Home Đời Sống Tôn Giáo Thích Đôn hậu, Lời Tuyên Bố ở Linh Mụ, ngày 08 tháng 12 năm 1978

Thích Đôn hậu, Lời Tuyên Bố ở Linh Mụ, ngày 08 tháng 12 năm 1978 PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Bảy, 26 Tháng 6 Năm 2010 07:47

 Lời Tuyên Bố trước hai vị đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội nước CHXHCNVN

Thích Đôn hậu, Lời Tuyên Bố ở Linh Mụ, ngày 08 tháng 12 năm 1978


Hòa thượng Thích Đôn hậu,

Lời Tuyên Bố trước hai vị đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội nước CHXHCNVN
(GH Minh Hạnh Tập, 14)

Linh Mụ, ngày 08 tháng 12 năm 1978

Thưa quý vị,

Chắc quý vị đã biết một cách rõ ràng là Phật giáo chúng tôi luôn luôn gắn liền với dân tộc. Phật Giáo với dân tộc gắn liền với nhau như môi với răng. Mà Phật Giáo và dân tộc vì gắn liền với nhau cho nên khi ra Bắc, tôi được các vị cho biết, những thời qua, các vị cách mạng tiền bối, kể cả Hồ Chủ tịch, mà hiện tại các vị như là Thủ tướng Phạm văn Đồng .v.v... thì đã ở chùa, để mà tiếp tục làm cách mạng, thì trong khi đó nếu Phật Giáo không phải là yêu nước thì trong khi mà các Ngài ở chùa đó, nếu các nhà sư mà xấu, thì chắc là các Ngài cũng không còn đến ngày nay để lãnh đạo. Và từ đó về sau, trải qua những cuộc kháng chiến chống Pháp, đến chống Mỹ, các vị cũng biết rằng nhà chùa, nhất là nhà chùa là những nơi giúp đỡ, chở che cho cán bộ, bộ đội như thế nào! Và ngay cả Tết Mậu Thân, dù cán bộ, bộ đội về nhiều như thế, về thành phố Huế nhiều như thế, thì về ở đâu, không phải là ở nhà đạo khác mà chỉ là ở nhà Phật tử, mà nếu như Phật tử mà họ xấu, họ không có tinh thần yêu nước, thì khó mà thực hiện được cuộc cách mạng vùng lên trong Tết Mậu Thân.
Nói như vậy để thấy rằng Phật Giáo luôn luôn gắn liền với cách mạng. Vì gắn liền với cách mạng cho nên khi nghe đến giải phóng chỗ nào thì người Phật Giáo hoan nghênh lắm. Mà nhất là khi nghe giải phóng đến Sài gòn, thì phấn khởi vô cùng, hoan nghênh hết sức. Từ đó thì cán bộ, bộ đội về khắp tất cả, từ nông thôn cho đến thành thị, mà ở đâu có bóng của các vị, của anh em cán bộ, bộ đội, thì đồng bào, mà trong đó đa số là Phật tử, thấy các anh thì họ hết sức là hoan nghênh, vui vẻ ra đón chào. Người thì bắt tay, người thì vuốt vai, người thì cầm áo, người thì ngó mà rất hoan nghênh, cứ ngó mãi mãi, cứ cười mãi. Họ thấy các anh em, họ nhìn các anh em như là anh em, con cháu chú bác gì của họ đi xa, đi làm nhiệm vụ thành công mà về. Từ đó có cái gì họ cũng đem ra mời ăn, thành ra đoàn kết, mà còn là thương yêu nữa. Chẳng những thương yêu mà còn là kính nể nữa, kính trọng nữa. Bởi vì họ thấy anh em là những người có công với cách mạng, có công trong cuộc kháng chiến, là những người nếm mật nằm gai đem lại độc lập, hòa bình cho quê hương.
Nhưng mà thưa quý vị!
Cái tình đoàn kết đó, thương yêu đó, kính trọng đó chỉ có được mười ngày thôi. Sau mười ngày đó, thì đoàn kết xưa nay nó rã bành tô hết, và cái lòng thương yêu đó, sau đó họ ghét cay ghét đắng. Tình kính trọng đó, lòng kính trọng đó trở lại họ khinh đáo để!
Tại sao vậy ? Rất dễ hiểu thôi.
Là anh em cán bộ, bộ đội, như tôi nói khi nãy, là về khắp, về từ hang cùng cho tới thành thị, nông thôn. Đi bất cứ đâu, về đạo khác thì chúng tôi không biết, chơ về Đạo Phật, các nhà chùa mà nhứt là những chỗ có người tu học ở đông, thì anh em nói như thế nầy: “ Trước kia tu là phải rồi, nhưng mà bây giờ hòa bình độc lập rồi tu mà làm gì nữa, thì các vị nên về đi, mà lo sống, lo từng người sống thì hơn. Chùa là gì? Chùa là xương máu của đồng bào, mà rồi đây trước sau người ta cũng lấy thôi. Bởi vì của đồng bào, thì bây giờ lấy để làm việc lợi ích cho đồng bào, người ta cũng sẽ lấy làm công việc, khi đó các ngươi cũng sẽ về. Vậy thì trước sau chi cũng về, bây giờ về trước cho rồi còn hơn. Thêm nữa, các người theo Đạo Phật thì thử hỏi gần ba ngàn năm ni, Đạo Phật ra đời gần ba ngàn năm ni, họ đã đem lại cái gì lợi ích cho nhân dân chưa ? Mà đó, cách mạng ta làm thành tựu như vậy đó, mang lại hòa bình, độc lập cho dân tộc. Như vậy tôn thờ cách mạng hơn tôn thờ Phật.
Sự phát biểu của anh em, bắt đầu từ đó thì tình đoàn kết, thương yêu, kính trọng các anh em nó còn một nửa, còn phần nửa rồi sẽ hết, mà nó còn thâm nữa. Tiếp theo sự vận động của anh em, lại còn khủng bố các nhà chùa, nhục mạ những nơi Niệm Phật đường, không cho họ đến làm lễ và nói những lời thật khiếm nhã.
Tiếp theo thì các anh em phá hủy tượng Phật lộ thiên. Đó, như tôi đã nói khi nãy, tiếp theo sự phá hủy tượng Phật lộ thiên, còn bắt bớ, giam cầm nhiều người.
Sau đây còn bắt các vị tu sĩ Đại diện các Tỉnh. Thí dụ: như đưa tới cho các vị đó biên bản bảo ký vô. Rồi trong biên bản đại ý nói thế này. “cái giảng đường của chùa, chúng tôi bằng lòng cho Ủy ban mượn sử dụng”. Biểu vị Đại diện đó ký vô. Vị Đại diện nói thế nầy: Chúng tôi không thể ký được, bởi vì chúng tôi có nhiệm vụ giữ gìn mà không có nhiệm vụ giao cho ai hết. Bởi vì đây là tài sản của Viện Hóa Đạo. Nếu có sự ủy thác, giấy tờ gì của Viện Hóa Đạo chúng tôi sẵn sàng giao. Đây chưa có mà chúng tôi giao chúng tôi có lỗi.
Họ nói rất có lý, nhưng rồi các ông đó bị bắt, không lấy cái lý do đó, chỉ lấy lý do mấy ông sư đó là phản động, mấy ông sư đó là theo CIA, theo Mỹ, theo ngụy.v.v.. Nói như vậy mà bắt. Rồi lần lượt bắt cho đến các vị lãnh đạo trong Viện Hóa Đạo nữa, rồi bắt Thiện Minh nữa, rồi để Thiện Minh chết nữa.
Thưa quý vị,
Quý vị biết tôi là người trong Viện Hóa Đạo, tôi không thể ngồi trên cơ quan của Nhà Nước mà nhìn Phật Giáo chúng tôi bị đàn áp tơi bời như vậy được. Thêm nữa theo nguyên tắc, hạ cấp phục tùng thượng cấp, tôi là ngồi trên thượng cấp, trong khi các địa phương làm như vậy đó, là hạ cấp. Thì dầu trực tiếp hay gián tiếp ít hay nhiều tôi đã ra lịnh cho địa phương bắt thầy tu giam cầm.v.v.. thì đó là điều rất đau đớn, tôi không làm được, tôi không chịu được.
Bây giờ chúng tôi mời các vị đóng địa vị tôi, các vị làm sao? Các vị phải làm như tôi là cùng.
(Đến đây ông Bùi San mới lên tiếng, đương nhiên là nãy giờ chăm nghe ghê lắm. Bây giờ ông mới lên tiếng. Ông nói: “Thưa cụ, kể ra cụ đã có tham gia cách mạng tám năm trường, bây giờ tuổi già sức yếu, cụ nghỉ cũng phải, nhưng mà nghỉ cách nào kia, chớ nghỉ như cụ thì chưa đúng lúc và chưa đúng cách. Mong cụ nghĩ lại.)
Tôi xin trả lời:
“ Sự từ chức của tôi vừa đúng lúc mà vừa đúng cách. Đúng lúc là khi ông Hoàng Phương Thảo, ông lên vận động tôi ra ứng cử, thì sau khi từ chối không được, buộc tôi phải ra. Như vậy tôi phải ra, nhưng mà tôi phải có lời yêu cầu: là tôi có hai nhiệm vụ phải làm tròn, Phật Giáo và dân tộc, thì tôi ra ứng cử, nếu rủi mà đắc cử, (tôi xin nhấn mạnh) nếu rủi mà đắc cử, thì sau đó không làm được gì trong hai nhiệm vụ nói trên, thì tôi sẽ lui khi đó.
Thế mà thật, sau khi đắc cử, dù là đắc cử cách gì, sau đó tôi thường nhận được bao nhiêu lá thơ, bao nhiêu lá đơn, nội dung những lá đơn họ đưa nói thế nầy: “ Kính thưa Hòa thượng Đôn Hậu, Đại biểu Quốc hội, tôi Nguyễn văn H, một cử tri ở phường đó, hôm nay tôi bị điều oan ức như bị cướp nhà, như bị choán đất. v..v..trước sự oan ức đó làm cho tôi hết sức khổ đau. Vậy tôi xin yêu cầu Đại biểu Quốc hội can thiệp cho người dân được nhờ”.
Tôi liền phê bên lề như thế này: “Tôi đề nghị Ủy ban nhân dân Tỉnh cho cưú xét, giúp đỡ cho đương sự được thỏa mãn theo yêu cầu và cho tôi biết kết quả”. Thì tôi chỉ làm chừng nấy thôi. Nhưng mà cái đơn nớ đưa đi, chẳng khác nào viên cát bỏ thêm vào trong bãi sa mạc, nghĩa là nó chỉ đi mà không lại. Bên kia thì người dân cứ tới hỏi, cứ tới thúc. Rồi người dân khác cũng vậy, thì như vậy chứng tỏ tôi không làm tròn nhiệm vụ đối với người dân.
Còn đối với Phật Giáo, thì tôi lại càng không làm tròn nữa. Trước cái sự bắt bớ, giam cầm cho đến bắt các vị lãnh đạo trong Viện Hóa Đạo, cho đến bắt Thiện Minh, rồi để Thiện Minh chết nữa. Trong khi đó tôi là Đại biểu Quốc hội, tôi chẳng làm gì được cả, chẳng can thiệp gì được cả. Tôi đau khổ hết sức và thêm nữa theo nguyên tắc hạ cấp phục tùng thượng cấp thì các địa phương làm như vậy là hạ cấp. Tôi ngồi trên thượng cấp, dù trực tiếp hay gián tiếp, ít hay nhiều tôi đã ra lịnh cho địa phương bắt bớ, giam cầm để cho người lãnh đạo Phật Giáo phải bị chết. Tôi hết sức là đau khổ. Bây giờ tôi mời các vị đóng địa vị tôi thì các vị phải làm sao, cũng phải lui như tôi. Vì thế cho nên tôi lui, tôi giải nhiệm. Đó là đúng lúc, bởi vì cả hai nhiệm vụ không làm tròn. Một nhiệm vụ không làm tròn lui là được rồi, huống chi đây cả hai đều không làm tròn, Tôi lui là phải rồi. Đó là đúng lúc.