xuất Đức cha Kiệt ra khỏi Hà Nội. Vấn đề đặt ra là: tại sao từ một con người hiền lành, đạo đức - như nhiều người đã có nhận xét về ngài, từ chỗ “Tòa thánh đã muốn ngài làm TGM Sài Gòn, nhưng ngài đã từ chối” – như ngài đã nói với các linh mục Giáo phận Đà Lạt, đức cha Nhơn lại chấp nhận một chuyến đi ra Hà Nội mà ngài biết chắc là sẽ rất khó khăn. Có một điều cần phải nói rõ, ngài có bị chính quyền cộng sản “nắm” hay không thì chỉ có ngài, chính quyền cộng sản và Chúa biết rõ. Nhưng, có một điều mà ai cũng biết đó là trong vụ việc đưa Đức cha Kiệt ra khỏi Hà Nội thì ngài tham gia từ đầu. Ngày 21/9/2008, chính quyền Hà Nội biến Tòa Khâm sứ thành vườn Hoa. Ngày 22/9/2008, HĐGMVN khai mạc kỳ họp thường niên tại Tòa Giám mục Xuân Lộc. Ngày 22/9/2008, chính quyền Hà Nội đã gửi một Văn thư do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký, đề nghị HĐGMVN thuyên chuyển Đức cha Kiệt ra khỏi Hà Nội. Trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng, cả Tổng Giáo phận Hà Nội rên xiết dưới ách bạo tàn, HĐGMVN đã bình chân như vại “họp” mà không có bất cứ phản ứng mạnh mẽ, tích cực nào trước tình cảnh “sói dữ” tấn công đoàn chiên của mình. Ngay cả “Bản Quan Điểm” kiểu “lên tiếng như không lên tiếng” được công bố khi đó, thực ra, là kết quả của một dàn xếp hành lang giữa các Giám mục Giáo tỉnh Hà Nội cùng với Đức cha Nguyễn Văn Hòa – giám mục Nha Trang và Đức cha Hoàng Đức Oanh – Giám mục Kontum, khiến cho nhóm Lục ca đành phải chịu khuất phục với điều kiện thay chữ “Lập trường” bằng chữ “Quan điểm”. Vào thời điểm đó, Bản quan điểm dù sao cũng đã như dòng suối mát làm dịu đi những mất mát, những đau buồn. Khi ấy, các tín hữu Chúa tại Miền Bắc và người công giáo Việt Nam khắp nơi trên thế giới tràn đầy hy vọng vào những quyết sách sẽ được đưa ra nhắm cụ thể hóa những gì bản quan điểm đã nêu. Nhưng cũng ngay sau đó, đoàn HĐGMVN do Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn, Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Đức TGM Nguyễn Như Thể và Đức Cha Vũ Huy Chương dẫn đầu từ Xuân Lộc bay ra Hà Nội đến chào Thủ tướng thì đã khẳng định “…thái độ của Hội đồng Giám mục Việt Nam là không có chủ trương đó” và được Thủ tướng Dũng khen ngợi. (!) Cũng ngay sau khi bản quan điểm ra đời thì đây đó từ Miền cao nguyên, từ Duyên Hải Miền trung những lời bóng gió phát ra ngày càng nhiều: “Chỉ đồng cảm chứ không đồng thuận” – Đức cha Nguyễn Văn Nhơn, “Tuổi linh mục của ông ấy ít hơn chúng tôi làm sao khôn hơn chúng tôi được” – Đức cha Võ Đức Minh. Dàn đồng ca áo tím với những âm mưu Trong vụ việc Đức cha Kiệt phải rời khỏi Hà Nội và Đức cha Nhơn ra tiếp quản chức vụ Tổng Giám mục Hà Nội, phải kể tới vai trò quan trọng của Đức cha Võ Đức Minh – Giám mục Nha Trang và Đức Cha Bùi Văn Đọc – Giám mục Mỹ Tho. Theo nhiều nguồn tin, Đức cha Võ Đức Minh là người tích cực nhất trong vụ dàn xếp đưa Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội. Còn Đức Cha Bùi Văn Đọc, với vai trò như một người định hướng cho HĐGMVN trong sự nghiệp “Đối thoại” với nhà nước. Cả ba đã tạo thành một “êkip” vững chắc ngay trong HĐGMVN mà các GM khác nhiều khi cũng phải “e dè” khi cả ba “đã quyết”. Ba Giám mục này đều xuất phát từ Đà Lạt, có mối thâm tình sâu nặng từ những ngày còn xa xưa. Khi Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn lên được hàng giám mục đã có công lớn đào tạo hai “đàn em” của mình là Bùi Văn Đọc và Võ Đức Minh cùng bước chân vào hàng ngũ những người quan trọng trong giáo hội. Nhất là năm 2007 khi đưa được Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn lên chức Chủ tịch Hội Đồng Giám mục và có Đức ông Cao Minh Dung hậu thuẫn từ Vatican thì là lúc cờ đã đến tay. Cần nói rõ hơn một chút về Đức Giám mục Nha Trang Võ Đức Minh – Thủ lãnh dàn “Tam ca” - ngài được sinh ra ở vùng đất Tam Tòa, Quảng Bình, sau đó di chuyển lên Đà Lạt. (Theo nguồn tin chưa được kiểm chứng, thì ngài có họ hàng với Võ Nguyễn Giáp(?) – Chúng tôi chưa có thời gian kiểm chứng được thông tin này). Có một chi tiết khá quan trọng cần biết đó là Đức cha Võ Đức Minh có một người bạn học rất thân là Đức Hồng Y Dias – đương kim bộ trưởng Bộ Truyền giảng Tin mừng cho các Dân tộc. Chính vì vậy, Đức Giám mục Võ Đức Minh thể hiện “uy quyền” của mình khá lộ liễu. Trong khi họp HĐGMVN, một giám mục trẻ vừa phát biểu, ngay lập tức Giám mục Võ Đức Minh đã gạt ngang và dập tắt ngay tại chỗ, trong khi vai trò một giám mục thì đều như nhau. Và với bản tính hiền lành, khiêm hạ, các giám mục đành “nín lặng cho xong”. Vậy nhưng, khi ở Tam Tòa quê hương ngài, giáo dân bị đánh đập, linh mục bị trọng thương… ngay cả cây Thánh Giá ngài tặng giáo dân Tam Tòa cũng bị cướp lấy, nhục mạ… thì ngài “im thin thít như thịt nấu đông”. Trong thời gian đó, một giáo dân đã quá bức xúc gọi điện đến chất vấn ngài, ngài nói rằng: “Tôi đã làm hết chức năng của mình với chính quyền và giáo quyền”. Việc ngài làm “hết chức năng” là gì? Đó là im lặng khó hiểu với những hành động trắng trợn của chính quyền Quảng Bình và đã gọi điện thoại cảm ơn Tòa GM Xã Đoài, thế là “đã làm hết chức năng”. Khi bị hỏi dồn về vai trò của mình với giáo dân quê hương, ngài đổ lỗi: “Tôi làm việc nhưng đứng sau Giám mục Nguyễn Văn Hòa”. Ngay cả khi được hỏi cá nhân ngài có ý kiến gì với tội ác ở Tam Tòa, ngài cũng không dám hé răng phản đối mà chỉ nói: “Tôi là Giám mục, tôi không có ý kiến riêng”. Cuối cùng, giáo dân đã ngao ngán hỏi: “Vậy thưa Đức Cha, trước khi là Giám mục, ngài có là tín hữu công giáo, là giáo dân hay không”. Và ngài im lặng. Với bạo quyền, ngài là thế, nhưng với anh em Giám mục, ngài khác nhiều. Cái khôn của ngài ở đây có phải đã học được cái khôn chính quyền cộng sản đang có, đó là “ngậm miệng ăn tiền” và “hèn với giặc, hung dữ với dân”. Cần lưu ý, như chúng tôi đã nói, ngày 17/10/2008, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã mời ngoại giao đoàn tới UBND thành phố Hà Nội để thông báo việc thuyên chuyển Đức cha Kiệt ra khỏi Hà Nội, khi đó ông bị công luận chê cười và cho là tiếm danh, nhưng thực ra ông cho thấy thế thượng phong của mình, bởi ông đã có trong tay nhưng con bài đủ sức để thực hiện cái Nghị quyết quái gở của Thành ủy. Ngoài Đức Ông Nguyễn Minh Dung - một “Vũ Ngọc Nhạ”, được cài cắm tại Tòa Thánh, từ trong nước, Đức Cha Võ Đức Minh – Chủ tịch UBTK trực thuộc HĐGMVN, được phái tới Roma tham dự Kỳ thượng Hội Đồng Giám mục về Lời Chúa từ 5 – 26/10/2008. Ở đây, cần phải nói rõ về UBTK của HĐGMVN. UB này trước đây là Tiểu ban Mục Vụ Thánh Kinh trực thuộc UB Giáo lý và Đức tin (thành lập năm 2002) do Đức giám mục Mỹ Tho làm Chủ tịch. Tại phiên họp Ban Thường vụ (mở rộng) của HÐGMVN vào tháng 8-2007, Ðức cha Phaolô Bùi Văn Ðọc, Chủ tịch UBGLÐT và Ðức cha Giuse Võ Ðức Minh, Chủ tịch Tiểu ban Mục vụ Kinh Thánh, đề nghị tách Tiểu ban Mục vụ Kinh Thánh ra khỏi UBGLÐT và thành lập Ủy ban Kinh Thánh để UB mới này vừa có thể đẩy mạnh việc học hỏi, nghiên cứu vừa phổ biến Lời Chúa rộng rãi hơn. Trong phiên họp vào ngày cuối cùng của Đại Hội lần thứ X của HĐGMVN, họp tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, vào ngày 12 tháng 10 năm 2007, HĐGMVN đã quyết định thành lập “ỦY Ban Kinh Thánh trực thuộc HĐGMVN” và đã bầu Đức cha Giuse Võ Đức Minh làm Chủ tịch UBKT/HĐGMVN. Tổng Thư ký của UB là cha FX Vũ Phan Long, OFM. Với tư cách Chủ tịch UBTK, Đức cha Võ Đức Minh trở thành đại biểu chính thức của HĐGMVN tham dự kỳ Thượng Hội Đồng Giám mục về Lời Chúa. Tại kỳ họp này, như Đức cha chia sẻ với các linh mục Tổng Giáo phận Hà Nội trong dịp tĩnh tâm năm vào tháng 11/2008 ngay sau đó, ngoài các hoạt động phục vụ cho kỳ họp, Đức cha Võ Đức Minh đã “rất tích cực” giúp cho Tổng Giáo phận Hà Nội được tốt đẹp. Khi ấy, các linh mục Giáo phận Hà Nội tham dự kỳ tĩnh tâm chỉ thấy một vị Giám mục khoe mẽ, tự đánh bóng mình, chứ ít ai biết được trong suốt những ngày tham dự Thượng hội Đồng Giám mục về Lời Chúa, Đức cha Võ Đức Minh đã tích cực vận động hành lang để đưa vị chủ chăn đáng kính – Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, ra khỏi Hà Nội cách đau lòng như ngày hôm nay. Sau kỳ họp Thượng Hội Đồng trở về, rất nhiều giáo dân tại Nha trang làm chứng rằng, TGM Nha Trang lâu nay đã trở thành nơi gặp gỡ thường xuyên của nhóm lục ca áo tím với nhau và với các quan chức chính phủ. Những quan chức chính phủ thường xuyên giao thiệp và hội bàn với nhóm các giám mục thỏa hiệp tại TGM Nha Trang gồm có Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng – người được chính phủ cử giải quyết vụ giáo xứ Tam Tòa, quê hương của Đức cha Võ Đức Minh, và Thứ trường Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường – người trực tiếp giải quyết vấn đề bang giao với Tòa Thánh. Vấn đề là tại sao Đức cha Võ Đức Minh lại tích cực trong vụ việc trục xuất Đức cha Kiệt ra khỏi Hà Nội? Phải chăng như ngài nói là để ‘giúp giáo phận Hà Nội tốt hơn”? Tổng giáo phận Hà Nội có tốt hơn hay không thì sự thật đã chứng minh. Trong vụ việc Đức cha Ngô Quang Kiệt, như chúng tôi đã nói, vì tham vọng và những toan tính trần thế, nhóm “Tam ca áo tím”, cùng với Đức ông Cao Minh Dung đã tiếp tay cho chính quyền Hà Nội để trục xuất Đức cha Kiệt ra khỏi Hà Nội, nhằm đổi lấy những bổng lộc “tự nhiên thành” và được chính quyền cộng sản hậu thuẫn. Sau khi Đức cha Kiệt ra đi, Đức cha Nhơn sẽ trở thành Tổng Giám mục Hà Nội – điều này đã xảy ra và nếu hoan lộ ngài sẽ trở thành Hồng Y trong một tương lai rất gần. Trong khoảng thời gian 3 năm tại vị, Đức cha Nhơn sẽ từ chức và sẽ đề nghị Tòa thánh – mà thực tế là Đức Ông Dung - bổ nhiệm Đức cha Võ Đức Minh làm Tổng Giám mục Hà Nội. Đây mới là cái đích nhắm tới, bởi nếu Đức Tổng Kiệt còn tại vị ở Hà Nội, thì ngay cả Đức Cha Nhơn còn chưa được để cử, huống chi một vị nào khác, và như vậy dàn “Tam ca” này khó có thể hát bài đồng ca “ba anh em trên một chiếc xe tăng” hướng giáo hội đi về đích “Độc lập, dân tộc, và Chủ nghĩa xã hội”. Cũng như những dự định và đã từng bước thực hiện những năm qua, Đức Cha Bùi Văn Đọc đang nhắm tới chính thức nắm chức TGM TGP Sài Gòn, ở ngoài Bắc sẽ là TGM Võ Đức Minh. Và sau khi vụ việc đã thành công, việc đưa một trong nhóm “Lục ca” sẽ nhận chức vụ TGM Huế thay Đức TGM Stephano Nguyễn Như Thể năm nay đã 76 tuổi cũng không ngoài tầm tay. Đến khi đó, dàn “đồng ca áo tím này” sẽ là một trong những dàn đồng ca đủ khả năng đưa Giáo hội Việt Nam theo “Định hướng Xã Hội chủ nghĩa” với đường hướng “Phúc âm, dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” nhanh nhất và an toàn nhất. Mới đây, ngày 4/5/2010, Thánh lễ tạ ơn và chia tay của Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn tại Đà Lạt để ra Hà Nội nhận công tác mới gồm có hai Giám mục đàn em Bùi Văn Đọc và Võ Đức Minh. Trước khi đi, Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn đã đề cử GM Võ Đức Minh làm Giám quản GP Đà Lạt. Tuy nhiên, hàng linh mục Đà Lạt đã rất hiểu rõ và rất “sợ” Đức Cha Võ Đức Minh. Vì vậy, ngay sau khi đoàn linh mục đưa Đức Cha Nhơn ra đến Hà Nội trở về, linh mục đoàn Đà Lạt đã nhanh chóng họp vào chiều ngày 09 tháng 5 năm 2010 và bầu ngay linh mục Phaolô Lê Đức Huân làm giám quản Giáo phận. Động tác nhanh chóng này đã vô hiệu hóa ý định của GM Nguyễn Văn Nhơn tăng thêm cường lực cho đàn em và chặn bàn tay GM Võ Đức Minh thò lên Đà Lạt tăng cường vị thế của mình. Đạo diễn giấu mặt muốn gì? Về phần mình, sau khi giải quyết tốt đẹp vụ Đức cha Kiệt, Đức ông Dung sẽ được nhà nước Việt nam cho mở Văn phòng Đại diện tại Việt Nam hoặc nếu không sẽ mở văn phòng tại Singapore để dần từng bước trở thành Hồng Y giáo chủ. Theo thông tin chúng tôi có được, hiện Đức ông Cao Minh Dung đã tìm được người hiểu biết nhiều ngoại ngữ làm phó cho mình trong việc thành lập và điều hành Văn phòng Đại diện Vatican. Như chúng tôi đã nói, Đức cha Nhơn có bị cộng sản “nắm” hay không thì chỉ có Chúa biết, nhưng điều khiến ngài không thể từ chức chính là những toan tính của nhóm thân cộng này.
|