Vũ khí nào phải giã từ? |
Tác Giả: Gioan Lê Quang Vinh | |||
Thứ Hai, 16 Tháng 8 Năm 2010 06:56 | |||
Thánh Anphongsô đã “lập ra Dòng để chăm sóc người nghèo, theo gương Chúa Kitô, như được ghi rõ trong Hiến Pháp và Quy Luật Dòng Chúa Cứu Thế” Khi đọc một tác phẩm văn học hay chỉ là một bản văn ngắn, người ta không chỉ chăm chú vào ngữ nghĩa mà có khi còn phải đọc “behind the words”, những cái đàng sau câu từ có khi lại khác và không phải câu chữ bao giờ cũng đúng theo nghĩa đen. Văn hào Hemingway viết “Giã từ vũ khí” (A Farewell to Arms) để trình bày một khía cạnh tàn khốc, vô nhân của chiến tranh, sự hủy diệt khôn lường của vũ khí. Thế nhưng nếu người đọc nông cạn vừa đọc xong tác phẩm ấy thì sẽ vội phán “phải giã từ vũ khí”, thế thì phụ nữ không được khóc, vì nước mắt là vũ khí của phụ nữ; “phải lên án chiến tranh”, thế thì khi người ngoài đến cướp tài sản nhà anh, bắt vợ con anh, anh phải mỉm cười trao hết cho họ, vì nếu anh kháng cự là anh gây chiến tranh. Và sẽ bất nhẫn khi trưng ra tác phẩm của Hemingway, dùng lại nhận xét của nhiều người “Chiến tranh, xung đột, hận thù, chưa bao giờ mang lại điều gì hay ho, tốt đẹp, ngoại trừ lợi lộc của một số cá nhân, tổ chức, quốc gia” để rồi kết án Thái Hà và Dòng Chúa Cứu Thế, coi việc lên tiếng bênh vực người nghèo và đòi công lý như là hành vi gây chiến tranh. Tôi nhận được một bài viết, chính xác là thư rơi, dài dòng, nói quanh quẩn để đi đến kết luận như trên. Một cách đọc Hemingway vụng về và một cách vận dụng đầy ác ý. Bất nhẫn hơn nữa là bài viết được tung ra đúng dịp kỷ niệm hai năm những giọt nước mắt rơi xuống, những ngọn nến được thắp lên và những tâm hồn thiện chí thấy gắn bó với Hội Thánh hơn. Tôi không là tu sĩ bên trong bức tường tu viện, nhưng là người tự cảm thấy mình là người gắn bó với nhà Dòng và yêu mến các hoạt động vì công lý, vì người nghèo của nhà Dòng, tôi không thể im lặng, cho dù bài viết ấy chẳng có gì sâu sắc để chúng ta phải quan tâm. Nhưng tôi muốn nói với tác giả thư rơi ấy rằng ông không chỉ xúc phạm đến các tu sĩ bên trong tu viện DCCT mà thôi, nhưng ông còn làm tổn thương những con người được nhà Dòng coi là “thành viên bên ngoài tu viện” nữa. Bài viết ca ngợi DCCT trong quá khứ, với những hoạt động tông đồ và bác ái. Người viết bài ấy cũng thừa nhận những công lao của nhà Dòng đối với dân tộc này và đối với cá nhân ông. Nhưng ông cho là những hoạt động vì công lý, vì người nghèo trước kia là đáng tuyên dương, còn sau này, cũng vì công lý, cũng vì người nghèo, thì DCCT lại “phạm tội”. Không biết có phải tác giả muốn nói rằng việc tông đồ hay việc đòi công lý phải tùy thời và tùy đối tượng? Và không biết đây có phải là cách trả ơn cho các ân nhân của đời ông bằng cách gửi thêm Thánh giá cho các ngài, để các ngài thêm công phúc (?!) Khi ông viết Thánh Anphongsô đã “lập ra Dòng để chăm sóc người nghèo, theo gương Chúa Kitô, như được ghi rõ trong Hiến Pháp và Quy Luật Dòng Chúa Cứu Thế”, thì ai cũng tưởng ông sẽ đến kết luận “vậy thì các tu sĩ DCCT phải quên mình, đứng lên vì người nghèo, ủng hộ người thấp hèn trong xã hội”. Nhưng không, ông lại kết án Thái Hà, và ông nói như phim Việt nam, rằng ông “bỗng dưng muốn khóc” vì Thái Hà đã qua đi “nhưng những gì để lại thật khó định danh, định lượng và định tính, nhưng rõ ràng nhất là Satan và các thế lực vô thần xấu xa luôn biết nắm bắt cơ hội để gây nghi ngờ, chia rẻ” (sic, xin giữ nguyên chính tả). Có lẽ ông quên rằng Chúa Giêsu đã phán rằng Ngài đến để gây chia rẽ. Nhưng chia rẽ mà Chúa Giêsu mang đến không phải là chia rẽ giữa những con người thiện chí, mà vì Chúa Giêsu loan báo triều đại của công lý, nên kẻ nào sống trong bóng tối sẽ tự chia rẽ mình ra khỏi ánh sáng. Thái hà cũng vậy thôi. Những ai ủng hộ bóng tối thì làm sao hòa hợp được với Thái hà. Ước chi ông ấy đến Thái hà và nghe những người nghèo nói mấy lời, hẳn ông sẽ nghĩ khác, viết khác. Tác giả thư rơi trên còn phán xét nghe rụng rời: “Nhưng THÁI HÀ cũng là đầu dây mối nhợ của sự xung khắc giữa Tỉnh Dòng DCCT và hàng Giáo Phẩm Việt Nam.” Tôi nghĩ kết án này quả thật là võ đoán và vô căn cứ. Chẳng lẽ vì Thái hà đòi công lý cho dân nghèo mà hàng Giáo Phẩm Việt Nam xa Thái Hà, xa nhà Dòng? Nói như thế, tác giả bài viết ấy đánh giá Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thấp quá. Thực tế, tác giả đã không nhìn thấy bao nhiêu vị Giám Mục đã đến dâng lễ, cầu nguyện tại Thái Hà, bao nhiêu vị đã lên tiếng ủng hộ Thái hà. Hơn nữa, ông ấy không là Giám mục, sao lại nói giùm các Giám mục điều mà chắc chắn các ngài cũng bất ngờ. Và nếu có những bất đồng như tác giả thư rơi ấy bất đồng thì cũng là chuyện thường tình. Ở đời có trăm ngàn lý do để người ta phủi tay đứng nhìn đồng loại lâm cảnh gian nan. Nhưng khách quan mà nhận xét, vũ khí Thái Hà đã dùng là gì? Là lời cầu nguyện. Là nến sáng. Là cành thiên tuế. Là nụ cười nhân hậu. Là kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô. Vậy tại sao phải giã từ? Có lẽ nên giã từ những châm chọc, những thư rơi và những bới móc làm cho vết thương anh em mình lở thêm ra. Tôi không muốn viết dài dòng để trả lời từng điểm trong thư rơi vốn đã dài dòng ấy. Tôi chỉ xin kết luận bằng một chi tiết được nêu trong bài: tác giả thư rơi ấy nhắc đi nhắc lại mình gắn bó với DCCT. Gắn bó thì quý lắm, nhưng xin đừng thêm một nụ hôn buồn. Người nghèo đã khổ rồi. Dân tộc chúng ta đã tủi cực nhiều rồi. Nếu không góp được một ngọn nến trong Thánh Lễ cầu nguyện cho công lý tại một nhà thờ DCCT, thì cũng xin đừng nỡ đem gió đến thổi tắt những ngọn nến đã được thắp lên.
|