Thứ tiếng Anh “bất thường” của tôi khi mới qua Mỹ du học |
Tác Giả: GS Đàm Trung Pháp | |||
Chúa Nhật, 13 Tháng 9 Năm 2009 05:15 | |||
Trước khi bay từ San Antonio lên Dallas để nói chuyện với toàn thể giáo chức ESL của Khu Học Chánh Dallas vào đầu tháng sáu năm 1981, tôi đã được ông Angel Gonzalez cho biết về nhu cầu cải tiến phương pháp giảng dạy ESL của họ. Vì chuyên môn của ông là giáo dục song ngữ (Tây ban nha và Anh ngữ) cho các học trò tiểu học sắc tộc Mỹ Châu La-tinh, ông không rành lắm về giáo dục ESL, nhất là ở bậc trung học, cho nên ông cần tôi cố vấn ông trong lãnh vực huấn luyện này. Ở địa vị giám đốc giáo dục song ngữ và ESL cho Dallas là một trong 10 khu học chánh lớn nhất nước Mỹ, ông Gonzalez chịu trách nhiệm nội dung học trình và phẩm chất giảng dạy cho hơn 50.000 học trò mệnh danh “có khả năng Anh ngữ hạn chế” (limited-English-proficient) từ mẫu giáo đến lớp 12. Theo ông, trong số 500 giáo chức ESL mà khu học chánh Dallas mới tuyển dụng trong thời gian qua, thì đa số thuộc loại “bắn trong bóng tối” (shoot in the dark). Họ là các giáo chức có bằng hành nghề (certified teachers) trong những bộ môn như văn (language arts), khoa học xã hội (social studies), thể dục (physical education), vân vân, nhưng chưa kiếm được việc trong bộ môn của họ. Và nay bỗng nhiên họ xin được việc để dạy ESL cho các học trò ngoại quốc nói trên 50 thứ tiếng mẹ đẻ khác nhau! Mãi cho tới niên học 1983-1984 Bộ Giáo Dục Texas mới chính thức bắt buộc giáo chức dạy ESL phải có thêm chứng chỉ hành nghề ESL (ESL endorsement). Chứng chỉ hành nghề này đòi hỏi họ phải hoàn tất vài lớp sư phạm ESL tại đại học và thi đậu một kỳ sát hạch do Bộ Giáo Dục Texas tổ chức.
Lúc ông Gonzalez đưa tôi đến hội trường thì cử tọa đã ngồi kín mọi ghế vì sắp đến giờ khai mạc. Ông Gonzalez bước lên bục thuyết trình chào mừng cử tọa và lược qua chương trình của kỳ huấn luyện mùa hè. Rồi ông mời tôi lên đứng cạnh ông bên máy vi âm khi ông giới thiệu tôi rất nồng nhiệt với cử tọa. Tôi mở đầu câu chuyện bằng một khúc quanh quan trọng trong tiến trình học vấn của tôi. Đó là một ngày cuối hè 1959, khi tôi được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (South Vietnam) và cơ quan viện trợ Mỹ (USAID) cấp cho một học bổng mang danh đầy kỳ vọng là “leadership scholarship” để du học tại Mỹ rồi trở về phục vụ đất nước, sau khi tôi đậu tú tài toàn phần ban văn chương với hạng danh dự và đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển học bổng toàn quốc do USAID tổ chức bằng tiếng Anh. Trẻ tuổi, lạc quan và đầy tự tin, tôi nghĩ mình sẽ thuận buồm xuôi gió với tiếng Anh khi qua Mỹ. Nhưng tôi lầm to, vì con thuyền tiếng Anh của tôi đã không đủ chuẩn bị để ra khơi! Không thể đổ lỗi cho ai cả, vì sự thực là tôi và các thầy dạy Anh văn của tôi thuở đó chỉ là là nạn nhân của thời cuộc mà thôi. Tiếng Anh lúc đó còn quá mới mẻ với người Việt, cho nên chính các thầy còn bị khó khăn với cách phát âm (pronunciation) cũng như sự lưu loát (fluency) trong tiếng Anh. Hơn nữa, phương pháp dạy của các thầy quá lưu tâm đến từ chương, khiến cho các hoạt động trong lớp chỉ chú trọng đến các quy luật văn phạm và khả năng dịch thuật từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại. Đó cũng là cách các thầy của tôi “học” tiếng Anh trước khi ra hành nghề. Mấy năm về sau, khi chuyên về ngữ học áp dụng tại Georgetown University, tôi mới được biết lối dạy của các thầy tôi dạo đó có danh xưng uy nghi là “phương pháp văn phạm - dịch thuật” (grammar-translation method)! Và bộ giáo khoa viết bằng tiếng Pháp mang tên “l’anglais vivant” (tiếng Anh sống) của tác giả Carpentier-Fialip do nhà sách Hachette xuất bản tại Paris, với hai ấn bản màu xanh da trời (édition bleue) và màu vàng xám (édition beige), quả thực là lý tưởng cho lối dạy và học thuở ấy. Tiếng Anh như vậy, tuy được gọi là “sống” theo tên bộ sách, thực sự được dạy như một ngôn ngữ đã “chết” rồi. Nhờ phương pháp này, khi xong trung học, tôi có khả năng dịch (qua văn viết thôi) từ tiếng Anh sang tiếng Việt và từ tiếng Việt sang tiếng Anh, bằng một thứ tiếng Anh đúng văn phạm và không sai chính tả. Tôi chẳng nói ngoa đâu, ở cái tuổi non nớt ấy, qua những bài học văn phạm tiếng Anh đã học thuộc lòng như cháo, tôi đã có thể đưa ra định nghĩa, trình bầy công thức cấu trúc, và cung cấp thí dụ chính xác thế nào là thời “tương lai hoàn thành tiến hành” (future perfect progressive tense) trong tiếng Anh, như một cái máy vậy. Kỳ dị thay, đó là một thời mà chính những người Anh, người Mỹ chính cống chỉ họa hoằn sử dụng, như trong câu “by this time next month, we will have been living in America for two weeks” chẳng hạn. Đây là một “thời” trong tiếng Anh mà tiếng Việt của tôi khó lòng diễn tả nổi, vậy mà tôi vẫn thuộc lòng! Sau một vài buổi huấn luyện qua loa về văn hóa Mỹ tại Sở Thông Tin Hoa Kỳ tại Saigon, tôi lên đường du học lúc 18 tuổi. Khi tới Honolulu, tôi được rời máy bay vài chục phút, đi bộ trong terminal của phi trường cho dãn gân dãn cốt. Chưa chi mà đã nhớ nhà đến muốn khóc! Và lần đầu tiên nghe những người xung quanh mình nói toàn tiếng Mỹ, tôi cảm thấy hồi hộp, bất an và lo lắng. Vài bữa sau, tôi đã có mặt tại trường để kịp theo học khóa mùa thu. Miami là một đại học có campus đẹp như mơ tại tiểu bang Ohio, nhưng tôi cảm thấy mình như một khách lạ lạc lõng trong thiên đường. Tôi bất chợt khám phá ra sự thật phũ phàng là “tiếng Anh nói” (spoken English) của người Mỹ bản xứ và “tiếng Anh viết” (written English), vốn là ngón sở trường của tôi, khác nhau một trời một vực. Tôi cũng thấy những bài đàm thoại (dialogues) giữa hai cá nhân A và B mà tôi đã học thuộc lòng “phòng khi hữu sự” hoàn toàn vô ích, vì làm gì có người Mỹ nào đã cùng học thuộc lòng những bài đàm thoại ấy để nói chuyện với tôi đâu! Tôi “quê” đến nỗi không biết cách đối đáp ra sao mỗi khi các sinh viên Mỹ nói “hi” với tôi. Chắc hẳn họ nghĩ là tôi không thân thiện hoặc câm hoặc điếc. Họ đâu có biết cho rằng tôi chưa hề được dạy là “hi” cũng là một lời chào hỏi như “hello” vậy. Vì không biết người Mỹ thường nói “bless you!” khi ai đó gần họ nhảy mũi (sneeze), tôi câm như hến mỗi khi anh bạn Mỹ cùng phòng của tôi nhảy mũi ồn ào. Tôi cũng có lần ngẩn người ra vì không hiểu câu hỏi nhanh như gió của anh ta, nghe ra như thể “jeet jet?” Về sau mới biết câu ấy chính là “did you eat yet?” phát âm thật nhanh, khiến cho các âm vị (phonemes) trong mấy chữ đó bị rút ngắn và dính chặt vào với nhau! Như đa số các học trò Á châu khác, tôi là một người học bằng mắt (a visual learner), và do đó dùng hình thức viết (spelling) của chữ làm kim chỉ nam phát âm chữ đó. Tai hại thay, lối phát âm kiểu này khiến tôi phát âm trật một số chữ Anh, như “Wednesday” (thành ra 3 âm tiết: wed-nes-day), “often” (phát âm cả mẫu tự “t”), “Arkansas” (vần với Kansas). Riêng nhóm mẫu tự “-ough” thực dễ sợ vì nó có nhiều lối phát âm khác nhau; tôi đã phải vô cùng cẩn trọng mỗi khi phát âm các chữ “bough, cough, hiccough, tough, though, through”! Những điều quá dễ cho người Mỹ bản xứ phát âm lại là những thử thách cho tôi, chẳng hạn sự khác biệt tế nhị giữa âm [i] trong chữ “it” và âm [iy] trong chữ “eat” hoặc giữa âm [u] trong chữ “look” và âm [uw] trong chữ “Luke.” Tôi còn nhớ mỗi lần phát âm chữ “sheet” và chữ “beach” là tôi ngại lắm vì nếu không cẩn thận chúng có thể bị nghe lộn thành hai chữ rất tục trong tiếng Mỹ! Cũng vì thiếu cơ hội thực tập phát âm tiếng Anh một cách nghiêm túc, tôi ưa mắc lỗi để trật dấu giọng chính (primary stress) trong một chữ đa âm tiết (multisyllabic word), chẳng hạn thay vì nhấn mạnh âm tiết đầu tiên của chữ “melancholy” tôi từng nhấn mạnh âm tiết thứ hai một cách sai lầm. Nguy hại hơn, nhấn mạnh sai chỗ có thể vô tình biến chữ này thành chữ khác; chẳng hạn, chữ “invalid” có hai cách phát âm: nếu nhấn mạnh âm tiết đầu tiên, chữ đó là một danh từ có nghĩa là một “phế nhân” (có thể đã hy sinh một phần thân thể cho đất nước); nếu nhấn mạnh âm tiết thứ hai, chữ đó là một tính từ có nghĩa là “vô giá trị.” Vị phế nhân sẽ buồn biết mấy nếu bị người đời phát âm trật khiến danh từ đáng kính kia trở thành một tính từ chẳng đẹp chút nào! Trong lãnh vực cú pháp (syntax) và cách chọn từ (diction), tiếng Mỹ của tôi trong thời gian đầu ở đại học là thứ tiếng Mỹ “bất thường.” Nó già nua (archaic), hoa mỹ (flowery), trang trọng (formal), bất tự nhiên (unnatural), bất chính cống (unauthentic), và do đó chẳng giống “tiếng Mỹ nói” (spoken American English) hiện đại chút nào! Nó là sản phẩm của khả năng dịch thuật của tôi cộng với những từ ngữ cổ lỗ xĩ và văn phạm cao cấp không mảy may phù hợp với tiếng Mỹ hiện đại mà tôi phải làm quen và mau chóng chinh phục. Thứ tiếng Anh bất thường của tôi lúc ấy thuộc loại “phát minh cá nhân” (personal invention) chưa bao giờ được điều chỉnh bởi “quy ước xã hội” (social convention) tức là lối nói tiếng Anh chính cống của người bản xứ. Anh bạn cùng phòng của tôi mang tên Dick Welday là một người rất thân thiện và vui nhộn. Sau vài câu chuyện trong ngày đầu chúng tôi mới gặp nhau, Dick nheo mắt nói với tôi đại khái, “Tiếng Anh của bạn ngộ (interesting) lắm đấy, nhưng tôi cũng hiểu bạn.” Chiều hôm đó, Dick dẫn vài người bạn Mỹ khác đến chơi với tôi; chắc hẳn anh ta đã nói với họ về thứ tiếng Anh lạ đời của tôi và muốn cho họ đích thân nghe tôi nói thứ tiếng ấy. Sau khi giới thiệu họ với tôi, Dick khai mào, “Phap, tell us about the weather in Vietnam when you left a few days ago.” Dùng khả năng dịch thuật tôn trọng cú pháp tuyệt đối và những từ ngữ hoa mỹ cổ kính, tôi chậm rãi trả lời, “My friends, when I took leave of my beloved fatherland, which is situated near the equator, the weather was scorchingly hot.” Họ lộ vẻ ngạc nhiên và cười tủm tỉm với lối nói tiếng Anh lạ lùng của tôi. Rồi Dick chêm thêm, “Isn’t his English interesting?” Bối rối, tôi hỏi Dick, “How would you express what I just said?” Anh trả lời gọn lỏn, “When you left Vietnam, it was hot like hell.” Tôi nghe câu ấy khoái tai quá, và đã “học” ngay được hai điều quan trọng– đó là hãy dùng “leave” thay vì “take leave of” và thành ngữ táo bạo “like hell” để biểu diễn mức độ. Toàn là những điều hữu ích quá xá mà tôi chưa hề biết đến bao giờ! Nỗ lực “giải tỏa” (unlearn) tiếng Anh cũ để “học lại” (relearn) của tôi khởi đầu từ lúc ấy. Những tuần lễ đầu tiên tại Miami University thực đầy thử thách cho tôi. Như một con cá văng ra khỏi nước, tôi không biết tương lai học vấn của mình sẽ ra sao. Tôi chưa quen nghe tiếng Mỹ của các giáo sư cho nên việc tôi cố gắng ghi chép lời giảng của các thầy là một điều thảm bại. Mỗi khi các thầy viết lên bảng điều gì là tôi vui mừng chép lấy chép để vào một cuốn vở. Bài luận văn đầu tiên của tôi trong lớp “English composition” là một bài học để đời, nhắc nhở cho tôi “đừng bao giờ bất cẩn với cách chấm câu (punctuation) tiếng Mỹ.” Bài luận văn ấy tôi đã viết rất kỹ về mọi phương diện, trừ phương diện chấm câu theo tiêu chuẩn Mỹ. Khi thấy điểm “D” bằng mực đỏ trên bài viết, tôi thất kinh, vội hỏi ông thầy tại sao tôi bị điểm kém này. Ông nói tôi phải cẩn thận tối đa với cách chấm câu và khuyên tôi nên ôn tập nhiều trong lãnh vực này. Rồi ông lấy ngón tay chỉ vào những chỗ tôi mắc lỗi lạm dụng dấu phết (comma splices) khiến cho nhiều đoạn trong bài luận trở thành những câu “không ngừng chạy” (run-on sentences)! Những lỗi này, ông nhấn mạnh, không được phép xuất hiện trong tiếng Anh bậc đại học. Trong phần còn lại của bài nói chuyện, tôi đề nghị cho áp dụng một vài “chiến lược giảng huấn chắc ăn” (surefire instructional strategies) cho chương trình ESL của DISD, sao cho học trò đang theo học tránh được những khó khăn, những thử thách mà tôi vừa trình bày, từ kinh nghiệm sống của một cựu học sinh tiếng Anh ngày nay ngó lại lối học cũ nhiều thiếu sót và đưa ra những đề nghị thiết thực để sửa sai. Quan trọng nhất là chiến lược các thầy cô cung cấp cho học trò “tiếng Anh có thể hiểu ở trong một lớp học thoải mái” vì đây là điều tối cần thiết để cho học trò thủ đắc tiếng Anh. Đây cũng là tín điều giường cột của “phương hướng tự nhiên” do hai nhà giáo ngôn ngữ Mỹ Stephen Krashen và Tracy Terrell đề xướng. Theo họ, lớp học “thoải mái” (stress-free) sẽ làm cho cơ quan ngôn ngữ (language organ) trong não bộ học trò hoạt động tích cực, và khi cơ quan ngôn ngữ nhận được “tiếng Anh có thể hiểu” (comprehensible English) nó sẽ sắp xếp (organize) và hiệu thính (monitor) các dữ kiện ngôn ngữ đó trong nỗ lực lưu trữ chúng vĩnh viễn (internalization). Như vậy những điều các thầy cô nói trong lớp phải vừa (hoặc cao hơn chút đỉnh) với khả năng hiểu của học trò. Đối với những học trò chưa biết chút tiếng Anh nào, “total physical response” (gọi tắt là TPR) là một hoạt động tối hảo. Các em này chẳng phải nói gì cả, mà chỉ nghe để hiểu xem thầy cô ra lệnh mình phải làm gì (sau khi đã xem thầy cô biểu diễn) rồi thi hành lệnh ấy – như “stand up,” “sit down,” hoặc “touch your nose with your left hand,” vân vân. Tranh vẽ, đồ vật thật (realia), diễn tả bằng nét mặt hay bằng tay chân, hoặc bất cứ phương tiện nào khác giúp học trò hiểu được điều mình nói đều được đem ra sử dụng. Đề tài quen thuộc hàng ngày như ăn uống, mua bán, giải trí đều được dùng trong các hoạt động nghe, nói, đọc, và viết trong lớp. Điều quan trọng là thầy cô phải giữ cho lớp học luôn luôn thoải mái, vui tươi. Trò chơi, ca hát, cũng như các hoạt động nhân bản (humanistic activities) khác đều có thể làm sự học tiếng Anh thêm hấp dẫn, thêm thoải mái. Học trò được khuyến khích tự do nói về mình, về gia đình, về hoài bão tương lai mình trong các hoạt động thực tập tiếng Anh. Nếp đa dạng văn hóa (cultural diversity) được đưa vào các bài đọc tiếng Anh để sự học hành thêm hấp dẫn. Krashen và Terrell cho rằng nếu lớp học không thoải mái (trong đó học trò không hiểu thầy cô nói gì, thầy cô lạnh lùng như cái máy, vân vân) thì toàn bộ cơ quan ngôn ngữ của học trò sẽ tự động ngưng làm việc (shut down). Chiến lược “ngữ dụng” (pragmatics) rất cần thiết để giúp học trò làm chủ được các “chức năng truyền thông” (communicative functions) căn bản như chào hỏi, xin chỉ dẫn, giới thiệu, xin lỗi, khen tặng, chia buồn, vân vân. Quả thực, mức thông thạo một ngoại ngữ của một cá nhân tùy thuộc vào tổng số chức năng mà người ấy sử dụng thành công. Mỗi chức năng (thí dụ “Asking for directions”) đòi hỏi học trò nắm được hai yếu tố của chức năng đó: (1) Từ vựng (bank, school, zoo, museum …) và (2) Cấu trúc câu (Where is the bank? Can you tell me where the bank is?). Chiến lược “biết trước những loại lỗi phát âm và cú pháp” gây ra do sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ của học trò cũng khá cần thiết. Dựa vào khoa “phân tích lỗi” (error analysis), chiến lược này sẽ lưu ý, nhắc nhở thầy cô đến những cái bẫy (pitfalls) tiếng Anh đang chờ học trò ESL rớt xuống. Quả thực, hầu hết học trò ESL, bất kể tiếng mẹ đẻ là gì, đều không phân biệt được sự khác biệt tế nhị giữa hai âm vị [i] và [iy] như trong cặp chữ tối thiểu (minimal pair) “it/eat” và hai âm vị [u] và [uw] như trong cặp chữ tối thiểu “look/Luke.” Học trò gốc Mỹ châu La-tinh cần luyện tập phát âm kỹ lưỡng mới mong phân biệt được sự khác biệt giữa hai âm vị [sh] và [ch] như trong cặp chữ tối thiểu “share/chair.” Âm vị [th] trong chữ “thin” bắt buộc người nói phải để đầu lưỡi vào giữa răng cửa trên và răng cửa dưới; điều này rất khó làm cho học trò ESL, và các em sẵn sàng “thay thế” nó bằng âm [s], [t], hay [f] là những âm các em “quen” hơn, khiến cho “thin” nghe như “sin” hay “tin” hay “fin”! Học trò người Việt có khuynh hướng không dùng động từ “be” trước một tính từ, chẳng hạn “We happy to see you” vì trong tiếng Việt mỗi tính từ có thể được hiểu ngầm như đã có sẵn động từ tương đương với “be” nằm trong đó. Học trò gốc Mỹ châu La-tinh có khuynh hướng không dùng chủ từ, vì đây là một đặc thù ngữ pháp của tiếng Tây ban nha, trong đó các “đuôi” của động từ (verb endings) tiết lộ rõ ràng ai là chủ từ rồi. Do đó các em có thể viết câu tiếng Anh sai văn phạm này: “Juan is not from Mexico. Is from Venezuela.” Chiến lược chót mà tôi đề nghị là cho học trò ESL “viết nhật ký hội thoại” (dialogue journals). Các em tự do viết về bất cứ điều gì mà các em thích. Thầy cô ráng bỏ thì giờ đọc và đáp lại những điều các em viết, nhưng không sửa chữa trực tiếp những lỗi chính tả hoặc văn phạm. Những lời viết đáp lại của thầy cô đúng văn phạm và đúng chính tả sẽ là gương mẫu (modeling) để các em noi theo. Quả thực, qua những trang nhật ký trao đối với thầy cô, các em sẽ có rất nhiều cơ hội so sánh “phát minh cá nhân” của các em với “quy ước xã hội” do thầy cô đã ưu ái cung cấp.
|