Home Phiếm Các Tác Giả Thư của Cọp gửi cho một bà vợ

Thư của Cọp gửi cho một bà vợ PDF Print E-mail
Tác Giả: Liên Hoan   
Thứ Bảy, 27 Tháng 2 Năm 2010 12:37

Hãy nhìn đi! Nhìn ngay lúc này: tóc bà rối bù, quần áo bà nhăn nhúm, guốc dưới chân bà méo mó

Bà thân mến,
 
Tôi là Cọp. Tôi biết xưa nay bà không quan tâm tới cọp, chỉ để ý tới giá gạo, giá nước mắm, kem dưỡng da, kem tan mỡ... và bao nhiêu thứ linh tinh khác. Cọp beo, hổ báo hay chim chóc đối với bà chả quan trọng gì. Gà vịt thì may ra chỉ vì chúng ăn được. Nhưng năm 2010 là năm Cọp, tôi xin phép nhắc bà điều ấy, dù biết bà sẽ cáu: kệ xác cọp chứ. Cọp có ăn thịt được  ta đâu.

Thưa bà, bà nhầm. Đúng là đã từ lâu, cọp chả ăn thịt ai. Không phải cọp hiền (cọp còn lâu mới hiền), mà vì thiên hạ lúc này quá đông, ăn người nào và không ăn người nào phải suy nghĩ kỹ. Và trong khi cọp suy nghĩ, người  ta ăn cọp. Hay nói chính xác hơn, uống cọp. Bà chắc biết có một nhãn hiệu bia nổi tiếng in hình con cọp mà đàn ông rất khoái, trong đó có chồng bà.

Bà thân mến,
 
Tôi biết đã từ lâu bà chả quan tâm đến việc chồng uống gì, thậm chí  ăn gì. Đã từ lâu bà kệ xác ông, ông muốn ra sao thì ra, chỉ cần có nộp tiền về nhà. Tôi hiểu một cách sâu sắc rằng, bà chả phiền về chuyện ông say. Đối với các bà vợ ở thành phố hôm nay, có ông chồng say là điều hết sức bình thường. Thậm chí, nếu không say mới là lạ.
 
Bởi chắc bà cũng đồng ý với tôi rằng, tuy tất cả đàn ông đều nghĩ mình vĩ đại, nhưng thực ra số kẻ thật sự vĩ đại ít vô cùng. Do đó, khả năng một phụ nữ lấy phải một ông chồng bình thường hay thẳng thắn hơn, tầm thường, là rất cao và  nhiều cơ sở bà cũng nằm trong số đó. Bà đã hiểu, đã thấm thía và đã quen điều đó.
 
Nhưng dù bà rộng lượng tới đâu thì có một điều bà vẫn không chịu nổi: đó là chồng say rượu, say bia, say thuốc lá, say đá bóng, say tivi nhưng lại không say mình.
 
Thà “lão ta” không say từ đầu cho cam. Đằng này, đã có một thời, cách đây chưa xa,  lão say mê bà. Lão sung sướng được  chở bà đi chơi, lão vui mừng được dẫn bà đi xem phim, lão mua hoa tặng bà, chờ bà dưới trời mưa, thậm chí còn rụt rè làm thơ tặng bà. Dù thơ ấy không xuất bản nhưng bà vẫn nhớ như in. Tất nhiên, so với thơ tình của Xuân Diệu, thơ lão dở hơn cả tỷ lần nhưng được cái chân thành, cứ năm từ lại có một từ “em”, bảy từ lại có một từ “yêu”.
 
Thế mà chính người đàn ông ấy, sau sáu bảy năm chung sống, vụt trở nên bèo nhèo, cáu gắt và xộc xệch. Quần đùi thì rộng, áo may ô thì rách, ngủ ngáy te te, về nhà thì say lảo đảo.

Bà ơi,
 
Bà đừng giận tôi. Bà đừng nên nghĩ ông mê chai bia vì chai bia có hình con cọp. Nếu vậy, bà chỉ việc dán hình cọp lên lưng mình là giải quyết  xong mọi chuyện. Cuộc sống không đơn giản vậy đâu bà ạ. Tôi cho rằng việc ông nhà dễ dàng say đủ thứ nhưng không say bà có lỗi phần lớn là  ở bà.
 
Ngày xưa khi ông gặp bà, bà là một cô gái nhí nhảnh. Tóc bà kẹp hình con bướm, má bà đỏ hồng, mắt bà long lanh. Ngày xưa, bà suốt ngày chỉ nói tới công chúa, tới hoàng tử. Bà thút thít khóc khi xem một bộ phim và cười khanh khách khi nhìn thấy một con chó con. Đừng nói ông, lúc ấy cả thế giới đều say bà. Vậy mà chỉ sau vài năm chung sống, bà đã thay đổi ra sao? Có phút giây nào bà nhìn lại mình chưa?
 
Hãy nhìn đi! Nhìn ngay lúc này: tóc bà rối bù, quần áo bà nhăn nhúm, guốc dưới chân bà méo mó, đầu bà ngày xưa có kẹp tóc hình con bướm, nay là hai cái lá khô. Mắt bà  xưa long lanh, bây giờ long dữ dội, long sòng sọc...
 
Bà không khóc khi xem phim nữa và nhìn chung, bà chả xem gì ngoài bảng giá ở chợ. Bà khóc khi gạo bị mốc và nước mắm bị chua. Bà không yêu chó con nữa, mà yêu gà vịt, vặt lông và chặt đầu, chặt cánh nếu nó rẻ. Bà cũng không hỏi ông về thơ, mà hỏi lương đâu, hoạnh họe chuyện đi sớm về trễ.
 
Vì vậy, phải thú thực rằng, say bà là điều quá khó khăn. Đã có vài lúc tôi  tâm sự với chồng bà, kiểu như hai người đàn ông với nhau, ông thú thật có những phút tỉnh táo, ân hận tràn về, ông cũng cố muốn say bà nhưng không sao làm nổi. Đã vậy, ông vừa giơ tay định vuốt vai thì bà gạt ra, ông nói một câu dịu dàng thì bà sinh nghi. Cơn say ông vừa  cố nhóm lên đã bị dập tắt phũ phàng.

Thưa bà,
 
Chắc bà đồng ý với tôi, tình thương phải cần cảm xúc. Muốn cảm xúc phải được nhìn cái đẹp. Bà đã từng công nhận điều này. Nhưng bà có chịu khó duy trì và phát huy vẻ đẹp đó không?
Tôi hiểu những khó khăn của bà nhưng cũng mong bà hiểu những khó khăn của ông. Ông không phải kẻ xấu (tuy có thể là kẻ già). Ông rất muốn say bà như say bia, nhưng bà không cho ông cơ hội.
 
Vậy bà hãy mở lòng ra. Hay đúng hơn, hãy chỉnh đốn lại từ lòng mình, đến cả trang phục và đầu tóc mình. Bà sẽ thấy mùa xuân lại đến, không phải từ những giếng dầu như lời một bài hát, mà từ gia đình.
 
Chúc bà may mắn.
 
Cọp vằn!
 
Lê Thị Liên Hoan