Chương Trình “Táo Quân 2010” bị cắt bớt “Gai” |
Thứ Sáu, 05 Tháng 2 Năm 2010 10:43 | |||||
“Đảng ta” đã kịp thời thò tay chỉnh huấn . . .
Xuất phát từ những khó khăn trong việc đầu tư thời gian dàn dựng của chương trình Gặp Nhau Cuối Tuần trên sóng truyền hình, dẫn đến chương trình này bị loại bỏ. “Gặp Nhau Cuối Năm” như là một sáng tạo mới song song, tiếp nối cho chương trình Ga La Cười và Gặp Nhau Cuối Tuần trên truyền hình ở Việt Nam. Táo Quân – Chương trình hài “Gặp Nhau Cuối Năm” được giới thiệu đúng vào dịp ngày 23 tết Âm Lịch (Ông Táo chầu trời) và trên sóng truyền hình đêm Giao Thừa từ năm 2003 đến nay, đã được khán giả truyền hình là người Việt trong cũng như ngoài nước hưởng ứng và mong đợi. Bởi thông qua chương trình này những sự kiện nóng của xã hội trong năm sẽ được tái hiện lại dưới góc nhìn đấu tranh, châm biếm, đả kích bằng tiếng cười sảng khoái… Có lẽ trong cả một hệ thống truyền thông, báo chí, văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay, không có một sản phẩm văn hóa văn nghệ nào dám công khai phê phán những nghịch lý, bất công của xã hội như chương trình Gặp Nhau Cuối Năm – Táo Quân. Đấu tranh bằng tiếng cười đả kích, châm biếm, đã từng là một phương thức phản kháng ôn hòa “không dùng gươm” rất thâm thúy của những người dân lành trong xã hội Việt Nam thời Phong Kiến, giữa giai cấp bị trị với kẻ bóc lột. Đồng thời, vũ khí sắc bén này đã đi vào Thi Ca, Hò Vè, Truyện Cười, như là món ăn tinh thần cho nhân dân. Chương trình Gặp Nhau Cuối Năm trên truyền hình Việt Nam, lâu nay được nhiều người mong đợi không kém gì một món quà “giải khát”, nhằm giải tỏa những bức xúc trong một xã hội ngột ngạt, bức bối vì nhân quyền bị tước đoạt, vì tự do bị xâm hại, một xã hội lộn xộn về trật tự trị an, thui chột về văn hóa, xuống cấp về lối sống. “Chửi” thay – Đó là nhu cầu có thật của hàng triệu người dân Việt Nam hiện nay- Mà chương trình Táo Quân đã làm được một cách tương đối hoàn hảo, thông qua tiếng cười. Nếu ai đã theo dõi chương trình Táo Quân- Gặp Nhau Cuối Năm năm 2009, hẳn còn nhớ chương trình ấy đã “khui” ra nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong năm như: Nạn hàng rởm đầu độc sức khỏe người dân, chuyện bi hài “ngực lép không được lái xe”, sự rối loạn của giao thông, cảnh sát giao thông làm “mãi lộ”, chuyện người nông dân mất đất vì “sân Gôn và Gốp” (chính phủ- Tiếng Anh viết tắt- Phiên âm tiếng Việt), nhà nước dự báo láo về kinh tế và thời tiết vv… Thế nhưng chương trình Gặp Nhau Cuối Năm 2010 chào xuân mới và tiễn đưa năm cũ, năm Con Trâu, của Đài Truyền Hình Việt Nam, dường như đã có sự can thiệp của thế lực chính trị nào đó. Công sức vất vả của các nghệ sĩ hài và đạo diễn đã kết thúc bằng buổi ghi hình chính thức vào tối 31/1/2010. Sau đó, sẽ được đưa vào “hậu kỳ” để cắt xén từ hơn 3h diễn xuống còn 1h 30’ cho đủ thời lượng của chương trình đêm Giao Thừa năm Âm Lịch. Tuy nhiên, chương trình Táo Quân 2010 “vấn đề phê phán sẽ bớt gai góc hơn”. Bên cạnh đó, sẽ đề cao những điều đã làm được của các ngành. “Nếu chỉ có phê phán thì họ sẽ không tâm phục khẩu phục. Biết khen đúng lúc đúng việc, sẽ là sự khích lệ to lớn để các ngành phấn đấu và phát huy”, đó là lời tiết lộ của nghệ sĩ Chí Trung- Một danh hài thường xuyên có mặt trong chương trình Táo Quân… Thế là vũ khí phê phán, chính là sự “gai góc” của tiếng cười đã bị hạn chế, thay vào đó là sự tuyên dương và khen ngợi “đúng lúc, đúng việc”. Tại sao lại có chuyện bất thường như vậy? Chẳng khó khăn lắm thì người ta cũng đoán được là, “Đảng ta” đã kịp thời thò tay chỉnh huấn ê kíp làm chương trình hài Táo Quân 2010. Với hơn 700 “tờ” báo, và cả một hệ thống truyền thông rộng khắp của quốc doanh trong tay, hàng ngày người dân Việt Nam được nghe ra rả không biết bao lần về điệp khúc khen ngợi “tài năng, đạo đức của Đảng, của nhà nước”. Vậy mà chỉ còn một sân chơi văn nghệ phê phán duy nhất (cũng là duy nhất một năm có một chương trình) thì đã rõ ràng là có “bàn tay đen” can thiệp! Đã đến lúc truyền thông Việt Nam phải được tư nhân hóa và độc lập hóa, truyền thông phải phản ánh trung thực và khách quan mọi mặt của đời sống xã hội có tự do dân chủ. “Mèo khen mèo dài đuôi” là điều hiển nhiên trong một xã hội mà kẻ cầm quyền độc tài, độc quyền đơn phương kiểm soát hoàn toàn mọi hoạt động sống của xã hội. Phê phán chính là sức hấp dẫn sâu sắc của tiếng cười, nhưng nếu “giảm bớt sự gai góc”, tức là giảm bớt sự phê phán, “cắt gọt” sự phê phán, thì chắc chắn chương trình Táo Quân – Gặp Nhau Cuối Năm sẽ không còn sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với người xem như trước nữa!
|