Home Đời Sống Tôn Giáo Thử Thách Đầu Tiên Cho Tân Giám Mục Giáo Phận Vinh

Thử Thách Đầu Tiên Cho Tân Giám Mục Giáo Phận Vinh PDF Print E-mail
Tác Giả: Mặc Giao   
Thứ Hai, 12 Tháng 7 Năm 2010 10:52

  Làm sao cho các giám mục VN có "cùng một tấm lòng, một linh hồn", biết ghé mắt tới tiềm năng và ước vọng của cộng đồng dân Chúa? Nếu Giám Mục Nguyễn Thái Hợp khởi xướng, vận động và thực hiện được việc này thì sẽ không còn những "vụ Ngô Quang Kiệt, Nguyễn Văn Nhơn" khác xảy ra trong tương lai.

 
   LM Nguyễn Thái Hợp
        LM Nguyễn Thái Hợp đã được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Vinh, dĩ nhiên với sự đồng ý của nhà nước cộng sản VN, thay thế GM Cao Đình Thuyên xin từ chức vì lý do tuổi tác. LM Hợp đã về tòa giám mục Vinh, sẽ được tấn phong và nhận chức vào ngày 23-07-2010.

        Giáo phận Vinh gồm 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, vùng đất sinh quán của LM Nguyễn Thái Hợp, đã được chính LM miêu tả là "một vùng đất nghèo, thuộc loại đất cầy lên sỏi đá… khí hậu lại khắc nghiệt và thường xuyên gặp những tai họa do thiên nhiên gây ra như hạn hán, mất mùa, lụt lội, bão táp… Nhưng thiên nhiên đã bù lại bằng nhiều phong cảnh hùng vĩ và hữu tình. Nhất là vùng đất khô cằn này đã là nơi xuất thân của nhiều nhân vật tài năng và chí khí" (Xem Nguyễn Thái Hợp, Một Nửa Hành Trình, tr,166. Chân Lý xuất bản, Calgary, Canada 1997).

        Qủa đúng như vậy. Không nói tới những thành phần dân chúng khác, chỉ nói riêng những người Công Giáo thuộc địa phận Vinh, họ đã tỏ ra kiên cường và bền bỉ trong việc giữ và bảo vệ đức tin, kể cả trong những lúc bị đàn áp thảm khốc nhất. Vụ Quỳnh Lưu và những hoạt động của Liên Đoàn Công Giáo quanh thời điểm 1954 đã chứng tỏ điều này. Ngày nay, qua vụ Tam Tòa, những cuộc tập hợp của hàng trăm ngàn giáo dân, thái độ hiên ngang và những lời tuyên bố khẳng khái của Đức Cha già Cao Đình Thuyên (xin đừng gán cho Đức Cha tội đối đầu) trong việc đòi công lý và tự do tôn giáo đã làm nức lòng dân chúng và khiến nhà cầm quyền phải nể sợ. Giáo dân thuộc giáo phận Vinh đi làm ăn và học hành ở khắp nơi. Đông nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn. Ở bất cứ nơi nào, họ cũng là những hạt nhân, là chất xúc tác cho những hành động đòi tự do và công lý. Ngay tại quê hương của họ, có khoảng 2,500 sinh viên Công Giáo theo học các trường đại học, cao đẳng và dậy nghề. Những sinh viên trẻ này không biết chiến tranh hận thù là gì, không có ký ức về cuộc đàn áp đẫm máu tại Quỳnh Lưu, chỉ biết vụ chiếm đất và nhà thờ Tam Tòa, việc đánh đập, gây thương tích cho giáo sĩ và giáo dân, rồi bắt họ về đồn công an thẩm vấn và truy tố ra tòa. Lớp người trẻ có học này đã tự nhìn ra thực trạng của đất nước và giáo hội. Họ đã có một lập trường đúng đắn và những việc làm bầy tỏ một thái độ không hèn yếu: củng cố hàng ngũ sinh viên CG, tổ chức và tham gia những cuộc cầu nguyện đông người. Khi bị cấm đoán thì tổ chức cầu nguyện từng nhóm luân phiên tại các tư gia. Nhà cầm quyền e sợ những hành động ôn hòa này sẽ phát sinh những cái nôi chống đối và sẽ làm cho phong trào chống đối lan rộng. Nhà cầm quyền rất sợ dân vì biết dân không ưa họ, chỉ chờ cơ hội để lật đổ họ. Vì vậy họ phải nghĩ ra đủ phương kế, kể cả bất hợp pháp và hèn hạ, để phòng ngừa.

        Ngày 05-04-2010, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Nghệ An phổ biến một bản cam kết bắt học sinh sinh viên (chủ đích nhắm sinh viên Công Giáo) phải ký. Bản cam kết có những điều vi phạm tự do tôn giáo và quyền công dân một cách trắng trợn, thí dụ:

        "Điều 3: Không tham gia hoạt động tôn giáo trái phép. Không tụ tập, sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng công dân gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vi phạm quy ước của địa phương.

        "Điều 5: HSSV không xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm tuyên truyền, khích động, lôi kéo người khác theo ý đồ cá nhân hoặc của tổ chức phản động…

        "Tôi xin hứa thực hiện nghiêm các nội dung đã cam kết trên. Nếu vi phạm sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm và chịu mọi hình thức xử lý theo pháp luật của Nhà nước, quy chế của Bộ GD&ĐT và nội quy, quy định của nhà trường".

        Quyền của con người bị tước đoạt ngay tại học đường. Trẻ vị thành niên và mới chớm thành niên đã bị bó chân tay và bịt miệng khi trên nguyên tắc đang được giáo dục để trở thành những con người có kiến thức, có nhân cách và danh dự. Họ đã bị cưỡng bức làm một điều hoàn toàn trái với luật lệ và Hiến Pháp của chính nhà nước Cộng Hòa Xã Hội VN. Ngày 03-06-2010, Hiệu trưởng Phạm Bá Thắng của trường Cao Đẳng Sư Phạm Nghệ An đã ra thông báo ấn định hình phạt đối với những sinh viên không ký bản cam kết, theo đó họ không được xét và xếp loại điểm được gọi là Đánh giá kết qủa rèn luyện năm học 2009-2010, chỉ cho xếp loại trung bình. Điều này có nghiã các sinh viên bị phạt sẽ không được lên lớp hoặc không đủ điểm tốt nghiệp. Một quyết định ra cùng ngày đã phạt 5 nữ sinh viên không nạp bản cam kết, trong đó có sinh viên Bùi Thị Sen được ghi chú là "không đồng ý điều 3".

        Trước việc dọa dẫm và "bắt nạt" con trẻ của nhà cầm quyền, các sinh viên Công Giáo đã vô cùng bất mãn. Họ đã xin gặp và đưọc Đức Cha Cao Đình Thuyên tiếp để giãi bầy tình trạng bị áp bức. Họ muốn xin Đức Cha lên tiếng và có biện pháp bênh vực. Đức Cha rất thông cảm nhưng ngài sắp ra đi, trách nhiệm hiện thời chỉ còn là xử lý thường vụ. Vấn đề này sẽ được đặt vào tay tân Giám Mục Nguyễn Thái Hợp. Tân Giám Mục sẽ có thái độ nào? Sẽ đối phó ra sao? Sẽ đối thoại hay "đối đầu" với nhà cầm quyền để đòi quyền tự do hành đạo, tự do suy nghĩ và tự do ngôn luận cho 2,500 con chiên trẻ và ưu tú của giáo phận? Vụ này sẽ là một thử thách đầu tiên cho tân Giám Mục Nguyễn Thái Hợp. Tân Giám Mục đã từng tỏ ra yêu thương và quan tâm tới giới trẻ khi viết: "Hơn bao giờ hết, họ (những người trẻ) cần được yêu thương và hướng dẫn. Họ bị chi phối bởi qúa nhiều đòi hỏi, nên cuộc sống rắc rối, nhiêu khê và căng thẳng hơn. Ngoài ra, phải chăng thế hệ trẻ hôm nay đang gánh chịu hậu qủa của những tính toán ích kỷ và sai lầm của người lớn. Viết đến đây tôi liên tưởng tới trách nhiệm của mình, với những gì thế hệ của chúng tôi đã làm tổn thương các thế hệ đến sau…" (Sách đã dẫn, tr 92).

        Người ta đang chờ đợi để xem những việc làm của tân Giám Mục Nguyễn Thái Hợp có đi đôi với lời nói hay không.


NHỮNG GÌ TÔI BIẾT VỀ LINH MỤC NGUYỄN THÁI HỢP

        Khi nói về về LM Nguyễn Thái Hợp trong lúc này, tôi gọi ngài là linh mục vì tôi chỉ biết (dù không nhiều) Linh Mục Nguyễn Thái Hợp, chưa được biết Giám Mục Nguyễn Thái Hợp. Vả lại, ngày hôm nay, 12-06-2010, LM Hợp chưa được tấn phong giám mục theo nghi thức của Giáo Hội.

        Khoảng năm 1996, tôi được gặp Linh Mục Nguyễn Thái Hợp tại Calgary do Cha Phạm Văn Hương giới thiệu. Calgary nơi tôi đang sống có trụ sở trung ương của Phụ Tỉnh Dòng Đa Minh VN tại hải ngoại. Do đó các tu sĩ Đa Minh coi nhà dòng ở Calgary như một "nhà mẹ" bis nơi quê người, là chỗ lui tới để hội họp, học hỏi, gặp gỡ, dừng chân. Cha Phạm Văn Hương lúc đó là chủ nhiệm tập san Chân Lý của Phụ Tỉnh, đã mời Cha Nguyễn Thái Hợp, vừa từ Nam Mỹ trở về, cộng tác trong việc biên tập và điều hành báo Chân Lý. Khi đó tôi cũng là một trong những người viết cho Chân Lý. Vì vậy việc gặp gỡ và "chén chú chén anh" là chuyện thường tình xảy ra. Qua những lần gặp gỡ, tôi thấy Cha Hợp là người vui tính, chuyện trò cởi mở, có kiến thức. Tuy nhiên Cha không bao giờ nói chuyện với tôi về chính trị và tình hình Giáo Hội VN. Tôi chỉ biết Cha Hợp là một linh mục trí thức, có bằng tiến sĩ bên Thụy Sĩ và bằng tiến sĩ thần học tại Brésil, Cha đã sống ở Nam Mỹ (đa số thời gian tại Pérou) trong 15 năm. Thời gian Cha Hợp dừng chân tại Calgary không lâu. Cha rời Calgary đi Roma khoảng cuối năm 1996. Năm sau, 1997, tôi được một người bạn quen của cả Cha lẫn tôi chuyển cho cuốn "Một Nửa Hành Trình của con người và quê hương" do tác giả Nguyễn Thái Hợp gửi tặng. Cuốn sách này do Chân Lý, Canada, xuất bản và in tại New Orleans, Hoa Kỳ.

        Khi Cha Hợp rời khỏi Calgary rồi, tôi mới tình cờ có nhiều dịp hiểu biết thêm về Cha. Tôi được người quen biết Cha kể rằng Cha không xin tỵ nạn chính trị, không xin vào quốc tịch Mỹ hay Canada. Sau ngày 30-04-1975, Cha đã đổi thông hành VNCH hết hiệu lực để lấy thông hành (hộ chiếu) của Cộng Hòa Xã Hội VN. Thời gian Cha học và dậy ở Nam Mỹ, phong trào Thần Học Giải Phóng đang lên mạnh, có ảnh hưởng lớn trong hàng giáo sĩ ở Trung và Nam Mỹ. Tôi không thể tóm gọn trong vài hàng về Thần Học Giải Phóng. Nhưng đại ý Thần Học Giải Phóng dùng Lời Chúa trong Kinh Thánh để cổ võ việc san bằng bất công xã hội, chấm dứt cảnh người bóc lột người, dù phải dùng những "biện pháp mạnh" để thực hiện chủ trương này. Vì thế mới có những linh mục "tiến bộ" ở Phi Luật Tân đi theo quân phiến loạn chống chính phủ và phạm tội bắt cóc, giết người, có linh mục ở Nicaragua theo quân nổi dậy cộng sản và giữ chức tổng trưởng ngoại giao, có ông linh mục Aristite cởi áo dòng, lấy vợ và làm tổng thống Haiti… Những người theo Thần Học Giải Phóng công khai ủng hộ đường lối của phe xã hội chủ nghiã và coi phe tư bản là kẻ thù cần phải tiêu diệt. Vì vậy, việc Cha Hợp nghiên cứu, lấy bằng tiến sĩ thần học ở Nam Mỹ và sống ở đó 15 năm dài đã gây một thắc mắc không nhỏ. Khi tôi gặp một số bạn cựu sinh viên VN tại Thuy Sĩ, trong đó có anh Phạm Như An ở Fribourg và anh Nguyễn Phúc Liên ở Genève, họ cho tôi biết sinh viên VN thời đó ở Thụy Sĩ gọi Cha Hợp là "Linh mục cộng sản" vì Cha công khai bầy tỏ lập trường bênh vực cộng sản và đã từng đi Liên Xô để nghiên cứu về chủ nghiã cộng sản. Tôi không có đủ yếu tố để khẳng định Cha Hợp thiên tả và thân cộng. Tôi chỉ thuật lại những gì tôi nghe và biết từ những người có lý lịch rõ ràng, không phải tin đồn.

        Tôi cũng được một người quen của Cha kể rằng năm 1997, Cha quyết định trở về ở hẳn Việt Nam. Trớ trêu thay, dù Cha vẫn giữ quốc tịch VN, vẫn xử dụng hộ chiếu do chính quyền cộng sản VN cấp, nhưng nhà cầm quyền VN không cho Cha về ở luôn, chỉ chấp nhận cho đi đi về về để dậy tại các chủng viện. Vì vậy Cha vẫn phải giữ trú sở là nơi Cha dậy học tại Đại Học Tôma Aquinô của Dòng Đa Minh tại Roma. Hình như đến năm 2004, Cha mới được phép về nước sống luôn, vì từ năm đó Cha chính thức đảm trách một chức vụ có tính cách thường xuyên tại Tỉnh Dòng Đa Minh VN. Sau này tôi được tin Cha được mời dậy tại một số đại học của nhà nước, được mời đi thuyết trình từ Sài Gòn tới Hà Nội, làm Chủ Nhiệm Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình chuyên nghiên cứu các vấn đề tôn giáo, xã hội, giáo dục thích ứng với hoàn cảnh đất nước và chế độ đương thời. Tôi cũng được đọc một số bài tham luận của Cha. Tôi thấy cách suy nghĩ và diễn tả của Cha không có gì thay đổi. Vẫn thận trọng, khéo léo, không làm mất lòng ai, có khẽ đánh thì lại vội xoa, có tài nói lòng vòng nhưng không bao giờ đặt vấn đề một cách thẳng thừng và cụ thể. Trong một dịp đi Mỹ, Cha có ghé thăm tòa soạn Diễn Đàn Giáo Dân và có thảo luận với một số anh em có mặt. Bề ngoài có vẻ thân tình, nhưng cả Cha lẫn anh em đều biết lập trường của hai bên về các vấn đề Giáo Hội và Đất Nước vẫn chưa thật sự gần nhau.

        Dù sao tôi vẫn hy vọng Giám Mục Nguyễn Thái Hợp có thể sẽ khác Linh Mục Nguyễn Thái Hợp. Cha Hợp đã có nhiều năm suy nghĩ về vai trò của giám mục trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước trước khi đảm nhận chức vụ này. Những suy nghĩ của Cha cách đây 13 năm (1997) vẫn còn nhiều điều giá trị. Trong phần kết của cuốn "Một Nửa Hành Trình", Cha Hợp đã mượn lời của Hồng Y J. Tomko, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo vào thời đó, nói với một số giám mục VN nhân cuộc viếng thăm "ad limina" vào cuối năm 1996: "Can đảm công bố Tin Mừng Chúa Kitô mà chấp nhận cả khổ đau và thập giá. Giáo Hội VN được vẻ vang vì có các Thánh Tử Đạo đã can đảm lấy máu làm chứng cho lòng yêu mến Chúa chúng ta, nhưng lại có thể qúa chậm trễ đối với những đổi thay trong xã hội và trong tâm trạng, nếu các giám mục không có "cùng một tấm lòng, một linh hồn" (Cv,4,32) để khởi xướng một công cuộc mục vụ và truyền giáo cụ thể chung trong nước, mặc cho những áp lực đối nghịch từ bên trong hay bên ngoài Giáo hội".

        Liền sau đó, Cha Hợp bình luận thêm: "Nhưng xem ra hồng y tổng trưởng Thánh bộ Truyền giáo lại lo ngại nhiều về chính hàng giám mục VN, vì những lý do mà mọi người đều biết rõ. Tuy nhiên, Giáo hội không phải chỉ là hàng giáo phẩm, mà còn là tất cả cộng đoàn dân Chúa. Chính ở nơi đây chúng ta hy vọng gặp thấy sức sống, tính năng động và tiềm năng của Giáo hội VN để trả lời cho những thách đố của ngàn năm thứ ba và những vấn đề mới mà thời đại đang đặt ra" (Sách đã dẫn, tr 282, 283).

        Làm sao cho các giám mục VN có "cùng một tấm lòng, một linh hồn", biết ghé mắt tới tiềm năng và ước vọng của cộng đồng dân Chúa? Nếu Giám Mục Nguyễn Thái Hợp khởi xướng, vận động và thực hiện được việc này thì sẽ không còn những "vụ Ngô Quang Kiệt, Nguyễn Văn Nhơn" khác xảy ra trong tương lai.

LẠI CHUYỆN "THÓI ĐỜI" CỦA HỒNG Y PHẠM MINH MẪN

        Câu "thói đời chống đối" của HY Phạm Minh Mẫn khi nói về vụ cờ vàng cờ đỏ đã trở thành "nổi tiếng". Nó được gắn liền với tài bắn "đạn đạo vòng cung" của HY để tấn công mục tiêu một cách gián tiếp. Đạn đi loanh quanh rồi cũng tới đích. Lần này Hồng Y cũng lại dùng chữ "thói đời", nhưng là "thói đời lôi cuốn" để chỉ những giáo dân dám lên tiếng khác ý các bề trên về "sự kiện Ngô Quang kiệt". Trong bài "Tôi nghe thấy và học được gì từ những cuộc gặp gỡ với Bộ Ngoại Giao và Bộ Truyền Giáo của Vatican?" được đăng trên Vietcatholic ngày 11-06-2010, HY Phạm Minh Mẫn viết: "Khi cộng đoàn tín hữu lâm tình trạng thiếu ít nhiều sự nhất trí và sự hợp nhất, khi một số tín hữu để thói đời lôi cuốn (người viết tô đậm), để lòng đạo phai mờ dần, các mục tử đều có phần trách nhiệm. Và trách nhiệm ở đây là giáo dục, huấn luyện, trợ lực cho mọi tín hữu luôn chung sức lấy Lời Chúa làm nền…"

        Dựa theo ý của HY qua câu trên, nếu nói thẳng thừng không úp mở, thì phải hiểu là tình trạng chia rẽ trong cộng đoàn (dân Chúa) được gây nên bởi một số giáo dân khô khan, không biết vâng lời tối mặt các đấng bề trên trong đạo, dám cãi lại lệnh truyền và nghi ngờ sự khôn ngoan và thánh thiện của các đấng cầm đầu Hội Đồng GMVN. Họ bị lôi cuốn theo thói đời để đánh phá Giáo Hội.

        Nếu qủa đúng như vậy thì tôi e những người này không phải là "một số", mà là nhiều số, nếu không nói đa số. Từ việc 15,000 giáo dân ký Thỉnh Nguyện Thư đệ Đức Giáo Hoàng chỉ trong 8 ngày, từ việc giáo dân Hà Nội tụ tập bầy tỏ thái độ và căng biển ngữ trong ngày lễ đón tân Phó Tổng Giám Mục khiến các chủng sinh và công an chìm phải lập hàng rào giữ an ninh và giựt hình ảnh, biển ngữ, từ đoàn rước các chức sắc phải ra vào nhà thờ bằng cửa hông, đến những tiết lộ và phản ứng của các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, nỗi buồn phiền, bức xúc của nhiều linh mục và số đông giáo dân khắp nơi, từ Nam ra Bắc, từ trong nước tới hải ngoại (ngay cả trong tổng giáo phận Sài Gòn của HY như ngài tiết lộ trong Lời Chủ Chăn ngày 11-06-2010), người ta chưa bao giờ thấy Giáo Hội CGVN gặp những nghi ngờ và phản ứng nội bộ mạnh mẽ như thế trong suốt giòng lịch sử của Giáo Hội. Sự việc trầm trọng đến nỗi sau khi đã sắp xếp xong vụ thay bậc đổi ngôi tại tòa tổng giám mục Hà Nội, một số giám mục phải yêu cầu HY Mẫn đi Vatican ngày 31-05-2010 tìm hiểu "sự thật tận gốc rễ". Tại sao phải đi tìm sự thật ở mãi tận Vatican? Vatican chỉ lấy quyết định theo báo cáo và đề nghị từ Việt Nam. Nguyên nhân phát xuất từ VN, từ đòi hỏi và áp lực của những người cầm quyền và từ chủ trương của một số giám mục chỉ quan tâm đối thoại (không đối đầu) và cộng tác với nhà nước để được "tốt đạo đẹp đời".

        Cú bắn "đạn đạo vòng cung" của HY Mẫn lần này đã khiến đạn quay về trúng ngay người bắn. HY chê bai những ai dám lên tiếng chỉ trích là những người "để lòng đạo phai mờ dần". Trên đời, ai dám nhận mình sốt sắng, thánh thiện hơn ai? Sự thật, tuyệt đại đa số những người chỉ trích, phê bình xây dựng đều có thiện chí vun bồi Giáo Hội, muốn GH tránh những vết xe đổ, muốn GH đoàn kết, nhất trí tiến lên để xây dựng một ngày mai tươi sáng cho chính GH và cho quê hương, dân tộc. Lòng họ họ biết. Ngoài ra chỉ có Chúa biết. Kết tội họ nhạt lòng đạo và gây chia re là phạm tội vu oan. Thêm nữa, HY Mẫn còn tỏ ra "khiêm tốn" khi nhận trách nhiệm (thiếu sót) của các mục tử trong việc giáo dục, huấn luyện, trợ lực cho những "con chiên lạc" này. Việc giáo dục là điều cần thiết. Nhưng giáo dục bằng lời nói không hữu hiệu bằng giáo dục qua gương sáng. Tri hành không hợp nhất thì nói ai nghe? Dậy điều mình biết và sống điều mình dậy. Đó là đòi hỏi căn bản cho những ai muốn dậy dỗ thiên hạ.

        Qua bài viết này, HY Mẫn cho biết trong những ngày ở Roma, ngài đã gặp Tổng Giám Mục Mamberti, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Vatican, Đức Ông Ballestrero, Thứ Trưởng Ngoại Giao. Cả hai vị đã nói rằng Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh "phục vụ lợi ích của Giáo Hội địa phương và toàn cầu trong sự tôn trọng ý kiến của người liên hệ… Bộ luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến cùng bản thân của đương sự". Đây là ‘version" của HY Mẫn, không phải thông cáo hay bản tin của Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh. Những chữ "người liên hệ" và "đương sự" rõ ràng chỉ Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, và nội dung toàn câu có ý xác định TGM Kiệt xin từ chức và Tòa Thánh đã tôn trọng ý kiến của ngài, không có ai khác dính vào quyết định này.

        Cũng thế, HY Mẫn thuật rằng trong cuộc hội kiến với HY Ivan Dias, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo, chính HY Tổng Trưởng cho biết "ngài thường xuyên đệ trình và trao đổi với Đức Thánh Cha về mọi diễn biến và tình hình liên hệ, để Đức Thánh Cha suy nghĩ, cầu nguyện và quyết định… Chính vì tôn trọng tiếng nói lương tâm của Đức Cha Ngô Quang Kiệt mà Đức Thánh Cha mới chấp nhận đơn xin từ nhiệm Tổng Giám Mục Hà Nội". Đây cũng là "version" riêng của HY Mẫn. Theo đó, chính Đức Thánh Cha đã chấp thuận đơn từ chức của TGM Ngô Quang Kiệt. Chẳng có ai khác dính líu vào việc từ chức này. Ngà cầm quyền cộng sản cũng không. HY Ivan Dias và Đức Ông Cao Minh Dung cũng không. Các vị này chỉ làm báo cáo, nghe hay không là tùy Đức Giáo Hoàng. Các vị trong HĐGMVN lại càng không. Các vị không biết gì hết. Không nhìn, không thấy, không nghe. Đúng là một hành động rửa tay trách nhiệm còn ngoạn mục hơn màn rửa tay của Phi-la-tồ! Trăm tội cứ việc đổ lên đầu Đức Giáo Hoàng là xong.

        Thêm một chuyện mới lần đầu được nghe: TGM Ngô Quang Kiệt từ chức vì lý do lương tâm. Trong bản tin ngày 03-06-2010 của LM Trần Đức Anh cũng xuất hiện trên Vietcatholic, HY Mẫn cho biết TGM Kiệt "cương quyết xin từ nhiệm vì lý do lương tâm". Trong bài trần tình này, HY Mẫn lại viết "chính vì tôn trọng tiếng nói lương tâm của Đức Cha Ngô Quang Kiệt mà Đức Thánh Cha mới chấp nhận đơn xin từ nhiệm". Làm sao biết được lương tâm của TGM Kiệt? Nói đến quyết định của lương tâm là nói đến sự chọn lựa giữa tốt và xấu, giữa phúc và tội, giữa nên và không nên. Vậy có phải nếu Đức Cha Kiệt ở lại chức vụ TGM Hà Nội là xấu, là tội, là không nên, nếu Đức Cha Kiệt rũ áo ra đi thì đó là điều tốt, là phúc, là việc nên làm? Đổ trách nhiệm cho Đức Giáo Hoàng rồi, bây giờ đổ trách nhiệm cho Đức Cha Kiệt. Thế là những người khác hoàn toàn vô can (!?). Nếu muốn nhấn mạnh đến lý do lương tâm của Đức Cha Kiệt, cách trong sáng và lương thiện nhất là nói rõ vì lý do bệnh mất ngủ, Đức Cha Kiệt không muốn giữ lại chức vụ mà không thể hoàn thành một cách đầy đủ. Tuy nhiên, nếu nói vậy thì sẽ lại có một chuỗi những câu hỏi khác được đặt ra: Tại sao ĐC Kiệt bị bệnh mất ngủ? Có phải vì bị cộng sản xuyên tạc, dọa giết, làm áp lực bắt rời Hà Nội và VN? Có phải vì thấy giáo dân của mình bị đánh đập tàn nhẫn, bị đưa ra tòa kết án mà không thấy Vatican và HĐGM lên tiếng bênh vực? Có phải vì sự than phiền của một số giám mục "đồng liêu", cho rằng thái độ "đương đầu" của ĐC Kiệt sẽ gây trở ngại cho sự "cộng tác" tốt đẹp của họ với nhà cầm quyền cộng sản? Có phải vì tất cả những lý do đó mà TGM Ngô Quang Kiệt bị mất ngủ và muốn từ chức cho rồi? Đưa lý do lương tâm để biện minh là càng tạo thêm nhiều rắc rối và càng chứng tỏ sự thiếu thiện chí nhìn nhận sự thật.

        Cuối cùng, HY Mẫn mượn lời của HY Ivan Dias khuyên giáo dân VN "trên khắp thế giới" (có hải ngoại đấy nhé!) giúp đỡ nhau sống hiệp thông trên nền tảng đức tin và gia tăng cầu nguyện Đức Mẹ La Vang để xin Người ban ơn bình an. Amen.

        Chúng ta có thể kết luận rằng chuyến đi Roma của Hồng Y Phạm Minh Mẫn vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 2010 là một chuyến đi giải độc nhắm vào các vị hữu quyền của Tòa Thánh. HY Mẫn và các vị cùng lập trường hốt hoảng vì thấy phản ứng của giáo dân qúa mạnh trong "vụ Ngô Quang Kiệt". Những phản ứng này sẽ làm hại uy tín của các giám mục VN với Vatican, với hàng ngũ linh mục, tu sĩ, với cộng đồng tín hữu và với cả các thành phần khác của dân tộc VN. Giải độc với Tòa Thánh theo lý luận nào? Thưa, theo lối rửa tay trách nhiệm và đổ lỗi cho các cơ quan truyền thông, cho những tín hữu "đạo khô như ngói" chuyên chỉ trích các đấng bậc và cho âm mưu muốn phá Giáo Hội. Tòa Thánh có thuận tai với những lời giải thích này không sau khi đã nhận Thỉnh Nguyện Thư với trên 15,000 chữ ký và cũng đã đọc, đã biết những quan điểm và phản ứng của giáo dân VN khắp nơi trên thế giới? Chỉ biết Hồng Y Giáo Chủ Tổng Giáo Phận "Thành Phố Hồ Chí Minh" đến Vatican mà không được Đức Giáo Hoàng tiếp lấy một phút, không được Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh (tương đương thủ tướng) chào xã giao một câu thì thử hỏi cuộc viếng thăm này có đạt kết qủa như ý HY Phạm Minh Mẫn cũng như những GM cử HY đi giải độc mong muốn hay không?. Tuy nhiên, HY Mẫn là người khôn ngoan. Khi giải độc tại Vatican, HY đã thực hiện luôn công tác chữa cháy cho những đám lửa còn bốc lên hay đang âm ỉ ở VN và các nơi khác. HY đã dùng quyết định của Đức Giáo Hoàng và lý do lương tâm của TGM Ngô Quang Kiệt để rửa hết mọi trách nhiệm cho các giám mục VN, cũng không nói gì tới những đòi hỏi và trách nhiệm của nhà cầm quyền cộng sản. Cuối cùng, HY dùng tới lời cầu xin Đức Mẹ La Vang để kêu gọi hiệp thông và xin sự bình an. Như vậy là xong. Viện đến Chúa và Đức Mẹ thì còn ai dám cãi lại? Gặp khốn khó thì coi như việc Chúa gửi để lập công. Mục tử nhân lành bị trục xuất để thay bằng mục tử khác thì đó là ý bề trên, phải vâng phục. Chủ chăn có làm sai thì cũng là "thực hiện ý Chúa", có nói sai thì phải nhớ câu tục ngữ VN: "Muốn nói ngoa làm cha mà nói". Qủa thật HY Phạm Minh Mẫn rất rành "thói đời"!