Phiếm chuyện tình tang |
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm | |||
Thứ Năm, 21 Tháng 1 Năm 2010 11:19 | |||
Bước chân ra ngõ gặp trai là rất hên, ấy là theo quan niệm của nhiều người Việt Nam ta chứ thực hư đến đâu chưa ai kiểm chứng. Tôi hôm nay ra ngõ cũng gặp trai, hai người là đằng khác, nhưng tiếc rằng tôi chẳng định đi đâu. Thôi thì cứ thử buôn chuyện với mấy anh chàng phong tình để lấy hên đầu năm vậy. Tình rằng có cái tình tang Ai đem tình ấy bỏ sang nhà mình Nhà mình có cái tình tang... í a... tình tang... Chết tôi rồi! Anh hàng xóm đang bồng con và hát ru điệu hát tình tang khiến tôi giật mình thon thót. Ru con kiểu gì mà cứ nhoẻn miệng cười, mắt thì đu đưa như cố ý giễu cợt người đang dần đối diện là tôi. Bài này tôi cũng chưa từng nghe, rõ ràng là do anh ta tự sáng tác. Để bỡn cợt tôi ư, nhưng tôi đâu có gì để bỏ sang nhà anh ta chứ?! - Chào bà chị! Làm gì mà cảnh giác dữ vậy? Mới đùa chút xíu đã khiến bà chị camarun (run) rồi sao? Hay là có tình ý gì với thằng em đây nên... - Xin chú, chị yếu bóng vía nên không chơi với lửa đâu. Tưởng chú mới li dị, sao lại có con bé tí tẹo thế này? - Mồi đấy chị ạ. Không có mấy nhóc con thế này cánh đàn ông tụi em còn khuya mới mắc câu nhé! - Nghĩa là sao? Chú sắm vợ mới có hàng khuyến mại kèm theo hả? - Tạm coi là vậy. Sắm sửa gì đâu, nó vác thằng nhỏ này đến ngồi lì ở nhà em, không muốn cũng phải lấy, mai mốt em giới thiệu để chị biết mặt kẻo ra đường củng nhau vỡ đầu không nhận ra hàng xóm nhé. - Hay quá! Đi đêm lắm ắt phải gặp ma có ngày! Cao tay như chú cũng bị úp sọt thì rốt cuộc đàn ông vẫn cứ là dại, là thua cánh chị em chúng tôi rồi. - Chưa biết Mèo nào cắn Mỉu nào đâu. Em lấy mẹ nó không hẳn là không yêu. Chắc số em thế nên tránh cũng không được. - Nói vậy nghĩa là chú đã quyết chí chung tình, bỏ hẳn bài ca vợ một bên và em một bên... rồi hả? - Bỏ là bỏ thế nào! Em đây còn dẻo dai, cường tráng lắm, dư sức phục vụ chị em nhiều năm nữa. Tội gì bỏ phí của giời! - Đi nhiều, biết rộng như chú, thử chung kết cho chị biết loại nào hay nhất hiện nay? - Máy bay bà già là nhất, nhất về mọi mặt chị ạ. Phi công trẻ lái máy bay bà già đang là mốt đấy! - Kể cho chị một vài cái nhất được không? - Sẵn sàng hầu bà chị. Nhưng trước tiên cứ phải nói qua về vợ em cái đã. Ca-ve chính hiệu đấy, nhưng thế quái nào em lại mê mới chết chứ! Anh trai cô ấy là “đầu trộm đuôi cướp”, bị tù giam ở chỗ em. Hôm đó cô nàng đến trại giam, dùng mỹ nhân kế khiến em đây mủi lòng cho cô ta vào thăm anh thoải mái. Dần dà thành quen, rồi tằng tịu, mê lúc nào không biết. Mẹ em chửi ầm lên, nhất quyết không cho em rước của ấy về nhà... Thôi thì cứ lấy đại một cô làm vợ, thiếu chỗ nào đã có các bà già bù đắp rồi, chả khổ đâu mà sợ. Giờ em xin nói để chị hiểu vì sao thằng em đây chỉ thích lái máy bay bà già nhé. Gọi là già nhưng chỉ hơn em một vài tuổi thôi, khoảng trên 30 một chút, vẫn xuân chán chị ạ. Người thì chồng chết, người chồng bỏ, người khác lại có chồng đi công tác dài ngày, thậm chí có người chưa lấy chồng bao giờ... Họ chẳng thiếu gì, chẳng thèm gì nhưng món đàn ông thì có thèm, có khát đấy. Lúc đầu là em chủ động làm quen, kiểu tình chị, tình em chia sẻ, đỡ đần... nói khác đi là tấn công vào vùng nhạy cảm nhất, dễ bùng nổ nhất của các bà. Đợi lúc máy bay mất phương hướng rồi thì em đây tha hồ bẻ lái. Sướng lắm chị ạ, họ chiều mình như chiều vua, cơm no bõ cưỡi chả mất mát gì, đôi khi lại có cái mang về. Nhìn em mặc áo hiệu Piere Cardin đây nè, hai triệu đồng đấy, vợ mình có cắt cổ cũng chẳng dám mua cho chồng. Được ăn ngon, mặc đẹp, gọi dạ bảo vâng, lại thoả thuê mọi thứ, đúng là máy bay bà già vừa đầm, vừa êm ái, nhất quả đất chị ạ. - Tôi từng nghe nhiều người hùng hồn tuyên bố rằng, mười thằng đàn ông chung nhau ăn một con gà non vẫn sướng hơn mỗi thằng ngồi xé một con gà già? Chú không thích ăn gà non như thế sao? - Gà non đương nhiên ai cũng thích nhưng em không chiều được, tiền đâu mà đáp ứng những đòi hỏi vô độ của các em, trừ khi là của chùa. Thôi thì chịu khó ăn chắc mặc bền, để mấy cô 8X cho các đại gia, cho mấy ông chuyên xài tiền công quỹ đi nước một, em không có tiền thì chơi nước hai, nước ba cũng chả sao, miễn không hao công, phí của là được. Giờ máy bay nhiều lắm, lượn vèo vèo quanh mình, tội gì cứ phải đuổi theo mấy em trẻ cho nhọc sức, tốn tiền... Ái chà! Rành mạch, rõ ràng như một bài toán kinh doanh, thảo nào thanh niên trẻ cặp kè hay thậm chí là kết hôn với phụ nữ lớn tuổi ngày một nhiều. Nếu tính theo cách của anh chàng kể trên thì sự chênh lệch ở đây rất có lý. Thanh niên trẻ khoẻ nhưng rỗng túi thì đến với các chị già, sự san sẻ nghe có vẻ ngậm ngùi hơn, biết chiều chuộng nhau hơn những cuộc tình mà trong đó cả hai đều ngang tài ngang sức! Kinh tế thị trường tạo ra sự cạnh tranh về mọi mặt. Nhìn một phụ nữ già cặp với một thanh niên trẻ có thể liên tưởng ngay đến bức tranh trong đó có tiền + ham muốn + ràng buộc + phụ thuộc lẫn nhau rồi... kết quả = tan vỡ. Tương tự, nếu thấy một cô gái trẻ sánh vai cùng một ông già bụng phệ, tóc hoa râm thì trong đó thể nào cũng có ít nhất một trong những thứ: nhà to, xe đẹp, tiền nhiều, ghế cao... và những hào tình phí là vô bờ bến. Điểm này chứng minh cho định lý: “có tiền mua tiên cũng được” vẫn được các quí ông khề khà nhắc đi nhắc lại trong mọi cuộc vui... Nhiều chị em bây giờ mải mê học hành, kinh doanh hoặc phấn đấu cho sự nghiệp nên thường để lỡ cơ hội tìm bạn đời. Khi tất cả đã hòm hòm thì tuổi xuân của các chị cũng bay đi ít nhiều, muốn tìm một ý trung nhân hợp tình, hợp ý thật không dễ chút nào. Nhất là trong khi đàn ông lớn tuổi thành đạt đang mải miết tìm kiếm, đeo đuổi những cô em trẻ đẹp, để quên các bà già kề cạnh mình thì đám lính trẻ lại hăng hái chăm sóc các chị, phần vì ngưỡng mộ, phần vì muốn có một điểm tựa vững chắc cả về kinh tế cũng như cho sự nghiệp... Những mối tình chị em, cô cháu hay chú cháu, thậm chí là ông cháu vì thế có xu hướng tăng lên, tạo ra những cuộc hôn nhân lỏng lẻo đến... hãi hùng. Thực tế cho thấy đa phần sự lệch lạc quá nhiều về tuổi tác trong hôn nhân đều không có sức bền, đặc biệt với các cặp phi công trẻ và máy bay bà già. Thường thì hạnh phúc chỉ kéo dài được trên dưới mười năm, khi anh phi công trẻ trưởng thành về mọi mặt, có một chút vênh vang với đời thì nhu cầu hưởng thụ lại bùng lên và cơn khát của lạ hối thúc anh ta tìm đến người phụ nữ trẻ khoẻ hơn bà già của mình. Tan vỡ là điều khó tránh khỏi, trừ khi giữa họ có sự ràng buộc không lối thoát. Ngày nay định kiến trai tân với gái nạ dòng không còn ở mức quá ầm ĩ như trước kia nữa nên việc một thanh niên tạu trâu dắt thêm cả ghé được chấp nhận dễ dàng hơn. Nhưng đáng tiếc những cuộc hôn nhân kiểu này cũng luôn ở tình cảnh chấp chới bên bờ vực, hoặc nếu không người phụ nữ đành chấp nhận cảnh đi sớm về khuya của chồng, nhắm mắt làm ngơ mọi chuyện nhăng nhít bồ bịch của anh ta. Mệt mỏi và rệu rã. Dù biết trước là vậy nhưng họ vẫn cứ đến với nhau, lao vào nhau như cuộc đời này nhất định phải thế. Kinh tế mở đã đem lại rất nhiều nhưng cũng lấy đi không ít. Chưa bao giờ đồng tiền lại chi phối đến mọi lĩnh vực cuộc sống như hiện nay. Nam nữ tự tìm hiểu nhau, nhưng để quyết định đến với nhau hay không thì bóng dáng vật chất vẫn lẩn khuất đâu đó sau ánh sáng tình yêu. Một thời gian dài trong quá khứ, việc hôn nhân đại sự ở ta là do cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Quan niệm này đã khiến không ít người phải rơi nước mắt vì tình duyên lỡ dở khi cha mẹ không chấp thuận, khi hai gia đình không môn đăng hộ đối. Ngày nay nam nữ được tự do yêu đương, phần lớn đều biết tự đánh giá tiềm lực của bản thân cũng như gia đình nên trước khi đến với nhau họ đã tìm hiểu về thân thế và tài chính của nhau khá kĩ để cân bằng hoặc bù trừ cho nhau. Vì thế các bậc cha mẹ gần như trút được nỗi lo liệu môn có đăng, hộ có đối hay không. Nhưng khổ một chút là họ cũng không đủ uy để can thiệp vào những chuyện đình chướng tai gai mắt, đôi khi đi ngược với quy phạm đạo đức xã hội... Theo đánh giá chung của nhiều nhà xã hội học, nếu kinh tế gia đình ở mức vừa phải, nghĩa là không giàu nhưng cũng không quá nghèo thì gia đình sẽ êm ấm, thuận hoà. Một cặp vợ chồng có thể yêu thương, sát cánh bên nhau, chia sẻ mọi gánh nặng khi họ còn rất nghèo. Lúc vượt qua khó khăn, kinh tế dư dả lại là lúc gia đình bất hoà nhiều nhất. Có lẽ do cả hai đã quá cực nhọc với nỗi lo cơm áo gạo tiền, khi không còn gánh nặng lo toan, ai nấy đều tự cho mình có quyền biết, quyền hưởng thụ những thứ mà trước kia vì quá mải mê làm việc hoặc không có điều kiện nên họ không được biết, không được hưởng. Ngoại tình nếu không xảy ra với cả hai thì chắc chắn có ở phía người chồng... Và thế là lỏng lẻo, là tan vỡ bất thình lình mà cả hai trước đó đều chưa từng tưởng tưởng. Anh hàng xóm của tôi có thời cũng tung hoành ngang dọc lắm, nhưng đó là lúc anh có thể xả láng dùng tiền chùa. Giờ ngân quỹ hạn hẹp, tỏ ra rất biết mình nên anh ta mới chấp nhận dùng đồ second hand của các anh tài đã thải ra khi lên đời đấy! Những chiếc máy bay bà già lượn vèo vèo quanh anh ta là hoàn toàn có thật. Nhiều - nghĩa là tỷ lệ vỡ nát các tế bào nhỏ của xã hội đang tăng lên, hình ảnh những gia đình hạnh phúc theo đúng nghĩa cũng đang trở thành ước mơ khá xa vời của chị em phụ nữ. Có đáng buồn, đáng lo không?
|