Chung tình |
Tác Giả: Huy Phương | |||
Thứ Hai, 18 Tháng 1 Năm 2010 19:27 | |||
Từ những ngày đầu mới sang định cư tại Mỹ, ở vùng Rancho Cucamonga không có người Việt đông, muốn hớt tóc kiểu Việt Nam tôi phải lần mò về vùng Little Saigon. Tôi nói với cậu em qua Mỹ trước tôi là muốn tìm một chỗ hớt tóc rẻ tiền, thợ hớt tóc là một ông già càng tốt, hớt theo kiểu cổ điển. Tôi rất sợ nhưng cô hay cậu thợ trẻ múa may trên đầu khách, thí nghiệm kiểu cọ, cắt tóc mai xéo hay chấn ót thẳng băng, đến khi đứng dậy soi gương, thì hỡi ơi, cái đầu tóc chẳng đi đôi với khuôn mặt. Hớt tóc theo kiểu mới là hớt tóc ướt, nghĩa là gội đầu trước khi hớt, đối với những người như tôi, mang một cái đầu óc ướt, không được sấy khô trong vòng mấy mươi phút, rất dễ bị cảm. Tôi cũng không thích hớt tóc với phụ nữ (danh từ hồi xưa là thanh nữ!), tôi nghĩ đàn bà nên dùng vào việc khác, để họ xoa đầu, vuốt mặt, hình như nhột nhạt, có điều gì đó không ổn. Tôi biết anh Tám hớt tóc lần đầu tiên cách đây hai mươi năm, có cảm tưởng là tìm đúng người thợ vừa ý của mình. Anh đưa qua mấy đường cắt bằng máy chạy điện, xong dùng kéo tỉa tóc, cạo mặt chỉ trong vòng mươi phút những gọn ghẽ, tươm tất. Anh không biết bóp vai, chà đầu hay đề nghị làm thêm mấy món có thể thu thêm tiền như gội đầu, nhuộm tóc hay lấy ráy tai. Anh thật thà đến vụng về, tội nghiệp. Tôi biết anh Tám ít học, anh cũng chỉ biết chuyện thời sự qua những tin tức truyền miệng vì anh chẳng xem báo mà cũng chẳng bỏ tiền ra mua nhật báo địa phương mỗi sáng. Tôi nhận xét khuôn mặt anh có vẻ buồn buồn, không mấy phấn khởi vui tươi, điều cần thiết cho những người làm dịch vụ, phải tiếp xúc với mọi người. Anh nói chuyện cầm chừng, không “ba hoa” luôn miệng như những người thợ hớt tóc khác, tưởng như vậy là bặt thiệp làm vui lòng khách, nhưng họ biết đâu đó là một cực hình cho người nghe. Hồi đi dạy học ở một tỉnh lẻ, có lần vào hớt tóc gặp một anh thợ trẻ vui tính, anh kể cho tôi nghe một chuyện phim Ấn Ðộ mới xem tối hôm qua ở rạp, tôi muốn điên người, nhưng “lịch sự như một ông giáo,” tôi đành ngồi im, không có lẽ tôi nói: “Anh im cái mồm đi giùm tôi!” để bị cắt cổ hay cho một đường tông-đơ sát da đầu. Anh Tám của tôi thật thà đến nỗi, tôi là khách quen, khi vào tiệm, anh cũng chẳng buồn chào hỏi một tiếng. Anh không biết đập đổ hay hét giá, một phần cũng vì tôi là khách lâu năm, bù lại tôi cho anh những đồng típ tương đối hậu hĩ. Tôi quý anh và thích kiểu hớt của anh, đến nỗi, có lần, nghĩ dại, tôi không biết nếu tôi bị bệnh nằm trên giường lâu ngày, tôi có thể nhờ anh đến nhà hớt tóc cho tôi không? Cuộc đời anh, anh không như người khác, chưa hỏi đã khai, mà chính do máu phóng viên, ngồi trên ghế hớt tóc, buồn buồn, không nghe anh nói gì, tôi phải đặt câu hỏi với anh. Anh Tám trẻ hơn tuổi độ chục tuổi. Nghe nói anh trở thành thợ hớt tóc cũng chỉ là một sự tình cờ. Anh học nghề, khởi đầu nghề hớt tóc và trưởng thành trong nghề nhờ mấy cái đầu lính Mỹ trong căn cứ Cam Ranh khi anh theo một ông chủ tiệm hớt tóc trong quận lỵ nơi anh ở, ra đấu thầu làm ăn tại căn cứ quân sự này. Sang Mỹ, anh Tám thoạt đầu chưa nghĩ là mình có thể trở lại nghề hớt tóc, chỉ làm việc tay chân sống qua ngày. Về sau cả hai vợ chồng đi thi, rồi mở một cửa tiệm nhỏ, hai ghế, hai vợ chồng cũng đắp đổi qua ngày, vì chưa ai làm nghề hớt tóc mà trở nên giàu có. Sau đó mấy năm vợ anh Tám bị ung thư, qua đời, anh bỏ tiệm cũ, làm công và thay đổi nhiều chỗ. Tôi đã trung thành với anh, chịu khó theo anh từ tiệm này sang tiệm khác. Cũng như sau gần bốn năm, vì sinh kế phải bỏ Cali ra đi, từ Virginia trở lại quận Cam, tôi lại về hớt tóc với anh Tám. Tôi quên nói là trong bốn năm xa Little Saigon, có hai lần có công việc phải về lại đây, tôi đều đi tìm anh Tám để hớt tóc, cũng may là trong thời gian này anh vẫn ở nguyên chỗ cũ. Trong tiệm hớt tóc cuối cùng này, có hai ghế hớt tóc nam, anh Tám làm chung với một thanh niên khác tên Năm. Họ thuê chung trong một tiệm uốn tóc, gội đầu phụ nữ. Tôi nhớ đó là một ngày Thứ Hai, vì sáng mai phải đi xa mà tóc đã dài, tôi đi tìm anh Tám, đến nơi mới biết là anh nghỉ hôm nay. Anh Năm, người làm chung tiệm, nói với tôi ngày mai hãy trở lại, nếu không có gì gấp. Ngày mai, tôi phải lên máy bay và cần phải “thanh toán” cái đầu tóc quá dài hôm nay, nên không có cách gì hơn là ngồi vào ghế hớt tóc của anh Năm. Người hớt tóc tên Năm này còn trẻ, vóc dáng vẻ nho nhã, ăn nói cũng lịch sự và nếu nói về kỹ thuật múa kéo, lược thì đây là một tay điệu nghệ. Sau khi hớt xong, anh Năm có cái lối chải tóc, làm tăng vẻ sáng và trẻ trên khuôn mặt khách. Trong nhiều năm hớt tóc với một người thợ duy nhất là anh Tám, tôi không hề để ý đến lối chải tóc khác biệt hay xấu đẹp như thế. Lần đó tôi để lại số tiền típ trội hơn so với những lần trước cho anh Tám. Sau lần đi xa ấy, tôi lại trở lại hớt tóc với Tám như thường lệ, nhưng mỗi lần ngồi trên ghế hớt tóc, tôi không khỏi nghĩ chuyện mình đã có lần hớt tóc với Năm, và trong đầu có sự so sánh, cả hai chuyện kỹ thuật và mỹ thuật thì quả Năm là một người thợ giỏi. Bây giờ tôi mới thấy người thợ hớt tóc lâu nay cho tôi quả là vụng về, thậm chí không biết cả đến chuyện chào hỏi, và không biết cầu tiến, trong bao nhiêu năm anh Tám vẫn không học hỏi thêm gì trau dồi cho có tay nghề khá hơn. Tôi có quyền đổi người hớt tóc cho mình như đổi chỗ mua giày vớ nhiều lần trong thành phố này, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn thấy có điều gì không phải, khi tôi đã đến cũng tiệm này, hớt tóc với anh Năm trong thời gian anh Tám vắng mặt. Có hôm khi tôi đến tiệm, anh Tám đang bận khách trong khi anh Năm ngồi đọc báo, tôi có ý nghĩ là bước lại ghế hớt tóc của anh Năm chẳng sao, nhưng không hiểu sao tôi lại ngần ngại không muốn hành động theo ý nghĩ của mình. Nếu hai anh thợ hớt tóc này ở hai chỗ khác nhau, có lẽ tôi đã có sự chọn lựa dễ dàng hơn chăng. Cũng từ đó, mỗi khi vì bận bịu công việc cuối tuần, ngày Thứ Hai, nghĩ đến chuyện cần đi hớt tóc, tôi lại chờ hôm sau, để đợi ngày anh Tám đi làm trở lại. Bạn có nghĩ rằng, tôi suy nghĩ như vậy là có quá đáng chăng? Tôi đã theo anh Tám hớt tóc trong gần hai mươi năm trời, nếu anh biết tôi bỏ anh để đi hớt với một ông thợ khác, có tay nghề cao hơn, anh có buồn không? Ăn phở, trước năm 1975, hồi làm tại một cơ quan ở cuối đường Hồng Thập Tự, Saigon tôi ăn phở Trần Cao Vân hầu như mỗi ngày, ngồi xuống ghế là người bưng phở biết ngay là “tái-nạm-gầu-hành trần-nước béo.” Ở Little Saigon này, tôi ít khi đồng ý với bạn bè đi ăn thử một tiệm phở mới mở, chỉ vì sợ không ngon. Nhiều bạn sẽ cho rằng nếu đi ăn phở mà chỉ ăn độc mỗi tiệm, thì thà ở nhà ăn cơm còn hơn.Tôi cứ luẩn quẩn nhớ chuyện anh Tám hớt tóc cho tôi. Thế mà tháng qua, người ta loan tin anh Tiger Woods ngoại tình, không phải với một, mà trên mười cô, kể cũng lạ!
|