"Việc làm giỗ bố thằng hàng xóm không phải là việc của mình." |
Tác Giả: Nguyễn Văn Lục | |||
Thứ Sáu, 04 Tháng 12 Năm 2009 10:20 | |||
Nguyễn Văn Lục Nhắn với Nguyễn Hữu Liêm: "Việc làm giỗ Bố thằng hàng xóm không phải là việc của mình." Anh Nguyễn Hữu Liêm, (Henry Nguyen Huu Liem. EDUCATION. 1998: M.A., Philosophy, San Jose State University. 1987: J.D., University of California, Hastings College of the Law), một Việt Kiều ở San Jose mới đây được nhà nước cộng sản mời về dự Đại Hội Việt Kiều trong nước diễn ra từ 21/11/2009. Thật ra, việc anh về hay không về, tôi chẳng cần biết. Nhưng sau đó, anh có viết một bài đăng trên blog Talawas: “Nơi giữa Đại Hội Việt Kiều: Một nỗi bình an” Tôi đọc xong bài của anh, tôi ngẩn ngơ. Anh kể rằng: “Trong 20 mươi năm qua, tôi đã bao nhiêu lần về lại Việt Nam. Lần nào bước vào phi trường Tân Sơn Nhất, tôi vẫn luôn luôn mang một nỗi sợ hãi thầm kín. Không biết là lần này mình có bị trục xuất hay không? Những ngày còn ở trong nước thì vẫn nghĩ đến chuyện công an “mời lên làm việc”. Tôi vẫn là một đứa con ghẻ trên quê hương mình.” Vâng tôi đồng ý với anh trong câu kết luận. Về Việt Nam, đôi khi cảm thấy xa lạ , như “Ở một nơi nào khác”, không phải đất nước mình, quê hương mình. Cảm giác sợ là có thật, sợ bóng dáng một anh áo vàng, sợ một câu hỏi vu vơ, ngay cả sợ bóng sợ gió. Sợ nhất là khi ra Hà Nội. Tôi về Hà Nội, thăm lại gò Đống Đa, Thái Hà Ấp, nơi tôi từng theo học trong dinh của Hoàng Cao Khải. Cái Hồ bán nguyệt rộng mênh mông nay trở thành ao nuôi cá, có một cái bảng cấm ghi: Ao thả cá, cấm câu. Tôi ngó trước ngó sau chụp lén một bức. Bức tường chung quanh Văn miếu, biểu tượng của văn hóa Thủ Đô Hà Nội, nơi khách du lịch tấp nập ra vào, không ai nghĩ tới phải làm một vài cầu tiêu. Bức tường trở thành chỗ “tiểu công cộng”, chỗ “vô văn hóa” nhất. Mùi nước tiểu khai nồng nặc giữa trưa nắng. Thấy một người đàn ông “vô tư” đứng sát tường đi đái. Tôi lại dơ máy ảnh lên lén lút chụp. Vừa chụp vừa sợ, mặc dầu chụp có “giấy tờ hợp pháp”. Nhưng dù không làm một điều gì phạm pháp, tôi cũng vẫn mang mặc cảm như kẻ tội phạm. Anh cũng như tôi đều mang tâm trạng kẻ bên lề khi về thăm lại đất nước. Vậy mà nay chỉ nhận được cái giấy mời chính thức, được đón tiếp trọng đãi, anh đã thay đổi hẳn thái độ với giọng điệu ngược chiều: Quê nhà đã đón mừng và nhận lại mình. Tôi không còn sợ tổ quốc, sợ chế độ, sợ công an, sợ cộng sản... Ôi hỡi quê hương Việt Nam. Lần này, tôi đã thực sự trở về. Nghe mùi cải lương sến quá anh ạ. Hơn nữa, tổ quốc đã làm gì để anh Liêm phải sợ? Đọc kỹ lại mạch văn, thấy anh đã đánh đồng tổ quốc với chế độ, với công an và với cộng sản. Sợ thế là phải. Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa! Anh lại không quên mang tất cả kiến thức triết học với tên tuổi một số triết gia để biện luận cho cái việc trở về này, gượng ép và lố bịch. Khi anh trích dẫn Hegel, The State is the march of God on earth. Câu đó muốn nói gì? Và ăn nhập gì đến con đường trở về chỉ như một chuyến du lịch? Rồi thì anh xổ ra nào là Derrida, Husserl, Lý Đông A, Paul Ricoeur, Trần Đức Thảo, suy tôn Ngô Tổng Thống như một mớ hổ lốn. Thuyết hủy cấu trúc nằm lẫn lộn với phương pháp Hiện tượng luận. Anh nhắc đến Trần Đức Thảo, bực thầy của những người học triết ở đây thì có khác gì “chửi cha” đảng cộng sản. Trần Đạo ngao ngán thở dài, “Trần Đức Thảo, một kiếp người.” Nguyễn Khắc Viện vốn là bạn thân của ông tự hỏi, “Tôi không biết có mấy ai khốn khổ hơn ông?” Từ năm 1951, sau khi bị cách chức khỏi Khoa Trưởng khoa sử. Ông lê lết kiếp sống lưu đầy trong một căn hộ bé tý, rệu rạo mà dán tự do bò khắp nơi, đi mua từng bó củi như một người đi trên mây. Cuối đời, tâm thần ông đã bị bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia) , ngớ ngẩn. Gần chết, ông được cho đi Tây rồi chết ở bên đó. Tờ L’Humanité, một tờ báo cộng sản Pháp viết về ông ngày 26/4/1993 như sau, Tran Đuc Thao, un Marxiste dérangeant. Trần Đức Thảo, một người Mác Xít gây rắc rối. Phần anh, so với Trần Đức Thảo, anh đứng đến thắt lưng quần ông ấy chưa? Anh cứ thử về sống vài ba tháng với lối tuyên bố vung vít của anh. Và anh đừng hy vọng mang triết lý như thứ mặt nạ hay bình phong che mặt. Những lúc anh phải xử dụng ngón nghề triết lý là lúc tôi biết anh lúng túng. Có lúc rồi anh cũng sẽ để lộ cái mặt thật ra. Họ cũng sẽ coi anh là gây rối, un Viet Kieu dérengeant, Personna non grata và đá văng về lại San Jose. Về San Jose người ta cũng coi anh như một thứ người undesirable, an unwanted anh ạ. Một người bạn trẻ cũng học ban triết học như anh (nhưng tốt nghiệp tiến sĩ) gửi cho tôi lá thư mấy chữ như sau: Anh vào đọc bài của Nguyễn Hữu Liêm trên blog Talawas, thiên hạ chửi quá xá. Bài của NHL thật là Husserl’s Phenomenology. Em đọc là tá hỏa, đem triết học vô đây làm chi? Hơn ai hết, anh Liêm hiểu lối chơi chữ Phenomene ở đây là gì chứ? Và anh đã kết thúc bài viết của anh bằng những câu “nặng mùi” như sau: “Tôi nhìn lên phía trước, khi vừa hết bài quốc ca, mấy chục cô và đại biểu từ Pháp đang chạy ùa lên sân khấu, vỗ tay đồng ca bài ‘Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng’. Nhìn sang phía đại biểu Mỹ, cả những người tôi không ngờ, vỗ tay hào hứng la to: ‘Việt Nam, Hồ Chí Minh’” Anh viết như thế! Anh có biết có bao nhiêu thằng cò mồi không? Gần phân nửa đấy anh ạ. Trong khi Bùi Tín lại nặng lời, “Cuộc họp nhạt nhẽo.” Báo Người Việt Tự Do Ngôn Luận viết, “Hội Nghị người Việt, một trò lường gạt trơ trẽn.” Anh Liêm ạ. Nói với anh, một người trí thức, tôi nghĩ như vậy đã đủ. Vài dòng chót, xin nhờ anh chuyển đến các chị Việt Kiều Pháp đã te tái, sớn xác chạy lên sân khấu để nâng bi Bác. Thưa các chị, ở trong các tuồng Hát bội của ta, có nhiều loại vai như vai hề, vai tôi trung, vai tôi nịnh, vai quân lính, vai quan quyền. Các chị lại chọn đóng vai tôi nịnh. Nhưng vai đó đóng khó lắm. Các chị đóng không nổi. Ở đời đôi lúc chúng ta thà làm con chó còn hơn, bởi vì nó còn biết sủa. Các chị chỉ là loài chó cảnh không biết sủa, chỉ làm cảnh cho người ta chơi thôi. Còn về việc xưng tụng, “cúng giỗ” Hồ Chí Minh đã có Đảng. Mắc mớ gì các chị lo cho bố người hàng xóm. Tốt hơn hết các chị về cúng giỗ ông cụ, bà cụ cho tròn đạo hiếu.
|